Huyện Đông Anh: Điểm sáng trong triển khai hiệu quả các mô hình hay về thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng của Thủ đô

Nhờ triển khai tốt, nhân rộng các mô hình hay, kết hợp phát động các phong trào thi đua thực hiện Quy tắc ứng xử gắn với Đề án Văn hoá công vụ; huyện Đông Anh đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ và trở thành điểm sáng của Thủ đô về thực hiện Quy tắc ứng xử.

Triển khai bài bản, quyết liệt, nhiều mô hình hiệu quả

Theo báo cáo tại Hội nghị đánh giá kết quả 5 năm triển khai thực hiện Quy tắc ứng xử và Đề án Văn hoá công vụ trên địa bàn huyện diễn ra vào ngày 16/11 vừa qua, huyện Đông Anh đã triển khai thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng và Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc Thành phố với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, sáng tạo; phổ biến quán triệt đến các ban, ngành đoàn thể và toàn thể nhân dân trên địa bàn huyện. Thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng, văn hoá công vụ tạo những hiệu ứng tích cực, trách nhiệm và hiệu quả trong công việc và đời sống cộng đồng nhằm mục tiêu xây dựng người Đông Anh – Hà Nội thanh lịch, văn minh.

img_1372.jpeg
Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Thị Tám phát biểu tại Hội nghị.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Thị Tám, Hội nghị đánh giá kết quả 05 thực hiện Quy tắc ứng xử gắn với Đề án Văn hóa công vụ trên địa bàn huyện Đông Anh là hoạt động cần thiết nhằm đánh giá những thành công cũng như nhìn nhận lại những hạn chế, tồn tại để từ đó rút ra bài học kinh nghiệm và tiếp tục xây dựng phương hướng, biện pháp triển khai hiệu quả phù hợp với tiềm năng, lợi thế thực tế của địa phương đồng thời phù hợp với định hướng phát triển của Thủ đô trong những năm tiếp theo.

Huyện đã xây dựng và triển khai sâu rộng nhiều mô hình tuyên truyền thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng như: Mô hình tuyên truyền cho tiểu thương giao tiếp thân thiện khi mua, bán hàng hóa, niêm yết giá, nguồn gốc sản phẩm, không sử dụng hóa chất độc hại tại các khu vực chợ; Mô hình tuyên truyền lưu động, tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh về ứng xử văn hoá, vệ sinh môi trường, chấp hành luật giao thông, phòng chống dịch bệnh Covid-19; Mô hình hướng dẫn Nhân dân chấp hành luật giao thông, thân thiện, nhường nhịn khi có va chạm trên đường; Mô hình thôn, tổ dân phố sáng, xanh, sạch, đẹp, không có tệ nạn xã hội… Nhân rộng mô hình ứng xử văn hoá trong gia đình “Gia đình an toàn Covid-19”, “Cụm dân cư an toàn”, “Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình” đến các gia đình, thôn, tổ dân phố, cụm dân cư trên địa bàn huyện…

Đáng lưu ý, nhằm nâng cao chất lượng thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng gắn với thực hiện hiệu quả Quy chế dân chủ ở cơ sở, thực hiện hương ước, quy ước thôn, tổ dân phố văn hoá, UBND huyện đã chỉ đạo 100% các xã, thị trấn, các thôn, tổ dân phố trên địa bàn huyện tiến hành rà soát hương ước, bổ sung các nội dung Quy tắc ứng xử nơi công cộng vào hương ước, quy ước thôn, tổ dân phố, công khai thực hiện tại từng khu dân cư. Đến nay, 195/195 thôn, tổ dân phố thuộc huyện đã hoàn thành bổ sung Quy tắc ứng xử nơi công cộng vào hương ước, quy ước. Đẩy mạnh tuyên truyền nhằm giáo dục ý thức tự nguyện chấp hành quy ước, hương ước, tạo dư luận tốt trong cộng đồng, từng bước điều chỉnh các hành vi ứng xử của mỗi người. Xây dựng ý thức tôn trọng pháp luật, thực hiện quy ước, hương ước gắn với quy tắc ứng xử nơi công cộng trở thành nếp sống văn hoá đẹp trong các tầng lớp nhân dân.

img_1374.jpeg
Trưởng phòng Xây dựng Nếp sống văn hóa và gia đình, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Bùi Minh Hoàng trao tặng khen thưởng cho các cá nhân tại Hội nghị

Bên cạnh đó, các mô hình tuyên truyền thực hiện Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, đơn vị thuộc huyện Đông Anh được thực hiện nghiêm túc, bài bàn và đạt được những kết quả đáng khích lệ. Tiêu biểu phải kể đến các mô hình như: mô hình “Cơ quan xanh, nơi làm việc ngăn nắp, gọn gàng”; mô hình “Trường học thân thiện, nói lời hay làm việc tốt, cảnh quan đẹp”…

Dấu ấn tiên phong thông qua “những con số biết nói”

Trong 5 năm qua, UBND huyện Đông Anh đã ban hành 30 văn bản chỉ đạo, triển khai thực hiện Quy tắc ứng xử trên địa bàn huyện. Huyện đã tổ chức 24 hội nghị Tọa đàm thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng, tuyên truyền nội dung Quy tắc ứng xử nơi công cộng tới cộng đồng dân cư tại 195 thôn, tổ dân phố trên địa bàn Huyện.

Huyện đã tổ chức 1095 hội nghị đại biểu nhân dân bàn về xây dựng đời sống văn hoá tại các thôn, tổ dân phố và các xã trong đó đưa nội dung thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng bổ sung vào hương ước, quy ước thôn, tổ dân phố văn hoá; bàn về các vấn đề liên quan đến thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang gắn với xây dựng người Đông Anh thanh lịch, văn minh. Tổ chức 10 lớp tập huấn cho đội ngũ cán bộ, công chức xã, thị trấn, các thôn, tổ dân phố về thực hiện Quy tắc ứng xử tại cơ quan, đơn vị và Quy tắc ứng xử nơi công cộng; 05 lớp tập huấn về văn hoá ứng xử trong gia đình.

beauty_1700123643767.jpeg
Lãnh đạo huyện Đông Anh trao tặng khen thưởng cho các cá nhân và tập thể tại Hội nghị.

Đặc biệt trong năm 2020, 2021, huyện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền lưu động thực hiện Quy tắc ứng xử gắn với tuyên truyền thực hiện phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Phối hợp với các Ban quản lý di tích, Ban chỉ đạo, Ban tổ chức lễ hội từ huyện đến các xã, các thôn đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến thực hiện nội dung Quy tắc ứng xử nơi công cộng bằng nhiều hình thức đa dạng phong phú: phát thanh tuyên truyền, niêm yết quy tắc, nhắc nhở người dân, du khách thập phương trực tiếp hoặc trên hệ thống truyền thanh.

img_1353.jpeg
Ông Nguyễn Văn Vũ, Bí thư Chi bộ thôn Khu dân cư Thăng Long, xã Hải Bối.

Với chủ đề phát huy hiệu quả từ mô hình nhà văn hoá đạt chuẩn trong thực hiện quy tắc ứng xử nơi công cộng, tham luận tại Hội nghị đánh giá kết quả 05 năm triển khai Quy tắc ứng xử gắn với Đề án Văn hóa công vụ, ông Nguyễn Văn Vũ, Bí thư chi bộ, Trưởng Ban công tác mặt trận thôn Khu dân cư Thăng Long, xã Hải Bối chia sẻ, nhà văn hóa là một thiết chế văn hóa hàng ngày đồng hành với đời sống nhân dân của mỗi thôn làng và là một phần không thể thiếu của xã hội; là nơi học tập, trao đổi, hưởng thụ, gìn giữ văn hóa, luyện tập thể dục thể thao của các tầng lớp nhân dân… Bên cạnh đó, nhà văn hóa còn giữ vai trò nòng cốt trong tổ chức các hoạt động tuyên truyền nhiệm vụ chính trị, xã hội ở địa phương. Hiện nay 100% thôn làng trên địa bàn huyện có nhà văn hoá.

Xây dựng Đông Anh trở thành đô thị đáng sống phía bắc sông Hồng

Phát biểu tại Hội nghị đánh giá kết quả 5 năm triển khai thực hiện Quy tắc ứng xử và Đề án Văn hoá công vụ trên địa bàn huyện Đông Anh, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Thị Tám khẳng định, 02 bộ Quy tắc ứng xử của Thành phố ban hành được cán bộ, công chức, viên chức, các tập thể, cá nhân, cộng đồng dân cư quan tâm hưởng ứng và thực hiện nghiêm túc. Công tác tuyên truyền thực hiện được tập trung, đẩy mạnh đã thực sự đi sâu vào đời sống cộng đồng, được đông đảo các tầng lớp nhân dân đồng thuận hưởng ứng tích cực. Kết quả của huyện thể hiện sự quan tâm của Thành ủy, UBND Thành phố, các sở ban ngành liên quan của Thành phố và trực tiếp là sự chỉ đạo, lãnh đạo của Huyện ủy, UBND huyện và trên hết là sự thống nhất ý chí của cả hệ thống chính trị từ huyện đến chính quyền địa phương; các tổ chức đoàn thể chính trị – xã hội trên địa bàn huyện.

img_1385.jpeg
Quang cảnh Hội nghị.

Việc phát động xây dựng các mô hình điểm về tuyên truyền quy tắc ứng xử nhằm thúc đẩy các phòng ban, đơn vị, UBND các xã, thị trấn có thêm sáng kiến, bồi đắp những giá trị tốt đẹp, lối sống vì cộng đồng, tạo đà cho nếp sống văn hóa lan tỏa hơn nữa trong đời sống. Đồng thời, khơi dậy ý thức trách nhiệm của mỗi con người với nơi mình sống là mục tiêu quan trọng của phong trào nhân rộng các mô hình tuyên truyền quy tắc ứng xử, từ đó nâng cao chất lượng đời sống văn hóa ở cơ sở.

Đồng chí Nguyễn Thị Tám đề nghị các phòng ban liên quan thuộc huyện như: Phòng Văn hóa Thông tin, Giáo dục tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cấp Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên, Mặt trận tổ quốc… để thực hiện hiệu quả các mô hình hay, trong đó có các mô hình tại khu dân cư để lan tỏa sâu rộng hơn nữa bộ Quy tắc ứng xử của Thành phố trong công đồng. Khuyến khích mỗi người dân, mỗi thôn làng hãy chọn một mô hình mới, cách làm hay hoặc có thể học tập những mô hình tiêu biểu từ các địa phương bạn để áp dụng tại địa phương mình.

Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Thị Tám nhấn mạnh: “Huyện Đông Anh đang trong giai đoạn về đích xây dựng huyện thành quận. Đặc biệt, ngày 11/11 vừa qua, Thành phố Hà Nội đã tổ chức lễ công bố triển khai dự án Thành phố thông minh Bắc Hà Nội tại huyện Đông Anh. Thành phố thông minh áp dụng hệ thống dịch vụ thế hệ mới được gọi là 6 giải pháp thông minh, bao gồm: Năng lượng thông minh, di chuyển thông minh, quản lý thông minh, cuộc sống thông minh, sức khỏe và học tập thông minh, kinh tế thông minh. Đây là niềm vui, niềm vinh dự, tự hào song cũng là trách nhiệm lớn lao đối với chính quyền và nhân dân huyện Đông Anh. Trong thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền và thực hiện các nội dung trong hai bộ Quy tắc ứng xử và Đề án văn hóa công vụ gắn với thực hiện Chương trình số 04-Ctr/HU về Phát triển văn hóa – xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Đông Anh thanh lịch, văn minh và phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở”.

Đông Anh chuẩn bị được đón nhận Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về công nhận quận Đông Anh và các phường thuộc quận Đông Anh; trong tình hình mới việc triển khai thực hiện Quy tắc ứng xử và Đề án văn hoá công vụ cần tiếp tục đổi mới, sáng tạo, đem lại hiệu quả thiết thực, sâu rộng, điều đó cần sự chung tay, đoàn kết của các cấp uỷ Đảng, chính quyền để xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại Đông Anh “Kỷ cương, trách nhiệm, tận tình, thân thiện”, một Đông Anh giàu bản sắc văn hoá, một thành phố hiện đại, thông minh bắc sông Hồng./.

 

Ly Ly

Huyện Đông Anh: Điểm sáng trong triển khai hiệu quả các mô hình hay về thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng của Thủ đô (nguoihanoi.vn)