Rà soát hơn 100 luật, bộ luật có liên quan
Báo cáo tại cuộc làm việc, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức nhiều hoạt động liên quan đến việc xây dựng dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Năm 2022, cùng với quá trình tổng kết Nghị quyết số 19-NQ/TW Hội nghị Trung ương 6 (Khóa XI), Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức xây dựng và hoàn thiện Dự án Luật Đất đai (sửa đổi); lấy ý kiến của các Bộ, ngành và 63 tỉnh, thành; tổ chức nhiều hội thảo, tọa đàm, các buổi làm việc với cơ quan, tổ chức có liên quan, chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế…
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi làm việc. (ảnh: Quốc hội) |
Đồng thời, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã khẩn trương huy động sự tham gia của các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà quản lý, tham khảo kinh nghiệm quốc tế để thể chế hóa các quan điểm, chủ trương mới vào dự thảo Luật; tổ chức họp Ban soạn thảo, Tổ biên tập; báo cáo Ban cán sự đảng Chính phủ, Ban Chỉ đạo tổng kết thi hành Luật Đất đai và xây dựng dự án Luật Đất đai (sửa đổi) về nội dung cơ bản, định hướng, chính sách lớn thể chế trong dự thảo Luật.
Bộ cũng đã lấy ý kiến các Bộ, ngành, địa phương, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) về dự thảo Luật; chủ động, trực tiếp làm việc với các Bộ: Tài chính, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các đơn vị có liên quan của Bộ Giao thông vận tải, Bộ Nội vụ… để hoàn thiện nội dung dự thảo Luật trước khi gửi đăng lên Cổng Thông tin điện tử của Chính phủ và của Bộ Tài nguyên và Môi trường để lấy ý kiến tổ chức, cá nhân.
Quá trình xây dựng Dự án Luật, Bộ đã rà soát hơn 100 luật, bộ luật có liên quan đến lĩnh vực đất đai để đề xuất sửa đổi ngay trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) hoặc đề xuất sửa đổi các Luật có liên quan nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà trình bày báo cáo. (ảnh: Quốc hội) |
Sau khi nghe báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, các ý kiến tại cuộc làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) là nhiệm vụ lập pháp trọng tâm của Quốc hội trong nhiệm kỳ Khóa XV. Đây cũng là dự luật vô cùng khó, phức tạp, phạm vi điều chỉnh rất rộng, tác động đến mọi lĩnh vực, mọi người dân và doanh nghiệp.
Với tinh thần chủ động, từ sớm, từ xa, ngay từ tháng 8/2021, Lãnh đạo Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội đã làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường về tổng kết Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai và việc chuẩn bị cho dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Cuộc làm việc hôm nay cũng tiếp nối tinh thần đó, Quốc hội và Chính phủ cùng vào cuộc để việc sửa đổi luật, đáp ứng được các yêu cầu tại Nghị quyết của Trung ương và yêu cầu của thực tiễn cuộc sống.
Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ động triển khai các nhiệm vụ xây dựng dự án Luật Đất đai (sửa đổi) với sự công phu, kỹ lưỡng và trách nhiệm. Để bảo đảm tiến độ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4 tới, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) tại phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 9/2022.
Do đó, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường hoàn thiện hồ sơ dự án Luật trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội chậm nhất trước ngày 1/9/2022. Đồng thời, phải tiếp tục rà soát, đánh giá kỹ lưỡng hơn nữa những tác động của dự luật về kinh tế, xã hội, môi trường, an ninh, quốc phòng, môi trường kinh doanh…
Cùng với đó, cần rà soát chi tiết hệ thống pháp luật liên quan và dự thảo các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai nhằm thực hiện yêu cầu tại Nghị quyết số 18 của Trung ương về hoàn thành sửa đổi Luật Đất đai và pháp luật liên quan trong năm 2023.
Đẩy mạnh công tác truyền thông
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị các cơ quan tiếp tục phối hợp chặt chẽ, khoa học với tinh thần cầu thị, khách quan trong việc rà soát, đánh giá kỹ lưỡng cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn, phân tích các xu hướng đặt ra, các kinh nghiệm quốc tế… để xác định đúng, trúng các nội dung cần sửa đổi. Cùng với trách nhiệm của Ủy ban Kinh tế là cơ quan chủ trì thẩm tra dự án Luật, từng cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần chọn lọc từng vấn đề thuộc phạm vi, lĩnh vực phụ trách để bàn sâu, bàn kỹ. Hội đồng nhân dân các cấp, nhất là cấp tỉnh, Hội đồng nhân dân các thành phố lớn, các địa phương có nhiều vấn đề phức tạp về đất đai cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, từ thực tiễn cuộc sống, nghiên cứu, đóng góp ý kiến sửa đổi Luật.
Toàn cảnh buổi làm việc. (ảnh: Quốc hội) |
“Đồng thời, phải huy động tối đa trí tuệ, trách nhiệm của các chuyên gia, nhà khoa học, của nhân dân và doanh nghiệp trong việc tham gia đóng góp ý kiến đối với dự án Luật. Quá trình chuẩn bị không được chủ quan, phải hết sức kỹ lưỡng, bài bản, khoa học, đúng quy định pháp luật”, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu.
Đối với việc lấy ý kiến nhân dân, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu phải đặt ra các nội dung cụ thể, được thuyết minh rõ ràng, gắn với trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị tiếp thu ý kiến góp ý của Nhân dân.
Chủ tịch Quốc hội cũng giao Ủy ban Kinh tế phối hợp với Văn phòng Quốc hội xây dựng Đề án về công tác truyền thông đối với Nghị quyết số 18-NQ/TW của Trung ương và quá trình xây dựng dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Cơ quan soạn thảo cần đẩy mạnh công tác truyền thông và tăng cường tiếp nhận thông tin phản biện từ người dân, doanh nghiệp nhằm tạo sự đồng thuận cao trong xã hội với tinh thần hết sức cầu thị, lắng nghe.
Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh, Dự án Luật ngay từ lần trình đầu tiên phải hết sức kỹ lưỡng, bảo đảm chất lượng, hướng tới mục tiêu cuối cùng khi xây dựng, hoàn thiện dự án Luật này là bảo đảm tính thông suốt, công khai, minh bạch trong hệ thống chính sách, pháp luật về đất đai nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao và để Nhà nước, tư nhân đều không thể làm sai, không còn “sợ sai”.