Hà Nội: Phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số là trọng tâm trong cải cách hành chính

Thành phố duy trì và vận hành ổn định hệ thống giao ban trực tuyến, hệ thống hòm thư điện tử công vụ; hệ thống quản lý điều hành tác nghiệp; hệ thống thông tin báo cáo, triển khai cấp hơn 39 nghìn chữ ký số miễn phí cho công dân Hà Nội để thực hiện thủ tục hành chính (TTHC), giao dịch điện tử.

Phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số là nhiệm vụ trọng tâm

Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội vừa báo cáo Hội đồng nhân dân Thành phố kết quả công tác cải cách hành chính (CCHC) năm 2023. Theo đó, công tác CCHC của Thành phố đã có chuyển biến tích cực, rõ nét, kết quả CCHC được Trung ương và người dân ghi nhận, đánh giá cao, chỉ số PARINDEX năm 2022 của Thành phố xếp thứ 3/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Năm 2023, thành phố Hà Nội xác định ưu tiên triển khai phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số là nhiệm vụ trọng tâm trong CCHC. Thành phố đã kiện toàn, hợp nhất Ban Chỉ đạo chuyển đổi số Thành phố thành Ban Chỉ đạo CCHC, chuyển đổi số thành phố Hà Nội; chỉ đạo, xây dựng và triển khai Kế hoạch, văn bản các nhiệm vụ của các ngành liên quan đến xây dựng chính quyền số, chuyển đổi, đảm bảo triển khai hiệu quả Nghị quyết số 18-NQ/TU ngày 30/12/2022 của Thành ủy.

UBND Thành phố cũng ban hành các kế hoạch về chuyển đổi số, xây dựng thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; ban hành 4 quy chế quản lý, vận hành, khai thác các hệ thống thông tin/cơ sở dữ liệu của Thành phố; ban hành quy định bổ sung mã định danh điện tử của các cơ quan, đơn vị trực thuộc UBND Thành phố; hoàn thành cập nhật Kiến trúc chính quyền điện tử phiên bản mới nhất, hoàn thành việc xây dựng nền tảng chia sẻ, tích hợp dùng chung (LGSP).

Hà Nội: Phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số là trọng tâm trong cải cách hành chính
Người dân làm thủ tục hành chính tại Bộ phận một cửa Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội. Ảnh HL

Đồng thời, vận hành chính thức 4 hệ thống thông tin, ứng dụng dùng chung quan trọng, cốt lõi, gồm: Hệ thống thông tin báo cáo Thành phố; Hệ thống quản lý văn bản và điều hành tập trung Thành phố; Kênh tiếp nhận phản ánh kiến nghị của người dân và doanh nghiệp qua ứng dụng Zalo; Ứng dụng quản lý cuộc họp Ban cán sự đảng UBND Thành phố, UBND Thành phố và sẵn sàng kết nối, tích hợp, chia sẻ thông tin dữ liệu với các Bộ, ngành Trung ương và Chính phủ.

Bên cạnh đó, Thành phố đã hoàn thành hạng mục thuê dịch vụ công nghệ thông tin; thực hiện rà soát các hiệu năng tính năng của Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của Thành phố theo các quy định hiện hành; kết nối Cổng dịch vụ công quốc gia, Cơ sở dữ liệu quốc gia về Dân cư theo yêu cầu Đề án 06 của Chính phủ.

Đồng thời, kết nối với VNPost; tổng đài, tin nhắn SMS; đẩy mạnh kê khai thuế điện tử; triển khai các nhiệm vụ về việc cấp căn cước công dân gắn chíp điện tử và đăng ký, kích hoạt tài khoản định danh điện tử trên ứng dụng VNeID cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động trên địa bàn Thành phố, đạt 99,99%.

Thành phố cũng duy trì và vận hành ổn định hệ thống giao ban trực tuyến, hệ thống hòm thư điện tử công vụ; hệ thống quản lý điều hành tác nghiệp; hệ thống thông tin báo cáo, triển khai cấp hơn 39 nghìn chữ ký số miễn phí cho công dân Hà Nội để thực hiện TTHC, giao dịch điện tử. Thành phố đã tiếp nhận 257 phản ánh, kiến nghị qua kênh Zalo, trong đó 139/257 phản ánh, kiến nghị liên quan đến công tác giải quyết TTHC đã được chuyển đến cơ quan chuyên môn để giải quyết và phản hồi cho người dân, doanh nghiệp…

Hà Nội: Phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số là trọng tâm trong cải cách hành chính
Cán bộ Công an phường Đội Cấn, quận Ba Đình hướng dẫn người dân cài đặt, sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Ảnh HL

Vận hành hệ thống họp trực tuyến liên thông 2 cấp, 3 cấp

Thực hiện chỉ đạo, kế hoạch của Thành phố, các quận, huyện, thị xã đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số.

Tại huyện Hoài Đức, Chánh Văn phòng UBND huyện Đồng Thị Nga cho biết, huyện tiếp tục duy trì hoạt động trang thông tin điện tử, cung cấp đầy đủ các thông tin về quy trình, hồ sơ, thời gian, mức thu lệ phí của các TTHC công khai tại Bộ phận Một cửa và cho phép cá nhân, tổ chức có thể tải về các mẫu văn bản, tờ khai để hoàn thiện hồ sơ theo yêu cầu.

Đồng thời, vận hành hệ thống họp trực tuyến liên thông 2 cấp, 3 cấp. Trong năm 2023, đã phục vụ đầy đủ, kịp thời, đúng thời gian 45 cuộc họp giao ban trực tuyến của Chính phủ, Thành phố và của huyện.

UBND huyện cũng thiết lập, tạo tài khoản cho 835 cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc các cơ quan, đơn vị thuộc huyện, triển khai thực hiện gửi, nhận văn bản điện tử trên phần mềm với cấp huyện đạt 98%, cấp xã đạt 87% (trừ văn bản mật); ký số cho tất cả các văn bản điện tử gửi trên môi trường mạng (trừ các văn bản mật); thành lập 100% tổ công nghệ số cộng đồng tại các thôn, tổ dân phố trên địa bàn huyện…

UBND quận Thanh Xuân chỉ đạo 11 phường tích cực, chủ động, thay đổi nhận thức và thói quen làm việc của cán bộ, công chức và người lao động để tiếp cận và ứng dụng công nghệ số theo mô hình mới. Đồng thời, tuyên truyền, vận động 100% người dân trong độ tuổi lao động của phường sử dụng điện thoại thông minh cài đặt và sử dụng các ứng dụng do cơ quan nhà nước khuyến cáo.

Hà Nội: Phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số là trọng tâm trong cải cách hành chính
Công chức Bộ phận một cửa quận Đống Đa hướng dẫn thủ tục hành chính cho người dân. Ảnh HL

Quận Ba Đình lại ra mắt ứng dụng Ba Đình Smart với các chức năng chính: Giúp người dân phản ánh trực tiếp các vấn đề trong đô thị đến chính quyền xử lý; Xem camera giao thông an ninh quanh khu vực; Tìm kiếm các hạ tầng dịch vụ trên bản đồ số; Tìm kiếm các số điện thoại đường dây nóng hỗ trợ khi cần thiết; Tiếp nhận các thông báo, cảnh báo quan trọng từ chính quyền đến người dân địa phương. Các thông tin phản ánh sẽ được UBND quận chỉ đạo các đơn vị chức năng, UBND 14 phường giải quyết và cập nhật công khai thông tin cho người dân kiểm tra, giám sát.

Sử dụng hiệu quả hệ thống một cửa điện tử dùng chung 3 cấp

Theo Phó Chủ tịch UBND quận Đống Đa Trịnh Hữu Tuấn, trong công tác xây dựng chính quyền điện tử và chuyển đối số, 100% các cơ quan nhà nước trên địa bàn quận đã được kết nối với hệ thống mạng WAN nội tỉnh phục vụ trao đổi dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước cấp quận kết nối đến Trung tâm dữ liệu của thành phố.

Quận cũng khai thác, sử dụng hiệu quả hệ thống một cửa điện tử dùng chung 3 cấp của Thành phố với 100% TTHC được thực hiện trên phần mềm dùng chung 3 cấp của Thành phố, công khai tiến độ, kết quả giải quyết hồ sơ để công dân, tổ chức theo dõi, kiểm soát quá trình giải quyết.

Để việc thực hiện công tác CCHC, xây dựng chính quyền điện tử và chuyển đổi số đạt hiệu quả, UBND quận Đống Đa kiến nghị Trung ương ban hành cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi và động lực cho các tổ chức, doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin nghiên cứu, phát triển dịch vụ và sản phẩm ứng dụng vào lĩnh vực này.

Đồng thời kiến nghị Thành phố xem xét ban hành chính sách khuyến khích người dân, doanh nghiệp tham gia dịch vụ công trực tuyến (như miễn, giảm phí lệ phí, đẩy mạnh thanh toán trực tuyến, không dùng tiền mặt…); tăng cường nguồn nhân lực công nghệ thông tin cho các đơn vị (đặc biệt là cấp xã, phường); Nghiên cứu phát triển ứng dụng mobile để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp… thực hiện dịch vụ công trực tuyến trên thiết di động.

 

Phương Thảo