Hiện thực hóa giấc mơ thành phố ven sông Hồng

Trong tâm thức người Hà Nội, sông Hồng đã tạo ra cả không gian văn hóa, bề dày lịch sử của vùng đồng bằng Bắc bộ và cả sự phồn thịnh của kinh thành Thăng Long xưa. Tuy vậy, do nhu cầu phòng chống lũ, trị thủy, xuyên suốt quá trình lịch sử, thành phố phát triển mở rộng dần về hướng Tây. Giờ đây, cùng với đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến 2045, tầm nhìn đến năm 2065 được phê duyệt, Hà Nội đang hướng đến mục tiêu “đánh thức” dòng sông mẹ.

Mong muốn từ nhiều năm

Trải qua hơn nghìn năm văn hiến, Thủ đô Hà Nội có lịch sử hình thành và phát triển gắn liền với hệ thống sông, hồ và đặc biệt là sông Hồng. Việc hoàn thiện quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng là bước đi đầu tiên, quan trọng để biến ước mơ về thành phố xanh, hiện đại và đậm đà bản sắc văn hóa hai bên bờ sông Hồng thành hiện thực.

Cụ thể, năm 2012, Hà Nội ban hành Quyết định phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch tỷ lệ 1/5.000 phân khu đô thị sông Hồng; Luật Thủ đô 2013 đã có nội dung đề cập đến tạo lập không gian cảnh quan hai bên sông Hồng; năm 2015, Hà Nội phê duyệt Chiến lược phát triển quy hoạch đô thị hai bên bờ sông Hồng tại Hà Nội: “Đoạn từ cầu Thăng Long đến cầu Long Biên” do Chính phủ Hàn Quốc tài trợ.

Đến năm 2017, UBND Thành phố giao Sở Quy hoạch – Kiến trúc là đơn vị đầu mối chủ trì phối hợp với Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội và các sở, ngành, đơn vị liên quan tập hợp toàn bộ các thông tin liên quan phục vụ cho công tác nghiên cứu, lập đồ án Quy hoạch hai bên bờ sông Hồng.

Hiện thực hóa giấc mơ thành phố ven sông Hồng
Thành phố Hà Nội nhìn từ phía bờ nam sông Hồng (ảnh: MP).

Năm 2021, Thường trực Thành ủy Hà Nội thống nhất các định hướng lớn vào Quy hoạch phân khu sông Hồng. Đặc biệt, Chương trình 06-CTr/TU Thành ủy cũng xác định sông Hồng có tính chất là trục không gian đặc trưng hành lang xanh gồm hệ thống cây xanh mặt nước, văn hóa lịch sử, cảnh quan chủ đạo của đô thị trung tâm với các chức năng chính là công trình công cộng, các công viên cây xanh, văn hóa dịch vụ du lịch, giải trí, biểu tượng của Thủ đô, phục vụ các hoạt động lễ hội, du lịch.

Đến năm 2022, UBND thành phố Hà Nội ban hành Quyết định phê duyệt đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, tỷ lệ 1/5.000 (đoạn từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở) với quan điểm quy hoạch sông Hồng cụ thể như: Là không gian thoát lũ sông Hồng đoạn qua khu vực đô thị trung tâm và Quy hoạch phòng chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình…

Mới đây, ngày 16/6 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến 2045, tầm nhìn đến năm 2065. Phạm vi lập điều chỉnh quy hoạch là toàn bộ địa giới hành chính Thủ đô với 12 quận, 17 huyện và một thị xã, diện tích 3.359,84km2.

Trong đó, điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô tiếp tục đặt mục tiêu phát triển các đô thị vệ tinh với sông Hồng là trục xanh, cảnh quan trung tâm; tăng tỷ lệ đất phát triển đô thị, xây dựng mô hình thành phố trực thuộc Thủ đô tại phía Bắc (vùng Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn) và phía Tây (vùng Hòa Lạc, Xuân Mai); xây dựng đô thị thông minh trên cơ sở phát triển khu vực hai bên trục đường Nhật Tân – Nội Bài (Võ Nguyên Giáp).

Sông Hồng là trục trung tâm

Theo nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến 2045, tầm nhìn đến năm 2065 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, phạm vi lập điều chỉnh quy hoạch là toàn bộ địa giới hành chính Thủ đô với 12 quận, 17 huyện và một thị xã, diện tích 3.359,84km2.

Hiện thực hóa giấc mơ thành phố ven sông Hồng
Tổng quan đồ án Quy hoạch Phân khu đô thị sông Hồng.

Trong đó, kế thừa bản quy hoạch chung theo Quyết định 1259/2011 của Thủ tướng (Quy hoạch 1259), quy hoạch điều chỉnh tiếp tục đặt mục tiêu phát triển Thủ đô thành thành phố văn hiến – văn minh – hiện đại, trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước. Hà Nội sẽ trở thành “thành phố kết nối toàn cầu, phấn đấu phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực”.

Quy hoạch trước đây xác định Hà Nội phát triển theo mô hình chùm đô thị gồm 5 đô thị vệ tinh Hòa Lạc, Sơn Tây, Xuân Mai, Phú Xuyên và Sóc Sơn. Mỗi đô thị vệ tinh có chức năng hỗn hợp và đặc thù riêng, hoạt động tương đối độc lập để hỗ trợ và chia sẻ với đô thị trung tâm về nhà ở, đào tạo, công nghiệp, dịch vụ.

Điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô tiếp tục đặt mục tiêu phát triển các đô thị vệ tinh với sông Hồng là trục xanh, cảnh quan trung tâm; tăng tỷ lệ đất phát triển đô thị, xây dựng mô hình thành phố trực thuộc Thủ đô tại phía Bắc (vùng Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn) và phía Tây (vùng Hòa Lạc, Xuân Mai); xây dựng đô thị thông minh trên cơ sở phát triển khu vực hai bên trục đường Nhật Tân – Nội Bài (Võ Nguyên Giáp).

Đáng chú ý, điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô với sông Hồng là trục xanh, cảnh quan trung tâm, phát triển đô thị hài hòa hai bên sông của Hà Nội. Nghiên cứu tăng tỷ lệ đất phát triển đô thị; xây dựng mô hình thành phố trực thuộc Thủ đô tại khu vực phía Bắc (vùng Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn) và phía Tây (vùng Hòa Lạc, Xuân Mai).

Đồng thời xây dựng đô thị thông minh trên cơ sở phát triển khu vực hai bên trục đường Nhật Tân – Nội Bài (Võ Nguyên Giáp); quy hoạch phát triển không gian ngầm đô thị, không gian xanh và không gian công cộng. Quy hoạch xây dựng khu vực nông thôn hài hòa, gắn với phát triển đô thị, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống, kết nối đồng bộ với quy hoạch khu vực đô thị; khai thác hiệu quả cảnh quan thiên nhiên vùng nông thôn, hành lang xanh kết hợp với phát triển du lịch xanh.

Hiện thực hóa giấc mơ thành phố ven sông Hồng
Phối cảnh cầu Trần Hưng Đạo nối hai bờ sông Hồng.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu nghiên cứu các giải pháp quy hoạch phát triển các khu vực cụ thể như: trục không gian sông Hồng, không gian phát triển đô thị hai bên đường vành đai 4, mô hình phát triển thành phố trong Thủ đô, mô hình phát triển TOD tại các khu vực đầu mối giao thông công cộng, phương án bố trí sân bay quốc tế thứ 2 của vùng Thủ đô tại Hà Nội.

Nghiên cứu rà soát điều chỉnh bổ sung các tuyến đường trục chính, cầu qua sông Hồng, sông Đuống, sông Đà, sông Đáy và các tuyến sông chính khác. Đề xuất các giải pháp để khắc phục các tồn tại, bất cập về quá tải hệ thống hạ tầng kỹ thuật, tắc nghẽn giao thông, phát triển hệ thống hạ tầng kinh tế – xã hội chất lượng cao, xử lý các vấn đề môi trường; nghiên cứu phương án bố trí hệ thống bến xe đối ngoại gắn kết với đầu mối giao thông, các tổ hợp đa chức năng gắn với yêu cầu phát triển hệ thống hạ tầng logistic, bổ sung các biện pháp quản lý phương tiện giao thông thông minh…

Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu rà soát, đánh giá thực hiện Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2011 và các quy hoạch chuyên ngành đã được duyệt để xác định các nội dung còn phù hợp, kế thừa phát triển; xác định các tồn tại, vướng mắc để nghiên cứu điều chỉnh và các vấn đề còn thiếu, chưa phù hợp để nghiên cứu bổ sung. Nghiên cứu, cập nhật những chủ trương, định hướng quan trọng của quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng có liên quan đến phạm vi Thủ đô…

Tuấn Dũng
https://laodongthudo.vn/hien-thuc-hoa-giac-mo-thanh-pho-ven-song-hong-157403.html