Hiệu quả mô hình thu gom rác thải nhựa

Quận Hoàn Kiếm vừa hoàn thành mô hình thí điểm “Kinh tế tuần hoàn rác thải nhựa dựa vào cộng đồng” mục đích nhằm thu gom rác nhựa giá trị thấp để tái chế thành hạt nhựa, đầu vào cho sản xuất bao bì nhựa. Qua mô hình, nhận thức, trách nhiệm của người dân được nâng cao từ đó giảm thiểu việc sử dụng túi ni lông, các sản phẩm nhựa để góp phần vào phát triển kinh tế bền vững và an sinh xã hội, bảo vệ môi trường.

Những hiệu quả tích cực

Mô hình “Kinh tế tuần hoàn rác thải nhựa dựa vào cộng đồng tại quận Hoàn Kiếm” bắt đầu từ việc thí điểm tại phường Hàng Đào, sau đó được nhân rộng trên địa bàn 5 phường khác gồm Hàng Trống, Hàng Bạc, Hàng Buồm, Cửa Đông và Phúc Tân. Ban đầu các hộ còn ngại thực hiện nhưng nay đã từng bước thay đổi, hình thành ý thức và trách nhiệm trong việc phân loại, thực hiện mô hình.

Hiệu quả mô hình thu gom rác thải nhựa
Người dân thực hiện phân loại rác thải ngay tại gia đình, khu dân cư.

Chia sẻ về những ngày đầu tiên triển khai mô hình dưới sự hỗ trợ của Trung tâm Nghiên cứu môi trường và Cộng đồng (CECR), Tổ trưởng Tổ dân phố số 5, phường Hàng Bạc Nguyễn Thị Ngọc Bích cho biết từ Bí thư Chi bộ, Tổ trưởng dân phố, đến những hội viên Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Chữ thập đỏ, Đoàn Thanh niên phường… đều hăng hái hưởng ứng, tích cực tuyên truyền ngay từ trong gia đình, sau đó lan tỏa ra từng ngõ, phố. Cụ thể người dân được tuyên truyền để hiểu như thế nào là rác thải nhựa giá trị thấp, về phân loại rác tại hộ gia đình, hộ kinh doanh… Sau đó các loại rác thải nhựa giá trị thấp như túi ni lông, chai, lọ, vật dụng bằng nhựa… được các hộ gia đình làm sạch, phơi khô để Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội (URENCO) chi nhánh Hoàn Kiếm thu gom.

“Thay vì cho cả rác hữu cơ, vô cơ, rác thải nhựa lẫn lộn vào túi rồi đưa ra nơi thu gom rác hàng ngày, chúng tôi đã tuyên truyền, vận động người dân duy trì việc phân loại rác tại nhà. Các thành viên trong nhóm đã đến từng hộ dân hướng dẫn và giám sát các hộ phân loại rác. Hiện nay người dân đều hiểu tác hại của rác thải nhựa đối với môi trường, cuộc sống là rất lớn, do đó đa số người dân đồng thuận, chia sẻ niềm vui vì việc phân loại này có thể biến rác nhựa giá trị thấp tái chế thành tài nguyên”, bà Bích chia sẻ.

Không chỉ riêng tại phường Hàng Bạc, tại phường Phúc Tân, việc phân loại rác cũng được người dân chủ động, triển khai đạt nhiều hiệu quả. Bà Vũ Thị Hương, Tổ trưởng Tổ dân phố số 12, phường Phúc Tân chia sẻ: “Để giúp người dân thuận tiện trong việc phân loại chúng tôi “cầm tay, chỉ việc” theo dõi, kiểm tra cho từng hộ dân. Phải để người dân hiểu, “thấm” được tác hại và hiệu quả mà người dân được hưởng từ mô hình có vậy người dân mới quyết tâm chung tay thực hiện cùng. Đến nay, mô hình đem lại hiệu quả rất tốt, tự các hộ dân đã nhắc nhở, hình thành thói quen phân loại rác cho từng thành viên trong gia đình, các em nhỏ là học sinh, sinh viên cũng tham gia phân loại rác ngay tại hộ gia đình mình”.

Từ sự chung tay của người dân, sau hơn một năm triển khai (từ ngày 15/2/2021 – 30/6/2022), đến nay 8.000 hộ dân trên địa bàn 6 phường của quận Hoàn Kiếm nhận được hướng dẫn phân loại rác nhựa giá trị thấp tại nguồn, 7.000 hộ dân đã trực tiếp tham gia phân loại rác. Lượng rác nhựa giá trị thấp thu gom được từ 6 phường trung bình khoảng 170 kg/ngày. Chỉ riêng tại phường Hàng Đào, trong hơn 2 tháng mô hình phân loại thu gom vận hành ổn định đã có 1.936 kg rác thải nhựa giá trị thấp đã được các hộ gia đình phân loại và được nhân viên môi trường của Công ty URENCO thu gom.

Hiệu suất thu gom rác thải của từng công nhân Công ty URENCO giữa các tổ ở các phường có sự chênh lệch nhất định. Tuy nhiên, nhìn chung số lượng rác thu gom được ở mỗi phường đều đáp ứng hoặc vượt qua mục tiêu đề ra ban đầu. Điển hình là phường Cửa Đông luôn duy trì hiệu quả thu gom cao nhất trong quá trình triển khai mô hình (khoảng 1.224 kg/tháng, tương đương 4,7 kg/công nhân/ngày). Cao thứ hai là phường Hàng Buồm (1.062 kg/tháng, tương đương 3,9 kg/công nhân/ngày). Các phường còn lại đều ghi nhận số lượng rác thải được thu gom mỗi ngày trên 3kg/công nhân.

Chia sẻ về kinh nghiệm thu gom rác thải giá trị thấp, anh Nguyễn Minh Thắng, cán bộ dự án Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng (CECR) cho biết: Rác thải nhựa (giấy gói kẹo, vỏ bim bim, túi ni lông, thìa nhựa…) chiếm 8% rác thải sinh hoạt hàng ngày, tuy nhiên, chúng khá nhẹ, cồng kềnh, dễ bẩn nên khó thu gom. Mặt khác, thời gian qua, người dân có thói quen gom chung cả rác thải vô cơ và hữu cơ, vì thế dự án đã đẩy mạnh tuyên truyền, để người dân phân loại tại nguồn.

Thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn bền vững

Một trong những kết quả thực tế của dự án là trong khoảng thời gian 2 tháng (từ ngày 26/4 – 30/6/2022), Vietcycle – đơn vị sản xuất các sản phẩm tái chế từ rác thải nhựa – đã hoàn thành vận chuyển toàn bộ hơn 16 tấn rác thải nhựa giá trị thấp trên về cơ sở sản xuất của Công ty tái chế thành hạt nhựa, đầu vào cho sản xuất bao bì nhựa. Công ty đã thực hiện 12 chuyến vận chuyển từ kho tập kết của Công ty URENCO về cơ sở tái chế để sản xuất sản phẩm mới. Rác thải nhựa giá trị thấp đã được phân loại nay sẽ bước vào quá trình “tái sinh”, sẵn sàng quay trở lại đời sống với những hình hài hữu ích mới.

Từ mô hình điển hình tại quận Hoàn Kiếm, có thể thấy nếu thực hiện tốt việc phân loại rác thải tại nguồn sẽ giảm tải cho các bãi rác của Thành phố. Đặc biệt, việc phân loại rác tại nguồn sẽ tạo thành nguồn tài nguyên có giá trị kinh tế, hướng đến nền kinh tế xanh, đóng góp phần vào sự phát triển của đất nước.

Đánh giá về hiệu quả của mô hình, ông Nguyễn Khắc Hùng, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng (CECR) cho biết cần tiếp tục triển khai và nhân rộng mô hình kinh tế tuần hoàn dựa vào cộng đồng, đồng thời cần nhân rộng mô hình trên địa bàn Hà Nội để giảm thiểu rác thải nhựa, tạo môi trường xanh – sạch – đẹp cho Thủ đô. Tuy nhiên, để làm được điều đó, cần có những điều kiện tiên quyết là sự quyết tâm, chỉ đạo của các cấp chính quyền, sự tham gia của các chuyên gia trong lĩnh vực môi trường, quản lý rác thải, đặc biệt là sự tuyên truyền nâng cao nhận thức, thay đổi thói quen, sự chung tay của người dân./.

Bên cạnh những số liệu thực tế, dự án “Mô hình kinh tế tuần hoàn rác thải nhựa dựa vào cộng đồng tại quận Hoàn Kiếm” còn tổ chức thành công nhiều hoạt động tương tác thú vị, nhằm nâng cao nhận thức của người dân trên địa bàn quận. Điển hình nhất là cuộc thi “7 ngày sống xanh” kêu gọi mọi người chia sẻ các cách thu gom, phân loại, tái chế rác thải nhựa được triển khai trên Fanpage Hà Nội của tôi. Chỉ trong 2 tuần triển khai, bài đăng thể lệ đã có hơn 300 người tham gia tương tác, chia sẻ. Các bài dự thi bao gồm các thông tin thú vị và những tips sống xanh hữu ích, thể hiện sự nhận thức cao của mọi người về vấn đề tái chế rác thải nhựa, bảo vệ môi trường. Ngoài ra, dự án đã triển khai hoạt động ngoại khóa cho các em học sinh tiểu học tại quận Hoàn Kiếm. Hơn 80 em học sinh đã học được cách phân biệt các loại rác thải và tham gia các trò chơi tương tác để nắm rõ cách phân loại rác thải nhựa.
N.Hoa