Hướng đi mới để phát huy giá trị di sản Hoàng thành Thăng Long

Vừa qua, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội phối hợp Văn phòng UNESCO Hà Nội và Hội Khoa học lịch sử Việt Nam đã tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế “20 năm nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản Hoàng Thành Thăng Long – Hà Nội”. Hội thảo đã nhận được nhiều ý kiến của chuyên gia chia sẻ kinh nghiệm, hướng đi mới để góp phần quảng bá di sản Hoàng thành Thăng Long đến bạn bè quốc tế, khách du lịch trong và ngoài nước.

Tại Hội thảo, PGS.TS Tống Trung Tín, Hội Khảo cổ học Việt Nam, nhận định, qua 20 năm nghiên cứu khảo cổ học Thăng Long, càng ngày chúng ta càng hiểu sâu sắc hơn giá trị lịch sử – văn hóa của Kinh đô Thăng Long xưa. Trong tổng thể, Khu di sản Trung tâm Hoàng thành Thăng Long là tiêu biểu toàn bộ di sản Kinh đô Thăng Long – Hà Nội, đáp ứng 3 tiêu chí nổi bật toàn cầu của di sản thế giới với diễn trình lâu dài, liên tục.
Hướng đi mới để phát huy giá trị di sản Hoàng thành Thăng Long
PGS.TS Tống Trung Tín, Hội Khảo cổ học Việt Nam tham luận tại Hội thảo.

Qua đó, phản ánh những đặc trưng nổi bật của nền văn hiến độc đáo có lịch sử lâu dài hàng nghìn năm của vùng đất đế đô trên cơ tầng văn hóa – văn minh bản địa, hội tụ, giao thoa, tiếp biến với những tinh hoa văn hóa của cả nước, trong khu vực và trên thế giới để từ đó sáng tạo nên nền văn hiến có trình độ cao, phong phú, đa dạng, đậm đà bản sắc Việt Nam và đang tiếp diễn đến ngày hôm nay.

Thay mặt giới khảo cổ học Việt Nam, PGS.TS Tống Trung Tín kiến nghị các cấp lãnh đạo có thẩm quyền tiếp tục cho phép Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội đẩy mạnh việc thực hiện các khuyến nghị của UNESCO và cam kết của Chính phủ Việt Nam và Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội.

PGS.TS Tống Trung Tín cũng kiến nghị UNESCO, ICOMOS cho phép Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội đẩy mạnh việc nghiên cứu, bảo vệ, bảo tồn, chỉnh trang toàn bộ khu Di sản, nhất là tại khu vực Trung tâm (không gian Chính điện Kính Thiên) để làm tăng thêm 3 giá trị nổi bật toàn cầu của Di sản Thế giới Trung tâm Hoàng thành Thăng Long.

Chia sẻ kinh nghiệm khôi phục kiến trúc từ di tích khảo cổ học, GS Ueno Kumikazu – GS Danh dự Đại học nữ sinh Nara, Nhật Bản đã giới thiệu một số công trình kiến trúc được phục dựng ở Nhật Bản như Suzaku-mom (cổng chính), Daigoku-sen (sảnh chính) và Tou-in (khu vườn phía đông trong “Heijou – Kyu”: Địa điểm cung điện Nara). Những công trình này được xây dựng từ giữa thế kỷ thứ XIII.

Từ đó, GS Ueno Kumikazu chia sẻ kinh nghiệm: Trong quá trình nghiên cứu, thường chúng tôi phải dựng mô hình ở tỉ lệ 1/50 đến 1/100. Chúng tôi kiểm tra các vấn đề khác nhau trong quá trình phục dựng. Khi đón công chúng tới thăm quan công trình phục dựng, chúng ta phải lưu ý ít nhất 2 vấn đề an toàn và bảo tồn hiện vật nguyên gốc.

Trong đó, an toàn – sau khi hoàn thành việc xây dựng lại, mọi người sẽ vào tham quan. Chúng ta cần thiết lập an toàn trong các công trình được phục dựng lại; Bảo tồn các di tích khảo cổ – công trình được phục dựng trên nguyên tắc không bao giờ được phá hủy các hiện vật có giá trị nguyên gốc.

Hướng đi mới để phát huy giá trị di sản Hoàng thành Thăng Long
Khu di sản Hoàng thành Thăng Long.

Đồng quan điểm trên, chuyên gia phụ trách văn hóa khu vực châu Á – Thái Bình Dương, Trung tâm Di sản thế giới Nao Hayashi nhấn mạnh: “Bảo tồn giá trị nổi bật toàn cầu đòi hỏi liên tục suy ngẫm, chiêm nghiệm và đổi mới để mang lại sự hài hòa giữa nhu cầu cuộc sống hiện đai, các giá trị di sản và khát vọng của người dân về một tương lai tốt đẹp hơn.

Mục tiêu chính của việc ghi danh là để bảo quản tài sản này một cách tốt nhất. Chính vị vậy việc trang bị cho khu di sản những kinh nghiệm trong bảo tồn là cần thiết. Trong đó, cần luôn lưu ý, xác định rõ những yếu tố xác thực của di sản để công tác phát huy giá trị đúng trọng tâm”.

Còn ông Nguyễn Thanh Quang, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội cho biết, sau khi Hoàng thành Thăng Long được UNESCO vinh danh Di sản văn hóa thế giới năm 2010 đến nay, thực hiện sự chỉ đạo của Chính phủ, Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội đã thực hiện tốt các công tác về di sản thế giới, như công tác quy hoạch, thực hiện cam kết của Thủ tướng Chính phủ gồm 8 điểm với Ủy ban Di sản Thế giới, công tác bảo tồn, tôn tạo, các hoạt động tuyên truyền quảng bá giá trị khu di sản được tập trung và đẩy mạnh… Những kết quả thực hiện đó làm tiền đề cho công tác nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị khu Di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long trong những năm tiếp theo.

Về mục tiêu tổng quát, thời gian tới, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội sẽ xây dựng chiến lược lâu dài nhằm bảo vệ tính toàn vẹn và các giá trị nổi bật toàn cầu của khu di sản, thực hiện đồng bộ các giải pháp quản lý bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa, tinh thần ẩn chứa trong các thành phần của khu di sản. Bên cạnh đó, đảm bảo hài hoà giữa lợi ích phát triển với bảo tồn, tôn tạo di tích, đưa ra một cách tiếp cận bền vững để quản lý tương lai của khu di sản, tạo ra sự cân bằng giữa bảo tồn di sản cũng như cảnh quan môi trường.

Trung tâm cũng sẽ hoàn thành các dự án bảo tồn, tôn tạo đưa di sản trở thành trở thành Công viên văn hóa lịch sử; xây dựng và định vị khu di sản trở thành thương hiệu du lịch văn hóa, điểm đến quan trọng của Thủ đô và đất nước. Đặc biệt, nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm du lịch đang khai thác, phát triển các sản phầm du lịch mới đặc thù về giá trị của khu di sản. Tổ chức không gian sáng tạo tại khu di sản góp phần đưa Hà Nội trở thành trung tâm trong mạng lưới các thành phố sáng tạo của khu vực và trên thế giới.

Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội cũng cho biết, sẽ tập trung vào các nhiệm vụ cụ thể được xác định trên việc phân tích và đánh giá giá trị của di sản cùng với tình hình thực tế mà di sản đã và đang phải đối mặt, theo đó, tập trung vào 5 nhóm vấn đề: Công tác quản lý di sản; bảo tồn di tích, di vật và cảnh quan; nghiên cứu tìm hiểu về di sản; phát huy giá trị di sản; quảng bá, giới thiệu giá trị di sản cho cộng đồng.

Hiện tại, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội cũng đang làm tốt công tác tuyên truyền, quảng bá giá trị khu di sản Hoàng thành Thăng Long trên các phương tiện thông tin đại chúng. Trong đó, có các chương trình cộng đồng được tổ chức nhằm phát huy vai trò của nhân dân trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích, kết nối người dân, giới trẻ và khu di sản như chương trình “Em tìm hiểu di sản”, “Em làm nhà khảo cổ”… Từ năm 2018, với sự hợp tác cùng Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, Chương trình giáo dục di sản này ngày càng phát triển bền vững, nhận được sự ủng hộ hưởng ứng nhiệt tình của các nhà trường, các thầy cô và các em học sinh.

Đặc biệt, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội đã phối hợp với Hội Lữ hành Hà Nội và Công ty lữ hành Hà Nội Tourist xây dựng sản phẩm mới Tour đêm “Giải mã Hoàng thành Thăng Long”. Sau khi vận hành một thời gian ngắn, Tour đêm tạm dừng để phòng chống dịch. Hiện nay, Tour đêm đã vận hành trở lại từ ngày 29/4/2022, thu hút sự quan tâm của đông đảo du khách. Sau 3 tháng phục vụ trở lại, đã có hơn 3500 lượt khách tham gia trải nghiệm Tour đêm và có nhiều phản hồi rất tích cực.

Những trao đổi, kinh nghiệm của những người làm công tác nghiên cứu, bảo tồn và phát huy di sản trong nước và quốc tế nêu trên sẽ là cơ sở để định hướng cho công tác nghiên cứu, bảo tồn và phát huy các giá trị của Di sản văn hóa thế giới Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long trong thời gian tới.

Phương Bùi