Hội chợ việc làm được tổ chức nhằm giúp người lao động nói chung, người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS và thực tập sinh đi thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản theo chương trình IM Japan về nước nói riêng nhanh chóng tìm kiếm được việc làm phù hợp với kinh nghiệm và trình độ tay nghề của mình, có thu nhập, ổn định cuộc sống, qua đó động viên, khuyến khích người lao động yên tâm về nước đúng quy định khi hết hạn hợp đồng lao động, góp phần giảm tỷ lệ người lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc, Nhật Bản; đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp tham gia tuyển dụng được phỏng vấn trực tiếp với người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS và thực tập sinh IM Japan về nước có nhu cầu tìm việc…
Các đại biểu bấm nút khai mạc Hội chợ việc làm |
Thông tại tại Hội chợ việc làm, ông Nguyễn Tây Nam (Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) Hà Nội) cho biết: Giải quyết việc làm và đào tạo nghề cho người lao động luôn nhận được sự quan tâm của các cấp, ngành từ Trung ương đến địa phương. Việc này có ý nghĩa kinh tế – chính trị sâu sắc, không chỉ góp phần vào tăng trưởng kinh tế chung mà còn đảm bảo ổn định chính trị và an sinh xã hội. Từ đầu năm 2023 đến nay, toàn Thành phố đã giải quyết việc làm cho 200.280 lao động (đạt 123% kế hoạch năm 2023), tăng 2% so với cùng kỳ năm 2022, tương đương 4.794 lao động.
Để đạt được mục tiêu đề ra, Sở LĐTBXH Hà Nội đã phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành Thành phố, cũng như các cơ quan, ban, ngành địa phương, đồng thời chỉ đạo các đơn vị liên quan thực hiện công tác nghiên cứu, dự báo, đánh giá tình hình thị trường lao động hiện tại, cũng như xu hướng phát triển và tác động kinh tế trong thời gian tới, xu hướng dịch chuyển ngành nghề nhằm tìm ra những chính sách mới phù hợp để bảo đảm việc làm cho người lao động; định hướng, cải thiện chất lượng nguồn lao động của thành phố Hà Nội; hỗ trợ người lao động học nghề, mở rộng cơ hội nghề nghiệp cho người lao động; đồng thời giúp các đơn vị doanh nghiệp tuyển dụng được lao động, góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn Thủ đô.
Cũng theo ông Nguyễn Tây Nam, trong những năm qua, Hà Nội có gần 7.000 lượt người lao động được phái cử đi làm việc tại Hàn Quốc, Nhật Bản theo chương trình EPS và IM Japan về nước. Chương trình đã mang lại cơ hội việc làm tốt, thu nhập cao, giúp cải thiện đời sống cho người lao động, góp phần vào sự phát triển kinh tế – xã hội của cả nước nói chung và của Hà Nội nói riêng.
Lao động và người tuyển dụng trao đổi thông tin về vị trí việc làm |
“Qua thời gian sống và làm việc tại Hàn Quốc, Nhật Bản gần 5 năm, những lao động này không chỉ có tay nghề cao, am hiểu tâm lý hai quốc gia phát triển, văn hóa doanh nghiệp nước ngoài, mà còn có ưu điểm lớn là biết tiếng bản địa. Bằng kiến thức, kinh nghiệm và số vốn tích luỹ được, những lao động EPS và IM Japan sau khi về nước đã khởi nghiệp thành công hoặc đảm nhiệm những vị trí việc làm quan trọng trong các doanh nghiệp. Đây chính là những gương mặt điển hình, đại diện cho những người lao động đi làm việc tại nước ngoài trở về, tạo động lực và nguồn cảm hứng cho những lao động trẻ khác noi theo.
Tuy nhiên cũng còn có nhiều người lao động khác còn gặp khó khăn trong việc tìm kiếm việc làm phù hợp để phát huy khả năng và kinh nghiệm của mình sau khi về nước. Điều này trở thành một trong những lý do khiến nhiều lao động Việt Nam ở Hàn Quốc lo lắng khi sắp hết hạn hợp đồng sẽ không tìm được việc làm ở quê hương. Do vậy, việc hỗ trợ việc làm trong nước để người lao động sau khi hết thời hạn hợp đồng làm việc ở Hàn Quốc có thể yên tâm quay về là vô cùng quan trọng”, ông Nguyễn Tây Nam thông tin.
Tổng hợp nhu cầu tuyển dụng tại Hội chợ việc làm cho thấy có tổng số 47 doanh nghiệp tham gia tuyển dụng trên hệ thống Sàn giao dịch việc làm Hà Nội (trong đó có 13 doanh nghiệp có vốn đầu tư của Hàn Quốc và 3 doanh nghiệp có vốn đầu tư của Nhật Bản) với nhu cầu tuyển dụng là 1.568 chỉ tiêu. Nhiều doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng đa dạng, mức lương hấp dẫn, phù hợp cho đối tượng lao động là những người đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS và thực tập sinh đi thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản theo chương trình IM Japan về nước, tập trung chủ yếu ở các ngành nghề như: Kỹ thuật công nghệ cao, biên – phiên dịch, thợ vận hành máy, công nhân sản xuất, điện – điện tử… Sự đa dạng lĩnh vực, ngành nghề giúp người lao động lựa chọn những vị trí việc làm thích hợp với khả năng, có thể gắn bó lâu dài, ổn định đời sống.
Cơ hội việc làm tập trung chủ yếu vào nhóm 26 – 35 tuổi với 665 chỉ tiêu (chiếm 42,4% tổng số chỉ tiêu tuyển dụng) và nhóm tuổi từ 35 trở lên với 581 chỉ tiêu (chiếm 37,1% tổng số chỉ tiêu tuyển dụng). Còn lại là nhu cầu tuyển lao động ở nhóm tuổi từ 18 – 25 tuổi với 322 chỉ tiêu.
Trong khuôn khổ chương trình Hội chợ việc làm cho người lao động EPS và thực tập sinh IM Japan về nước còn diễn ra hoạt động “Trao giải Cuộc thi lao động EPS về nước lập nghiệp thành công năm 2023” và ra mắt Mạng lưới lao động EPS về nước lập nghiệp thành công. Đây là cuộc thi thường niên do Trung tâm Lao động ngoài nước và Văn phòng đại diện HRD Korea tại Việt Nam phối hợp tổ chức nhằm tìm hiểu và đánh giá về cuộc sống của những lao động sau khi hoàn thành chương trình EPS (lao động ngoài nước được cấp phép làm việc tại Hàn Quốc) về nước, thông qua đó tạo động lực, khuyến khích tinh thần tự giác về nước đúng hạn của người lao động. |
Phân chia theo mức thu nhập/tháng, mức thu nhập cao từ 15 triệu đồng trở lên có 332 chỉ tiêu (chiếm 21,2% tổng số chỉ tiêu tuyển dụng). Đây là mức thu nhập của các chỉ tiêu tuyển dụng chất lượng cao, các vị trí kinh doanh, quản lý, biên dịch – phiên dịch, kỹ sư, giám sát, trưởng phòng, phó phòng…; dành cho người lao động có kinh nghiệm và chuyên môn tốt, có khả năng chịu áp lực công việc cao. Mức thu nhập từ 10 đến 15 triệu đồng có 587 chỉ tiêu (chiếm 37,4% tổng số chỉ tiêu tuyển dụng). Đây là mức thu nhập của đại bộ phận các vị trí việc làm ổn định như: Kế toán, nhân viên văn phòng, lễ tân, nhà hàng – khách sạn, các vị trí nhân viên kỹ thuật, lao động phổ thông có tay nghề…
Mức thu nhập từ 7 đến 10 triệu đồng có 395 chỉ tiêu (chiếm 25,2% tổng số chỉ tiêu tuyển dụng). Đây là mức thu nhập của các vị trí công nhân sản xuất, nhân viên thừa hành giúp việc không đòi hỏi nhiều kinh nghiệm. Mức thu nhập từ 5 đến 7 triệu đồng có 132 chỉ tiêu (chiếm 8,4% tổng số chỉ tiêu tuyển dụng). Đây là mức thu nhập của các vị trí việc làm bán thời gian, cộng tác viên hoặc không đòi hỏi kinh nghiệm. Còn lại mức thu nhập thỏa thuận có 122 chỉ tiêu. Đây là mức mà doanh nghiệp và người lao động thỏa thuận trong quá trình phỏng vấn, đảm bảo đáp ứng nhu cầu, quyền lợi của người lao động.
Có mặt tại Hội chợ việc làm, anh Nguyễn Hoài Thương (32 tuổi), lao động từng đi làm việc tại Hàn Quốc 9 năm mong muốn tìm được việc làm tại một doanh nghiệp Hàn Quốc với mức lương ổn định. “Tôi từng đi xuất khẩu lao động theo diện E9 (lao động phổ thông). Sang Hàn Quốc, tôi làm việc ở lĩnh vực cơ khí với mức thu nhập gần 50 triệu đồng/tháng. Tôi về nước đã gần một năm. Hiện tại, tôi mong muốn tìm được công việc ổn định. Vừa tìm việc, tôi cũng mong muốn học nâng cao tay nghề”, anh Thương chia sẻ.