Hà Nội: Phân cấp, ủy quyền để nâng cao sự hài lòng của người dân

Mặc dù Hà Nội đã đạt nhiều kết quả tích cực trong việc phân cấp, ủy quyền nhưng mới chỉ là bước đầu. Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng khẳng định, thời gian tới, Thành phố sẽ tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa, làm sao để tạo điều kiện tốt nhất phát huy các nguồn lực phát triển và cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh, nâng cao sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp.

Triển khai bài bản, khoa học, hiệu quả

Báo cáo tại Hội nghị trao đổi kinh nghiệm về phân cấp, ủy quyền trên một số lĩnh vực kinh tế – xã hội với các học viên của lớp “Bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho các đồng chí Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII”, do Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức, ngày 9/3, ông Hà Minh Hải, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội khẳng định, nhận thức rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của việc phân cấp, ủy quyền, Thành ủy Hà Nội đã chỉ đạo quyết tâm triển khai xây dựng Đề án về đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền trên địa bàn Thành phố.

Hà Nội: Phân cấp, ủy quyền để nâng cao sự hài lòng của người dân
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Lương Toàn)

Thành phố đã thành lập Ban Chỉ đạo triển khai xây dựng Đề án đẩy mạnh phân cấp quản lý nhà nước, ủy quyền, với các quan điểm, nguyên tắc xây dựng phân cấp, ủy quyền theo đề xuất từ dưới lên, đồng thời từ trên xuống; phân cấp, ủy quyền triệt để cho cấp huyện, cấp xã (đối với những nhiệm vụ được phép theo quy định của pháp luật) theo tinh thần giảm đầu mối, tầng nấc, việc nào, cấp nào nào sát thực tế hơn, giải quyết kịp thời và phục vụ tốt hơn các yêu cầu của tổ chức và người dân thì giao cho cấp đó thực hiện, phù hợp với trình độ, khả năng quản lý.

Hà Nội đã triển khai xây dựng Đề án đẩy mạnh phân cấp quản lý nhà nước, ủy quyền một cách bài bản, khoa học, có tính đến yêu cầu quản lý của một đô thị lớn. Trong đó, rà soát tổng thể những nhiệm vụ quản lý nhà nước thuộc thẩm quyền của cấp Thành phố, cấp huyện, cấp xã tại các Luật, Nghị định, Thông tư; rà soát toàn bộ thủ tục hành chính Thành phố đang triển khai. Từ đó, xác định những nhiệm vụ nào đã được Thành phố phân cấp, ủy quyền; những nhiệm vụ nào chưa được phân cấp, ủy quyền và có nghiên cứu, đề xuất tiếp tục phân cấp, ủy quyền đối với những nhiệm vụ chưa được phân cấp, ủy quyền.

Trên cơ sở đó, Thành phố tiếp tục điều chỉnh bổ sung quy định phân cấp cho cấp huyện đối với 9 lĩnh vực, là những lĩnh vực liên quan đến các vấn đề dân sinh, với ít nhất 210 nhiệm vụ chính được phân cấp. Cùng với đó, Thành phố đã thực hiện phân cấp, ủy quyền đối với 708/1.910 thủ tục hành chính, đạt tỷ lệ khoảng 37% tổng số thủ tục hành chính.

Hà Nội: Phân cấp, ủy quyền để nâng cao sự hài lòng của người dân
Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Lương Toàn)

Phó Chủ tịch Hà Minh Hải cho rằng, việc phân cấp, ủy quyền bước đầu mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính; giúp chính sách, các quy định của pháp luật được thực hiện nhanh chóng, chính xác; rút ngắn khoảng cách giữa cơ quan hành chính nhà nước các cấp với người dân, doanh nghiệp; đơn giản hóa quy trình, hồ sơ, qua đó, rút ngắn thời gian giải quyết, tiết kiệm thời gian, chi phí cho người dân, doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục hành chính; cải thiện, nâng cao Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX), Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước của Thành phố.

Từ kinh nghiệm triển khai phân cấp, ủy quyền, thành phố Hà Nội cũng chỉ ra một số khó khăn, hạn chế, như các quy định pháp luật còn chồng chéo, thiếu thống nhất, nhận thức ở các cấp còn hạn chế, dẫn đến lúng túng trong triển khai thực hiện. Một số đơn vị chưa phân định rõ giữa việc phân cấp, ủy quyền; chưa phân định rõ việc phân cấp, ủy quyền và việc giao nhiệm vụ làm chủ đầu tư các dự án. Nguồn lực cấp Thành phố hay cấp huyện hiện đều chưa đáp ứng toàn bộ nhu cầu đầu tư…

Phát huy tốt các nguồn lực cho phát triển

Phát biểu tại hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng khẳng định, quyết tâm đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền của Thành phố xuất phát từ thực tế công tác cải cách hành chính chưa đạt yêu cầu, quy trình giải quyết thủ tục hành chính còn cản trở phát huy các nguồn lực đầu tư phát triển. Ví dụ như nhà đầu tư muốn bỏ tiền ra để xây dựng trường trung học phổ thông, trong khi nhu cầu Thành phố thì rất cần, nhưng làm thủ tục 3 năm không giải quyết được.

Hà Nội: Phân cấp, ủy quyền để nâng cao sự hài lòng của người dân
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải báo cáo tại hội nghị. (Ảnh: Lương Toàn)

“Từ những vấn đề như thế và câu “Hà Nội không vội được đâu” dư luận hay nói mà chúng tôi coi là “nỗi đau”, lãnh đạo Thành phố quyết tâm phải làm bằng được phân cấp, ủy quyền”, ông Đinh Tiến Dũng chia sẻ.

Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, để có được kết quả phân cấp, ủy quyền như hiện nay, Thành phố đã phải mất hơn 1 năm triển khai các bước bài bản, chi tiết, bảo đảm tính khoa học, đủ căn cứ pháp lý và đặc biệt phải thực hiện với quyết tâm chính trị rất cao trước hết là trong Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy, rồi Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố.

Bí thư Thành ủy Hà Nội chia sẻ: “Kinh nghiệm của chúng tôi là phải ngay từ đầu thành lập Ban Chỉ đạo sau khi trao đổi thống nhất thì giao nhiệm vụ cụ thể cho các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị liên quan; đặc biệt là phải giao khoán chỉ tiêu. Như vừa rồi, Thành phố đã giao ít nhất phải phân cấp, ủy quyền được 40%. Khi làm thì phải có đầu, có cuối, nghĩa là phân công nhiệm vụ rồi thì phải hướng dẫn, kiểm tra, đánh giá”.

Mặc dù kết quả vừa qua rất tích cực, nhưng Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng cho rằng, đây mới chỉ là bước đầu. Thời gian tới, Thành phố sẽ tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa, làm sao để tạo điều kiện tốt nhất phát huy các nguồn lực phát triển và cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh, nâng cao sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp.

Hà Nội: Phân cấp, ủy quyền để nâng cao sự hài lòng của người dân
Quang cảnh hội nghị. (Ảnh: Lương Toàn)

Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng – Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương bày tỏ nhất trí với ý kiến trao đổi của lãnh đạo thành phố Hà Nội; đồng thời cảm ơn và đánh giá cao sáng kiến tổ chức hội nghị trao đổi kinh nghiệm với lớp “Bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho các đồng chí Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII”. Điều này hoàn toàn phù hợp với tinh thần đổi mới trong thiết kế chương trình học tập mà Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đang triển khai thực hiện.

Ông Nguyễn Xuân Thắng cũng đánh giá cao kết quả, cách làm, kinh nghiệm và đặc biệt là quyết tâm chính trị của thành phố Hà Nội trong thực hiện nhiệm vụ phân cấp, ủy quyền và cải cách hành chính vừa qua.

Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đề nghị các học viên trên cơ sở trao đổi của thành phố Hà Nội tiếp tục tìm hiểu, nghiên cứu để bổ sung kiến thức trong quá trình học tập tại học viên, tích lũy kinh nghiệm để áp dụng vào công tác trong thời gian sắp tới.

Hoàng Phúc
https://laodongthudo.vn/ha-noi-phan-cap-uy-quyen-de-nang-cao-su-hai-long-cua-nguoi-dan-153333.html