Hiệu quả từ những mô hình sáng tạo

Thời gian qua, công tác cải cách hành chính (CCHC) trên địa bàn thành phố Hà Nội luôn được quan tâm và đã có nhiều chuyển biến tích cực. Với mục tiêu xuyên suốt là vì nhân dân phục vụ, những sáng kiến, mô hình nhằm rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) ở nhiều địa phương đã góp phần loại bỏ rào cản giữa công dân với chính quyền địa phương.

 “Sức bật” cải cách hành chính từ những mô hình sáng tạo

Tại phường Hàng Bồ (quận Hoàn Kiếm), với những thủ tục như: Chứng thực bản sao; thủ tục chứng thực chữ ký; thủ tục đăng ký kết hôn; thủ tục đăng ký khai tử; thủ tục trích lục bản sao đối với giấy khai sinh, khai tử, kết hôn, chỉ mất khoảng 10 phút là người dân sẽ được bộ phận “một cửa” trả kết quả ngay.

Hiệu quả từ những mô hình sáng tạo
Người dân phấn khởi khi một số TTHC tại UBND phường Hàng Bồ (quận Hoàn Kiếm) được giải quyết chỉ trong 10 phút.

Bà Trần Kim Anh, Phó Chủ tịch UBND phường Hàng Bồ cho biết, đó là hiệu quả của việc phường thực hiện thí điểm mô hình “5 thủ tục hành chính không chờ” theo Chuyên đề CCHC “Các thủ tục hành chính không chờ” của UBND quận Hoàn Kiếm. Phường Hàng Bồ hiện đang quản lý hơn 6.000 dân, tỷ lệ hồ sơ “thủ tục hành chính không chờ” được giải quyết chiếm đến 91,9% trong tổng số TTHC tại phường.

Từ khi phường Hàng Bồ triển khai mô hình, dù thời tiết nóng nực, nhưng đến UBND phường, ông Đinh Quang Huynh bày tỏ sự hài lòng khi chứng thực bản sao được thực hiện thuận lợi, nhanh chóng. Ông Huynh và nhiều người dân trên địa bàn đánh giá cao những chuyển biến rõ nét trong giải quyết TTHC tại cơ sở.

“Thời gian làm TTHC tại phường đã nhanh hơn rất nhiều, có kết quả ngay nên người dân không cần đi lại nhiều lần. Đây là cách làm hay tiết kiệm được thời gian và chi phí cho người dân”, ông Huynh nói và mong muốn cán bộ, công chức tại phường tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm và có thêm những thủ tục “không chờ” để người dân thuận tiện hơn trong thực hiện dịch vụ hành chính công.

Không chỉ riêng phường Hàng Bồ, 18/18 phường của quận Hoàn Kiếm đã đồng loạt triển khai Chuyên đề, với cách làm mới này, bộ phận “một cửa” phường đã nhận được sự ủng hộ và phản ánh tích cực từ công dân. Sau 1 tháng thí điểm, trên toàn quận có 7.285 hồ sơ được tiếp nhận thuộc TTHC thí điểm “không chờ”, tổng số hồ sơ đã giải quyết ngay là 7.247 hồ sơ (đạt tỷ lệ 99,48%). Chỉ có một số ít hồ sơ do công dân không có nhu cầu trả ngay hoặc cần xác minh, bổ sung thông tin hoặc số lượng bản sao lớn không đủ điều kiện thực hiện ngay theo quy định.

Với phương châm lấy người dân và doanh nghiệp là trung tâm để thực hiện CCHC, thành phố Hà Nội luôn chú trọng việc nghiên cứu, đề xuất các sáng kiến cải cách TTHC nhằm tìm kiếm những sáng kiến để tiết kiệm thời gian, chi phí cho cá nhân, tổ chức và cơ quan nhà nước, vẫn đảm bảo chất lượng và hiệu quả việc giải quyết TTHC.

Theo kết quả chỉ số CCHC năm 2021 được công bố, huyện Quốc Oai là một trong những địa phương có sự bứt phá về CCHC. Từ đơn vị đứng cuối bảng xếp hạng năm 2020, huyện Quốc Oai đã vươn lên đứng thứ 12 trong tổng số 30 quận, huyện, thị xã của Thành phố. Để có được kết quả đó, huyện Quốc Oai đã có giải pháp đột phá là sáng kiến đưa tất cả TTHC của các cơ quan chuyên môn, đơn vị hiệp quản ra bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC huyện.

Thực hiện đúng theo nguyên tắc “4 tại chỗ”; xây dựng quy trình đảm bảo yêu cầu “4 rõ” là rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ kết quả. Sau khi tổ chức lại, bộ phận “một cửa” huyện Quốc Oai được bố trí trên diện tích hơn 400 m2, có 16 cửa tiếp nhận hồ sơ trang bị phương tiện máy móc hiện đại. Huyện cũng áp dụng hệ thống phần mềm “một cửa” điện tử để quản lý, giám sát, theo dõi tiến độ giải quyết hồ sơ của các cơ quan, đơn vị.

Nhiều địa phương khác cũng duy trì hiệu quả cách thức phục vụ người dân như mô hình “Ngày không viết và ngày không hẹn” tại bộ phận “một cửa” của UBND thị trấn Phú Minh và UBND xã Hồng Thái (huyện Phú Xuyên); UBND huyện Hoài Đức, triển khai thực hiện thí điểm và thí điểm mở rộng Mô hình “Ngày Thứ 6 xanh”, rút ngắn thời gian thực hiện các TTHC về đăng ký kinh doanh từ 3 ngày làm việc còn 60 phút trong ngày thứ 6…

Riêng tại phường Trúc Bạch (quận Ba Đình), UBND phường đã thành lập 2 Tổ cơ động dịch vụ công trực tuyến tại nhà đầu tiên trên địa bàn. Cán bộ UBND phường trực tiếp đưa máy tính tới tận nhà để cầm tay, hướng dẫn người dân làm quen với các bước thực hiện dịch vụ công trên nền tảng điện tử. Qua thời gian thí điểm, tỷ lệ thực hiện dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn phường đã tăng lên thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin, giảm thời gian giải quyết TTHC cho những cá nhân, tổ chức không có điều kiện tiếp cận công nghệ.

Nỗ lực xây dựng nền hành chính năng động

CCHC được thành phố Hà Nội xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt; là khâu đột phá nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội. Theo báo cáo kết quả công tác kiểm soát TTHC quý II/2022 trên địa bàn thành phố Hà Nội, tính đến ngày 15/6/2022, tổng số TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan, đơn vị thuộc Thành phố là 1.895 TTHC. Trong đó, cấp Sở, cơ quan tương đương Sở là 1.522 thủ tục, cấp huyện là 263 thủ tục và cấp xã là 110 thủ tục.

Trong quý II/2022, tổng số hồ sơ tiếp nhận toàn Thành phố là 1.059.072 hồ sơ. Trong đó, đã giải quyết 1.030.963 hồ sơ; 1.028.705 hồ sơ giải quyết đúng hạn đạt 99.78%; 0,22% hồ sơ giải quyết quá hạn. Số hồ sơ đang giải quyết là 28.109 hồ sơ.

100% các sở, ngành, UBND cấp huyện, UBND cấp xã đều đảm bảo thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông theo quy định của Chính phủ trong giải quyết TTHC. Thành phố cũng thực hiện nhiệm vụ tích hợp TTHC lên Cổng dịch vụ công quốc gia theo chỉ đạo của Văn phòng Chính phủ. Ngày 29/4, UBND Thành phố đã phê duyệt danh mục các TTHC lựa chọn tái cấu trúc xây dựng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 tích hợp trên cổng dịch vụ công quốc gia trong năm 2022. Trong đó, phê duyệt 928 TTHC được lựa chọn tái cấu trúc.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác CCHC của Thành phố cũng còn một số tồn tại. Tại hội nghị tập huấn về đánh giá, tái cấu trúc quy trình TTHC được lựa chọn xây dựng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 tích hợp trên Cổng dịch vụ công quốc gia, Phó Chánh Văn phòng UBND Thành phố Cù Ngọc Trang chia sẻ, Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) của Hà Nội hiện đang có xu hướng giảm so với các năm trước, trong khi Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) hiện đang ở tốp giữa. Điều này cho thấy dư địa trong công tác CCHC của Thành phố còn rất lớn và còn nhiều việc cần phải làm.

Về nhiệm vụ trong thời gian tới, đối với công tác kiểm soát TTHC, Phó Chủ tịch Thường trực phụ trách điều hành UBND thành phố Lê Hồng Sơn cho biết, Thành phố sẽ tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, thống nhất, đồng bộ, có hiệu quả công tác CCHC gắn với việc thực hiện chủ đề công tác năm 2022 “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”. Thành phố tập trung triển khai Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030”.

Bên cạnh đó, Thành phố cũng tiếp tục thực hiện tốt việc công bố, công khai TTHC theo quy định; thực hiện việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính bảo đảm hiệu quả. Đồng thời tích cực triển khai công tác rà soát, đơn giản hóa TTHC đặc biệt là đối với các thủ tục đã xác định trong kế hoạch. Phối hợp, đôn đốc, hướng dẫn việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông, đảm bảo minh bạch, cụ thể, gắn với trách nhiệm cá nhân, trách nhiệm người đứng đầu trong việc tiếp nhận, giải quyết, trả kết quả giải quyết TTHC…/.

Phương Ngân