Hoàn thiện chính sách nhằm góp phần cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị

Cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị gắn với bảo tồn, phát huy giá trị không gian lịch sử văn hóa, truyền thống tại khu vực nội đô lịch sử là vấn đề được đưa ra trong nhiều chính sách, giải pháp của Hà Nội. Vấn đề này, một lần nữa được cụ thể hóa bằng các điều khoản trong Luật Thủ đô sửa đổi.

Nêu rõ những nội dung đặc thù

Từ thực tế vướng mắc trong quá trình cải tạo, chỉnh trang, tái thiết và phát triển đô thị, Ban soạn thảo Đề án Luật Thủ đô sửa đổi đã chỉnh sửa và bổ sung mới nhiều điều khoản có tính đặc thù. Đó là, Luật Thủ đô sửa đổi đã cụ thể các quy định đối với công việc cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị như trong công tác quy hoạch phải chú ý tới các yếu tố về bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá, xây dựng không gian công cộng, phát huy các hình thái kiến trúc của các khu vực, công trình có giá trị văn hóa, lịch sử; phát triển không gian xanh, không gian ngầm.

Ngoài ra, Luật Thủ đô sửa đổi cũng quy định những nội dung đặc thù cho công tác cải tạo, chỉnh trang và tái thiết đô thị Thủ đô, bao gồm: “Hỗ trợ cá nhân, tổ chức cải tạo, bảo tồn biệt thự cũ, công trình kiến trúc có giá trị; hỗ trợ cá nhân, tổ chức đầu tư cải tạo, chỉnh trang, tái thiết nhà ở cũ tại phố cổ, phố cũ theo quy chế quản lý kiến trúc và thiết kế đô thị; hỗ trợ kiểm định chất lượng công trình tạo điều kiện để khuyến khích người dân cùng tham gia vào công tác bảo tồn, chỉnh trang và tái thiết đô thị tại khu vực nội đô lịch sử và các khu vực khác của Thủ đô”.

Hoàn thiện chính sách nhằm góp phần cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị
Thủ đô Hà Nội có nhiều nét văn hóa đặc thù so với các tỉnh, thành phố khác

Quy định này là đột phá so với các quy định pháp luật hiện hành, nhằm khuyến khích người dân cùng tham gia vào công tác bảo tồn, chỉnh trang và tái thiết đô thị tại khu vực nội đô lịch sử và các khu vực khác của Thủ đô. Quy định này khác với Luật Đầu tư công khi Thủ đô sử dụng ngân sách để hỗ trợ người dân chỉnh trang đô thị như quy định ở trên.

Tuy nhiên, để hoàn thiện hơn nữa, quy định này cần cho phép Nhà nước bằng kinh phí của mình hỗ trợ người dân trong việc cung cấp bản vẽ, thiết kế trong kho tư liệu của nhà nước về công trình hoặc thiết kế phục dựng của các công trình nhà cổ, biệt thự cũ, các công trình kiến trúc có giá trị cần bảo tồn.

Bên cạnh đó, “Cơ chế hỗ trợ đền bù tái định cư, di dời, chuyển đổi nghề nghiệp; điều chỉnh chức năng sử dụng đất theo quy hoạch chi tiết trong khu vực nội đô lịch sử để tái thiết, tái khai thác giá trị, bảo tồn biệt thự cũ, công trình kiến trúc có giá trị ở khu vực nội đô lịch sử” là một cơ chế có tính thúc đẩy công tác giãn dân trong khu vực nội đô lịch sử và cải tạo, chỉnh trang trong khu vực nội đô lịch sử.

Các quy định sửa đổi tại Điều 22, Luật Thủ đô sửa đổi cũng là để kết hợp giữa bảo tồn di sản văn hoá với công tác cải thiện đời sống dân sinh, nơi ở của người dân sống tại các biệt thự cũ, nhà cổ. Trong đó nhấn mạnh về “Quỹ bảo tồn khu vực nội đô lịch sử”. Theo đơn vị tư vấn, Quỹ bảo tồn khu vực nội đô lịch sử của Thủ đô là một giải pháp về tài chính nhằm thu hút nguồn vốn ở khu vực tư nhân đầu tư đóng góp và đầu tư cho các hoạt động bảo tồn, sửa chữa, cải tạo, chỉnh trang các công trình kiến trúc ở khu vực nội đô lịch sử nói riêng và các công trình kiến trúc khác có giá trị về văn hoá và lịch sử. Việc thành lập Quỹ bảo tồn bảo tồn khu vực nội đô lịch sử sẽ có nguồn tài chính để thực hiện các dự án bảo tồn, hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân, còn có tác dụng nâng cao vai trò, trách nhiệm của các chủ thể liên quan.

Hoàn thiện chính sách nhằm góp phần cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị
TS. Chu Mạnh Hùng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Luật Hà Nội cho rằng, Hà Nội cần được phân quyền hơn nữa.

Mô hình Quỹ bảo tồn khu vực nội đô lịch sử là quỹ tài chính ngoài ngân sách, Nhà nước chỉ hỗ trợ việc hình thành vốn điều lệ và bảo đảm hoạt động ổn định ban đầu của quỹ. Hoạt động của Quỹ sẽ làm giảm gánh nặng về đầu tư của ngân sách Thành phố cho công tác cải tạo, chỉnh trang và tái thiết khu vực nội đô lịch sử.

Kế thừa và tạo nền tảng

Nhìn nhận vấn đề kiểm soát đô thị hóa và giải tỏa áp lực cho các đô thị trung tâm là nhiệm vụ chính trị, kinh tế – xã hội cấp bách, phát biểu tại Hội thảo khoa học “Góp ý Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)” do Đảng ủy Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội; Sở Tư pháp Hà Nội và Trường Đại học Luật Hà Nội tổ chức, TS. Chu Mạnh Hùng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Luật Hà Nội cho rằng, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cần phản ánh được những đặc thù, vượt trội của Hà Nội với tính chất là Thủ đô và yêu cầu của quản trị đô thị trong bối cảnh mới; nhất là những đặc thù về tổ chức bộ máy, thu hút nguồn nhân lực; chế độ chính sách, tài chính – ngân sách… để khơi dậy tiềm năng, phát huy thế mạnh nhằm thực hiện khát vọng phát triển Thủ đô và đất nước.

Những trăn trở này của các chuyên gia cũng chính là “nhiệm vụ chính trị” của Ban soạn thảo Luật Thủ đô sửa đổi, nhất là trong bối cảnh Luật Nhà ở, Luật Đất Đai… cũng đang được điều chỉnh. Luật Thủ đô sửa đổi, phải vừa đảm bảo tính tiên phong, đặc thù nhưng cũng không được chồng lấn sang các bộ luật khác.

Lấy ví đụ tại Điều 30, Luật Thủ đô sửa đổi, quy định về phát triển nhà ở nêu rõ, trách nhiệm của chủ đầu tư phải hoàn thành các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trước khi đưa công trình nhà ở vào khai thác sử dụng là quy định mới nhằm nâng cao trách nhiệm của chủ đầu tư, bảo đảm tính đồng bộ của việc xây dựng nhà ở với việc xây dựng, hoàn thiện các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, qua đó bảo đảm tốt nhất nhu cầu sinh sống, làm việc của người dân (Khoản 1 Điều 31). Quy định này là cần thiết để hạn chế các chủ đầu tư của các khu nhà ở thương mại chậm trễ trong việc phát triển đồng bộ hạ tầng khi đưa công trình nhà ở vào sử dụng.

Bên cạnh đó, việc quy định việc phát triển nhà ở xã hội ở Thủ đô theo mô hình căn hộ chung cư và giao Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội quyết định quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội tại điểm a khoản 2 Điều này là phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều 80 và khoản 1 Điều 81 dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi theo dự thảo trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội) và đặc biệt phát huy được hiệu quả đầu tư, hiệu quả sử dụng đất khi xây dựng nhà ở xã hội, hạn chế được tiêu cực trong công tác xây dựng nhà ở xã hội.

Hoàn thiện chính sách nhằm góp phần cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị
Nhiều chuyên gia cho rằng vấn đề kiểm soát đô thị hóa và giải tỏa áp lực cho các đô thị trung tâm là nhiệm vụ chính trị, kinh tế – xã hội cấp bách của Hà Nội hiện nay.

Để bảo đảm chất lượng đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội của các khu nhà ở xã hội, điểm c khoản 2 Điều 31, quy định việc bố trí vốn ngân sách Thành phố để đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật khung, hạ tầng xã hội thiết yếu trong các dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội và “đối với các dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội độc lập, UBND thành phố Hà Nội giao cơ quan, tổ chức thuộc thành phố Hà Nội thực hiện giải phóng mặt bằng và lập dự án đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật khung, hạ tầng xã hội thiết yếu trong phạm vi ranh giới của dự án”. Đây là những giải pháp có tính đột phá và đặc thù để Thủ đô Hà Nội có thể phát triển nhanh các khu nhà ở xã hội tập trung, đầy đủ các điều kiện về hạ tầng.

Ngoài ra, điểm b khoản 2 Điều 31 cũng quy định cụ thể về công tác lập quy hoạch nhằm rút ngắn thời gian lập nhiệm vụ quy hoạch chi tiết, so với thực hiện tuần tự theo quy định của Luật Quy hoạch đô thị, để có thể đẩy nhanh tiến độ lập dự án đầu tư xây dựng và cấp phép xây dựng đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.

Luật Thủ đô (sửa đổi) là hành lang pháp lý vô cùng quan trọng để thành phố Hà Nội có thể bứt phá, góp phần đạt được mục tiêu Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị đã đặt ra về phương hướng phát triển Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Tuấn Dũng