Giai đoạn 2016 – 2020, thành phố Hà Nội đặt mục tiêu phát triển hơn 6,2 triệu m2 sàn nhà ở xã hội. Tuy nhiên, đến hết năm 2020, toàn Thành phố mới phát triển được hơn 1,25 triệu m2 sàn, bằng 20% so với mục tiêu đề ra và chỉ đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu. Đó cũng chính là câu chuyện dẫn đến sự kiện gần 1.500 người phải xếp hàng tham gia nộp hồ sơ mua dự án nhà ở xã hội NHS Trung Văn để lựa chọn 149 suất may mắn.
Tăng tốc xây dựng và phát triển nhà ở xã hội trong giai đoạn hiện nay là việc làm rất cần thiết. |
Nhằm tăng nguồn cung nhà ở xã hội, Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội đã ban hành Chương trình phát triển nhà ở thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 – 2030, Kế hoạch phát triển nhà ở thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 – 2025, trong đó đã định hướng chú trọng phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân các khu công nghiệp… với khoảng 1,2 triệu m2 sàn nhà ở; chuẩn bị đầu tư 1 – 2 khu nhà ở xã hội độc lập (tập trung) và nghiên cứu lập quy hoạch chi tiết 2 – 3 khu.
Đặc biệt, trong Kế hoạch phát triển nhà ở thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 – 2025, thành phố Hà Nội sẽ dành hơn 220 tỉ đồng để hoàn thiện và điều chỉnh các tòa nhà đang bỏ hoang hơn chục năm tại dự án ký túc xá cho học sinh, sinh viên Pháp Vân – Tứ Hiệp thành nhà ở xã hội. Đây là dự án được khởi công từ năm 2009, trên khu đất có vị trí đắc địa ở phía Nam Thủ đô, ngay cạnh cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ, giáp đường Vành đai 3, đường Giải Phóng và gần nhiều trường đại học, cao đẳng. Nhưng, sau hơn 10 năm, chỉ có hai khối nhà hoạt động, còn lại các tòa nhà đã cơ bản hoàn thành xây thô, nhưng vẫn bỏ trống, gây lãng phí rất lớn.
Song song với đó, Thành phố cũng phê duyệt kế hoạch chuyển đổi nhà A2, A3 từ công trình ký túc xá thành nhà ở xã hội để bán, cho thuê theo hình thức xã hội hóa bằng tiền ngân sách. Tuy vậy, quá trình chuyển giao này cũng vướng mắc nhiều thủ tục mà theo đại diện Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng thành phố Hà Nội, dự kiến việc hoàn thành chuyển đổi là vào năm 2025.
Mục tiêu 12.000 căn nhà ở xã hội
Theo số liệu từ Sở Xây dựng Hà Nội, hiện Hà Nội có 40 dự án được triển khai, trong đó 18 dự án dự kiến hoàn thành giai đoạn 2021 – 2025 với khoảng 870.000m2 sàn, dự kiến hơn 12.000 căn hộ. Và 22 dự án dự kiến hoàn thành giai đoạn sau 2025 với khoảng 22.400 căn hộ. Tuy nhiên, từ đầu năm 2021 đến hết tháng 4/2023, Hà Nội chỉ có 4 dự án nhà ở xã hội hoàn thành với khoảng 5.300 căn hộ.
Để hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển nhà ở, đặc biệt là loại hình nhà ở xã hội, Hà Nội đã khẩn trương rà soát quỹ đất và hoàn thiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư. Dự án nhà ở xã hội trên đường Tố Hữu thuộc phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm hiện đang được thi công và dự kiến sẽ là 1 trong 22 dự án Hà Nội đẩy nhanh tiến độ hoàn thành trước năm 2025. Thành phố Hà Nội cũng đang tính đến việc sẽ xây dựng nhà ở xã hội độc lập, dọc Vành đai 4 đang được triển khai để tạo ra một không gian phát triển mới, cũng như tạo thuận lợi cho giao thông. 28 dự án nhà ở xã hội còn lại với khoảng hơn 2 triệu m2 sàn nhà ở dự kiến hoàn thành giai đoạn sau năm 2025.
Có thể nói, Hà Nội đang nỗ lực triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp để đạt được các mục tiêu đã đề ra trong việc thực hiện các chương trình, kế hoạch xây dựng nhà ở, phát triển nhà ở xã hội, tuy nhiên, trong quá trình thực hiện không thể tránh khỏi những khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ. Nhiều chuyên gia cho rằng, cần có quy định rút ngắn thời gian lựa chọn nhà đầu tư xây dựng nhà ở nói chung, dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội nói riêng. Trường hợp lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức đấu thầu thì cần có quy trình đấu thầu riêng, đơn giản hóa, rút ngắn trình tự, thời gian thực hiện với nhà ở xã hội.
Bên cạnh đó, Luật Nhà ở 2014 và Nghị định 49/2021/NĐ-CP quy định chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội được UBND cấp tỉnh/ thành phố hỗ trợ toàn bộ, hoặc một phần kinh phí đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong phạm vi dự án. Tuy nhiên, luật, nghị định chưa quy định cụ thể danh mục hạng mục, công trình hạ tầng kỹ thuật trong dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở xã hội được ngân sách Nhà nước hỗ trợ, làm cơ sở để cơ quan Nhà nước đầu tư hoặc hỗ trợ đầu tư phát triển nhà ở xã hội.
Từ thực tế trên, thành phố Hà Nội đã đề xuất Bộ Xây dựng báo cáo Chính phủ ủy quyền cho Thành phố chủ động bố trí thay thế quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội cho các dự án này tại các khu nhà ở xã hội độc lập (tập trung) trên địa bàn; giao quyền cho Thành phố điều chỉnh quy hoạch các khu công nghiệp, khu chế xuất để bổ sung quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội cho thuê.
Trong giai đoạn tiếp theo thành phố Hà Nội sẽ rà soát, dành ra quỹ đất để tiếp tục phục vụ công tác phát triển nhà xã hội trên địa bàn; rà soát điều chỉnh quy hoạch để bổ sung quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội đồng bộ với các thiết chế Công đoàn phục vụ nhu cầu nhà ở cho công nhân, người lao động.
Việc phát triển nhà ở xã hội cho công nhân là vấn đề được Trung ương, thành phố Hà Nội vô cùng quan tâm. Trong những năm qua, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Chương trình phát triển nhà ở thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 – 2030, Kế hoạch phát triển nhà ở thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 – 2025, trong đó đã định hướng chú trọng phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân các khu công nghiệp. |
Tuấn Dũng
https://laodongthudo.vn/ha-noi-tang-toc-phat-trien-nha-o-156698.html