Hà Nội xây dựng Đề án quản lý, khai thác hiệu quả 4 nhóm tài sản công

Phạm vi Đề án gồm 4 nhóm tài sản: Nhà, đất đai, tài sản kết cấu hạ tầng và tài sản khác. Trong đó, tập trung đánh giá, kiến nghị giải pháp với 2 nhóm chủ yếu là quỹ nhà thuộc sở hữu nhà nước của Thành phố và đất đai.

Sáng 10/3, Hội đồng nhân dân (HĐND) thành phố Hà Nội đã khai mạc Kỳ họp thứ 11. Kỳ họp sẽ xem xét, quyết nghị 6 nội dung thuộc thẩm quyền, trong đó có Đề án quản lý, sử dụng và khai thác hiệu quả tài sản công của thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2025, định hướng giai đoạn 2026-2030.

Phạm vi Đề án gồm 4 nhóm tài sản

Ông Nguyễn Xuân Lưu, Giám đốc Sở Tài chính trình bày tóm tắt Tờ trình Đề án cho biết, việc xây dựng Đề án nhằm đánh giá thực trạng công tác quản lý, sử dụng và khai thác tài sản công của Thành phố; nhận diện những khó khăn, vướng mắc, tồn tại và nguyên nhân. Từ đó, đề xuất các giải pháp khắc phục.

Mục tiêu cụ thể của Đề án là hệ thống đầy đủ, cơ bản đánh giá thực trạng và đề xuất định hướng, giải pháp để xử lý, khắc phục và nâng cao hiệu quả công tác quản lý, sử dụng và khai thác tài sản công thuộc phạm vi quản lý của thành phố Hà Nội. Phân định rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, đơn vị trong công tác quản lý, sử dụng và khai thác tài sản công của Thành phố.

Hà Nội xây dựng Đề án quản lý, khai thác hiệu quả 4 nhóm tài sản công
Ông Nguyễn Xuân Lưu, Giám đốc Sở Tài chính trình bày tóm tắt Tờ trình Đề án.

Theo quy định Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, tài sản công là tài sản thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý, bao gồm 7 nhóm: (1) Tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị (nhà, đất, ô tô, tài sản khác); (2) Tài sản công tại doanh nghiệp (nhà, đất, ô tô, tài sản khác); (3) Tài sản kết cấu hạ tầng; (4) Tài sản của dự án sử dụng vốn nhà nước; (5) Tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân theo quy định của pháp luật; (6) Đất đai, tài nguyên; (7) Tiền thuộc ngân sách nhà nước, các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách và dự trữ ngoại hối nhà nước.

Trong tờ trình, UBND nêu rõ, với nhóm tài sản của dự án sử dụng vốn nhà nước và nhóm tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân theo quy định của pháp luật, đây là các nhóm tài sản chỉ xuất hiện trong giai đoạn hình thành tài sản công. Sau khi tài sản được giao, xử lý theo văn bản của cơ quan/người có thẩm quyền (Quyết định phê duyệt phương án xử lý tài sản của dự án Quyết định xác lập quyền sở hữu toàn dân tài sản) sẽ được quản lý, sử dụng và khai thác theo cơ chế áp dụng cho từng nhóm tài sản công khác.

Bên cạnh đó, việc quản lý, sử dụng đối với nhóm tài sản là tiền thuộc ngân sách nhà nước, các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách và dự trữ ngoại hối nhà nước được thực hiện theo pháp luật về ngân sách và pháp luật có liên quan, định kỳ hàng năm được thực hiện quản lý, sử dụng, báo cáo, quyết toán công khai đầy đủ, theo quy định. Do vậy, Đề án sẽ không đề cập đến 3 nhóm này.

Tài sản công phải được thực hiện công khai, minh bạch

Phạm vi Đề án gồm 4 nhóm tài sản: Nhà, đất đai, tài sản kết cấu hạ tầng và tài sản khác. Trong đó, tập trung đánh giá, kiến nghị giải pháp với 2 nhóm chủ yếu là quỹ nhà thuộc sở hữu nhà nước của Thành phố và đất đai.

Hà Nội xây dựng Đề án quản lý, khai thác hiệu quả 4 nhóm tài sản công
Toàn cảnh Kỳ họp.

Theo đó, 9 Quỹ nhà thuộc sở hữu nhà nước của Thành phố giao các đơn vị, tổ chức kinh doanh nhà quản lý, khai thác gồm: Quỹ nhà chuyên dùng; Quỹ nhà tầng 1 tại các nhà chung cư thương mại các chủ đầu tư phải bàn giao cho Thành phố; Quỹ nhà tái định cư (bao gồm diện tích tăng 1 kinh doanh dịch vụ); Quỹ nhà ở cũ thuộc sở hữu nhà nước;, Quỹ nhà ở sinh viên; Quỹ nhà công nhân tại xã Kim Chung, huyện Đông Anh; Nhà ở công vụ; Khu nhà ở xã hội CT19A Việt Hưng và Cung Trí thức Thành phố.

Đồng thời, Đề án cũng phân tích, phân loại đối với số nợ đọng liên quan đến hoạt động bán, cho thuê quỹ nhà thuộc sở hữu nhà nước của Thành phố; trụ sở làm việc, công trình sự nghiệp của cơ quan, tổ chức, đơn vị và trụ sở làm việc, cơ sở sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước thuộc phạm ví quản lý của Thành phố.

Về đất đai, tổng diện tích đất tự nhiên toàn Thành phố là 335.984 ha. Trong đó, đất nông nghiệp có 197.793 ha và chiếm 58.87% diện tích tự nhiên; đất phi nông nghiệp có 15.674 ha và chiếm 40,3% diện tích tự nhiên và đất chưa sử dụng có 2.517 ha và chiếm 0,75% diện tích tự nhiên.

Trên cơ sở rà soát quỹ đất tự nhiên của Thành phố, Đề án tập trung rà soát thực trạng một số nhóm quỹ đất là tài sản công do Thành phố quản lý hoặc có điều kiện trở thành tài sản công trong tương lai.

Cụ thể là 5 quỹ đất dự kiến khai thác để tạo nguồn lực phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2022-2025 và định hướng giai đoạn 2026-2030 gồm: Quỹ đất 20%, 25% tại các dự án phát triển nhà ở, khu đô thị trên địa bàn Thành phố; Quỹ đất dự kiến đối ứng cho các Dự án BT nay không đủ điều kiện triển khai theo quy định của Luật Đầu tư; Quỹ đất di dời cơ sở không phù hợp quy hoạch: Quỹ đất do Trung tâm phát triển quỹ đất Hà Nội đang quản lý; Quỹ đất đấu giá quyền sử dụng đất.

Khắc phục dứt điểm các vi phạm trong quản lý quỹ nhà thuộc sở hữu nhà nước

Đề án nêu rõ, Thành phố đã ban hành cơ bản đầy đủ, kịp thời các cơ chế chính sách, các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và các văn bản hướng dẫn thi hành. Công tác quản lý, sử dụng và khai thác tài sản công tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của Thành phố đã dần đi vào nền nếp…

Quan điểm quản lý, sử dụng và khai thác tài sản công của Thành phố là tài sản công của Thành phố phải được thực hiện công khai, minh bạch. Việc khai thác nguồn lực tài chính từ tài sản công phải tuân theo cơ chế thị trường. Công tác quản lý, sử dụng tài sản công được giám sát, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán; mọi vi phạm phải được xử lý kịp thời, nghiêm minh theo quy định của pháp luật.

Thành phố xác định trong giai đoạn 2022-2023 có 100% tài sản chuyên dùng của Thành phố được cấp có thẩm quyền phê duyệt tiêu chuẩn, định mức; đẩy nhanh tiến độ rà soát, phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước của Thành phố, đảm bảo đạt tỷ lệ tối thiểu 90% đối với các cơ sở nhà, đất chưa được phê duyệt mới.

Đồng thời xử lý, khắc phục dứt điểm các vi phạm, tồn tại trong quản lý, sử dụng quỹ nhà thuộc sở hữu nhà nước của Thành phố giao cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp quản lý, khai thác trên cơ sở quy định của Trung ương và Thành phố; chấm dứt tình trạng sử dụng tài sản công để cho thuê, cho mượn, liên doanh, liên kết không đúng quy định.

Xây dựng đầy đủ Cơ sở dữ liệu tài sản công, tập trung cho từng nhóm tài sản công, tiến tới 100% tài sản công của Thành phố được thống kê, theo dõi và cập nhật đầy đủ, tập trung; 100% cơ sở nhà, đất do các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp Nhà nước của Thành phố quản lý, sử dụng được phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước…

 

Phương Thảo – Trần Vũ
https://laodongthudo.vn/ha-noi-xay-dung-de-an-quan-ly-khai-thac-hieu-qua-4-nhom-tai-san-cong-153309.html