Hà Nội thành lập 6 đoàn kiểm tra, xử lý xe hợp đồng trá hình

Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Nguyễn Phi Thường cho biết, Sở đang có 6 đoàn kiểm tra, xử lý xe hợp đồng trá hình. Sở cũng đang tăng cường phối hợp với Công an Thành phố để triển khai các biện pháp xử lý tình trạng này.

Khó khăn trong công tác quản lý, xử lý vi phạm

Chiều 7/12, tại phiên chất vấn Kỳ họp thứ 14, HĐND thành phố Hà Nội khóa XVI, đại biểu Phạm Thị Hải Hoa (tổ đại biểu huyện Mỹ Đức) đã yêu cầu Giám đốc Sở Giao thông Vận tải làm rõ về tình trạng ùn tắc giao thông do còn có hiện tượng xe dịch vụ, hợp đồng trá hình, xe đưa đón tận nơi phổ biến trên địa bàn Thành phố.

Nói về tình trạng xe dù ảnh hưởng đến công tác giao thông, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Nguyễn Phi Thường cho biết, sau đại dịch Covid-19, thói quen đi lại của người dân thay đổi, lượng xe cá nhân phát triển mạnh; ý thức sử dụng phương tiện công cộng giảm xuống.

Ngoài ra, người dân còn hình thành thói quen ở nhà gọi điện; từ đó xuất hiện các app đón khách trực tiếp tại nhà và liên hệ ra đến các bãi xe hợp đồng trá hình.

Hà Nội thành lập 6 đoàn kiểm tra, xử lý xe hợp đồng trá hình
Đại biểu Phạm Thị Hải Hoa (tổ đại biểu huyện Mỹ Đức) chất vấn Giám đốc Sở Giao thông Vận tải.

“Điều này mặc dù tạo sự thuận tiện cho người dân nhưng sẽ tạo ra sự tùy tiện, gây khó khăn trong công tác quản lý, xử lý vi phạm”, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải nhận định.

Ông Nguyễn Phi Thường cũng khẳng định, loại hình xe này không chỉ làm ảnh hưởng đến giao thông mà còn gây thất thoát thuế, phí. Vừa qua, sau những vụ tai nạn nghiêm trọng như của nhà xe Thành Bưởi, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải rà soát 63 tỉnh, thành về tình trạng xe dù, bến cóc, xe hợp đồng, xe dịch vụ, xe limousine đưa đón tận nơi…

Thực hiện chỉ đạo này, Sở Giao thông Vận tải đang có 6 đoàn xử lý xe hợp đồng trá hình. Xe hợp đồng trá hình chủ yếu xung quanh các bến xe. Hiện nay Sở đã nhận diện được một số văn phòng đại diện, nhưng chỉ xác định được GPS, chưa đủ căn cứ để xử lý. Sở đang tăng cường phối hợp với Công an Thành phố để triển khai các biện pháp xử lý tình trạng này.

Có chuyên đề riêng rà soát tình trạng thanh niên lạng lách, đánh võng ban đêm

Chất vấn Giám đốc Công an Thành phố, đại biểu Lâm Thị Quỳnh Dao (tổ đại biểu quận Nam Từ Liêm) cho biết, trên một số tuyến đường vành đai, ngoại thành vẫn còn tình trạng xe vận tải kinh doanh hàng hoá quá khổ cơi nới thành thùng lưu thông trên đường và chưa được xử lý triệt để. Còn tình trạng người tham gia giao thông vượt đèn đỏ, lấn làn, đi ngược chiều; thanh niên đi môtô sử dụng vũ khí vào ban đêm… Đề nghị cho biết các biện pháp xử lý của Công an Thành phố?

Hà Nội thành lập 6 đoàn kiểm tra, xử lý xe hợp đồng trá hình
Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Nguyễn Phi Thường cho biết, Sở đang có 6 đoàn xử lý xe hợp đồng trá hình.

Trả lời chất vấn, Giám đốc Công an thành phố Hà Nội Nguyễn Hải Trung cho biết, đối với vấn đề xử lý xe quá khổ, quá tải, Bộ Công an đã xác định 4 nhóm hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây ra phần lớn các vụ tai nạn giao thông có tính chất nghiêm trọng (nồng độ cồn; quá khổ, quá tải; đi quá tốc độ). Do vậy, Bộ Công an đã chỉ đạo công an các tỉnh, Thành phố tập trung xử lý đối với 4 nguyên nhân trên.

Từ năm 2020 đến nay, Công an thành phố Hà Nội đã kiểm tra, xử lý 17.444 trường hợp vi phạm quá khổ, quá tải. Riêng 11 tháng năm 2023, Công an Thành phố đã kiểm tra, xử lý hơn 11.000 vi phạm. So với cùng kỳ năm 2022 tăng 8.006 trường hợp.

Để giải quyết vấn đề này, Công an Thành phố sẽ tăng cường tuyền truyền nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của người dân. Thực hiện việc lực lượng chức năng của huyện này sẽ đi kiểm tra tại huyện kia để tránh việc quen biết nể nang trong quá trình xử lý vi phạm hoặc phòng chức năng công an Thành phố sẽ trực tiếp xuống xử lý tại các địa bàn hay xảy ra vi phạm.

Cùng đó, tăng cường và thay đổi quy luật trong việc tuần tra, kiểm soát địa bàn. Phát động phong trào, quần chúng nhân dân tham gia phản ánh, phát giác các vi phạm trật tự an toàn giao thông. Công an Thành phố đã thiết lập trang Zalo tiếp nhận phản ánh của người dân và ban hành quy trình về tiếp nhận, xử lý.

Đối với vấn đề xe đi ngược chiều, cũng có thể áp dụng các biện pháp như đối với xử lý vấn đề xe quá khổ, quá tải đã nêu ở trên.

Đối với vấn đề thanh niên lạng lách, đánh võng và mang theo vũ khí vào ban đêm, Công an Thành phố đã có phương án, kế hoạch riêng về chuyên đề này. Từ thời điểm triển khai đến nay đã bắt giữ 2.584 phương tiện với 2.963 đối tượng.

Đại biểu Hoàng Thị Thúy Hằng (tổ đại biểu Đống Đa) nêu mô hình trông giữ xe iParking tạm dừng thí điểm từ tháng 9/2020 do còn nhiều tồn tại, bất cập. Cử tri cho rằng, đây là phương thức quản lý có nhiều ưu điểm, được áp dụng tại nhiều quốc gia trên thế giới. Trong bối cảnh Thành phố đang xây dựng chính quyền số, thành phố thông minh thì phương thức quản lý, điều hành trông giữ phương tiện nêu trên có được Sở Giao thông Vận tải tham mưu tiếp tục áp dụng?

Trả lời đại biểu, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Nguyễn Phi Thường cho biết việc dừng phần mềm iParking do vướng mắc về cơ chế pháp lý, phần mềm chưa hoàn thiện và bất cập trong thanh toán qua thẻ ATM/Visa…

Về hướng tham mưu thời gian tới, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải cho biết, Sở đã được Thành phố giao nhiệm vụ xây dựng đề án giao thông thông minh với nhiều bước, lộ trình thực hiện đến năm 2030. Sở đang điều chỉnh đề án, phấn đấu thực hiện từ năm 2025. Theo đó, Trung tâm Giao thông thông minh thành phố được tích hợp từ Trung tâm Chỉ huy điều khiển giao thông và Trung tâm Điều hành giao thông thông minh. Trung tâm Giao thông thông minh có 10 chức năng, trong đó có việc quản lý đỗ xe trên địa bàn.

Ngân Phương