Kế hoạch nêu trên của UBND Thành phố Hà Nội nhằm nghiên cứu, giải trình, tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) theo ý kiến của của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 31 ngày 14/3/2024 và ý kiến của Đại biểu Quốc hội chuyên trách tại Hội nghị lần thứ 5 ngày 26/3/2024 thông qua hình thức tổ chức các cuộc họp, hội thảo lấy ý kiến các Bộ, ngành, cơ quan thuộc Chính phủ, các chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực liên quan.
Bên cạnh đó, nghiên cứu làm rõ các nội dung cần quy định cụ thể trong các văn bản thi hành Luật Thủ đô; đề xuất phương án phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương về việc xây dựng các văn bản thuộc thẩm quyền của Chính phủ. Phối hợp chặt chẽ với Ủy ban pháp luật của Quốc hội và Bộ Tư pháp trong việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).
UBND Thành phố đề nghị các đồng chí Phó Chủ tịch UBND chỉ đạo việc chuẩn bị nội dung, các điều kiện cần thiết để tổ chức các cuộc họp, hội thảo; chủ trì cuộc họp, hội thảo theo phân công tại Kế hoạch do Chủ tịch UBND Thành phố ký ban hành. Các Sở, ngành được giao nhiệm vụ chủ trì khẩn trương tham mưu tổ chức các cuộc họp, hội thảo; chuẩn bị tài liệu, bài phát biểu, giấy mời, chương trình cuộc họp, hội thảo; phối hợp với các Sở, ngành liên quan để thực hiện việc mời các Bộ, ngành tham dự. Sở Tư pháp, Văn phòng UBND Thành phố phối hợp với các Sở, ngành liên quan tham mưu công tác tổ chức và chuẩn bị nội dung, các điều kiện cần thiết khác để tổ chức các hội thảo, cuộc họp theo Kế hoạch.
Theo Kế hoạch, UBND Thành phố sẽ tổ chức 6 cuộc họp, hội thảo tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) trong các lĩnh vực: 1. Các cơ chế, chính sách, quy định của Luật Thủ đô về cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị; xây dựng lại nhà chung cư;
2. Các cơ chế, chính sách, quy định của Luật Thủ đô về tài chính đất đai đối với không gian ngầm, thu lại giá trị gia tăng từ đất tại Khu vực TOD; đầu tư hạ tầng giao thông tĩnh;
3. Quy định của Luật Thủ đô về phát triển, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, trọng dụng nhân tài;
4. Các cơ chế, chính sách, quy định của Luật Thủ đô về đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), đầu tư theo hình thức hợp đồng xây dựng – chuyển giao (BT);
5. Các cơ chế, chính sách, quy định của Luật Thủ đô về liên kết, phát triển Vùng Thủ đô;
6. Đường sắt đô thị trong hệ thống giao thông thông minh và giảm ùn tắc giao thông, tiến tới loại bỏ xe máy của thành phố Hà Nội.
Các nội dung trong từng lĩnh vực tổ chức họp, hội thảo tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) được UBND Thành phố Hà Nội giao cho các đơn vị liên quan của Thành phố thực hiện, phối hợp cùng các bộ, ngành Trung ương, chuyên gia hoàn thành trong khoảng thời gian ngày 10 – 13/4/2024.
Liên quan đến Dự án Luật thủ đô (sửa đổi), Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội Nguyễn Công Anh gần đây, cho biết, Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) qua những lần xin ý kiến, cơ bản việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật được các cơ quan Trung ương, đại biểu Quốc hội đánh giá cao và tán thành nhiều nội dung, được lãnh đạo Quốc hội đánh giá đủ điều kiện để trình kỳ họp thứ 7 của Quốc hội.
UBND Thành phố Hà Nội đã chỉnh lý về mở rộng các nội dung phân cấp, ủy quyền giữa các cấp chính quyền; các quy định về văn hóa, y tế, quy hoạch, xây dựng, đầu tư, tài chính – ngân sách; cơ chế liên kết, phát triển vùng Thủ đô. Đặc biệt đã chỉnh lý nhiều quy định quan trọng về cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị, phát triển theo định hướng giao thông công cộng; các quy định về thử nghiệm có kiểm soát, thí điểm các mô hình mới. Đồng thời nghiên cứu, chỉnh lý về bố cục, sắp xếp lại các chương, điều, khoản, điểm trong dự thảo Luật.
Dự kiến tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV sắp tới, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi)./.
Trung Kiên