Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Quốc Khánh, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội cho biết, Sở đang phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng tập trung xây dựng dự thảo quyết định về thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 để trình Ủy ban nhân dân Thành phố xem xét, ban hành.
Nội dung dự thảo quyết định của Thành phố theo sát Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 7/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 và Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 của Chính phủ cùng nội dung này.
Theo ông Nguyễn Quốc Khánh, để người lao động, người sử dụng lao động sớm được tiếp cận với gói hỗ trợ an sinh xã hội, ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội đã thành lập tổ công tác và phân công trách nhiệm cho thành viên. Các thành viên có trách nhiệm nghiên cứu chính sách, chủ động tham mưu, đề xuất các ý kiến để xây dựng kế hoạch triển khai cho phù hợp.
Trao kinh phí hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 42/NQ-CP tại thị trấn Trâu Quỳ, huyện Gia Lâm hồi tháng 5/2020. Ảnh minh họa. |
Sau khi có Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg, ngày 8/7, Sở cũng đã họp tổ công tác, đồng thời, phối hợp với các sở, ngành liên quan khẩn trương hoàn thiện dự thảo quyết định của Thành phố.
Về cơ bản, các chính sách hỗ trợ của thành phố Hà Nội thực hiện theo định hướng của Trung ương và phù hợp với thực tế ở từng địa phương, nhóm đối tượng. Quy trình triển khai bảo đảm linh hoạt, cắt giảm tối đa thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xét duyệt hồ sơ đề nghị hỗ trợ.
Đối với nhóm lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) và một số đối tượng đặc thù khác, việc xây dựng tiêu chí xác định đối tượng đủ điều kiện thụ hưởng sẽ được tiến hành cẩn trọng, bảo đảm đúng người.
“Chúng tôi nỗ lực triển khai chính sách hỗ trợ an sinh xã hội với tinh thần trách nhiệm cao nhất, minh bạch, khách quan, công tâm”, ông Nguyễn Quốc Khánh nhấn mạnh.
Trước đó, Hà Nội đã triển khai gói hỗ trợ an sinh xã hội theo Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9/4/2020 và Nghị quyết số 154/NQ-CP ngày 19/10/2020 sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 bảo đảm an toàn. Từ cuối tháng 4/2020 đến tháng 5/2021, toàn thành phố đã hỗ trợ cho tổng số 515.515 người, với số tiền hơn 608 tỷ đồng.
Trong đó, nhóm đối tượng là người lao động và hộ kinh doanh có 130.107 người được hỗ trợ với số tiền gần 131,6 tỷ đồng. Nhóm người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động phải thỏa thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương từ một tháng trở lên có 1.303 người được hỗ trợ với số tiền hơn 2,6 tỷ đồng. Nhóm người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm (lao động tự do) có 125.313 người được hỗ trợ với số tiền hơn 125 tỷ đồng…
Ngoài ra, các cơ quan chức năng đã phối hợp giải quyết cho 14 đơn vị, doanh nghiệp vay vốn để trả lương ngừng việc cho 1.477 người lao động với số tiền hơn 4,2 tỷ đồng; giải quyết tạm dừng đóng vào Quỹ hưu trí và tử tuất cho 180 doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động với tổng số 15.188 lao động, tương ứng kinh phí hơn 50 tỷ đồng…
P.Diệp / laodongthudo.vn