Hà Nội và nỗi nhớ

“Hà nội ơi, mong được bình an/ Hơn nửa đời tôi nợ người nhiều lắm/ Dẫu chẳng sinh ra nhưng là nơi tôi sống/ Và mỗi khi xa lại nhớ giống quê mình”.

anh-net-dep-co-kinh-cau-long-bien-ha-noi_053443345.jpg

Nét đẹp cổ kính của cầu Long Biên 

Đó là mấy câu trong bài thơ tôi viết về những ngày Hà Nội đang phải gồng mình với đại dịch Covid – 19. Những cảm xúc rất thật, mà không thật làm sao được khi tôi đã có một Hà nội của riêng mình trong mấy chục năm nay. Một Hà Nội thơ mộng thanh lịch đã góp phần không nhỏ trong việc hình thành tính cách của tôi, nó được trộn lẫn hài hoà giữa bản chất người miền Trung và sự tinh tế dịu dàng của Hà Nội.

Những ấn tượng đẹp của Hà Nội thực ra tôi đã cảm nhận trước khi về Hà Nội công tác, đấy là vào năm 1974, nhân dịp hè, cậu ruột công tác ở sân bay Bạch Mai cho tôi ra Hà Nội chơi. Khu vực quanh sân bay hồi đó chưa phát triển lắm, nhưng trong mắt chàng trai quê nghèo lần đầu ra phố như tôi thì như đã thấy một thiên đường.

Tôi cảm xúc và ấn tượng nhiều nhất là khi cậu đưa tôi tới nhà người họ hàng bên nội chơi mấy ngày, chú họ làm bên ngân hàng Trung ương. Gia đình chú được phân căn hộ tập thể của ngành ở ngoài đê sông Hồng, người con trai cả đang chiến đấu tại chiến trường B, ở với chú thím còn có Sơn, con trai thứ trạc tuổi tôi, nhờ vậy nên vui lắm. Sáng sớm, trước khi đi làm, chú dặn Sơn đưa tôi ra Hồ Gươm chơi. Đẹp quá, những chiếc tàu điện lạ lẫm, mỗi khi chuẩn bị dừng lại phát ra tiếng leng keng rất vui tai, cầu Thê Húc màu son được nối từ bờ ra đền Ngọc Sơn, phía xa xa là tháp rùa cổ kính tọa giữa hồ, soi bóng xuống mặt nước xanh rờn.

Tôi thích thú ngắm những người thợ khắc bút, bằng dụng cụ có đầu nhọn như kim khâu, với bàn tay khéo léo chỉ một lúc sau trên thân bút đã có những tiểu cảnh đẹp mắt, hình ảnh những chú chim bồ câu bay trên trời cao, dòng chữ họ tên… Rồi những ngày tiếp theo, Sơn dẫn tôi đi tàu điện từ Bờ Hồ lên Yên Phụ chơi, sau đó nhảy tàu tới Thụy Khuê rồi đi bộ qua dốc La Pho để vào Bách Thảo xem thú. Cái gì cũng mới lạ, với sự ngạc nhiên xen lẫn ngưỡng mộ, trong đầu chàng trai nhà quê nghèo đã hé lên một ước mơ, giá như sau này mình được ra Hà nội học tập và công tác thì tuyệt quá chừng, ước thì ước nhưng vẫn biết nó vô cùng viễn vông.

Như một cơ duyên, nhiều năm sau, khi đã trang bị cho mình những kiến thức và tay nghề đủ làm việc, thì ước mơ viễn vông ngày nào đã thành sự thật. Đó là vào khoảng cuối năm 1978, tôi được về công tác tại Hà Nội, khi nhận quyết định thử véo cấu vào da mình, thấy đau mới biết đây không phải đang nằm mơ.

Đơn vị tôi đóng ở Nghĩa Đô (đường Hoàng Quốc Việt bây giờ) thuộc huyện ngoại thành nhưng chỉ cách chợ Bưởi hơn cây số, đối diện với Viện khoa học Việt Nam. Hồi đấy đường đi lại còn nhỏ, từ Viện Viện khoa học Việt Nam xuống Trường Đảng bấy giờ đồng ruộng nhiều, bà con các làng xung quanh vẫn ra cấy lúa.

Đường Bưởi hiện tại bây giờ khang trang, sầm uất, đường trên cao nối từ đầu Hoàng Quốc Việt xuống Cầu Giấy, đường dưới thấp hai bên đều rộng và đẹp, đoạn đê phía sông Tô Lịch được kè bằng những tấm bê tông chắc chắn, trông rất hiện đại và đẹp mắt.

Lớp thanh niên mới lớn bây giờ chưa chắc đã hình dung được quá khứ của đường Bưởi hoành tráng, ngày xưa chỉ là con đê đắp bằng đất, phía bờ sông, các cụ phụ lão trồng cây, phía bên trong chỉ lác đác vài cái quán bán vặt, nào là bánh rán, kẹo lạc, kẹo vừng, kẹo dồi cùng ấm tích trà bồm.

Cuối đường Đội Cấn gặp đê Bưởi là dốc tập lái hình chữ V, điều làm tôi nhớ mãi là ở góc hai đường giao nhau ấy, có một gia đình làm bánh rán và quẩy nóng. Mỗi lần đi học từ trường Đại học Bách Khoa về, khi đang khom người đạp chiếc xe cọc cạch lên dốc thì nước miếng cứ ứa ra bởi cái mùi thơm của quẩy và bánh. Lâu ngày thành quen, những kỳ nghỉ hè không qua chỗ dốc lại thấy nhớ.

Quãng thời gian dài ấy, trên mảnh đất kinh kỳ thiêng liêng, tôi đã chứng kiến sự thay da đổi thịt của Hà Nội. Từ những ngày người dân Hà Nội sang bờ bắc với mỗi chiếc cầu Long Biên huyền thoại do kỹ sư người Pháp thiết kế gần trăm năm. Ngược lên phía trên là bến đò Chèm, những chiếc đò ngang là phương tiện cho bà con qua lại giữa Đông Anh và Hà Nội, sau này khi có Phà Chèm, dân đi lại đỡ vất vả hơn. Tới ngày nay thì trên con sông Hồng mang màu phù sa ấy, đã có nhiều cây cầu được bắc qua, nó giúp cho giao thông thuận lợi, làm tăng trưởng kinh tế của đất nước cũng như Hà Nội nói riêng, đồng thời nó hiện diện cho sự đổi mới, tô điểm đẹp thêm bộ mặt của Thủ đô ngàn năm văn hiến.

Giờ đây các khu đô thị cao cấp mọc lên như nấm, đại diện cho sự hiện đại, văn minh, minh chứng cho sự phát triển kinh tế và đời sống của nhân dân Thủ đô ngày càng được nâng cao. Tuy nhiên, mỗi sự phát triển thường kéo theo hệ quả không mong muốn, đó là nạn tắc đường theo tỷ lệ thuận với sự gia tăng dân số và tăng trưởng phương tiện ô tô cá nhân, đây chính là điều đang làm đau đầu các cấp lãnh đạo.

Tôi đã trải qua nền kinh tế thời bao cấp với những ô tem phiếu và sổ gạo, mọi người trong ngày nghỉ cuối tuần phải dậy thật sớm, xếp hàng để mua từng lít dầu ma dút, vài bìa đậu phụ, mấy lạng cá đồng tiền nhỏ xíu ướp đá… tại các quầy hàng thương nghiệp quốc doanh. Lớp con cháu của chúng tôi bây giờ sao có thể biết được, cái sổ gạo đến tháng để mua một ít gạo cũ kèm hạt bo bo, sắn khô hoặc khoai tây, thi thoảng mới có bột mỳ. Ấy vậy nhưng thời ấy sổ gạo quan trọng lắm, làm mất sổ gạo vợ chồng có nguy cơ giận nhau, con cái có thể bị bố mẹ đánh dừ đòn, vì vậy mà sau một thời gian bỏ bao cấp vẫn lưu truyền câu nói vui: “mặt buồn như mất sổ gạo”, bởi mất sổ gạo là cả nhà phải nhịn ăn.

Tới thời đại ngày nay thì nền kinh tế đã lột xác hoàn toàn, siêu thị và các dịch vụ mọc lên nhiều, của ngon vật lạ chẳng thiếu, với công nghệ thời 4.0 thì muốn mua gì, ăn gì chỉ cần thao tác vài phút trên chiếc điện thoại thông minh là người ta phục vụ tận nhà. Tới khi cuộc sống vật chất đầy đủ, người ta quan tâm nhiều đến đời sống tinh thần, vì vậy tại nội và ngoại thành Hà Nội, nhiều khu vui chơi giải trí, du lịch sinh thái đã phát triển để đón mọi người tới vui chơi và nghỉ dưỡng. Nhiều gia đình có điều kiện mua hẳn nhà vườn tại những khu vực có hệ sinh thái tốt để làm nơi về cuối tuần hoặc mời bạn bè tới để vui chơi, cái chuyện mà ngày xưa tưởng chỉ có trong sách vở hoặc trên phim ảnh nước ngoài.

Lợi thế của Hà Nội là có nhiều hồ, mỗi cái đều có nét đẹp riêng của nó, nhưng với tôi, Hồ Gươm vẫn mang nét đẹp cổ kính, huyền bí. Sau đó là Hồ Tây, có diện tích lớn và cảnh quan tuyệt vời, chúng ta ví Hà Nội là trái tim của cả nước, Hồ Gươm là trái tim của Hà Nội thì quả không ngoa khi Hồ Tây là lá phổi to và đẹp nhất Thủ đô.

Từ ngày Hồ Tây được kè bờ, con đường vòng quanh hồ luôn nườm nượp bước chân khách tới tham quan. Mỗi sáng sớm, khi ông mặt trời chưa nhô lên khỏi mấy tòa nhà đằng Đông, thì đã có từng đoàn người đạp xe, chạy bộ tập thể dục. Chiều, khi hoàng hôn vừa buông, ngoài những đoàn người tập thể dục, ta còn thấy nhiều gia đình trẻ, những cặp nam thanh nữ tú ra hồ hóng gió, chụp hình làm kỷ niệm hoặc chọn những góc nhìn đẹp ngồi uống trà sữa, nhâm nhi li cà phê xay, thưởng thức bản nhạc của nhạc sỹ Phú Quang viết về Hà Nội.

Thi thoảng có người vẫn hỏi, tại sao Hà Nội lại nhiều bài hát hay đến vậy, đơn giản thôi, bởi Hà Nội luôn mang cảm xúc cho mọi người, bởi Hà Nội có bốn mùa rõ rệt. Hè về bâng khuâng chùm hoa phượng đỏ cùng tiếng ve râm ran và không tránh khỏi những ngày oi nồng nắng rát. Đông cho ta cảm xúc cái lạnh nhè nhẹ đầu mùa nhưng cũng có những ngày rét thấu thịt da. Nhưng có lẽ sự nóng và lạnh trong hai mùa đó cũng là một trong những nét đáng yêu của Hà Nội, bên cạnh sự đáng yêu của mùa thu luôn điệu đà như gái mới lớn vừa biết yêu, và sự tuyệt vời về sức sống mãnh liệt của mùa xuân, mùa đâm chồi nẩy lộc.

Giờ đây, việc sáng sớm hoặc chiều tà, xách xe đạp lên Hồ Tây là thói quen ăn sâu vào tôi, mỗi khi có việc đi xa là nôn nao nhớ, nhớ như nhớ quê hương đã sinh ra mình. Những giây phút thả hồn lãng đãng, mắt ngước lên bất chợt gặp những khối nhà lạnh lùng, cao sừng sững cạnh hồ, tôi không khỏi chạnh lòng, chạnh lòng bởi tôi đã từng thấy nét đẹp của hồ khi nó được nằm giữa không gian phóng khoáng, nhiều cây xanh hoặc chí ít cũng lác đác vài ngôi nhà vườn với độ cao vừa phải như điểm nhấn làm cho cảnh quan Hồ Tây càng đẹp hơn.

Những lúc nhởn nhơ ra phố, tôi thầm ước ao, giá Hà Nội không gặp cảnh tắc đường hàng giờ, giá Hà Nội giảm thiểu được sự ô nhiễm do bụi và khói xe thải ra, giá như xung quanh những cảnh đẹp Hồ Gươm, Hồ Tây…có những quy hoạch chuẩn để bảo tồn được nét đẹp mà thiên nhiên đã ban tặng cho Hà nội, không để những công trình vì cái lợi trước mắt, làm xấu cảnh quan của những thắng cảnh mà không phải thành phố nào muốn là có được.

Tôi tin rằng, mọi người dân đang sống ở nơi đây, ai cũng tự hào, mong muốn Hà Nội là thành phố đáng sống và đáng yêu nhất của chúng ta.

Tác phẩm tham dự cuộc thi viết “Hà Nội và tôi” của tác giả Phan Thế Ngộ.

Phan Thế Ngộ

https://nguoihanoi.com.vn/ha-noi-va-noi-nho-67473.html