Còn tại Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Thông tin huyện Đông Anh, năm 2023 đơn vị đã tổ chức 19 giải thể thao. Tiêu biểu như các giải thể thao quần vợt, cờ vua, cờ tướng, bóng chuyền, giải bóng đá thanh niên, giải bóng đá nhi đồng, Hội khỏe Phù Đổng; phối hợp với các ban, ngành tổ chức 13 giải thể thao như Giải bóng đá công nhân, viên chức, lao động huyện Đông Anh, Giải bóng chuyền hơi hội nông dân…
Người dân Thủ đô sử dụng các thiết bị thể dục thể thao ngoài trời để nâng cao sức khỏe. |
Theo thống kê của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, hiện nay trên địa bàn Thành phố, số người luyện tập thể dục thể thao thường xuyên đạt 42,5%; số gia đình luyện tập thể dục thể thao đạt 31,5% và số câu lạc bộ thể dục thể thao là 7.665 câu lạc bộ. Năm 2023, số đơn vị tiên tiến về thể dục thể thao cấp Thành phố là 619 đơn vị thuộc khối trường học, xã, phường, thị trấn, lực lượng vũ trang, cơ quan xí nghiệp.
Theo Trưởng phòng Quản lý Thể dục – Thể thao (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) Đinh Văn Luyến, năm 2023, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cùng các sở, ban ngành, các quận huyện, thị xã đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, đẩy mạnh hoạt động thể dục thể thao. Đáng chú ý là Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan hoàn thành lắp đặt và bàn giao 32 điểm mẫu thiết bị luyện tập thể dục thể thao ngoài trời tại 14 quận, huyện. Qua đó, đã góp phần hình thành hệ thống các điểm luyện tập thể dục thể thao phủ khắp các quận, huyện, thị xã với 1.312 điểm, gồm 11.148 thiết bị.
Với mục tiêu đa dạng hóa hoạt động thể dục thể thao quần chúng, đáp ứng nhu cầu vui chơi, rèn luyện thân thể và nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân, Hà Nội tiếp tục khảo sát và lặp đặt thêm các điểm luyện tập thể dục thể thao ở các quận, huyện, hướng tới từng thôn, tổ dân phố đều có điểm tập luyện thể dục thể thao. Để đẩy nhanh tiến độ lắp đặt thiết bị thể dục thể thao ngoài trời phục vụ nhân dân trên địa bàn thành phố, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã yêu cầu các đơn vị rà soát, đánh giá hiệu quả, đề xuất các điểm lắp đặt mới, theo tiêu chí: Ở nơi không gian thoáng mát, rộng rãi, có bóng cây xanh, đông dân cư, thuận tiện đi lại như vườn hoa, công viên, đường đi ven hồ, sân chơi chung cư, nhà văn hóa… Các điểm tập luyện này phải có đơn vị quản lý, có quy chế, nội quy tập luyện, tổ chức kiểm tra, giám sát, duy tu, bảo dưỡng thường xuyên, bảo đảm an toàn.
Bên cạnh đó, trong năm qua, Thành phố đã tổ chức 47 giải thể thao quần chúng, trong đó tiêu biểu có các giải thu hút đông vận động viên tham gia như: Giải vô địch vật tự do, dân tộc truyền thống Hà Nội mừng Xuân Quý Mão năm 2023; Giải bóng chuyền hơi Phụ nữ Thủ đô; Giải bóng rổ 3×3; Giải thể thao giải trí Hà Nội năm 2023; Hội thi thể thao dân tộc thiểu số Hà Nội năm 2023; Giải thi đấu 12 môn thể thao hè thành phố Hà Nội; Giải chạy Báo Hànộimới mở rộng lần thứ 48 – Vì hòa bình năm 2023; Giải thể thao công nhân các khu công nghiệp và chế xuất Thành phố.
Đặc biệt, công tác xã hội hoá thể dục thể thao được đẩy mạnh. Tính riêng dịp kỷ niệm 69 năm Ngày giải phóng Thủ đô, trên địa bàn Thành phố đã diễn ra 9 sự kiện lớn về thể dục thể thao do các tổ chức, doanh nghiệp phối hợp với các sở, ngành tổ chức, thu hút trên 83.500 người tham gia, trong đó chiếm 1/4 là người nước ngoài, như: Giải chạy Techcombank, Vpbank; Đường chạy di sản Hà Nội; Giải chạy VnExpress; Giải chạy Long Biên mở rộng; Giải chạy Báo Hànộimới mở rộng lần thứ 48 – Vì hoà bình; Giải đua thuyền Hà Nội mở rộng; Giải Bi-a Hà Nội mở rộng; Giải đua xe đạp Hà Nội mở rộng.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Phạm Xuân Tài đánh giá, năm 2023, ngành Thể dục Thể thao Thủ đô đạt được kết quả quan trọng, các giải đấu tổ chức thành công, an toàn, trọn vẹn. Trong đó, 2 chỉ tiêu quan trọng về tỷ lệ số người, số gia đình luyện tập thể dục thể thao đã hoàn thành. Bên cạnh đó, nhân lực hoạt động trong lĩnh vực thể dục thể thao, số câu lạc bộ, cơ sở, các công trình thể dục thể thao đều tăng và các giải thể thao được tổ chức rộng khắp ở các cấp, các ngành cho thấy sự phát triển không ngừng của phong trào này trên địa bàn Thành phố.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cũng cho biết, năm 2024, trên cơ sở kế hoạch của Thành phố, các quận, huyện, thị xã, các ngành tiếp tục xây dựng kế hoạch hoạt động thể dục thể thao cho mọi người của đơn vị mình. Đồng thời, cần quan tâm, dành nhiều nguồn lực cho phát triển thể dục thể thao; đẩy mạnh hoạt động xã hội hóa; thực hiện các giải pháp đồng bộ, tạo môi trường, động viên tinh thần, khuyến khích người dân tích cực luyện tập thể dục thể thao; lựa chọn các môn thể thao phù hợp, dễ luyện tập, các môn truyền thống, có thế mạnh của địa phương để phát triển phong trào; chú trọng công tác phổ cập bơi và cứu đuối; tăng số lượng các giải thi đấu…
Phương Bùi