Hà Nội trên hành trình hướng đến đô thị xanh: Nỗ lực xoá “điểm đen” ô nhiễm

Từ tháng 9/2016 đến hết năm 2020, thành phố Hà Nội đã tập trung triển khai thực hiện xử lý ô nhiễm môi trường nước 90 hồ tại khu vực nội thành và 44 hồ tại khu vực ngoại thành; lắp đặt bè thủy sinh trên 63 hồ và máy sục khí trên 52 hồ, nạo vét bùn 12 hồ; xây dựng đồng bộ hệ thống thu gom nước thải sinh hoạt, từng bước tách nước thải đưa về hệ thống xử lý trước khi xả vào các hồ kết hợp với cải tạo cảnh quan, chống lấn chiếm.

Bài 2: Nỗ lực xóa “điểm đen” ô nhiễm
Những năm qua, nhằm nâng cao chất lượng sống của người dân Thủ đô, Thành phố đã triển khai hàng loạt các biện pháp nhằm cải thiện, nâng cao giá trị của những “lá phổi xanh”. Từ việc nạo vét bùn, khơi thông dòng chảy, xử lý tình trạng ô nhiễm sông, hồ… đến lắp đặt hệ thống tập thể dục ven hồ đã được ưu tiên thực hiện. Cũng từ đây, nhiều “điểm đen” ô nhiễm môi trường đã trở thành điểm đến vui chơi, thư giãn lý tưởng của người dân sau mỗi ngày làm việc.
Bài 2: Nỗ lực xóa “điểm đen” ô nhiễm
Ở nội đô Hà Nội, vừa mới đây thôi, những người dân đi qua tuyến đường ven hồ Trúc Bạch không khỏi ngạc nhiên khi thấy diện mạo mới của con đường này.

Bài 2: Nỗ lực xóa “điểm đen” ô nhiễm

Trước kia, khu vực tuyến đường ven hồ Trúc Bạch (phường Trúc Bạch, quận Ba Đình) luôn bốc mùi hôi thối do rác thải được tập kết tại tuyến đường ven hồ. Dãy nhà ở của các hộ dân phần lớn là nhà tập thể cũ được xây dựng cách đây hơn 40 năm xuống cấp trầm trọng và chưa được cải tạo, sửa chữa dẫn đến hư hỏng, ảnh hưởng đến đời sống dân sinh và mỹ quan đô thị.

Theo ông Chu Văn Thịnh (người dân phố Ngũ Xá, phường Trúc Bạch), trước đây, khu vực này vốn là một mương nước đen ngòm, quanh năm rác thải tù đọng. Cuối tuyến đường còn thường xuyên bị một số đối tượng biến thành “nhà vệ sinh công cộng”. Đáng lo ngại, nhiều người lợi dụng vị trí vắng vẻ này làm tụ điểm tiêm chích ma túy, ảnh hưởng đến đời sống dân sinh và gây mất an ninh trật tự.

Tuy nhiên, những ngày gần đây, ai đi qua tuyến đường này cũng phải ngạc nhiên vì sự “thay da đổi thịt”. Diện mạo của tuyến đường ven hồ Trúc Bạch đã thay đổi hoàn toàn sau khi được trang trí 200 chiếc đèn lồng rực rỡ sắc màu cùng nhiều bức tranh bích hoạ, pano khổ lớn với nội dung tuyên truyền “Bảo vệ môi trường, đẩy lùi rác thải nhựa”. Đáng nói, kinh phí huy động cho dự án hầu hết từ nguồn xã hội hóa với sự hưởng ứng, chung tay đóng góp của không chỉ người dân sinh sống trên địa bàn mà còn của cả cộng đồng.

Người dân nơi đây cho biết, từ khi tuyến đường được cải tạo, chỉnh trang, các hộ gia đình được sống trong một không gian mới với bầu không khí trong lành; cảnh quan, môi trường sạch đẹp hơn trước rất nhiều. Quanh hồ được lắp hệ thống rào chắn, trồng cây xanh xen kẽ với những bức bích họa tái hiện không gian phố cổ, nét đẹp cổ, văn hóa của người Hà Nội xưa. Từ sau khi công trình được hoàn thành, các hộ gia đình bảo nhau gìn giữ vệ sinh môi trường, chăm sóc cây xanh để tuyến phố được xanh mãi, đẹp mãi.

Ngoài ra, để công trình được bền vững, phường Trúc Bạch cũng đã bàn giao việc bảo quản, duy trì cho Tổ dân phố; lập kế hoạch sơn vẽ lại các bức bích họa sau một thời gian nhất định, đồng thời thay đổi nội dung chủ đề tuyên truyền theo yêu cầu của từng giai đoạn đặt ra. Trước mắt người dân đang rất ủng hộ và tự đóng góp quỹ để chăm sóc cây, duy trì cảnh quan.Được biết, trước đó, từ thực trạng của địa phương, với tinh thần “lấy xây để chống”, phường Trúc Bạch đã xin ý kiến chỉ đạo của quận Ba Đình cho phép chỉnh trang đoạn mương khoảng 200 mét tính từ cầu Ngũ Xã 1 đến cầu Ngũ Xã 2. Sau khi xây dựng phương án thiết kế, Ủy ban nhân dân phường Trúc Bạch đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến của cán bộ cơ sở và nhân dân về những nội dung, giải pháp thực hiện. Trong quá trình triển khai đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ phường đến địa bàn dân cư.

Không cần nói đâu xa, hẳn người dân Hà Nội đã quên đi cái tên đê sông Hồng, đê Hàm Tử Quan, mà thay vào đó họ gọi “Con đường gốm sứ”. Hơn chục năm đổ về trước, đoạn đường đê này vốn là một “điểm đen” về ô nhiễm môi trường khi bức tường ngăn cách phía mặt đê bốc mùi nồng nặc do người dân đi vệ sinh, đổ rác bừa bãi. Dự án “Con đường gốm sứ” được sự chung tay của các tổ chức xã hội, sự ủng hộ của người dân đã xóa điểm đen môi trường, mang lại diện mạo mới cho con đường nối liền đến hồ Tây này.

Rồi hơn một năm nay, người dân Hà Nội chứng kiến dự án nghệ thuật công cộng Phúc Tân. Không chỉ “biến” một khu vực bừa bộn rác thải thành một địa điểm vui chơi, dự án bích họa Phúc Tân còn góp phần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, bảo vệ cảnh quan của các cư dân nơi đây.

Ngoài ra, ở một số quận như Hoàng Mai, Long Biên… còn có mô hình sân chơi tái chế nhằm xóa những điểm đen tập kết rác, tạo thành những sân chơi bổ ích cho người dân.

Bài 2: Nỗ lực xóa “điểm đen” ô nhiễm
Những năm qua, nhằm nâng cao chất lượng sống của người dân Thủ đô, thành phố Hà Nội đã triển khai nhiều biện pháp nhằm cải thiện, nâng cao giá trị của những “lá phổi xanh”. Hàng loạt biện pháp từ việc nạo vét bùn, khơi thông dòng chảy, xử lý tình trạng ô nhiễm trong hồ… đến lắp đặt hệ thống tập thể dục ven hồ đã được ưu tiên thực hiện. Chủ trương của Thành phố đã được các quận, huyện, thị xã triển khai đến từng cấp ngành, từng người dân và được sự đồng lòng ủng hộ của đông đảo người dân. Nhiều mô hình xóa điểm đen về môi trường đã được thực hiện, mang lại sức sống mới cho Thủ đô.

Cùng với đó, trong những năm qua, với tốc độ đô thị hóa nhanh, lượng rác phát sinh hàng ngày trên địa bàn Thủ đô tăng theo. Nhận thức rõ vấn đề này, Thành phố đã đề ra nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng thu gom, xử lý rác thải. Nhiều địa phương, đơn vị đang tổ chức thí điểm công tác thu gom phân loại rác tại nguồn…

Bài 2: Nỗ lực xóa “điểm đen” ô nhiễm
Bài 2: Nỗ lực xóa “điểm đen” ô nhiễm
Ngồi bên gốc cây tre vàng tỏa bóng mát trên bờ hồ Quản Sen (xã Hữu Hòa, huyện Thanh Trì), anh Nguyễn Vỹ Dậu vui mừng cho biết, đã nhiều năm người dân sống quanh hồ không còn phải đóng cửa mỗi khi chiều đến, đặc biệt là những ngày nắng nóng khi mùi hôi bốc lên, rồi cũng không còn phải chịu cảnh ruồi muỗi vây quanh, không khí ngột ngạt như trước kia nữa.

Bây giờ những nhà ven hồ đều sống trong không khí thoáng mát, tận hưởng những cơn gió từ mặt hồ mang lại. Quanh hồ còn được lắp đặt nhiều bàn, ghế đá để người dân ra hóng gió hoặc ngồi nghỉ ngơi sau khi tập thể dục. Chẳng ai bảo ai nhưng người dân trong thôn đều tự ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường, nhắc nhở nhau không vứt rác bừa bãi, không vứt rác xuống hồ. Nhờ vậy, nhiều năm nay mặt hồ vẫn giữ được xanh trong, đường ven hồ vẫn sạch sẽ phong quang như thế!

Bài 2: Nỗ lực xóa “điểm đen” ô nhiễm

Nhớ lại thời gian cải tạo ao Trung Thanh và hồ Quản Sen là những ngày cực kì vui vẻ, sôi động của bà con nhân dân xã Hữu Hoà. Ngay từ sáng sớm, cán bộ, nhân dân trong xã đã sôi nổi ra quân, mỗi người một việc, ai nấy đều phấn khởi, nhiệt tình tham gia hoàn thành công việc. Người dân hào hứng phát quang cây cối, vệ sinh xung quanh ao, hồ sạch sẽ, tạo mặt bằng, đổ bê tông; chèo thuyền, lội xuống ao vớt bèo, rau muống, rác thải…

Cách đây chừng 5, 6 năm, tốc độ đô thị hóa nhanh đến chóng mặt khiến cho ao làng chẳng còn giữ được nếp xưa nữa. Ao Trung Thanh và hồ Quản Sen cũng rơi vào cảnh ao tù, nước đọng hôi thối, bẩn thỉu. Từ túi ni lông, giẻ rách đến chăn chiếu, áo quần thải loại, thậm chí cả bàn ghế gãy, giường tủ cũ hỏng mọi người đều vứt xuống ao, xung quanh ao cỏ dại mọc um tùm. Nước ao một màu đen đúa, không sử dụng được, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Thêm vào đó, đất quê tăng giá, mỗi mét vuông vài triệu đồng khiến các hộ sống liền kề bờ ao đua nhau đổ phế liệu lấn chiếm. Mỗi khi gió thổi qua, không khí bốc mùi hôi hám lan đi khắp xóm khiến các gia đình gần như phải đóng chặt cửa để tránh mùi. Ao tù, nước đọng còn là nơi sinh sôi của ruồi, muỗi. Số người mắc bệnh về mắt, hô hấp, đường ruột trong thôn tăng nhanh.

Giờ đây, khi trở lại Hữu Hòa, thật ngạc nhiên khi ở một nơi giáp với nội đô, nơi tốc độ đô thị hóa nhanh đến chóng mặt mà vẫn giữ được những chiếc ao làng sạch, đẹp như vậy!

Chia sẻ với chúng tôi, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Hữu Hòa Nguyễn Tá Cường cho biết: Để có những chiếc ao lớn, nước trong veo tắm mát ngày hè đó là sự đồng lòng của cán bộ và nhân dân trong xã. Ngày qua ngày chịu đựng cảnh ao tù nước đọng, người dân xã Hữu Hoà dần ngộ ra môi trường sống đang bị ô nhiễm trầm trọng, một phần chính là từ những ao hồ này. Thực hiện Nghị quyết của Huyện ủy Thanh Trì về tăng cường công tác giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường trong xây dựng nông thôn mới, Đảng ủy, Chính quyền xã đã họp, thống nhất, quyết định ban hành một Nghị quyết chuyên đề về nâng cấp đường giao thông và cải tạo các ao, hồ. Ao Trung Thanh được chọn làm trước. Toàn bộ ý tưởng cũng là mong muốn của lãnh đạo xã, làm sao cho ao giữa làng không còn hôi thối, trở thành “Ao môi trường” của cả thôn.

Bài 2: Nỗ lực xóa “điểm đen” ô nhiễm

Xã kiên trì thực hiện theo phương châm 3 bước: “Tuyên truyền – vận động thuyết phục – ra quân xử lý”. Trong đó xác định nhiệm vụ quan trọng nhất là phải nâng cao nhận thức của nhân dân. Khi nhân dân đồng thuận, công tác giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường sẽ được duy trì bền vững. Ao Trung Thanh sau khi cải tạo xong đã được xã hội hóa bằng nguồn kinh phí của chính những người dân nơi đây để mua cát vàng trải xuống lòng ao, tạo thành một chiếc “hồ bơi” tự nhiên trong xanh, sạch sẽ cho trẻ con chơi đùa, tắm mát.

Sau thành công của việc cải tạo ao Trung Thanh, xã Hữu Hòa tiếp tục huy động các nguồn xã hội hóa để cải tạo hồ Quản Sen. Quy trình cải tạo hồ Quản Sen được thực hiện tương tự như ao Trung Thanh. Song song với cải tạo hồ, xã mở rộng tuyến đường liên thôn từ 2m thành hơn 4m. Hồ cải tạo xong cũng là lúc đường đã được đổ bê tông.

Chỉ sau một thời gian ngắn, xã Hữu Hoà đã hoàn thành việc cải tạo 2 ao, hồ trong niềm vui hân hoan của bà con làng xóm. Sự kiện ao “sống lại” như một phép màu. Người dân trong xã như có hội, mừng vì thoát cảnh ô nhiễm, nhưng vui hơn cả là ai cũng có công đóng góp vào thành quả đáng tự hào này… Sau khi cải tạo, các ao, hồ được giao cho các hội, đoàn thể xã quản lý, thường xuyên tổ chức vệ sinh môi trường, trồng hoa xung quanh. Từ đó, ao, hồ trở thành điểm lý tưởng để người dân gặp gỡ, trò chuyện, nghỉ ngơi mỗi khi đi làm đồng về hay đi tập thể dục. Ao Trung Thanh và hồ Quản Sen cũng trở thành điểm đến để các địa phương trong và ngoài huyện đến tham quan, học tập kinh nghiệm.

Bài 2: Nỗ lực xóa “điểm đen” ô nhiễm

Để bảo vệ thành quả của cả cộng đồng cư dân, hàng tuần, bà con xã Hữu Hòa tự bảo nhau ra quân vệ sinh môi trường quanh các ao, hồ. Các hộ gia đình sống quanh ao, hồ cũng có ý thức bảo vệ môi trường, hàng ngày nhắc nhở nhau không vứt rác; thực hiện vớt rác ra khỏi ao, hồ, giữ cho nước ao, hồ sạch sẽ.

Không chỉ có ao Trung Thanh, hồ Quản Sen, xã còn có 4km trục đường liên xã nằm dọc bờ sông Nhuệ. Năm 2017, Huyện ủy Thanh Trì có Chỉ thị 17 về việc cải tạo môi trường ở các tuyến sông chạy qua huyện, trong đó có xã Hữu Hòa. Bám sát Chỉ thị của Huyện ủy, Đảng ủy xã đã ra Nghị quyết triển khai, huy động cả hệ thống chính chị và nhân dân tổng vệ sinh môi trường, phát bờ cây dại, trồng hoa trải thảm bên bờ sông Nhuệ thuộc xã Hữu Hòa. Từ năm 2017 đến nay, đoạn đường 4km ven sông luôn sạch sẽ, phong quang. Mới đây còn có giếng ở xóm Đại, thôn Hữu Từ được huyện xã hội hóa, bà con nhân dân đã kè toàn bộ giếng, tạo cảnh quan môi trường và làm địa điểm để người dân và trẻ con trong thôn vui chơi, tắm mát.

“Từ năm 2017 đến nay bà con duy trì rất tốt vệ sinh môi trường, tuy nhiên vẫn còn có một số ít người chưa có ý thức, vứt rác thải ra một số điểm bên bờ sông Nhuệ. Xã cũng đã có những biện pháp tuyên truyền, nhắc nhở, chụp lại hình ảnh để phạt vi phạm hành chính”, ông Nguyễn Tá Cường cho biết.

Bài 2: Nỗ lực xóa “điểm đen” ô nhiễm
Câu chuyện về xóa “điểm đen” môi trường vẫn còn dài để kể, tuy nhiên có một “điểm đen” về môi trường mà người dân Thanh Trì đã và đang nhiều năm liền nỗ lực cải thiện, đó là 10km sông Tô Lịch đi qua địa bàn huyện.

Cách đây 5 năm, các hộ dân ven sông lấn chiếm, xả rác bừa bãi khiến lòng sông bị thu hẹp, ô nhiễm môi trường, khó khăn cho việc tiêu thoát nước. Trước thực trạng này, giữa năm 2016, Ủy ban nhân dân huyện quyết liệt chỉ đạo các cơ quan cùng 6 xã, thị trấn vào cuộc cải tạo lòng sông. Sau một thời gian tuyên truyền, vận động, tháng 9/2016, đồng loạt 6 xã, thị trấn của huyện cùng triển khai các bước thực hiện dự án cải tạo sông.

Với sự quyết tâm của chính quyền địa phương và người dân, đến nay gần 10km sông Tô Lịch chảy qua huyện đã được cải tạo, khơi thông dòng chảy, giảm thiểu ô nhiễm nguồn nước. Cùng với đó, đường gom hai bên sông và hệ thống cống, rãnh tiêu thoát nước đã được xây dựng, nhờ vậy việc đi lại thuận tiện hơn trước, người dân ai nấy đều phấn khởi.

Đến Thanh Trì hôm nay, hai bên bờ sông Tô Lịch chảy qua huyện Thanh Trì đã thay da đổi thịt, dòng nước tuy không được trong xanh bởi đây là khúc cuối của dòng sông, rác thải vẫn trôi về ít nhiều, nhưng hai bên sông, những hàng cây xanh, những luống hoa rực rỡ sức màu. Mỗi sáng thứ 7, các cơ quan, đoàn thể, người dân cùng ra quân dọn rác ven bờ sông Tô Lịch, giữ cho môi trường cảnh quan xanh, sạch, đẹp, nở hoa.

Bài 2: Nỗ lực xóa “điểm đen” ô nhiễm
Nội dung: Bảo Thoa – Phạm Thảo
Thiết kế: Đức Hà / laodongthudo.vn