Hà Nội phấn đấu năm 2024 ngành Công nghiệp văn hóa đóng góp khoảng 5% GRDP

Năm 2023, ngành Văn hóa và Thể thao Thủ đô đã phối hợp tổ chức 2.230 các sự kiện với quy mô khác nhau, trong đó nổi bật: Lễ hội thiết kế sáng tạo, Lễ hội ẩm thực, Lễ hội áo dài, Lễ hội Festival thu Hà Nội, chương trình biểu diễn nghệ thuật của nhóm nhạc Blackpink – Hàn Quốc… Qua đó, góp phần thu hút khách du lịch, quảng bá về đất nước, con người, văn hóa Việt Nam, Thủ đô Hà Nội tới bạn bè quốc tế.

166639z5061305095253-3774073f59426c1d660e66a15877285b-1.jpg

Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Vũ Thu Hà trao Cờ thi đua xuất sắc của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội. (ảnh: ĐCS)

Ngày 11/1, tại Bảo tàng Hà Nội, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành Văn hóa và Thể thao năm 2024. Đồng chí Vũ Thu Hà – Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố đã dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

Bám sát chỉ đạo của Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố về nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội năm 2023, nhiệm vụ phát triển Ngành theo chỉ đạo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã phát huy hiệu quả vai trò tham mưu, lãnh đạo, điều hành toàn ngành đổi mới phương thức quản lý, chủ động sáng tạo, kịp thời ban hành các văn bản hướng dẫn thuộc lĩnh vực phụ trách theo thẩm quyền, đạt nhiều kết quả nổi bật.

Theo đó, từ đầu năm tới nay, tổ chức hiệu quả, sáng tạo các hoạt động kỷ niệm lễ hội, sự kiện theo chỉ đạo của Trung ương, Thành phố và các hoạt động thuộc thẩm quyền của Sở Văn hóa và Thể thao (năm 2023, ngành văn hóa và thể thao đã phố hợp tổ chức 2.230 các sự kiện với quy mô khác nhau trong đó nổi bật: Lễ hội thiết kế sáng tạo, Lễ hội ẩm thực, Lễ hội áo dài, Lễ hội Festival Thu Hà Nội…), thông qua đó tạo được không khí, cảm hứng cho hoạt động chung của Thành phố. Đặc biệt đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị tổ chức thành công chương trình biểu diễn nghệ thuật của nhóm nhạc Blackpink – Hàn Quốc. Đây là sự kiện mang tính quốc tế có quy mô lớn thu hút sự quan tâm của đông đảo khán giả trong, ngoài nước góp phần thu hút khách du lịch, quảng bá về đất nước, con người, văn hóa Việt Nam, Thủ đô Hà Nội tớ bạn bè quốc tế.

Phong trào “Toàn dân đoàn kết, xây dựng đời sống văn hóa”, các hoạt động văn hóa cơ sở luôn được Sở quan tâm chỉ đạo thực hiện hiệu quả hướng về cơ sở. Nền tảng giá trị đạo đức được giữ gìn, 02 Quy tắc ứng xử văn hóa của Thành phố bước đầu đã có kết quả; góp phần đẩy lùi tệ nạn xã hội, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; phát huy tốt vai trò tự quản của thôn, làng, tổ dân phố trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, xây dựng tổ dân phố văn hóa, thôn văn hóa.

Công tác tham mưu quản lý nhà nước và nhiệm vụ phát triển nghệ thuật được, nhiều chương trình, sản phẩm chất lượng cao được hình thành trên cơ sở hội tụ các gia trị tinh hoa nghệ thuật truyền thống và hiện đại được ra mắt, thu hút đông đảo Nhân dân tham gia.

Công tác quản lý di sản, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản trên địa bàn Thành phố được thực hiện tốt; nhiều giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc được giữ gìn và phát huy thông qua việc xếp hạng di tích, công nhận Bảo vật quốc gia, tổ chức các hoạt động giáo dục truyền thống, việc đầu tư tu bổ các di tích. Các di tích danh thắng thuộc Thành phố tiếp tục có nhiều sáng tạo trong việc tổ chức các hoạt động.

Song song với đó, công tác quản lý, phát triển hoạt động thể dục thể thao được quan tâm chú trọng. Về thể thao thành tích cao, Đoàn Thể thao Hà Nội tiếp tục hoàn thành chỉ tiêu, kế hoạch Sea Games 32 – Campuchia và Asiad năm 2023. Nhiều môn thể thao tiếp tục duy trì là mạnh tại đấu trường trong nước và quốc tế như: Vật, Wushu, Karate, Bắn cung, Cầu mây, Billard& Snooker… Kịp thời khen thưởng và xây dựng những chế độ, chính sách, đảm bảo đội ngũ huấn luyện viên, vận động viên yên tâm công tác và cống hiến cho ngành Thể thao Thủ đô. Về thể thao quần chúng, phong trào “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” diễn ra rộng khắp trên toàn thành phố. Ý thức, nhận thức của nhân dân về việc luyện tập, tham gia các hoạt động thể dục thể thao để nâng cao sức khỏe ngày càng nâng cao trở thành nhu cầu thiết yếu…

Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành Văn hóa Thủ đô cũng thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, hạn chế; nhất là hoạt động quảng cáo, nghệ thuật biểu diễn, không gian phố đi bộ trên địa bàn thành phố, khai thác, sử dụng các thiết chế văn hóa và thể thao còn chậm, bất cập, thiếu kịp thời. Việc triển khai các dự án tu bổ, tôn tạo các di tích, các di tích quốc gia đặc biệt rất chậm; một số di tích đã xuống cấp, hư hại và có nguy cơ sụp đổ.

Năm 2024, ngành Văn hóa và Thể thao Hà Nội tiếp tục triển khai Chương trình hành động của Thành ủy thực hiện Nghị quyết 15-NQ/TW của Bộ Chính trị, Chương trình 06-CTr/TU của Thành ủy về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2023 – 2025”, trong đó tập trung triển khai 19 đề án, kế hoạch của Sở Văn hóa và Thể thao là cơ quan chủ trì thực hiện.

Bên cạnh đó, ngành Văn hóa và Thể thao tập trung rà soát, bổ sung các nhiệm vụ trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ chỉ tiêu các lĩnh vực Công nghiệp văn hóa; xác định vùng, quận, huyện có sẵn lợi thế, tiềm năng, tài nguyên để tập trung đầu tư, phát triển ngành Công nghiệp văn hóa phù hợp, phấn đấu các ngành Công nghiệp văn hóa đóng góp khoảng 5% tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của thành phố…

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND thành phố Vũ Thu Hà đánh giá cao những nỗ lực của ngành Văn hóa và Thể thao trong năm qua khi đã đạt 7/7 chỉ tiêu đề ra.

Theo đó, Đại hội XIII của Đảng xác định: “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc”. Ngoài ra, Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc; Kết luận số 76/KL/TW ngày 4/6/2020 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI về xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước… Đây đều là chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về văn hóa rất quan trọng.

Đặc biệt, trong tháng 12 vừa qua, trực tiếp Thủ tướng Chính phủ đã dự Hội nghị về các ngành công nghiệp văn hoá và Hội nghị tổng kết ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân Thành phố cũng có nhiều chương trình, nghị quyết, kế hoạch để tập trung nguồn lực lớn phát triển văn hóa Thủ đô.

Sang năm 2024, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố yêu cầu, với vai trò và vị thế đã đặt ra đối với ngành Văn hoá Thủ đô, cần nâng cao năng lực của người làm công tác văn hóa, thay đổi nhận thức, thay đổi cách tiếp cận trong quản lý văn hóa. Bên cạnh đó, cần tháo gỡ, rà soát, đề xuất các cơ chế, chính sách cho lĩnh vực văn hóa ở các địa phương để kịp thời giải quyết vướng mắc, nhất là khi Luật Thủ đô được thông qua và có hiệu lực.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đề nghị các đơn vị, địa phương cần bổ sung danh mục đầu tư cho lĩnh vực thể thao và nghệ thuật. Đây là cơ sở quan trọng để triển khai hiệu quả CNVH; thực hiện bài bản, tổng thể chuyển đổi số trong công tác quản lý, bảo tồn, khai thác và phát huy giá trị văn hóa…

Ghi nhận những thành tích đã đạt được của ngành Văn hóa và Thể thao Thủ đô trong năm 2023, Thủ tướng Chính phủ đã tặng Bằng khen cho 2 đơn vị, gồm: Ban Quản lý Di tích danh thắng Hà Nội và Trung tâm Văn hóa Khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tặng Cờ thi đua xuất sắc cho Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội; tặng Bằng khen cho 2 đơn vị và 2 cá nhân vì đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp văn hóa và thể thao Hà Nội trong năm 2023./.

Việt Thương

Hà Nội phấn đấu năm 2024 ngành Công nghiệp văn hóa đóng góp khoảng 5% GRDP (nguoihanoi.vn)