Hà Nội: Tích cực xây dựng chính quyền số, công dân số

Với bước đi và lộ trình phù hợp, đến nay, chuyển đổi số của Hà Nội đã đạt những kết quả quan trọng. Hà Nội là một trong các tỉnh, thành phố đầu tiên đảm bảo đầy đủ các điều kiện và kết nối thành công với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính.

Những bước tiến tích cực

Thời gian qua, Hà Nội đã xác định chuyển đổi số là cơ hội đem lại bình đẳng và lợi ích cho tất cả các đối tượng khác nhau trong xã hội. Nhờ có lộ trình rõ ràng, thực hiện từng bước nên về cơ bản quá trình chuyển đổi số của Hà Nội đã được thực hiện xuyên suốt từ cấp Thành phố đến cơ sở.

Một trong những bước tiến tích cực của công tác chuyển đổi số đó là việc số hóa dữ liệu dân cư tại các tổ dân phố, thôn xóm… Đến Tổ dân phố 7 phường Đức Thắng (quận Bắc Từ Liêm), dễ dàng thấy các hoạt động quản lý, điều hành của Chi bộ, Tổ dân phố và các chi hội đoàn thể đã được ứng dụng công nghệ thông tin.

Ông Nguyễn Mạnh Hoạt, Bí thư Chi bộ cho biết, Tổ dân phố 7 đã triển khai xây dựng “Dữ liệu dân cư” và mô hình “Tổ dân phố điện tử”. Trong giai đoạn 2018 – 2019, đến nay, sau khi hoàn thành việc xây dựng dữ liệu dân cư của Tổ dân phố 7 đã giúp nhân dân thực hiện nhiều thủ tục hành chính dịch vụ công mức độ 3 như khai sinh, khai tử, đăng ký kết hôn, xác định tình trạng hôn nhân.

Hà Nội: Tích cực xây dựng chính quyền số, công dân số
Công tác quản lý dân cư của Tổ dân phố số 7 phường Đức Thắng hiệu quả nhờ số hóa dữ liệu.

Từ mô hình “Tổ dân phố điện tử”, chỉ với vài lần “nhấp chuột” trên máy tính, các chi ủy viên, lãnh đạo tổ dân phố và các đoàn thể Tổ dân phố số 7 đã có thể khai thác được những thông tin cần thiết như trình độ dân trí, dân số, tuổi tác, địa chỉ dân cư trên bản đồ số. Thậm chí, toàn bộ đường đi lối lại, nhà dân có mấy tầng, bao nhiêu hộ, có bao nhiêu công dân đến tuổi nghĩa vụ quân sự đều hiển thị. Nhờ đó, công tác quản lý dân cư của Tổ dân phố số 7 rất hiệu quả, tránh được những nhầm lẫn về số liệu như trước đây.

Tổ dân phố 7 cũng thành lập 2 nhóm zalo với nội dung phục vụ và điều hành các hoạt động Tổ dân phố do Tổ trưởng Tổ dân phố phụ trách. Trong đó, nhóm zalo “Diễn đàn Tổ dân phố 7” có sự tham gia của các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của phường. Ngày mới thành lập, nhóm chỉ có trên 60 thành viên, nhưng đến thời điểm này, nhóm đã có trên 220 thành viên, trong tổng số 280 gia đình đăng ký “Gia đình văn hóa” ở Tổ dân phố, như vậy “đã phủ kín” được 78% số gia đình trên địa bàn.

Lãnh đạo phường Đức Thắng cho biết, mô hình của Tổ dân phố 7 được UBND phường và quận Bắc Từ Liêm ghi nhận và đánh giá cao. Trong thời gian tới, phường sẽ triển khai nhân rộng mô hình “Tổ dân phố điện tử” tới tất cả các tổ dân phố trên địa bàn phường. Đây cũng là cách làm hay đem lại hiệu quả trong công cuộc chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử…

Cùng với sự nỗ lực của chính quyền các cấp, việc đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân đến tận cấp xã, phường về chuyển đổi số cũng là nhiệm vụ quan trọng. Trên địa bàn Thành phố đã có hơn 500 Tổ công nghệ số cộng đồng với hơn 2.000 thành viên thuộc 4 quận, huyện gồm: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đông Anh và Sóc Sơn.

Mỗi quận, huyện, thị xã của Thành phố sẽ chủ động lựa chọn một xã/phường để triển khai thử nghiệm công tác truyền thông, phổ biến các kỹ năng số cơ bản cho người dân, như: Truy cập và sử dụng internet, thư điện tử, mua bán trực tuyến, thanh toán điện tử, dịch vụ công trực tuyến và bảo đảm an toàn thông tin cá nhân. Xây dựng mô hình mẫu về chuyển đổi số làm cơ sở nhân rộng ở địa phương. Thành lập Tổ xung kích tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện các thủ tục hành chính.

Nổi bật như tại phường Trúc Bạch (quận Ba Đình), các thành viên trong tổ cơ động đến từng nhà, tiếp cận từng người để hỗ trợ, tư vấn về ý nghĩa, tiện ích của việc sử dụng cổng dịch vụ công quốc gia, nâng cao hiểu biết về các dịch vụ trực tuyến, nền tảng dữ liệu số mới hiện nay. Nhờ đó, hiệu quả công tác cải cách hành chính của chính quyền địa phương thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin, giúp tối giản thời gian giải quyết thủ tục hành chính tại phường được nâng cao rõ rệt.

Nhiều mô hình, cách làm sáng tạo khác cũng đã được các đơn vị, quận huyện triển khai trên địa bàn Thành phố nhằm tối ưu thời gian dịch vụ công, từng bước xây dựng chính quyền số như: “Tổ cơ động hỗ trợ dịch vụ công trực tuyến tại nhà”, “Ngày thứ Sáu xanh”, “Ngày thứ Ba không viết”, “Ngày thứ Bảy tình nguyện hỗ trợ nhân dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến”, “Điểm hỗ trợ thực hiện thủ tục hành chính 24/24”…

Cùng với việc xây dựng chính quyền số, kết quả ban đầu của chuyển đổi số đã len lỏi vào đời sống người dân và trở thành thói quen trong cuộc sống thường nhật. Có thể thấy rõ nhất ở các hoạt động như giao dịch điện tử trong thanh toán các dịch vụ điện, nước, truyền hình số, thuế, nộp học phí tại các trường học, thanh toán phí và lệ phí các thủ tục hành chính; sử dụng thẻ bảo hiểm y tế điện tử; cài đặt ứng dụng VneID; tạo tài khoản trên cổng dịch vụ công của tỉnh và cổng dịch vụ công quốc gia để thực hiện các thủ tục hành chính cần thiết…

Cán bộ hướng dẫn người dân làm thủ tục dịch vụ công trực tuyến tại Bộ phận một cửa huyện Đan Phượng. (Ảnh: Nguyễn Quang)
Cán bộ hướng dẫn người dân làm thủ tục dịch vụ công trực tuyến.

Còn đối với doanh nghiệp, những lợi ích dễ nhận biết nhất của chuyển đổi số là giúp gia tăng tính minh bạch và quản trị doanh nghiệp hiệu quả; tiết kiệm chi phí vận hành và tối ưu hóa được năng suất làm việc của nhân viên; tạo ra trải nghiệm dịch vụ hoàn hảo nhất cho khách hàng…

Điển hình như tại Tổng Công ty Điện lực thành phố Hà Nội, với nền tảng dịch vụ khách hàng được triển khai từ năm 2021, người dân có thể sử dụng các dịch vụ điện mọi lúc, mọi nơi, liên tục, qua các kênh giao dịch trực tuyến như app EVNHANOI, website evnhanoi.vn… Việc số hóa các dịch vụ điện đã giúp EVNHANOI nâng cao năng suất lao động, tiết kiệm thời gian đi lại khi tất cả các công đoạn đều được thực hiện trực tuyến…

Chuyển đổi số là quyết tâm chính trị của Thành phố

Theo thông tin từ Sở thông tin và Truyền thông, công tác chuyển đổi số của thành phố Hà Nội được bắt đầu triển khai từ năm 2021. Đây là nội dung Thành ủy, UBND Thành phố và các cơ quan chức năng thành phố đặc biệt quan tâm triển khai.

Từ năm 2022 đến nay, mặc dù chưa có các văn bản quy phạm về chuyển đổi số nhưng ngay sau khi Thành ủy ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TU về chuyển đổi số, xây dựng thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, đã thực sự tạo sự chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức đến hành động tại tất cả các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị.

Kết quả bước đầu thực hiện chuyển đổi số được ghi nhận đến 6 tháng đầu năm 2023, Hà Nội là một trong các tỉnh/thành phố đầu tiên đảm bảo đầy đủ các điều kiện và kết nối thành công với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính.

Hà Nội: Tích cực xây dựng chính quyền số, công dân số
Chuyển đổi số đã dần trở thành thói quen trong cuộc sống thường nhật.

Các chỉ số xếp hạng, đánh giá liên quan đến chuyển đổi số năm 2022 được nâng cao, trong đó có chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh (DTI) xếp thứ 24/63 tỉnh/thành phố, tăng 16 bậc so với năm 2021…

Hà Nội cũng đang phối hợp với các doanh nghiệp tập trung triển khai chữ ký số miễn phí cho người dân tại bộ phận một cửa của các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã. Đến nay, trên toàn Thành phố đã cấp khoảng 10 nghìn chữ ký số miễn phí cho công dân Hà Nội để thực hiện dịch vụ công trực tuyến của Thành phố…

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh, Hà Nội là một trong những địa phương đi đầu cả nước về triển khai các biện pháp hỗ trợ công dân khi tham gia dịch vụ công trực tuyến, chuyển đổi số trong thực hiện tương tác với chính quyền.

UBND Thành phố đã tập trung chỉ đạo để trong thời gian ngắn, các hệ thống dữ liệu dùng chung toàn Thành phố đã hoàn thành (Hệ thống thông tin báo cáo; Hệ thống quản lý văn bản và điều hành; Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính 3 cấp); Ban hành các quy định, quy chế để bảo đảm vận hành, khai thác các hệ thống thông tin an toàn, hiệu quả.

“Có thể nói, với khối lượng công việc không nhỏ, trong khi đây là những nhiệm vụ mới, khó, đặc biệt với quy mô rất lớn của thành phố 10 triệu dân, nhưng với quyết tâm chính trị, Thành phố chắc chắn sẽ có những chuyển biến tích cực trong thời gian tới, triển khai hiệu quả các nhiệm vụ chuyển đổi số, góp phần vào phát triển kinh tế – xã hội Thủ đô”, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết.

Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi số, về nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023, Sở Thông tin và Truyền thông cho biết, Sở sẽ tham mưu xây dựng kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan Nhà nước, phát triển chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số và đảm bảo an toàn thông tin mạng Thành phố năm 2024.

Bên cạnh đó, Sở hoàn thành xây dựng Đề án thành phố thông minh thành phố Hà Nội; danh mục dữ liệu mở thành phố Hà Nội; rà soát, cập nhật, điều chỉnh, bổ sung danh mục cơ sở dữ liệu của Thành phố; bổ sung mã định danh điện tử của các cơ quan, đơn vị thuộc, trực thuộc UBND Thành phố.

Sở xây dựng bộ chỉ số đánh giá chuyển đổi số các cơ quan Nhà nước thuộc Thành phố; đẩy mạnh các hoạt động thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số, sản phẩm Make in Việt Nam và hạ tầng cho công nghiệp công nghệ số. Trong đó tập trung hoàn thiện trình ban hành và tổ chức triển khai các kế hoạch sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành các Chiến lược quốc gia.

Sở tiếp tục triển khai các kế hoạch của UBND Thành phố về phát triển hạ tầng Bưu chính – Viễn thông phục vụ chương trình chuyển đổi số Thành phố; hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn của Thành phố; triển khai thử nghiệm nền tảng địa chỉ số quốc gia gắn với bản đồ số trên địa bàn Thành phố…

Ngân Phương
https://laodongthudo.vn/ha-noi-tich-cuc-xay-dung-chinh-quyen-so-cong-dan-so-158355.html