Hà Nội tăng cường cơ sở vật chất, hạ tầng cho giáo dục, y tế, văn hóa

Sáng nay (8/4), tại Kỳ họp thứ tư, Hội đồng nhân dân (HĐND) thành phố Hà Nội, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu Hà Nội Đỗ Anh Tuấn đã thay mặt Ủy ban nhân dân (UBND) Thành phố trình bày Tờ trình về bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025 và phân bổ kế hoạch vốn năm 2022, để thực hiện kế hoạch đầu tư xây dựng, cải tạo trường học công lập đạt chuẩn quốc gia, nâng cấp hệ thống y tế và tu bổ, tôn tạo di tích trong giai đoạn 2022-2025 và các năm tiếp theo của thành phố Hà Nội.

Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Anh Tuấn, việc bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025 và phân bổ kế hoạch vốn năm 2022, để thực hiện kế hoạch đầu tư xây dựng, cải tạo trường học công lập đạt chuẩn quốc gia, nâng cấp hệ thống y tế và tu bổ, tôn tạo di tích trong giai đoạn 2022-2025 và các năm tiếp theo của thành phố Hà Nội là nội dung nhằm cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ Thành phố, các chương trình công tác của Thành ủy trong các lĩnh vực giáo dục, y tế và văn hóa. Qua đó, khơi dậy mọi tiềm năng, khơi thông mọi nguồn lực, tạo động lực mới cho sự phát triển của Thủ đô với mục tiêu phát triển bền vững, hài hòa, đồng đều.

Theo tờ trình, tổng nhu cầu đầu tư ban đầu đối với 3 lĩnh vực theo đề xuất ban đầu của 3 sở và UBND các quận, huyện, thị xã là 109.728 tỷ đồng gồm 3.303 dự án. Trong đó, các dự án cấp thành phố là 233 dự án với kinh phí là 31.403 tỷ đồng. Các dự án cấp huyện là 3.070 dự án với kinh phí là 78.324 tỷ đồng, trong đó, cấp huyện đề nghị ngân sách thành phố hỗ trợ 43.996 tỷ đồng.

Hà Nội tăng cường cơ sở vật chất, hạ tầng cho giáo dục, y tế, văn hóa
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư trình bày tờ trình tại Kỳ họp.

Tuy nhiên, sau khi rà soát, Thành phố xác định tổng nhu cầu 3 lĩnh vực xác định nguồn vốn theo nguyên tắc cân đối các cấp ngân sách là 97.495 tỷ đồng với 3.385 dự án. Trong đó, các dự án cấp thành phố là 236 dự án, kinh phí là 26.621 tỷ đồng. Các dự án cấp huyện là 3.149 dự án, kinh phí là 70.874 tỷ đồng.

Theo chỉ đạo của UBND Thành phố, phạm vi triển khai đầu tư xây dựng, cải tạo trường học công lập đạt chuẩn quốc gia; nâng cấp hệ thống y tế; tu bổ, tôn tạo di tích trên toàn địa bàn thành phố trong giai đoạn 2022-2025 và các năm tiếp theo với yêu cầu đầu tư phải hiệu quả, tiết kiệm, đúng quy định của Nhà nước về đầu tư, quản lý công sản, phù hợp với quy hoạch, thiết thực với người dân và xã hội.

Đánh giá thực trạng đối với lĩnh vực giáo dục, y tế, di tích, UBND Thành phố cho biết, Hà Nội dẫn đầu cả nước về quy mô, mạng lưới trường lớp, chất lượng giáo dục mũi nhọn, về số học sinh đạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế; đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 2 sớm hơn mục tiêu đề ra. Tổng số trường công lập đến hết năm 2021 là 2.237 trường. Hiện nay, tốc độ tăng dân số cơ học tại các quận và tại một số huyện đang gây sức ép lớn đối với các trường học, không bảo đảm quy mô trường, lớp để bảo đảm đạt chuẩn quốc gia.

Về lĩnh vực y tế, địa bàn thành phố Hà Nội có 82 bệnh viện, trong đó có 41 bệnh viện công lập trực thuộc, gồm 13 bệnh viện đa khoa thành phố, 13 bệnh viện đa khoa huyện, 15 bệnh viện chuyên khoa. Số giường bệnh/1 vạn dân đạt 27,5 giường. Chất lượng khám, chữa bệnh được nâng cao; phát triển và ứng dụng nhiều kỹ thuật chuyên sâu, hiện đại trong chẩn đoán, điều trị. Nhưng cơ sở vật chất của nhiều bệnh viện còn chưa bảo đảm. Hiện nay, 100% trạm y tế trên địa bàn thành phố đã đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã.

Tuy nhiên, hiện nay, Bộ Y tế ban hành thông tư mới về thiết kế trạm y tế xã, phường, thị trấn và danh mục trang thiết bị tối thiểu của trạm y tế tuyến xã; còn rất nhiều trạm y tế được đầu tư xây dựng từ lâu, đến nay đã xuống cấp cần được đầu tư xây mới, nâng cấp mở rộng và cải tạo, sửa chữa nâng cấp để bảo đảm đủ số lượng và chất lượng buồng phòng theo yêu cầu của chuyên môn của ngành y tế, đặc biệt là trong bối cảnh dịch Covid-19.

Đối với lĩnh vực di tích, trên địa bàn thành phố hiện có 21 cụm di tích quốc gia đặc biệt (89 di tích đơn lẻ), 1.160 di tích cấp quốc gia, 1.452 di tích cấp thành phố và 3.221 di tích chưa được xếp hạng. Nhiều không gian văn hóa sáng tạo cộng đồng đã được khai thác hiệu quả, trở thành sản phẩm văn hóa – du lịch nổi bật của Thủ đô. Tuy nhiên, hiện nay, còn tồn tại nhiều di tích xuống cấp nghiêm trọng, có nguy cơ sập đổ, cần đầu tư, tôn tạo.

Đầu tư mới, nâng cấp công trình trường học và y tế cần thực hiện đồng bộ

Thẩm tra về lĩnh vực này, Ban Kinh tế – Ngân sách HĐND Thành phố đồng tình, việc tăng cường cơ sở vật chất, hạ tầng phục vụ 3 lĩnh vực giáo dục, y tế và tu bổ, tôn tạo di tích là rất quan trọng, tạo điều kiện để phát triển giáo dục, y tế, gìn giữ và phát triển văn hóa theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ Thành phố, phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được Thành ủy báo cáo Bộ Chính trị.

Hà Nội tăng cường cơ sở vật chất, hạ tầng cho giáo dục, y tế, văn hóa
Ban Kinh tế – Ngân sách HĐND thành phố Hà Nội trình bày tóm tắt các báo cáo thẩm tra.

Tuy nhiên, để có cơ sở phục vụ các đại biểu xem xét, thống nhất thông qua Kế hoạch, Ban Kinh tế – Ngân sách đề nghị UBND Thành phố báo cáo làm rõ về khả năng cân đối của ngân sách các cấp để đáp ứng nhu cầu vốn của kế hoạch. Nhu cầu vốn cần bổ sung cho kế hoạch đầu tư công trung hạn các cấp để triển khai kế hoạch đầu tư cho 3 lĩnh vực này là khá lớn. Vì thế, nguồn vốn bổ sung so với số vốn đã được cân đối, xác định trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 của các cấp địa phương (cả cấp thành phố và cấp huyện) cần được thuyết minh thêm để bảo đảm tính khả thi.

Ban Kinh tế – Ngân sách HĐND Thành phố cũng đề nghị UBND Thành phố tiếp tục rà soát số liệu, nhu cầu vốn đầu tư của 3 lĩnh vực, ưu tiên tập trung đầu tư các công trình trường học, y tế của các địa bàn, phấn đấu hoàn thành xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao và 5 huyện phấn đấu lên quận; đầu tư xây dựng các công trình bệnh viện theo Chương trình 08-CTr/TU của Thành ủy (khóa XVII) để hoàn thành chỉ tiêu giường bệnh/vạn dân, trong đó cần tính toán có giải pháp tăng cường xã hội hóa đầu tư nhằm giảm áp lực đầu tư công, đặc biệt là các công trình bệnh viện đã được Thành ủy chỉ đạo thực hiện xã hội hóa đầu tư.

Do khối lượng dự án nhiều, nhiều dự án di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt thủ tục đầu tư phức tạp, Ban Kinh tế – Ngân sách đề nghị UBND Thành phố chỉ đạo, phân loại có kế hoạch để sớm hoàn thành thủ tục đầu tư, hoàn thành tiến độ đầu tư theo kế hoạch và chịu trách nhiệm về danh mục, số liệu rà soát, trình duyệt.

Việc đầu tư mới, nâng cấp công trình trường học và y tế cần thực hiện đồng bộ gắn với quy hoạch và định hướng phát triển của các lĩnh vực này trong tình hình mới gắn với định hướng yêu cầu chuyển đổi số, bảo đảm hiệu quả, sử dụng tối đa các hạng mục, công năng của công trình sau đầu tư. Việc tu bổ, tôn tạo chống xuống cấp các công trình di tích là cần thiết. Tuy nhiên, phương án tu bổ phải được cân nhắc xem xét kỹ lưỡng đối với từng công trình, không thực hiện đại trà; bảo đảm nguyên tắc giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa của công trình cũng như các hạng mục của công trình đó.

T.Vũ
https://laodongthudo.vn/ha-noi-tang-cuong-co-so-vat-chat-ha-tang-cho-giao-duc-y-te-van-hoa-138245.html