Hà Nội đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách cũng như xây dựng các chương trình khuyến công theo từng giai đoạn (ảnh Đỗ Đạt) |
Thực hiện Nghị định số 45/2012/NĐ-CP ngày 21/5/2012 của Chính phủ về khuyến công, tính trong giai đoạn 2012 – 2019, thành phố Hà Nội đã tổ chức 625 lớp truyền nghề, nâng cao tay nghề cho gần 22.000 lao động nông thôn; hỗ trợ 110 lượt cơ sở công nghiệp nông thôn đầu tư đổi mới thiết bị, ứng dụng máy móc tiên tiến, hiện đại vào sản xuất; tổ chức 18 hội chợ, 4 triển lãm ngành hàng thủ công mỹ nghệ, sản phẩm công nghiệp nông thôn thành phố Hà Nội.
Kết thúc các khóa truyền nghề, cấy nghề, đã có trên 80% số lao động có việc làm. Chương trình truyền nghề, nhân cấy nghề đã góp phần đưa tỷ lệ lao động được đào tạo nghề của Hà Nội lên trên 40%, tạo thêm việc làm cho gần 17 nghìn lao động khu vực nông thôn.
Các chương trình hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến đã phát huy tốt hiệu quả, thực sự là “đòn bẩy” hỗ trợ hữu hiệu cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn trong việc đổi mới áp dụng máy móc thiết bị tiên tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng năng suất lao động, hạ giá thành sản phẩm, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Thông qua việc tổ chức các hội chợ, triển lãm, chất lượng của các mặt hàng, ngành hàng ngày càng được nâng cao, nhiều sản phẩm mới có tính sáng tạo được trưng bày thu hút nhiều nhà nhập khẩu, khách quốc tế.
Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, thời gian qua, các chương trình, chính sách khuyến công đã giúp các cơ sở công nghiệp nông thôn có hướng đầu tư đúng, nâng cao năng lực quản lý, mở rộng sản xuất – kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường.
Cơ cấu kinh tế tại khu vực nông thôn đã có sự chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, phát huy tiềm năng lợi thế của địa phương. Đồng thời, tạo điều kiện cho các cơ sở công nghiệp nông thôn nâng cao năng lực cạnh tranh, đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp một cách bền vững.
Các chủ trương, chính sách đã tạo điều kiện cho các cơ sở công nghiệp nông thôn nâng cao năng lực cạnh tranh, đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp một cách bền vững. |
Chỉ tính riêng giai đoạn 2012 – 2022, đã có trên 3.790 lượt cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn Thành phố được thụ hưởng chính sách khuyến công. Giá trị sản xuất công nghiệp nông thôn giai đoạn 2012 – 2022 tăng trưởng bình quân đạt trên 6 – 8%/năm, góp phần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngoại thành theo hướng công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ.
Theo bà Trần Thị Phương Lan, ngày 20/11/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1881/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình khuyến công quốc gia giai đoạn 2021 – 2025 với các mục tiêu: Thúc đẩy hoạt động kết nối giao thương các sản phẩm công nghiệp nông thôn và hình thành các sản phẩm, nhóm sản phẩm có sức cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu thị trường, đặc biệt là thị trường xuất khẩu; gia tăng giá trị và nâng hàm lượng công nghệ cao trong các sản phẩm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp.
Đồng hành với doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn trong giai đoạn 2021 – 2025, ngành Công thương Hà Nội đặt mục tiêu hỗ trợ trên 10.000 lượt doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn Thành phố từ Chương trình khuyến công, tạo việc làm cho 60.000 – 70.000 lao động nông thôn. Tạo ra trên 3.500 mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ có thiết kế mới phục vụ thị trường trong và ngoài nước.
Đẩy mạnh và mở rộng các thị trường xuất khẩu ngành hàng thủ công mỹ nghệ, phấn đấu đưa kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng thủ công mỹ nghệ hồi phục và tăng trưởng bình quân 6-8%/năm. Hỗ trợ phát triển 8 – 10 nhóm ngành sản phẩm chủ lực, được Thành phố công nhận 150 – 180 sản phẩm công nghiệp chủ lực.
Ngoài ra, tiếp tục thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; kết nối chuỗi giá trị bền vững.