Quang cảnh buổi làm việc. (Ảnh: Lương Toàn) |
Trong đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 7,6%, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng định hướng, thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn đạt 218% kế hoạch.
Riêng Quý I/2022, thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn huyện ước thực hiện đạt 66,5 tỷ đồng (bằng 36% dự toán Thành phố giao); thu ngân sách huyện, xã ước thực hiện đạt trên 1.108 tỷ đồng (bằng 66% dự toán Thành phố giao và bằng 50% dự toán Hội đồng nhân dân (HĐND) huyện giao, bằng 129% so với cùng kỳ).
Trong công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, Huyện ủy Mỹ Đức đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, học tập và triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp; chỉ đạo, tổ chức thành công công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026; đặc biệt, tập trung chỉ đạo quyết liệt, thực hiện hiệu quả Nghị quyết 15/NQ-TU và Chỉ thị 15/CT-TU của Ban Thường vụ Thành ủy, nhất là tại 3 xã: Đồng Tâm, Tuy Lai, An Phú.
Theo đồng chí Nguyễn Anh Dũng, Ban Thường vụ Huyện ủy đã tập trung chỉ đạo, đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao, đồng thời, chỉ đạo rà soát các tiêu chí xây dựng huyện nông thôn mới.
Đến nay, toàn bộ 21/21 xã trên địa bàn huyện Mỹ Đức đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới. Ngoài ra, huyện đã triển khai đăng ký, đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP năm 2021 và giai đoạn 2021-2025; phối hợp với Sở Công Thương khảo sát, lựa chọn 1 điểm bán và giới thiệu sản phẩm OCOP, tại xã Phùng Xá…
Đối với việc lập quy hoạch bảo quản, tu bổ phục hồi di tích Quốc gia đặc biệt lịch sử và danh lam thắng cảnh quần thể Hương Sơn (chùa Hương), đồng chí Nguyễn Anh Dũng thông tin, ngày 28/3/2022, Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội đã có Tờ trình số 52/TTr-UBND trình Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch thẩm định, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử đặc biệt và danh lam thắng cảnh Hương Sơn, huyện Mỹ Đức.
Theo đó, phạm vi lập quy hoạch bao gồm toàn bộ khu vực theo hồ sơ di tích với quy mô quy hoạch hơn 4.940ha; bao gồm: khu vực bảo vệ I rộng 2.759,32ha, khu vực bảo vệ II rộng 1.198,81ha theo Hồ sơ Khoanh vùng di tích và khu vực mở rộng phát huy giá trị di tích khoảng 981,93ha.
Trong đó, khu vực bảo vệ I được chia thành 3 khu vực có định hướng bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khác nhau. Khu vực bảo vệ II bao gồm khu vực vùng đệm các xã: Hùng Tiến, An Tiến, An Phú và theo hồ sơ khoanh vùng di tích…
Bí thư Huyện ủy Mỹ Đức Nguyễn Anh Dũng báo cáo tại buổi làm việc. (Ảnh: Lương Toàn) |
Tại buổi làm việc, huyện Mỹ Đức nêu 6 nhóm kiến nghị lớn với Thành phố trong lĩnh vực phát triển kinh tế – xã hội. Đáng chú ý, để bảo tồn và phát huy giá trị Di tích quốc gia đặc biệt Khu di tích lịch sử và quần thể danh lam thắng cảnh Hương Sơn, huyện kiến nghị Thành phố hỗ trợ việc đầu tư cơ sở hạ tầng (giao thông, bến bãi, cải tạo mở rộng lòng suối, cải tạo hệ thống đường bộ,…) để kết nối với các khu du lịch của tỉnh Ninh Bình, Hà Nam, Hòa Bình, thông qua đó, hình thành chuỗi du lịch tâm linh, nghỉ dưỡng.
Bên cạnh đó đó, chuyển hình thức đầu tư dự án tuyến đường trục phát phát triển kinh tế Miếu Môn – Hương Sơn từ BT sang đầu tư công để kết nối chuỗi du lịch Hương Sơn – Quan Sơn – Tuy Lai đồng bộ với tuyến đường Bái Đính – Ba Sao – Mỹ Đình. Cho phép kêu gọi nhà đầu tư đủ năng lực nghiên cứu, lập đồ án quy hoạch chi tiết, ý tưởng dự án và đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án Quần thể khu du lịch Hương Sơn – An Phú – Quan Sơn…
Đặc biệt, huyện Mỹ Đức kiến nghị Thành phố quan tâm, hỗ trợ kinh phí, chỉ đạo các sở, ngành phối hợp với huyện trong công tác lập quy hoạch, tổ chức đầu tư, tôn tạo, bảo tồn các giá trị văn hóa, sinh quyển đối với Di tích đặc biệt cấp Quốc gia lịch sử và danh lam thắng cảnh quần thể Hương Sơn (Chùa Hương); xây dựng hồ sơ đề nghị UNESCO xét công nhận Khu di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh quần thể Hương Sơn (Chùa Hương) là Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới.
Đáng chú ý, huyện Mỹ Đức kiến nghị thành phố Hà Nội xem xét thu hồi dự án và kêu gọi nhà đầu tư có đủ năng lực triển khai 2 dự án phát triển du lịch quy mô lớn đã được phê duyệt từ năm 2008, nhưng đến nay, chưa triển khai: Dự án sinh thái tổng hợp hồ Quan Sơn với diện tích 1.465 ha và Dự án sinh thái nghỉ dưỡng hồ Tuy Lai với diện tích 1.360 ha.