Huyện Đông Anh khởi công xây dựng 4 cụm công nghiệp

Ngày 5/9, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã dự Lễ khởi công – động thổ Nhóm dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật 4 cụm công nghiệp (gồm: Cụm công nghiệp Thiết Bình, Cụm công nghiệp Liên Hà 2, Cụm Công nghiệp Dục Tú, Cụm công nghiệp Thụy Lâm) trên địa bàn huyện Đông Anh.

Trong đó, Cụm công nghiệp Thiết Bình có diện tích khoảng 20,98 ha, tổng mức vốn đầu tư khoảng 491,7 tỷ đồng. Ngành nghề hoạt động chủ yếu: Chế biến gỗ, mộc dân dụng, chạm khắc mỹ nghệ, sơn mài…

Cụm công nghiệp Liên Hà 2, xã Liên Hà có diện tích 21,99 ha, tổng mức vốn đầu tư khoảng 426,776 tỷ đồng, tập trung thu hút các doanh nghiệp hoạt động trong các ngành nghề chủ yếu như sản xuất chế biến gỗ, mộc dân dụng, chạm khắc mỹ nghệ, sơn mài,… cũng như các ngành nghề sản xuất, kinh doanh khác theo hướng công nghiệp sạch, phù hợp với Quy hoạch phát triển cụm công nghiệp thành phố Hà Nội đến năm 2020, có xét đến năm 2030; dịch vụ hỗ trợ cụm công nghiệp (kể cả xăng, dầu)…

Cụm công nghiệp Thiết Bình và Liên Hà 2 có quy hoạch phân khu chức năng, bao gồm: Khu nhà máy, nhà kho gồm các công trình nhà xưởng, nhà kho, nhà để xe… sử dụng kiến trúc hợp khối hiện đại theo hình mẫu kiến trúc của các nước phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore…; Khu hành chính, dịch vụ, trong đó, khu dịch vụ được thiết kế với phong cách kiến trúc phố xưởng, shophouse… tạo điểm nhấn kiến trúc sang trọng, phục vụ nhu cầu cho thuê làm địa điểm bày bán sản phẩm, khách tham quan du lịch… Quy mô diện tích linh động dự kiến lên tới khoảng 50 – 600 gian hàng, nhà xưởng, văn phòng…; Khu cảnh quan cây xanh và Khu hạ tầng kỹ thuật.

Chủ đầu tư của cả 2 Cụm công nghiệp Thiết Bình và Liên Hà 2 là Công ty cổ phần Phát triển Đầu tư xây dựng Việt Nam (VINADIC) – thành viên của Tập đoàn AMACCAO.

Huyện Đông Anh khởi công xây dựng 4 cụm công nghiệp
Các đại biểu thực hiện nghi thức động thổ 4 cụm công nghiệp. (Ảnh: Nguyễn Thành)

Cụm Công nghiệp Dục Tú, xã Dục Tú, huyện Đông Anh, do Công ty cổ phần Đông Thành Hà Nội là chủ đầu tư, có diện tích 15ha, tổng vốn đầu tư 336,78 tỷ đồng, ngành nghề hoạt động chủ yếu bao gồm: Tập trung thu hút doanh nghiệp sản xuất chế biến gỗ, mộc dân dụng, chạm khắc mỹ nghệ, sơn mài,… các ngành nghề sản xuất, kinh doanh khác theo hướng công nghiệp sạch, phù hợp với Quy hoạch phát triển cụm công nghiệp thành phố Hà Nội đến năm 2020, có xét đến năm 2030; dịch vụ hỗ trợ cụm công nghiệp (kể cả xăng, dầu)…

Cụm công nghiệp Thụy Lâm, xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, do Công ty TNHH Tập đoàn xây dựng Thanh Bình chủ đầu tư, có diện tích 17ha, tổng mức vốn đầu tư khoảng 326,243 tỷ đồng, với ngành nghề hoạt động chủ yếu: Tập trung thu hút doanh nghiệp sản xuất chế biến gỗ, mộc dân dụng, chạm khắc mỹ nghệ, sơn mài,… các ngành nghề sản xuất, kinh doanh khác theo hướng công nghiệp sạch, phù hợp với Quy hoạch phát triển cụm công nghiệp thành phố Hà Nội đến năm 2020, có xét đến năm 2030; dịch vụ hỗ trợ cụm công nghiệp (kể cả xăng, dầu)…

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền ghi nhận và biểu dương những nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và nhân dân huyện Đông Anh, của các sở, ban, ngành Thành phố, đặc biệt là của các chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kĩ thuật các cụm công nghiệp và các hộ dân có đất canh tác đã ủng hộ công tác giải phóng mặt bằng.

Để đẩy nhanh tiến độ sớm hoàn thành xây dựng hạ tầng kỹ thuật và thu hút các nhà đầu tư thứ phát vào sản xuất kinh doanh, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Mạnh Quyền đề nghị các sở, ban, ngành Thành phố, huyện Đông Anh và các xã Liên Hà, Thụy Lâm, Vân Hà, Dục Tú: Tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi nhất cho chủ đầu tư trong quá trình triển khai thực hiện dự án, nhất là trong việc tháo gỡ khó khăn vướng mắc, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp văn minh, hiện đại, đảm bảo sáng – xanh – sạch – đẹp.

Ông Nguyễn Mạnh quyền cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành, đơn vị, địa phương có liên quan. Trong đó, giao Sở Công Thương, với vai trò là cơ quan đầu mối thực hiện chức năng quản lý nhà nước về Cụm công nghiệp trên địa bàn Thành phố, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, phối hợp giải quyết khó khăn vướng mắc, kịp thời tham mưu cho UBND Thành phố các giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện, đảm bảo hoàn thành các dự án đưa vào hoạt động, khai thác theo đúng quy định.

Giao Sở Tài nguyên và Môi trường khẩn trương chủ trì thẩm định trình UBND Thành phố quyết định cho thuê đất đối với 3 dự án cụm công nghiệp còn lại, trong tháng 9/2023, để tập trung triển khai thực hiện theo đúng tiến độ quy định.

Đối với các chủ đầu tư, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Mạnh Quyền đề nghị cần tập trung toàn bộ nguồn lực để nhanh chóng hoàn thành đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp, thu hút nhà đầu tư thứ phát vào sản xuất, kinh doanh để phát huy tối đa hiệu quả của dự án, đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã hội của huyện Đông Anh nói riêng và thành phố Hà Nội nói chung.

Hoàng Phúc