Tới dự Lễ kỷ niệm có các đồng chí: Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Tô Huy Rứa, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, nguyên Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, nguyên Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền; Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Hà Thị Khiết, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Trưởng Ban Dân vận Trung ương.
Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân trao Huân chương Độc lập hạng Ba cho Học viện Báo chí và Tuyên truyền. |
Cùng dự có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Võ Thị Ánh Xuân, Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Trung ương; Vũ Đức Đam, Phó Thủ tướng Chính phủ.
Ngoài ra còn có các đồng chí nguyên Ủy viên Trung ương Đảng; đại diện lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, các vị khách quốc tế, cùng các thế hệ cán bộ, giảng viên, học viên, sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền.
Tại buổi lễ, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Mai Đức Ngọc, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường đã đọc thư chúc mừng của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gửi Học viện Báo chí và Tuyên truyền nhân dịp kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Minh Sơn, Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã điểm lại chặng đường phát triển của Học viện trong 60 năm qua. Từ chỗ chỉ có 2 khoa, đến nay, Học viện đang tổ chức đào tạo trình độ đại học cho hệ chính quy 41 ngành/chuyên ngành.
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh khẳng định sự phát triển trong 60 năm của Học viện Báo chí và Tuyên truyền. |
Trong số đó, có 5 chương trình chất lượng cao, 1 chương trình liên kết đào tạo với Đại học Middlessex của Vương quốc Anh, với hơn 2.400 sinh viên/năm; đào tạo trình độ thạc sĩ 20 ngành/chuyên ngành với 450 – 550 học viên/năm; đào tạo 7 ngành trình độ tiến sĩ với 30 – 50 nghiên cứu sinh/năm.
Bên cạnh đó, Học viện còn mở được hơn 400 lớp bồi dưỡng cấp chứng chỉ chuyên môn, nghiệp vụ về công tác tuyên giáo, báo chí, xuất bản, quan hệ công chúng và quảng cáo, ngoại ngữ, tin học… với hơn 10 ngàn lượt học viên. Học viện hiện có 30 đơn vị trực thuộc, trong đó có 11 đơn vị chức năng và 19 đơn vị giảng dạy, nghiên cứu, thông tin, xuất bản.
Trải qua 60 năm xây dựng và phát triển, Học viện Báo chí và Tuyên truyền luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ Đảng, Nhà nước giao, xứng đáng là một trường Đảng, một trường đại học trọng điểm quốc gia về đào tạo giảng viên lý luận chính trị, cán bộ báo chí – truyền thông, tư tưởng – văn hóa và một số lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn khác.
Trong 60 năm qua, Học viện đã đào tạo, bồi dưỡng cho đất nước hơn 70 nghìn cán bộ có trình độ cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ trong lĩnh vực lý luận chính trị, công tác tư tưởng, báo chí – truyền thông, trong đó có hàng nghìn cán bộ nghiên cứu, giảng dạy lý luận Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh ở hệ thống các trường Đảng, các trường đại học, cao đẳng, các cơ sở đào tạo của các tổ chức chính trị – xã hội và hàng nghìn phóng viên, biên tập viên, cán bộ làm công tác truyền thông, cán bộ quản lý ở các nhà xuất bản, các cơ quan báo chí, các cơ quan truyền thông trong cả nước.
Đội ngũ cán bộ do Học viện đào tạo, bồi dưỡng có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, năng lực chuyên môn cao, đã có những cống hiến to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của nhân dân ta.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Minh Sơn, Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền phát biểu tại buổi lễ. |
Nhiều người trong số đó đã trở thành các nhà khoa học hàng đầu, các nhà giáo có uy tín, các nhà báo, biên tập viên có tên tuổi… Không ít người đã trở thành cán bộ lãnh đạo cấp cao, cán bộ chủ chốt của Đảng, Nhà nước trong các ngành, các lĩnh vực ở Trung ương và các địa phương.
Với những cống hiến bền bỉ trong 60 năm xây dựng và phát triển, Học viện Báo chí và Tuyên truyền tự hào là đơn vị đào tạo và nghiên cứu khoa học có chất lượng và uy tín cao, được nhận nhiều danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước.
Với những thành tích trong công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học, Học viện đã vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhì (năm 1992), Huân chương Độc lập hạng Nhất (năm 2001), Huân chương Hồ Chí Minh (năm 2007) và nhiều phần thưởng cao quý khác.
Nhân dịp này, thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đã trao tặng Huân chương Độc lập hạng Ba cho Học viện Báo chí và Tuyên truyền.
Biểu dương, chúc mừng thành tích mà Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt được trong 60 năm qua, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh khẳng định 60 năm xây dựng và trưởng thành là điểm tựa để Học viện Báo chí và Tuyên truyền kế thừa, phát huy truyền thống vẻ vang, bề dày kinh nghiệm, quyết tâm phấn đấu xây dựng nhà trường ngày càng vững mạnh, tiếp tục khẳng định và phát huy vai trò của một trường Đảng, một trường đại học trọng điểm, nôi đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ngành tư tưởng – văn hóa, báo chí – truyền thông cho toàn xã hội.
“Tiếp tục đẩy mạnh đổi mới chương trình đào tạo, bồi dưỡng theo hướng hiện đại, tăng cường tính liên thông, liên kết; giảng dạy lý thuyết phải gắn với tăng cường thực hành, kiến thức thực tiễn; chú trọng đào tạo cả về chuyên môn lẫn rèn luyện phẩm chất đạo đức, nhất là đạo đức của những người làm báo, làm công tác tư tưởng – văn hóa; quan tâm đào tạo kỹ năng nghề nghiệp, đặc biệt là những kỹ năng mới, thích ứng với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ báo chí, truyền thông hiện đại;
Đồng thời đổi mới phương thức quản lý đào tạo, bồi dưỡng theo hướng ngày càng chuẩn hóa, khai thác triệt để ưu điểm của phương thức đào tạo theo tín chỉ; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số vào đổi mới nội dung, phương pháp dạy và học; đa dạng hóa các hình thức kiểm tra, đánh giá”, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh.