Hoàn thiện hành lang pháp lý để báo chí phát triển

Sau hơn 6 năm thi hành, trong bối cảnh sự phát triển mạnh mẽ, nhanh chóng của khoa học, công nghệ, truyền thông hiện đại, một số quy định của Luật Báo chí đã bộc lộ hạn chế, bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn của hoạt động báo chí. Do đó, sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí 2016 cho phù hợp với thực tiễn và xu thế phát triển báo chí truyền thông hiện đại là cần thiết.

Sửa đổi để phù hợp với thực tiễn

Luật Báo chí năm 2016 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2017, sau 6 năm thực hiện, Bộ Thông tin và Truyền thông ghi nhận nhiều đánh giá tích cực từ các bộ, ngành, địa phương và cơ quan báo chí.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm cho biết: Luật Báo chí năm 2016 và các văn bản hướng dẫn thi hành đã tạo hành lang pháp lý để hoạt động báo chí và các hoạt động liên quan đến báo chí phát triển, quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí của nhân dân được bảo đảm và phát huy trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật; đồng thời nhanh chóng, kịp thời điều chỉnh nhiều vấn đề nảy sinh; đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong hoạt động báo chí; từng bước nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về báo chí trong giai đoạn vừa qua; tạo điều kiện thuận lợi cho sự nghiệp báo chí cách mạng Việt Nam phát triển mạnh mẽ.

Hoàn thiện hành lang pháp lý để báo chí phát triển
Quang cảnh hội thảo khoa học “Cơ sở khoa học và thực tiễn sửa đổi Luật Báo chí 2016” do Bộ Thông tin Truyền thông phối hợp với Viện Đào tạo báo chí và truyền thông (Đại học KHXHNV) tổ chức.

Luật Báo chí quy định khá đầy đủ, rõ ràng, chi tiết, tạo điều kiện cho hoạt động nghiệp vụ báo chí, đồng thời tạo hành lang pháp lý cho cơ quan, tổ chức, cá nhân hiểu và hợp tác, hỗ trợ cơ quan báo chí, tác nghiệp của phóng viên. Tuy nhiên, sau hơn 6 năm thi hành, trong bối cảnh sự phát triển mạnh mẽ, nhanh chóng của khoa học, công nghệ, truyền thông hiện đại, một số quy định của Luật Báo chí đã bộc lộ hạn chế, bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn của hoạt động báo chí.

Trao đổi về vấn đề này, TS Phan Văn Kiền – Viện trưởng Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn cho rằng Luật Báo chí hiện hành vẫn còn những nội dung cần được làm rõ để phù hợp với tình hình phát triển nhanh, hiện đại của báo chí hiện nay. Chẳng hạn như phóng viên chưa có thẻ nhà báo, hoạt động tác nghiệp như những nhà báo bình thường thì có phải là nhà báo không? Có nên phân cấp “thẻ nhà báo” và “thẻ phóng viên” hay không và nên gọi là thẻ nhà báo hay thẻ tác nghiệp báo chí? Luật Báo chí cũng cần có nội dung để điều chỉnh vấn đề này.

Cũng theo TS Phan Văn Kiền, trong bối cảnh truyền thông số, mạng xã hội, các dạng truyền thông khác phát triển phức tạp, Luật Báo chí hiện nay quy định về quyền thông tin cá nhân còn đơn giản. Bên cạnh đó, thông tin của người phạm tội trên báo chí Việt Nam hiện nay còn phức tạp. Các thông tin của người phạm tội không liên quan đến hành vi phạm tội như gia đình, người thân… của họ đang được khai thác sâu, chi tiết. TS Kiền cho rằng thông tin của người phạm tội cần phải đưa nhưng đưa ở mức độ nào cho phù hợp. Những vấn đề này cần có quy định rõ ràng hơn trong Luật Báo chí.

Ngoài ra, TS. Phan Văn Kiền cho hay hiện nay khi xử lý về vi phạm đối với báo chí đăng phát thông tin sai thì báo điện tử ngoài đăng lời xin lỗi còn phải gỡ bỏ thông tin sai nhưng trên báo in thì Luật Báo chí mới chỉ yêu cầu đăng cải chính thông tin. Từ đó đặt ra vấn đề trên báo điện tử thì có thể xóa được, còn báo in có thu hồi không?…

Cần có quy định cụ thể về quản lý các nền tảng báo chí số

Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội Nguyễn Thị Mai Hương cho biết qua thực tiễn quản lý, Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội nhận thấy việc sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí 2016 cho phù hợp với thực tiễn là cần thiết. Việc sửa đổi, bổ sung Luật báo chí 2016 nhằm tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho báo chí hoạt động, phát triển, đồng thời khắc phục những tồn tại, bất cập, bổ sung quy định để điều chỉnh kịp thời những vấn đề phát sinh trong thực tiễn.

Đề xuất sớm trình Quốc hội sửa đổi Luật Báo chí 2016 cho phù hợp với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu phát triển báo chí trong tình hình hiện nay, đảm bảo bám sát xu hướng phát triển, bao quát hết thực tế hoạt động báo chí, truyền thông và nhất quán với các quy định pháp luật liên quan.

Thực hiện Chương trình công tác năm 2023 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Thông tin và Truyền thông lập đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí năm 2016, trình Chính phủ trong năm 2023. Bộ Thông tin và Truyền thông đã có Báo cáo số 57/BC-BTTTT ngày 30/3/2022 báo cáo Chính phủ về kết quả nghiên cứu, rà soát Luật Báo chí năm 2016 và kiến nghị sửa đổi, bổ sung. Báo cáo đã nêu ra 27 nội dung, nhóm nội dung có quy định bất cập, không phù hợp với thực tiễn của pháp luật báo chí.

Hiến kế để sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí 2016, PGS. TS Đỗ Thị Thu Hằng, Trưởng ban nghiệp vụ, Hội Nhà báo Việt Nam, cho rằng, thay vì chú trọng vào tam giác Nhà báo – Tác phẩm/sản phẩm/loại hình – Quản lý báo chí truyền thông, Luật Báo chí 2016 cần đề cập tới quyền và trách nhiệm của tất cả các chủ thể của báo chí số và truyền thông đa nền tảng, chủ thể trong nước và nước ngoài, bổ sung và nhấn mạnh quyền, trách nhiệm của công chúng số; định hướng phát triển các nền tảng số như: Website, ứng dụng di động để thuận lợi hơn cho phát triển và quản lý báo chí số…

Theo bà Hằng, sửa đổi theo hướng này sẽ góp phần tháo gỡ những vấn đề đặt ra về cơ sở pháp lý nhằm đảm bảo quản lý báo chí truyền thông trong chuyển đổi số báo chí, với xu hướng ứng dụng mạnh mẽ trí tuệ nhân tạo… xây dựng hệ thống dữ liệu số báo chí, hệ sinh thái số cũng như các vấn đề về phát triển và quản lý nền kinh tế số nói chung và kinh tế báo chí truyền thông số quốc gia và từng cơ quan báo chí.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng Luật Báo chí cần tạo điều kiện để phát triển kinh tế báo chí. Theo TS Đồng Mạnh Hùng (Đài Tiếng nói Việt Nam), kinh tế báo chí là vấn đề tương đối phức tạp, liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của báo chí. Nếu xem báo chí là một ngành kinh tế, sản phẩm báo chí là một loại hàng hóa thì nó phải vận hành theo những quy luật của nền kinh tế, chịu sự điều hành về các quy định về kinh doanh.

Như vậy, việc thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, tôn chỉ của cơ quan báo chí sẽ nảy sinh nhiều bất cập. Sự phát triển kinh tế báo chí dẫn đến sự tác động có tính hai mặt vào đời sống báo chí truyền thông.

“Luật Báo chí còn chưa có những quy định chặt chẽ về kinh tế báo và vai trò của báo chí trong việc làm kinh tế. Với vấn đề mới và quan trọng như kinh tế báo chí rất cần quy định cụ thể, chỉ khi có những quy định cụ thể thì các cơ quan báo chí mới phát huy được vai trò làm kinh tế của mình và làm kinh tế báo một cách lành mạnh góp phần tạo môi trường báo chí xanh”, TS Đồng Mạnh Hùng cho hay.

Hoa Nguyễn
https://laodongthudo.vn/hoan-thien-hanh-lang-phap-ly-de-bao-chi-phat-trien-157285.html