Tham dự tọa đàm có , Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Bùi Huyền Mai, Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Chử Xuân Dũng, Thành ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thế Cương, đại diện các sở, ban, ngành; lãnh đạo các quận, huyện, thị xã.
Phó Bí thư Thành ủy, Trưởng Ban chỉ đạo Chương trình số 06 Nguyễn Văn Phong chủ trì Hội nghị tọa đàm
Phát biểu tại tọa đàm, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Bùi Huyền Mai cho biết: Để thiết thực đưa Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XVII đi vào cuộc sống, Hà Nội tiếp tục xác định và khẳng định tiềm năng, lợi thế trong việc phát huy sức mạnh mềm văn hóa, hướng tới xây dựng diện mạo, môi trường văn hóa mới cho Thủ đô Hà Nội. Chính vì vậy, tại nhiệm kỳ này, Đảng bộ Thành phố Hà Nội quyết định lựa chọn xây dựng Nghị quyết chuyên đề “Phát triển công nghiệp văn hóa ở trên địa bàn Thủ đô, giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” để tạo bước đột phá trong phát triển văn hóa Thủ đô với tầm nhìn rộng mở, bắt kịp xu thế thời đại; không ngừng phát triển, nâng cao chất lượng văn hóa, đảm bảo hài hòa giữa bảo tồn và phát triển văn hóa, cải thiện đời sống tinh thần của Nhân dân gắn với thu hẹp khoảng cách, nâng cao khả năng thụ hưởng văn hóa giữa các vùng: khu vực đô thị, ngoại thành, khu xa trung tâm…, đồng thời góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, gia tăng tỷ trọng đóng góp vào GRDP của Thành phố.
Với mong muốn nhận được sự đóng góp trí tuệ trực tiếp, những sáng kiến tham vấn tâm huyết và trách nhiệm của các sở, ban, ngành, đoàn thể Thành phố; các quận, huyện, thị ủy; Ban quản lý một số di tích Quốc gia đặc biệt, di tích Quốc gia trên địa bàn thành phố Hà Nội – những đơn vị sẽ trực tiếp triển khai cụ thể hóa khi Nghị quyết được ban hành để xây dựng và phát triển Thủ đô bền vững ở 12 lĩnh vực, gồm: Điện ảnh; Nghệ thuật biểu diễn; Quảng cáo; Thủ công mỹ nghệ; Phần mềm và các trò chơi giải trí; Truyền hình và phát thanh; Thời trang; Du lịch văn hóa; Kiến trúc; Thiết kế; Xuất bản; Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm. Các ý kiến sẽ tập trung vào 2 nội dung chính, gồm: (1) Đóng góp vào dự thảo Đề án “Phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; (2) Đóng góp vào dự thảo Nghị quyết chuyên đề về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” trên cơ sở trao đổi, thảo luận ở 4 nhóm vấn đề:
Thứ nhất, nhận diện rõ tiềm năng, thế mạnh của các ngành, địa phương, đơn vị mình trong các lĩnh vực phát triển công nghiệp văn hóa; lựa chọn lĩnh vực ngành công nghiệp văn hóa mà ngành, địa phương, đơn vị thấy tính có khả thi cao.
Thứ hai, đánh giá năng lực triển khai, dự báo những thuận lợi và những khó khăn, thách thức trong quá trình triển khai thực hiện, đề xuất những nhiệm vụ, giải pháp mang tính đột phá, tạo bước chuyển biến rõ nét thúc đẩy công nghiệp văn hóa của ngành, địa phương, đơn vị góp phần thúc đẩy công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô.
Thứ ba, hiến kế những ý tưởng, sáng kiến tham vấn, gợi mở; đề xuất các giải pháp, kiến nghị với Thành phố về cơ chế, chính sách tạo điều kiện thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hóa phát triển tại các ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương.
Thứ tư, những ý kiến khác liên quan mà các đại biểu quan tâm.
Tại buổi tọa đàm, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Trần Thế Cương đã giới thiệu tóm tắt dự thảo Nghị quyết chuyên đề về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô, giai đoạn 2021- 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn 2045”, trong đó dự báo rõ tình hình, xác định quan điểm, mục tiêu và nhóm 8 giải pháp cần tập trung triển khai thực hiện, gồm: Đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức về công nghiệp văn hóa; Tập trung xây dựng hoàn thiện chính sách; Đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực; Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ; Phát triển thị trường công nghiệp văn hóa; Thu hút và hỗ trợ đầu tư; Mở rộng giao lưu hợp tác trong nước và quốc tế về văn hóa; Triển khai hiệu quả các sáng kiến của Hà Nội đã cam kết với UNESCO khi gia nhập mạng lưới các thành phố sáng tạo.
Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long phát biểu tại tọa đàm
Theo Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long, Hà Nội là nơi tập trung nhiều văn nghệ sĩ với nhiều sản phẩm sáng tạo được thế giới biết đến như bức tranh “chân dung cô Phương” của họa sĩ Mai Trung Thứ được bán với mức giá cao kỷ lục tại phiên đấu giá mang tên Beyond Legends: Modern Art Evening Sale tại Hồng Kông. Mục tiêu đặt ra, đó là Hà Nội cần tập hợp được nguồn lực, tiềm năng sẵn có về lịch sử, con người để khai thác và phát triển văn hóa. Với vị thế là trung tâm tiếp nhận văn hóa quốc tế và của các địa phương trong cả nước, là nơi bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống, quận Hoàn Kiếm sẽ gắn phát triển công nghiệp văn hóa với sáng tạo và phát triển kinh tế, góp phần bảo tồn phát triển văn hóa truyền thống trên cơ sở tiếp nhận văn hóa thế giới, tạo nên sức hút của Hà Nội so với các địa phương khác.
Bí thư huyện ủy Đông Anh Lê Trung Kiên đóng góp ý kiến
Còn theo Bí thư huyện ủy Đông Anh Lê Trung Kiên: Đề án phát triển công nghiệp văn hóa có tính thực tiễn cao. Việc xác định rõ văn hóa không chỉ là nền tảng, động lực, mục tiêu mà còn là nguồn lực trong phát triển kinh tế- xã hội. Đây chính là sự thay đổi nhận thức quan trọng cho phép chúng ta phát triển công nghiệp văn hóa trở thành ngành công nghiệp mũi nhọn. Muốn thực hiện mục tiêu đó, cần xác định rõ thực trạng và lựa chọn các lĩnh vực ưu tiên để phát triển, trong đó con người là yếu tố quyết định. Huyện Đông Anh sẽ lựa chọn lợi thế của địa bàn để thu hút và hỗ trợ đầu tư.
Bí thư Thị ủy Sơn Tây Phạm Thị Thanh Mai
Cùng quan điểm trên, Bí thư Thị ủy Sơn Tây Phạm Thị Thanh Mai cho biết: Theo Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, thị xã Sơn Tây được quy hoạch là đô thị văn hóa lịch sử – du lịch nghỉ dưỡng, đô thị vệ tinh của Thủ đô Hà Nội. Vì vậy, việc quy hoạch, phát triển ngành công nghiệp văn hóa trên địa bàn phải căn cứ dựa trên tiềm năng, thế mạnh của Thị xã, tập trung vào các lĩnh vực tiềm năng như du lịch văn hóa, tham quan di tích lịch sử, nghệ thuật biểu diễn, làng nghề thủ công truyền thống phục vụ du lịch, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Thị xã. Thời gian tới, Thị xã sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa gắn với phát triển kinh tế – xã hội, đặc biệt tuyên truyền về vị trí, vai trò, tiềm năng và thế mạnh của việc phát triển du lịch văn hóa; giữ gìn, bảo tồn các giá trị văn hóa mang đậm bản sắc Sơn Tây – xứ Đoài nhằm thu hút khách du lịch. Trên cơ sở Nghị quyết, Đề án của Thành phố, tập trung rà soát, xây dựng, bổ sung và hoàn thiện quy hoạch chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa của Thị xã. Tuyên truyền, tạo cơ chế khuyến khích, thu hút đầu tư, huy động xã hội hóa phát triển các ngành công nghiệp văn hóa sẵn có lợi thế, tiềm năng.
Bí thư Quận ủy Hai Bà Trưng Nguyễn Văn Nam đánh giá: Đề án có tính kế thừa trên cơ sở nhiều nguồn tài liệu khác nhau. Để đề án có tính khả thi cao, cần xác định rõ lợi thế và tiềm năng của từng lĩnh vực, đánh giá cụ thể những khó khăn, hạn chế để đưa ra những giải pháp ở từng lĩnh vực cụ thể để phát triển công nghiệp văn hóa thành ngành kinh tế mũi nhọn của Thủ đô.
Trong lĩnh vực du lịch văn hóa, Phó Giám đốc Sở Du lịch Trần Trọng Hiếu cho rằng: Đây là một trong những hình thức căn bản của du lịch, là loại hình du lịch khai thác các giá trị văn hóa tạo thành sản phẩm du lịch nhằm thỏa mãn nhu cầu của du khách, mang lại lợi ích kinh tế – xã hội cho quốc gia, đồng thời góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị của di sản văn hóa Việt Nam trong thời hội nhập. Hơn thế, các giá trị của di sản văn hóa Việt Nam không chỉ tạo nên sự hấp dẫn, sự khác biệt trong sản phẩm du lịch, mà còn là nguồn lực, là sức mạnh mềm cho phát triển bền vững và quảng bá thương hiệu quốc gia. Để phát triển du lịch văn hóa sớm thực sự thành một ngành mũi nhọn, trước hết, chúng ta cần nhận thức đúng vai trò của lĩnh vực này trong bối cảnh phát triển kinh tế – xã hội, hội nhập và toàn cầu hóa hiện nay. Đặc biệt Thành phố phải xây dựng lộ trình, kế hoạch, ban hành những cơ chế, chính sách cụ thể, nguồn lực tài chính, đào tạo nguồn nhân lực và đẩy mạnh công tác tuyên truyền phát triển ngành công nghiệp du lịch văn hóa ở Việt Nam và Hà Nội. Tập trung quy hoạch, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, hình thành Hà Nội là trung tâm sáng tạo, thành phố sáng tạo phát triển công nghiệp du lịch văn hóa tiêu biểu.
Còn theo Bí thư Huyện ủy Mê Linh Đỗ Đình Hồng, chúng ta cần tập trung tìm ra sản phẩm cụ thể và phát triển dịch vụ gắn với thị trường. Mỗi sản phẩm nên gắn với một câu chuyện, cũng như việc Hà Nội ký kết hợp tác với kênh truyền hình CNN để quảng bá về Thủ đô. Chúng ta cần chủ động mang sản phẩm đến với người sử dụng.
Phó Chủ tịch UBND Thành phố Chử Xuân Dũng phát biểu chỉ đạo
Phát biểu tại Hội nghị tọa đàm, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Chử Xuân Dũng cho biết: Sở Văn hóa và Thể thao là đơn vị thường trực soạn thảo nội dung Đề án và Nghị quyết chuyên đề về phát triển công nghiệp văn hóa. Để hoàn thiện đề án, đồng chí giao các sở, ngành liên quan tiếp tục cung cấp thông tin, số liệu liên quan đến lĩnh vực quản lý, để làm cơ sở phân tích, đánh giá thực trạng để đưa ra những giải pháp, xác định vấn đề trọng điểm cần triển khai trong thời gian tới. Thời gian hoàn thành trước ngày 15/7/2021 để Sở Văn hóa và Thể thao báo cáo Thường trực Ban Chỉ đạo chương trình 06 tiếp tục triển khai thực hiện.
Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thế Cương khẳng định: Qua 3 buổi tọa đàm, Sở đã nhận được nhiều ý kiến tham vấn của nhiều văn nghệ sĩ, trí thức, các nhà đầu tư, doanh nghiệp, các cơ quan chuyên gia trong nước và quốc tế, sự đồng hành, chia sẻ của các sở, ngành, địa phương. Sở sẽ tiếp thu ý kiến và sớm hoàn thiện dự thảo Nghị quyết và dự thảo Đề án trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Phát biểu kết luận tại buổi tọa đàm, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong khẳng định: Đảng bộ thành phố Hà Nội quyết định lựa chọn xây dựng Nghị quyết chuyên đề “Phát triển công nghiệp văn hóa ở trên địa bàn Thủ đô, giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” – một trong hai Nghị quyết chuyên đề được xác định trong cả nhiệm kỳ Đại hội làm bước đột phá trong phát triển văn hóa Thủ đô. Các sở, ban, ngành, đoàn thể Thành phố; các quận, huyện, thị ủy sẽ là những đơn vị trực tiếp triển khai cụ thể hóa khi Nghị quyết được ban hành. Đồng chí đề nghị các sở, ngành, quận, huyện cần coi đây là việc của mình. Xác định rõ các lĩnh vực là tiềm năng thế mạnh để phát triển. Nghị quyết chính là căn cứ, gợi mở để các quận huyện chủ động xây dựng các dự án, đề án, kế hoạch, quan tâm đầu tư hạ tầng xã hội và đời sống văn hóa. Đầu tư phát triển bền vững gắn với bản sắc của từng địa phương.
Thanh Mai / nguoihanoi.com.vn