Hoài Đức – mùa bưởi đường ven Đáy

Hàng trăm năm qua, người dân các xã vùng ven sông Đáy huyện Hoài Đức đã phát hiện, bảo tồn, phát triển giống bưởi đặc sản của địa phương. Đây là giống bưởi đường Quế Dương (xã Cát Quế) và bưởi đường La Tinh (xã Đông La) có đặc tính chín sớm, vị ngọt mát như đường, bảo quản được thời gian dài, cây trồng hàng chục năm vẫn có năng suất ổn định

Cây bưởi đường Quế Dương của hộ gia đình bà Đỗ Thị Thu ở Đội 9, xã Yên Sở (huyện Hoài Đức) vẫn cho năng suất ổn định dù được trồng đã hơn 50 năm.

Giống bưởi quý ven dòng sông Đáy

Không thấp bé như cây bưởi Diễn, những cây bưởi đường Quế Dương hay bưởi đường La Tinh trồng ở các xã vùng bãi ven Đáy của huyện đều to, cao. Chỉ với 5-6 cây bưởi đường, tán đã xòe đủ che kín cả một sào Bắc Bộ. Đặc biệt, giống bưởi này chín sớm, từ tháng 9 đến tháng 11, sớm hơn giống bưởi Diễn khoảng 2-3 tháng.

Gần đến Tết Trung thu, những cây bưởi đường Quế Dương ở xã Cát Quế quả đã già chuẩn bị đến ngày thu hoạch. Ông Nguyễn Như Hảo, Giám đốc Hợp tác xã sản xuất bưởi an toàn Quế Dương cho biết, giống bưởi đặc sản này không ngọt sắc nhưng có lợi thế là quả to 1,2-1,5kg/quả, ăn ngon từ Rằm tháng Tám, hợp với phá cỗ trông trăng nên từ xưa đã xếp vào hạng bưởi quý.

Theo lời giới thiệu của ông Hảo, giống bưởi đường Quế Dương do người dân trong xã đang trồng có nguồn gốc từ một cây bưởi “tổ” (cách đây gần 100 năm) trong vườn gia đình cụ Trần Thảo ở thôn Tháp Thượng (nay gọi là Khu vực 7) thuộc xã Cát Quế.

Cây bưởi “tổ” nay không còn nhưng cây bưởi “hậu duệ” trong vườn nhà cụ Minh (Khu vực 9, xã Cát Quế) được trồng vào năm 1954, nay vẫn phát triển xanh tốt, năng suất cao. Ngoài ra, trên địa bàn xã còn nhiều cây bưởi đường Quế Dương có tuổi 40-50 năm phát triển tốt, cho quả đều hằng năm.

 

 

Bưởi đường Quế Dương có đặc điểm quả to (gấp rưỡi so với bưởi Diễn) thu hoạch sớm, có thể bắt đầu ăn ngon từ Rằm tháng Tám.

Tương tự, cách xã Cát Quế không xa, ở thôn La Tinh, xã Đông La người dân cũng tự hào về giống bưởi đường của địa phương. Theo các cụ cao tuổi ở thôn La Tinh, giống bưởi này có nguồn gốc từ một cây bưởi cành chiết của cụ Bá Diệu từ khoảng những năm 1930. Cây bưởi “tổ” đã chết, nhưng các cây bưởi hàng “con, cháu” ở trong thôn đã 60 năm tuổi vẫn phát triển xanh tốt, ít sâu bệnh và cho quả đều hằng năm.

Cây bưởi đường La Tinh có đặc điểm tán thưa hơn bưởi đường Quế Dương. Cây sinh trưởng khỏe, tán cây phát triển hình dù. Quả bưởi đường La Tinh khối lượng dưới 1kg, có hình dạng cầu tròn đều, vỏ chín màu vàng chanh, cùi màu trắng, tép bưởi màu vàng, ráo nước, mùi vị thơm đặc trưng, ngọt đậm, không the đắng…

Đặc biệt, vỏ quả có mật độ túi tinh dầu dày nên bưởi có mùi rất thơm và bảo quản được lâu (khoảng 6 tháng); trong điều kiện bảo quản thông thường chất lượng quả vẫn tốt. Hiện nay, hộ ông Nguyễn Ngọc Giảng ở thôn La Tinh, xã Đông La có 4 cây bưởi được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội bình tuyển, công nhận để làm giống.

Theo kết quả điều tra của Trung tâm Tài nguyên thực vật (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam), nguồn gen bưởi ở huyện Hoài Đức khu vực sông Đáy khá phong phú, đặc biệt tại xã Cát Quế có tới 21 nguồn gen khác nhau. Trong số nguồn gen đó có tới 14 nguồn gen bưởi địa phương (bưởi đường chín sớm có 5 nguồn gen, bưởi đường chín muộn 2 nguồn gen và bưởi chua có 7 nguồn gen).

Hầu hết nguồn gen trên do người dân chọn lọc, lưu giữ và phát triển đến ngày nay. Nguồn gen bưởi Hoài Đức rất đa dạng, trong đó nổi bật là giống bưởi đường Quế Dương, bưởi đường La Tinh.

Người dân bôi vôi vào cuống và bọc bưởi đường La Tinh trong các túi ni lông để bảo quản. Trái cây có thể để được 5-6 tháng vẫn bảo đảm chất lượng thơm ngon.

Bảo tồn, phát triển sản vật địa phương

Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Hoài Đức Cao Văn Tuyến cho biết, hiện nay, toàn huyện Hoài Đức có trên 40ha trồng bưởi đường Quế Dương và bưởi đường La Tinh với sản lượng 11.500 tấn/năm. Riêng ở xã Cát Quế có 30ha trồng nhiều giống bưởi đường.

Giống bưởi đường Quế Dương và bưởi đường La Tinh đều dễ trồng, dễ chăm sóc, chi phí thấp, năng suất cao, chất lượng tốt, tiêu thụ dễ dàng. Nếu tính thời giá hiện tại, bưởi đường Quế Dương và bưởi đường La Tinh ở giai đoạn năng suất ổn định có thể cho thu nhập 600-800 triệu đồng/ha/năm.

Cũng theo ông Cao Văn Tuyến, kể cả khi các loại bưởi khác xuống giá trên thị trường, bưởi đường La Tinh, Quế Dương vẫn giữ được giá. Vụ bưởi năm 2021, trong khi giá một số loại bưởi ngọt xuống tới 10.000 đồng/quả thì bưởi đường La Tinh và bưởi đường Quế Dương bán tại vườn ở Hoài Đức vẫn có giá 25.000-35.000 đồng/quả, bưởi loại 1 bán được với giá 40.000 đồng/quả”.

Ông Nguyễn Như Hảo, Giám đốc Hợp tác xã sản xuất bưởi an toàn Quế Dương, nhận định nếu so với trồng lúa hay nhiều loại rau màu khác trên địa bàn thì thu nhập như vậy là rất cao. Chính vì thế, giống bưởi đường Quế Dương và bưởi đường La Tinh vẫn được các hộ gia đình duy trì…

Không chỉ ở các xã Cát Quế, Đông La, hai giống bưởi đường còn được nhiều hộ dân trên địa bàn Hoài Đức nhân giống, trồng phát triển kinh tế. Bà Đỗ Thị Thu ở Đội 9, xã Yên Sở (huyện Hoài Đức) trồng 6 cây bưởi Quế Dương từ năm 1967. Đã hơn 50 năm, cây vẫn phát triển tốt, cây sai nhất có vụ thu được khoảng 900 quả, các cây khác cũng 500-700 quả.

Theo đánh giá của Phòng Kinh tế huyện Hoài Đức, trải qua nhiều năm, nhiều thế hệ, giống bưởi đường Quế Dương và bưởi đường La Tinh vẫn giữ được đặc tính quý ban đầu như năng suất cao, chất lượng tốt, khả năng chống chịu sâu bệnh, thích ứng khí hậu…

Chính vì vậy, giống bưởi quý này cần được quan tâm bảo tồn để phục vụ sản xuất và mục tiêu bảo tồn nguồn gen quý hiếm của quốc gia. Năm 2014, sản phẩm bưởi đường Quế Dương đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể, sản phẩm bưởi khi xuất bán ra thị trường đã được dán tem, nhãn…

 

 

Để bảo tồn giống bưởi quý, Trung tâm Phát triển nông nghiệp (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội) đã giúp địa phương xây dựng nhãn hiệu cho hai giống bưởi đường Quế Dương và bưởi đường La Tinh. Trung tâm này đang tiếp tục phối hợp với cơ quan chức năng giúp huyện xây dựng chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm bưởi đường Hoài Đức nhằm nâng cao danh tiếng, uy tín, chất lượng, tăng khả năng cạnh tranh sản phẩm bưởi đường trên thị trường, gia tăng thu nhập cho người trồng bưởi.

Về định hướng phát triển vùng bưởi, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Trung Thuận cho biết, huyện đang quy hoạch vùng trồng mới bưởi tập trung, phát triển sản xuất giống bưởi đường La Tinh, bưởi đường Quế Dương và các giống bưởi đường khác. Hoài Đức phấn đấu đến năm 2025, tổng diện tích trồng bưởi đường đạt trên 400ha tại các xã: Dương Liễu, Cát Quế, Yên Sở, Đông La…

Song song với công tác bảo tồn và phát triển giống bưởi đường, Hoài Đức tăng cường công tác đào tạo, tập huấn về quản lý, kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch, sơ chế, bảo quản, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm cho cán bộ, nông dân các vùng trồng bưởi gắn với nông nghiệp sinh thái, phát triển bền vững.

Đồng thời, huyện Hoài Đức cũng sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, nông dân các vùng trồng bưởi về quản lý, tổ chức sản xuất an toàn, hữu cơ, tạo sản phẩm đồng đều, chất lượng tốt phục vụ nhu cầu tiêu dùng nội địa, tiến tới xuất khẩu…

Nguyễn Mai

Hoài Đức – mùa bưởi đường ven Đáy – Nhịp sống Hà Nội (hanoimoi.com.vn)