Huyện Thường Tín: Phát triển du lịch dựa trên nền tảng văn hóa

Thường Tín (Hà Nội) là vùng đất cổ có bề dày truyền thống văn hóa, lịch sử, được biết đến là “đất danh hương, đất trăm nghề”. Những năm gần đây, huyện Thường Tín chú trọng việc định hình thương hiệu và phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù nhằm khai thác tối đa lợi thế về văn hóa và tự nhiên.

Nhiều tiềm năng để phát triển du lịch

Thường Tín là một huyện ngoại thành của Thủ đô Hà Nội, có điều kiện tự nhiên, xã hội thuận lợi để phát triển Công nghiệp văn hóa, đặc biệt là Du lịch văn hóa. Theo đó, Thường Tín là vùng đất danh hương, toàn huyện có 68 nhà khoa bảng được ghi danh qua các triều đại phong kiến.

Trên địa bàn huyện có một quần thể di tích, văn hóa đồ sộ với 462 công trình tôn giáo, tín ngưỡng, trong đó có 123 di tích được xếp hạng (61 di tích cấp quốc gia, 62 di tích cấp thành phố). Nhiều di tích lịch sử, văn hóa nổi tiếng như: Chùa Đậu; Đền, bến Chương Dương; Đền thờ Nguyễn Trãi…

Huyện Thường Tín: Phát triển du lịch dựa trên nền tảng văn hóa
Trên địa bàn huyện có một quần thể di tích lịch sử văn hóa đồ sộ.

Gắn liền với di tích là lễ hội. Hiện nay, trên địa bàn huyện có 7 lễ hội qui mô lớn và 26 lễ hội được tổ chức thường xuyên. Có những lễ hội tiêu biểu, đặc sắc như: Lễ hội Chử Đồng Tử – Tiên Dung (xã Tự Nhiên); lễ hội làng Từ Vân (xã Lê Lợi), lễ hội Chùa Mui (Tô Hiệu), lễ hội Chùa Đậu (xã Nguyễn Trãi), lễ hội Đền Bộ Đầu (Thống Nhất)…

Không chỉ nức tiếng là “đất danh hương”, Thường Tín còn là mảnh đất trăm nghề. Toàn huyện có 126 làng nghề, trong đó có 49 làng được công nhận làng nghề truyền thống và làng nghề Hà Nội; nhiều nghệ nhân được nhà nước và các tổ chức phong tặng, trong đó có 2 nghệ nhân Nhân dân.

Bên cạnh đó, Thường Tín cũng là một vùng đất có kho tàng văn hóa phi vật thể phong phú, được thể hiện thông qua văn học nghệ thuật, phong tục, tập quán, truyền thuyết… gắn liền với di tích, danh thắng, mang đậm dấu ấn văn hóa đặc sắc và riêng biệt của từng địa phương. Toàn huyện có 129 di sản, là một trong những huyện có nhiều di sản trong danh mục di sản văn hóa của Thành phố Hà Nội.

Bà Trần Thị Mai, Phó Trưởng Phòng Văn hóa huyện Thường Tín cho biết, huyện Thường Tín có truyền thống đấu tranh anh dũng qua các thời kỳ lịch sử, năm 2002 nhân dân và lực lượng vũ trang huyện đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Các cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở luôn quan tâm phát phát văn hóa, vì vậy phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao của huyện không ngừng phát triển, hệ thống di tích được đầu tư tu bổ, phục hồi và phát huy tốt giá trị.

“Với tiềm năng, lợi thế như vậy, trong những năm qua, Huyện ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân huyện đã xác định thế mạnh và tiềm năng phát triển du lịch văn hóa của huyện Thường Tín là du lịch sinh thái và du lịch tâm linh gắn liền với làng nghề truyền thống”, Phó Trưởng phòng Văn hóa huyện Thường Tín cho biết, Thường Tín thông tin.

Để du lịch văn hóa trở thành thương hiệu

Cũng theo bà Trần Thị Mai, hiện nay việc phát triển công nghiệp văn hóa, phát triển du lịch đã và đang được huyện Thường Tín tích cực thực hiện. Theo đó, huyện đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, vì vậy hoạt động du lịch trên địa bàn có chuyển biến, góp phần tích cực vào chương trình xây dựng nông thôn mới, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

Đồng thời, tích cực tuyên truyền, quảng bá về đất danh hương, đất làng nghề; phối hợp với Sở Du lịch lắp đặt 6 biển chỉ dẫn du lịch; tổ chức 5 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho hướng dẫn viên du lịch tại điểm và du lịch cộng đồng; tổ chức đưa các doanh nghiệp du lịch về khảo sát dịch vụ nhằm xây dựng tour, tuyến du lịch tại làng nghề sơn mài Hạ Thái, làng thêu Quất Động, Thắng Lợi và khu vực phụ cận để phát triển du lịch.

Huyện Thường Tín: Phát triển du lịch dựa trên nền tảng văn hóa
Điểm du lịch sinh thái, làng nghề sinh vật cảnh xã Hồng Vân (huyện Thường Tín) đã được Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội công nhận.

Huyện đã hoàn thành hệ thống tư liệu video và ảnh bằng công nghệ hiện đại về tiềm năng du lịch làng nghề sơn mài Hạ Thái; phối hợp với các cơ quan có liên quan của Thành phố lập hồ sơ: Dự án đầu tư xây dựng và phát huy giá trị văn hóa lịch sử công trình Văn Từ Thượng Phúc và dự án “Khu lưu niệm anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi”.

Thời gian qua, huyện cũng đã được Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội công nhận Điểm du lịch sinh thái, làng nghề sinh vật cảnh xã Hồng Vân và Điểm du lịch làng nghề sơn mài Hạ Thái, xã Duyên Thái…

Để phát huy hơn nữa tiềm năng, lợi thế và những kết quả đã đạt được, khắc phục những hạn chế, tồn tại, nhằm từng bước phát triển du lịch văn hóa của Thủ đô nói chung, của huyện Thường Tín nói riêng, Phó Trưởng Phòng Văn hóa huyện Thường Tín Trần Thị Mai cho biết, trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền, các ngành, đoàn thể từ huyện tới cơ sở trong việc chỉ đạo thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đã được Chương trình 06-CTr/TU của Thành ủy về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025”, xác định cụ thể hóa bằng những giải pháp đồng bộ, thiết thực.

Trong đó, tăng cường quảng bá, giới thiệu các thành tựu văn hóa, nghệ thuật, các sản phẩm đặc thù của địa phương, các danh lam thắng cảnh với nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế, tạo điều kiện khai thác giá trị văn hóa của vùng đất địa linh nhân kiệt, giá trị các di tích lịch sử văn hóa, sản phẩm làng nghề, sản phẩm nông nghiệp.

Chú trọng thu hút, đầu tư các nguồn lực; khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế để phát triển đa dạng các loại hình du lịch. Đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, bảo tồn tôn tạo, phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, duy trì và phát huy các sản phẩm làng nghề truyền thống.

Trong thời gian tới, bên cạnh việc phát huy những giá trị vốn có, huyện Thường Tín sẽ tiếp tục phát triển một số địa điểm có tiềm năng xây dựng thành các tour du lịch như điểm du lịch làng nghề sinh vật cảnh xã Hồng Vân; điểm du lịch sinh thái bãi Tự Nhiên và đình Thượng – đình Hạ (nơi tổ chức lễ hội Chử Đồng Tử – Tiên Dung); điểm du lịch làng nghề Sơn mài Hạ Thái; Văn từ Thượng Phúc; Chùa Đậu; nhà thờ Nguyễn Trãi; Đền – Bến Chương Dương; các làng nghề truyền thống như: Tiện Nhị Khê, thêu tay Quất Động, Thắng Lợi, lược sừng Thụy Ứng…
K.Tiến