Hà Nội trong mắt Quý

Trong số những nhà văn viết về Hà Nội, Nguyễn Trương Quý là một gương mặt trẻ. Trẻ, vì thế, anh mang tới cho người đọc những trang viết về một Hà Nội nhiều nét khác lạ. Ký ức có thể thơm nồng vang vọng, song trong dằng dặc thời gian, vẫn có những khuất lấp chưa được đề cập. Và bằng thao tác văn chương, thao tác nghề nghiệp của một người trẻ, Nguyễn Trương Quý đã khiến người đọc thích thú với những cuốn biên khảo gần đây, như “Một thời Hà Nội hát” hay mới nhất là “Hà Nội bảo thế là thường”.

Hà Nội trong mắt Quý

Nhà văn Nguyễn Trương Quý và cuốn sách mới nhất “Hà Nội bảo thế là thường”
1. Nguyễn Trương Quý bắt đầu gây chú ý qua tập tản văn đầu tay viết về Hà Nội “Tự nhiên như người Hà Nội” (2004). Một cuốn sách lạ, lạ từ cách đặt tên, lạ đến những góc nhìn về những thân quen thân thuộc vốn đóng đinh qua cách nhìn nhận về những giá trị Hà Nội đã được những thế hệ nhà văn tiền bối như Vũ Bằng, Thạch Lam, hoặc gần hơn là Tô Hoài, Băng Sơn đã viết.
Mấy năm sau, Trương Quý công bố các tập tản văn “Ăn phở rất khó thấy ngon” (2008); “Hà Nội là Hà Nội” (2010); “Xe máy tiếu ngạo” (2012), “Mỗi góc phố một người đang sống” (2015) lại tiếp tục củng cố một giọng viết về Hà Nội. Đọc tản văn của anh, người ta nhận ra một Hà Nội rất riêng qua mắt một người trẻ, qua những khảo cứu kỹ càng…
Cho tới cuốn “Còn ai hát về Hà Nội” (2013), đặc biệt là cuốn “Một thời Hà Nội hát – Tim cũng không ngờ làm nên lời ca” (2018) cho thấy khả năng nghiên cứu chuyên sâu của Nguyễn Trương Quý. Ở hai tập sách này, anh dành nhiều thời gian gặp gỡ, trò chuyện cũng như khảo cứu tư liệu, giai thoại trong sách báo xưa xoay quanh chủ đề âm nhạc. Như trong “Một thời Hà Nội hát”, Quý chọn nhạc sĩ Đoàn Chuẩn làm nhân vật trung tâm. “Tôi quan niệm, để chọn một nhân vật làm trung tâm của cuốn du khảo “Một thời Hà Nội hát”, cần hội đủ những yếu tố: tác phẩm, cuộc sống và sự gắn bó của nhân vật ấy với Hà Nội. Ở đây Đoàn Chuẩn là một nhân vật có đủ những khía cạnh để đại diện. Một đô thị quyến rũ là nơi tồn tại những huyền thoại phố phường, những vẻ đẹp lãng mạn được truyền tụng. Đoàn Chuẩn là một phát ngôn viên, một sứ giả cho vẻ đẹp ấy”, Trương Quý nói.
Tất nhiên, chọn Đoàn Chuẩn, anh có sự thuận tay nhất định. Bởi lúc nhạc sĩ còn sống, Trương Quý đã từng nhiều lần tiếp xúc, trò chuyện với ông. Khi viết sách, dù ông đã đi xa, nhưng anh lại được con trai nhạc sĩ cung cấp nhiều tư liệu quý. Nhiều bạn bè khác của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn còn sống, nhiều “bóng hồng” trong ca khúc của Đoàn Chuẩn cũng còn minh mẫn. Nhưng điều cốt yếu nhất, theo tôi, ở cuốn du khảo “Một thời Hà Nội hát”, Nguyễn Trương Quý đã tìm ra một phương pháp nghiên cứu khác so với những cuốn sách trước đó, khác hơn cả với cuốn “Còn ai hát về Hà Nội” (2013). Chính anh cũng thừa nhận, khi dành thời gian đi học tiếp đã nhìn ra được phương pháp và cơ sở lý thuyết để khảo cứu. “Mặc dù vẫn trung thành với cái giọng điệu và suy nghĩ vốn có của mình, tôi cũng thấy mình trưởng thành hơn, có đất để đào xới tận cùng những vấn đề, không còn dừng lại ở những bài tiểu luận hay tản văn nhỏ nữa”, Trương Quý nói, đồng thời chia sẻ thêm: “Việc thu thập tài liệu, tiếp xúc và phỏng vấn các nhân vật còn sống cũng tương đối mất công, nhưng khiến tôi tự tin và chắc chắn hơn về một giai đoạn lịch sử chưa quá xa của Hà Nội nhưng chưa được nghiên cứu nhiều, nhất là khía cạnh những câu chuyện nhỏ của đô thị mà tôi gọi là “vi lịch sử của Hà Nội”.

Hà Nội trong mắt Quý
Một bức tranh về Hà Nội của Nguyễn Trương Quý
2. Những câu chuyện nhỏ của một đô thị như Hà Nội, như Trương Quý nói, tiếp tục hiện ra trong cuốn sách “Hà Nội bảo thế là thường” (2020). Ở đó, cũng là viết về quán trà chén vỉa hè, về cái ăn cái mặc của người Hà Nội, bữa cơm gia đình của người Hà Nội nhưng anh có cách tiếp cận khác. Trong nhiều trường hợp, đó chính là sự trải nghiệm của tác giả. Và Trương Quý cũng không ngại kể chuyện chính mình, như “cái chuyện mặc của anh”, để khảo, để biên về chuyện ăn chuyện mặc của người Hà Nội. Hay chuyện trà chén vỉa hè. Trong nhiều thập niên qua, Hà Nội thay đổi chóng mặt, nhưng thói quen ngồi vặt ở quán nước chè, theo Nguyễn Trương Quý, chẳng thay đổi là bao.

Anh kể: “Tôi từng có một người cha bán nước chè nên rất nhớ những khung cảnh và chi tiết của một nơi chốn như vậy mà đến hôm nay, vẫn hiện diện. Nó có thể không đẹp đẽ hay tiện nghi kiểu “hiện đại” nhưng nó lại là một không gian cộng đồng quan trọng của đông đảo người bình dân. Như nhiều thứ khác, những nơi chốn ấy bộc lộ những gì thuộc về một nhu cầu giao tiếp, chia sẻ và quan sát thế giới của con người đô thị. Điều đứt gãy cũng sinh ra từ chính sức ép của sự phát triển, những lớp người sau vừa sinh trưởng trên tầng văn hóa lớp cũ song cũng dễ dàng mau chóng phủ một tầng văn hóa khác lên đó”.
Nhưng cái hay của Nguyễn Trương Quý là anh không chỉ viết về quán nước với hình ảnh cha mình, mà “Bụi hồng quán nước”, hay những tản văn khác như “Thịt đông xao xác”, “Quần là cháy ly”, “Ra đường mũ áo xênh xang”, “Va li mộng viễn hành”, “Những mảnh địa đàng”… còn dẫn dắt độc giả đến với những “liên văn bản khác”. Đó là những hình thái khác nhau của quán nước chè, của những phong cách ăn mặc, thói quen ẩm thực, dịch chuyển, hay những mảnh vườn của người Hà Nội trong thơ ca, điện ảnh, nhiếp ảnh, âm nhạc… Khảo sát cả một diện rộng, đưa ra những trải nghiệm cá nhân ở trong nước và nước ngoài, để rồi cô đọng trong những tản văn vài ngàn chữ, đòi hỏi nhiều kỹ năng, thậm chí đòi hỏi sự thông minh, nếu không sẽ nghiêng lệch về liệt kê, thống kê, kể lể. Rất thú vị, Nguyễn Trương Quý đã vượt qua và để lại những tản văn có tính khảo cứu công phu, nhưng giọng văn của anh, vẫn giữ được.

Nguyễn Trương Quý cho rằng, khi viết về những ngày tháng cũ của Hà Nội, anh đã sẵn những hoài niệm. Sự nhẩn nha, thong thả hay sự cuống quýt cũng là nhờ trí tưởng tượng phục dựng từ những dấu vết còn lại qua văn bản, thơ ca, âm nhạc hay các hình ảnh tư liệu. Vì thế, màu thời gian thường phủ lên các thao tác viết một cảm xúc hoài niệm, tuy không phải lúc nào cũng coi cái cũ là hơn. Anh thích chồng các điều tương đồng sóng đôi giữa cũ và mới, giữa các niên đại để rút ra một quy luật phát triển nào đó, mà thiên về cái vui vẻ, hóm hỉnh, thú vị, chứ ít khi khơi lại những mất mát, thương tổn. Tất nhiên cái được và cái mất thường nhiều khi xoắn vào nhau khó tách rời. Ưu thế của ngày hôm nay là chúng ta có thể bình tâm ngoái lại quá khứ và rút ra phép ứng xử phù hợp trước mỗi hiện tượng văn hóa.
Sinh năm 1977, Nguyễn Trương Quý tốt nghiệp Trường Đại học Kiến trúc và từng làm nghề kiến trúc sư. Nhưng những câu chuyện của Hà Nội đã mê hoặc anh cầm bút. Không chỉ thành công với hàng loạt tản văn, Trương Quý đã xuất bản tập truyện “Dưới cột đèn rót một ấm trà” (NXB Trẻ, 2013). Nhà văn Nguyễn Trương Quý đã được trao Giải Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội (2019) – hạng mục Tác phẩm – cho cuốn “Một thời Hà Nội hát – Tim cũng không ngờ làm nên lời ca” vì “đã có góc tiếp cận độc đáo về đời sống Hà Nội thông qua âm nhạc Đoàn Chuẩn”.Trương Quý cũng còn dành nhiều thời gian vẽ tranh về Hà Nội, đặc biệt, năm qua, anh tham gia triển lãm chung “Tháng Chạp” tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.
Hoàng Thu Phố/nguoihanoi.com.vn