Tổ dân phố số 23 phường Trung Liệt (quận Đống Đa, Hà Nội), là một trong những mô hình điểm sáng của Tổ dân phố văn minh, kiểu mẫu trên địa bàn được các cấp chính quyền, và người dân ghi nhận, ủng hộ. Thời gian qua, tổ dân phố đã huy động sức mạnh của hệ thống chính trị, các đoàn thể, đặc biệt là Hội Phụ nữ tham gia chỉnh trang, trang trí toàn bộ không gian công cộng bằng cờ, hoa, chong chóng rực rỡ sắc màu. Trang trí lại toàn bộ đường đi lối lại, quy hoạch, xây dựng sân chơi, sân tập thể dục cho người già, trẻ nhỏ, nhà sinh hoạt cộng đồng sạch sẽ, khang trang. Tổ dân phố vận động nhân dân thực hiện mô hình “Tổ dân phố 5 không, gồm không xả rác thải chất thải bừa bãi làm mất vệ sinh môi trường; không lấn chiếm vỉa hè lòng đường; không có tệ nạn xã hội; không kích động đe dọa sử dụng bạo lực; không nói tục chửi bậy xúc phạm người khác”.
Việc huy động sức dân đầu tư nâng cấp, mở rộng đường giao thông, chỉnh trang đô thị ở nhiều khu dân cư đã phát huy được hiệu quả. |
Tương tự, xung quanh khu vực hồ Xã Đàn của phường Nam Đồng và Trung Tự (quận Đống Đa), dự án cải tạo hồ Xã Đàn được Ủy ban nhân dân quận Đống Đa triển khai thực hiện từ tháng 8/2023, đến nay đã hoàn tất các hạng mục gồm cải tạo nước hồ và hệ thống lan can, kè hồ, chỉnh trang khuôn viên, trồng cây xanh, bố trí hệ thống ghế đá… với tổng mức đầu tư hơn 24 tỷ đồng. Sau cải tạo, diện mạo hồ Xã Đàn thay đổi, khang trang, sạch đẹp. Để góp sức chung tay xây dựng không gian cộng đồng xanh, sạch, đẹp, nhân dân và chính quyền, các tổ chức chính trị xã hội các phường Nam Đồng, Trung Tự đã chủ động triển thực hiện các “con đường hoa”, khu vui chơi… Đây là những tín hiệu tích cực về việc nhân dân chung tay cùng chính quyền xây dựng quận Đống Đa trở thành nơi đáng sống.
Nhiều năm trước, khuôn viên khu nhà ngõ 76, tổ dân phố 16 (phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm) tồn tại một thửa đất xen kẹt bị bỏ không, trở thành tụ điểm rác thải, gây ô nhiễm môi trường trong khu dân cư. Nhưng đến nay, cảnh quan nơi đây trở nên sinh động, tươi vui hơn nhờ những chậu khóm hoa, cây cảnh được phủ kín các ô đất. Ông Trần Tuấn Sinh, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng ban Công tác Mặt trận khu dân cư số 16 cho biết, đây là thành quả của chính người dân trong khu.Hưởng ứng lời kêu gọi của chi bộ, tổ dân phố, các hộ dân tự nguyện đóng góp mua ghế đá, cây cảnh trang trí khu dân cư. Cán bộ, đảng viên gương mẫu đi đầu cùng hơn chục người tình nguyện đi mua hoa, cây cảnh, mua đất về đổ thêm, rồi “mỗi người một tay” vừa dọn dẹp, vừa trồng cây. Chẳng mấy chốc, khoảnh đất giữa sân chơi trong khu đã biến thành sân chơi, ai nhìn vào cũng thấy vui…
Có thể thấy, hiện trên địa bàn thành phố Hà Nội xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm chủ động nhằm giữ vệ sinh môi trường, trồng hoa, cây cảnh tô điểm cho cảnh quan gia đình và cộng đồng. Đi trên các tuyến đường từ trục chính cho đến ngõ nhỏ, mọi người sẽ thường xuyên bắt gặp những giỏ hoa xinh xắn được treo trên ban công, cửa sổ; những khóm hoa được trồng quanh gốc cây xanh đô thị dọc các vỉa hè. Người dân còn tham gia đóng góp và trồng hoa ở những dải phân cách mà Nhà nước chưa đầu tư chăm sóc.
Nâng cao ý thức người dân là then chốt
Ở ngoại thành, xác định cơ sở hạ tầng đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội, những năm qua, các địa phương đã huy động nhiều nguồn lực đầu tư, nhất là dành cho lĩnh vực hạ tầng giao thông, chỉnh trang đô thị. Trong đó, việc huy động sức dân trong việc chỉnh trang đô thị đã mang lại nhiều kết quả tích cực. Điển hình là tại thôn An Hiền (xã Hoàng Diệu, huyện Chương Mỹ, Hà Nội), thời gian qua, bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc. Đình, đền, chùa, nhà văn hóa trong thôn đã được xây mới hoặc sửa chữa, tu bổ khang trang. Trong thôn có những bức tường được tô vẽ, trang trí đẹp mắt như những tác phẩm nghệ thuật. 100% đường thôn, ngõ xóm được bê tông hóa, hệ thống rãnh thoát nước trong khu dân cư có nắp đậy, bảo đảm môi trường sạch sẽ.
Ông Trần Quang Huy, Bí thư Chi bộ thôn An Hiền, Trưởng Ban công tác mặt trận thôn An Hiền, cho biết: “Chúng tôi lấy xã hội hóa làm nền tảng để xây dựng nông thôn mới. Mỗi người dân luôn nhận thức là một chủ thể xây dựng nông thôn mới, chỉnh trang đô thị. Điển hình nhất là công trình nghĩa trang, quy tập được hơn 300 ngôi mộ, nhân dân ủng hộ hơn 1 tỷ đồng. Sân vận động rộng trên 3.000m2 là do nhân dân tự nguyện hiến đất, mỗi nhà tự hiến một ít đất để làm sân vận động, hoàn thành năm 2011. Con đường trục chính của làng dài hơn 300m với hơn 100 bồn hoa giấy. Một đường hoa rất đẹp được nhiều nơi ở huyện Chương Mỹ về đây học tập kinh nghiệm, cách làm”.
Mới đây, để bảo đảm tình hình an ninh trật tự, hoàn thành tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao, xã Hoàng Diệu chủ trương vận động người dân, huy động nguồn lực xã hội hóa lắp đặt hệ thống camera theo dõi các đối tượng ra, vào địa bàn.“Ngày đầu vận động, thôn An Hiền gặp nhiều khó khăn vì một số người dân cho rằng, việc lắp đặt camera an ninh là nhiệm vụ của chính quyền, cơ quan Công an… Nhưng khi được giải thích những hiệu quả mang lại, người dân trong thôn đã tự nguyện đóng góp hơn 38 triệu đồng lắp đặt 31 mắt camera giám sát tại các trục đường chính của thôn, xóm, khu dân cư. Đặc biệt, người dân nơi đây còn chia sẻ wifi, nguồn điện của gia đình để camera hoạt động liên tục”, Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn An Hiền Trần Quang Huy phấn khởi cho biết.
Hà Nội là Thủ đô của cả nước, nên bộ mặt đô thị cần được làm sạch đẹp, văn minh, để không chỉ những người dân có cuộc sống tốt hơn mà còn là hình ảnh du lịch, đối nội đối ngoại với bạn bè năm châu. Được biết, trước đó, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chương trình số 03 về“Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị giai đoạn 2021-2025”. Có thể nói đây là chương trình được tuyên truyền rất sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.Từ thực hiện chương trình đã thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc triển khai dự án xử lý nước thải, rác thải, giao thông quan trọng như hệ thống xử lý nước thải Yên Xá; kiểm tra tình hình thực hiện xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại Khu liên hiệp xử lý chất thải Nam Sơn, huyện Sóc Sơn; Dự án đường Vành đai 4….
Kim Tiến