Hà Nội “tìm kiếm” lĩnh vực thế mạnh trong phát triển công nghiệp văn hóa 

Sáng 18/6, Thành ủy Hà Nội tổ chức buổi tọa đàm thứ hai với chủ đề “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 – Thực trạng và giải pháp”.

Lãnh đạo Thành ủy, UBND TP và Sở VHTT cùng chủ trì Tọa đàm

Tọa đàm được tổ chức nhằm lấy ý kiến các đại sứ, chuyên gia trong nước và quốc tế phục vụ công tác xây dựng Nghị quyết chuyên đề về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô.

Tham gia và đồng chủ trì tọa đàm có: Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong; Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Đỗ Huyền Mai; Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng; Giám đốc Sở VHTT Hà Nội Trần Thế Cương

Phát biểu khai mạc tọa đàm, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Bùi Huyền Mai nhấn mạnh: Với vị thế là Thủ đô, Hà Nội là nơi hội tụ, kết tinh và tỏa sáng của nền văn hóa dân tộc, là nơi có kho tàng di sản văn hóa to lớn, là nơi tập trung nhân tài, trí tuệ của cả nước. Do đó hiện nay Hà Nội đã và đang hội tụ đầy đủ nhất tiềm năng, lợi thế cho sự phát triển nhanh và bền vững. Điều đó đặt ra trọng trách lớn đối với Hà Nội, phải làm sao thực sự xứng đáng là trung tâm văn hóa và kinh tế lớn tiêu biểu của cả nước, có sức cạnh tranh trong nước, khu vực và quốc tế.

Để đạt được mục tiêu ấy, Hà Nội tiếp tục xác định và khẳng định tiềm năng, lợi thế trong việc phát huy sức mạnh mềm văn hóa, thúc đẩy phát triển hài hòa giữa kinh tế và văn hóa, tạo nên diện mạo, môi trường văn hóa mới, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, đưa văn hóa thực sự trở thành giá trị tinh thần to lớn, nguồn lực quan trọng quyết định phát triển Thủ đô.

Chính vì vậy, Đảng bộ Thành phố Hà Nội quyết định lựa chọn xây dựng Nghị quyết chuyên đề “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” (một trong hai Nghị quyết chuyên đề được xác định trong cả nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XVII) làm bước đột phá trong phát triển văn hóa Thủ đô. Đây vừa là việc cụ thể hóa nhiệm vụ đặt ra trong “Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” của Chính phủ, vừa là quyết tâm chính trị cao của Thành phố thực hiện cam kết với UNESCO trong việc xây dựng Hà Nội trở thành “Thành phố sáng tạo” trên lĩnh vực “Thiết kế” của khu vực Đông Nam Á, với nền tảng là các ngành công nghiệp văn hóa sáng tạo của Thủ đô.

Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong phát biểu tại Tọa đàm

Xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra, để đảm bảo tính khoa học và khả thi trong thực tiễn của Nghị quyết chuyên đề, Thành ủy Hà Nội tiến hành triển khai xây dựng Đề án “Phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô, giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, trong đó có khảo sát, đánh giá thực trạng, những thuận lợi, khó khăn của Thành phố, đồng thời tham vấn sáng kiến của các chuyên gia.

Vì vậy, Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội tổ chức các buổi Tọa đàm chủ đề “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 – Thực trạng và giải pháp” với mong muốn nhận được sự đóng góp, tham vấn của các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà quản lý, các doanh nghiệp, cộng đồng sáng tạo đang hoạt động trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật trên 12 lĩnh vực được xác định trong Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa của Chính phủ như: Điện ảnh; Nghệ thuật biểu diễn; Quảng cáo; Thủ công mỹ nghệ; Phần mềm và các trò chơi giải trí; Truyền hình và phát thanh; Thời trang; Du lịch văn hóa; Kiến trúc; Thiết kế; Xuất bản; Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm.

Thông qua 3 buổi tọa đàm, Hà Nội mong muốn sẽ nhận được các ý kiến tập trung vào các 4 vấn đề mà Thành phố quan tâm: Thứ nhất, nhận diện tiềm năng, thế mạnh của Hà Nội trong các lĩnh vực công nghiệp văn hóa. Đánh giá nguồn lực kinh tế các ngành công nghiệp văn hóa có thể đóng góp vào tăng trưởng GRDP của Thủ đô. Thứ hai, những lĩnh vực mà các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia lĩnh vực công nghiệp văn hóa quan tâm, thuận lợi và khó khăn trong quá trình phát triển hiện nay. Thứ ba, những sáng kiến tham vấn, gợi mở; đề xuất với Thành phố các cơ chế, chính sách tạo điều kiện thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hóa phát triển. Thứ tư, sự vào cuộc, đóng góp của tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân và Nhân dân trong quá trình thành phố triển khai thực hiện Nghị quyết.

Tại buổi tọa đàm thứ 2 được tổ chức vào sáng 18/6/2021, có 12 ý kiến phát biểu tham luận của các đại sứ, chuyên gia trong và ngoài nước. Đa phần các ý kiến đều khẳng định: Hà Nội hội tụ đầy đủ tiềm năng và lợi thế để phát triển công nghiệp văn hóa. Đồng thời các bài tham luận cũng nêu ra những khó khăn, thách thức, hạn chế và những ý kiến đóng góp thiết thực cho việc phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô trong giai đoạn tới.

Ông Michael Croft, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam cho rằng: Thành phố Sáng tạo là một câu chuyện mới, một đại diện cho thương hiệu và hình ảnh của Hà Nội, hướng tới hòa nhập và phát triển bền vững. Sau khi Hà Nội thành công gia nhập Mạng lưới Thành phố sáng tạo, UNESCO đã làm việc với lãnh đạo thành phố và chính quyền trung ương để hiện thực hóa tầm nhìn Hà Nội trở thành Thủ đô sáng tạo. Trong đó, UNESCO, phối hợp với các đối tác là UN Habitat, UNIDO và với sự hỗ trợ của Tập đoàn SOVICO đã phát triển dự án 3 năm “Huy động nguồn lực văn hóa và sự tham gia của thanh niên cho Thủ đô sáng tạo Hà Nội” với khẩu hiệu “Rethink (Nghĩ khác) Hà Nội”. Sáng kiến này sẽ giúp thúc đẩy tầm nhìn chiến lược mới cho Thủ đô Sáng tạo – một thành phố trao quyền cho công dân của mình, xây dựng một nền kinh tế cân bằng, đa dạng và đổi mới, và hướng tới một cách tiếp cận bền vững hơn, lấy con người làm trung tâm cho sự phát triển.

Dự án “Rethink Hà Nội” gồm ba hợp phần. Hợp phần 1 hướng tới việc tạo ra và thúc đẩy các nền tảng để kết nối các sáng kiến văn hóa đang diễn ra của thanh niên. Hợp phần 2 sẽ hỗ trợ tích hợp các công nghệ kỹ thuật số vào lĩnh vực công nghiệp sáng tạo và thúc đẩy tiềm năng kinh doanh của các nhà thiết kế trẻ. Và phần 3 sẽ giúp các thành phố kết nối với những đối tác trong và ngoài nước để tổng hợp sức mạnh nguồn lực giữa những chương trình hiện tại và tương lai liên quan đến các ngành công nghiệp văn hóa, củng cố khả năng thu hút các nguồn lực để đưa Hà Nội tiến lên phía trước.

Một đại biểu trình bày tham luận tại Tọa đàm

Theo ông Michael Croft: Về cơ bản, Rethink Hanoi sẽ làm nổi bật và kết nối những điều tuyệt vời đã và đang diễn ra trong nền công nghiệp văn hóa sáng tạo của thành phố. Và chính giới trẻ sẽ là trọng tâm chính của cả ba hợp phần, kết nối trực tiếp với ba tổ chức để xác định, thiết kế và thực hiện các hoạt động liên quan. Những nỗ lực của chúng ta sẽ được hiện thực hóa bởi suy nghĩ, tiếng nói và bàn tay của giới trẻ, đặt Thanh niên vào vị trí trung tâm bởi họ chính là nòng cốt, nguồn tài nguyên quý giá nhất của quốc gia và chính họ là những tác nhân chủ chốt cho sự đổi mới của xã hội.

PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương – Phó Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam tham gia tọa đàm với tham luận: Thực trạng và khả năng chuyển hóa nguồn lực mềm văn hóa thành sức mạnh mềm văn hóa của các ngành công nghiệp văn hóa tại Hà Nội. Bài tham luận đã chỉ ra những thách thức của Hà Nội trong phát triển công nghiệp văn hóa như: rào cản chính sách, cơ chế phối hợp chưa đồng bộ, hiệu quả. Đồng thời, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương cũng gợi mở một số chính sách cho phát triển công nghiệp văn hóa của Thủ đô như: Đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, khoa học công nghệ cho các ngành công nghiệp văn hóa; Tạo sự kết nối giữa truyền thống và hiện đại trong các sản phẩm công nghiệp văn hóa; Tạo cơ chế đầu tư tài chính và thu hút nguồn vốn hình thành hệ sinh thái thúc đẩy sự sáng tạo; Triển khai quyết liệt chương trình hành động của Hà Nội đã cam kết với mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO.

Với tham luận: “Phát triển Hà Nội: Thành phố sáng tạo thiết kế dựa trên nền tảng giáo dục sáng tạo”, PGS. TS Chu Cẩm Thơ – Viện Khoa học giáo dục Việt Nam cho rằng: Con người là chủ nhân của sáng tạo, là động lực để sáng tạo hình thành, phát triển và cũng con người là đối tượng duy trì sáng tạo. Vì thế, với mong muốn sáng tạo bền vững, chúng ta cần có công dân sáng tạo, làm chủ và nâng tầm sáng tạo bắt đầu từ các trẻ em được giáo dục sáng tạo. Theo PGS. TS Chu Cẩm Thơ đã đưa ra 3 giải pháp để giáo dục con người Hà Nội sáng tạo, đó là: Hà Nội cần ban hành chương trình giáo dục địa phương hướng tới giáo dục phát triển tư duy sáng tạo, tư duy thiết kế. Hà Nội cần tạo ra các trung tâm sáng tạo kết nối hệ sinh thái sáng tạo từ triển lãm thiết kế đến thực hành thiết kế cho mọi người. Đồng thời, thúc đẩy giáo dục mở – nhà trường sáng tạo trên nền tảng hợp tác doanh nghiệp – xã hội.

Quang cảnh tại buổi tọa đàm

TS Lê Thị Minh Lý- Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam mang đến tọa đàm tham luận: Công nghiệp văn hóa Hà Nội – Phát triển từ vốn di sản. Bà cho rằng: Di sản văn hoá là nguồn tài nguyên vô tận cho sự sáng tạo của con người và Hà Nội là vùng tài nguyên di sản giàu có nhất, đa dạng nhất của quốc gia. Và đây là thế mạnh để Hà Nội phát triển công nghiệp văn hoá. Theo TS Lê Thị Minh Lý, khi xây dựng chiến lược văn hóa, Hà Nội nên quan tâm đến các vấn đề sau: Cần đánh giá có định lượng tiềm năng di sản và việc phát huy giá trị di sản hiện nay để có định hướng rõ lĩnh vực ưu tiên đầu tư cho công nghiệp văn hoá. Cần tập hợp các kết quả điều tra, kiểm kê di sản văn hoá, nghiên cứu bổ sung, cập nhật và xây dựng cơ sở dữ liệu nhằm quản lý, khai thác sử dụng sáng tạo văn hoá. Cần chú trọng, ưu tiên sản xuất các sản phẩm văn hoá dựa trên di sản dành cho giáo dục học sinh phổ thông. Đây vừa là nhiệm vụ chính trị để đào tạo con người (chủ thể và khách thể) của công nghiệp văn hoá vừa là một trong những trụ cột chính quyết định sự bền vững của công nghiệp văn hoá ở mỗi quốc gia. Cần xây dựng quy tắc đạo đức trong việc sử dụng di sản văn hoá trong kinh tế, xã hội hoá quản lý khai thác di sản, di tích với nội dung mà các công ước quốc tế, luật pháp Việt Nam quy định nhất là vấn đề bảo vệ di sản văn hoá, quyền, lợi ích của chủ thể văn hoá (cộng đồng), bình đẳng văn hoá và bản quyền.

Bên cạnh đó, Tọa đàm còn được nghe một số tham luận rất thú vị như: Phát triển không gian sáng tạo từ những nhà máy cũ (Ông Lê Quang Bình – Trưởng nhóm Mạng lưới Vì một Hà Nội đáng sống), đánh thức các không gian di sản bằng các dự án nghệ thuật công cộng phố Phùng Hưng, phố Phúc Tân (Ông Nguyễn Thế Sơn – Đại học Mỹ thuật Việt Nam)… Hay những ý kiến mong muốn được đồng hành, hợp tác cùng với Hà Nội trong phát triển công nghiệp văn hóa của: Đại diện Hội đồng Anh, Tập đoàn Sovico…

Phát biểu kết luận buổi tọa đàm thứ 2, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong khẳng định: Văn hóa và phát triển công nghiệp văn hóa không chỉ là nguồn lực quan trọng cho sự phát triển bền vững của Hà Nội mà còn góp phần mở rộng giao lưu và hợp tác quốc tế, một mặt bảo tồn văn hóa truyền thống mặt khác tiếp cận được giá trị văn hóa của nhân loại. Đặc biệt, phát triển công nghiệp văn hóa giúp việc cập nhật, ứng dụng các kỹ thuật của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trong lĩnh vực văn hóa cũng như thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực khác. Vì vậy, Hà Nội với khuôn khổ pháp lý của mình sẽ tạo môi trường, hệ sinh thái đổi mới sáng tạo cho công nghiệp văn hóa phát triển. Hà Nội cũng coi chủ thể của quá trình sáng tạo này là doanh nghiệp, nghệ sĩ, nghệ nhân, nhân dân, đồng thời cũng là người hưởng thụ.

Đồng thời, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh: Hà Nội đang đi những bước đầu tiên trên con đường phát triển công nghiệp văn hóa nên còn nhiều vấn đề chưa được sáng tỏ cũng như chưa nhiều kinh nghiệm. Do đó, cuộc tọa đàm dừng lại nhưng khi triển khai thực hiện đề án về phát triển công nghiêp văn hóa, Hà Nội rất mong tiếp tục nhận được sự chia sẻ, giúp đỡ, hợp tác của các cá nhân, tập thể, của các tổ chức trong nước cũng như quốc tế. Hà Nội xin cam kết sẽ chủ động tìm đến với các cơ quan, đơn vị, tổ chức, với mô hình thực tế có giá trị để mời gọi sự hợp tác cùng phát triển.

PV / laodongthudo.vn