Chuỗi hoạt động văn hóa Tết Trung thu 2022 mở màn bằng nhiều tiết mục biểu diễn nghệ thuật hấp dẫn, như: Hát trống quân, múa sư tử, múa rối cạn, biểu diễn thời trang trẻ em…
Tại đây, công chúng và du khách được tham quan không gian trưng bày đồ chơi truyền thống; giao lưu với các nghệ nhân làng nghề chế tác đồ chơi về ý nghĩa ngày Tết Trung thu, những phong tục đẹp trong dịp tết trông trăng cũng như trải nghiệm các trò chơi dân gian…; tham gia không gian tương tác, hướng dẫn các trò chơi dân gian như ô ăn quan, cướp cờ, đánh truyền, kéo co, bịt mắt bắt dê, cà kheo, múa sạp, nhảy bao bố, nhảy lò cò…
Phát biểu tại lễ khai mạc, Phó Trưởng ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội Trần Thị Thúy Lan bày tỏ mong muốn, không gian bích họa Phùng Hưng sẽ là một điểm đến mang lại cho người dân và du khách, đặc biệt là các em nhỏ, những trải nghiệm quý giá, góp phần làm phong phú hơn cho các hoạt động Tết Trung thu truyền thống tại khu phố cổ Hà Nội. Đồng thời, đây cũng là nơi để các nghệ nhân, thợ thủ công có cơ hội giới thiệu, quảng bá những tinh túy nghề truyền thống của cha ông.
“Thông qua hoạt động văn hóa Tết Trung thu truyền thống, chúng tôi hy vọng góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa cổ truyền, đem đến cho các cháu thiếu nhi một không gian vui chơi bổ ích, thú vị trong dịp Tết Trung thu truyền thống”, bà Trần Thị Thúy Lan nhấn mạnh.
Cũng trong thời gian này, tại nhiều điểm đến di sản, không gian giao lưu văn hóa tổ chức các hoạt động trang trí, sắp đặt Tết Trung thu; giới thiệu, hướng dẫn cách làm đồ chơi truyền thống… cùng nhiều hoạt động trưng bày, tương tác hấp dẫn, bổ ích khác.
Cụ thể, tại Ngôi nhà di sản (số 87 Mã Mây), Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội phối hợp với các nhà nghiên cứu trưng bày, giới thiệu mâm cỗ trung thu truyền thống và đèn trung thu cua, cá cổ truyền phục dựng; giới thiệu bộ ảnh trung thu phố cổ đầu thế kỷ XX của Trung tâm Thông tin khoa học xã hội – Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam.
Tại Đình Kim Ngân (số 42, 44 phố Hàng Bạc) và Trung tâm Giao lưu văn hóa phố cổ Hà Nội (số 50 phố Đào Duy Từ) có hoạt động trang trí, sắp đặt không gian giới thiệu về Tết Trung thu truyền thống; giới thiệu và hướng dẫn cách làm ông tiến sĩ giấy, ông đánh gậy, mặt nạ giấy bồi; đèn ông sao, tàu thủy sắt tây, con giống bột… của nhiều nghệ nhân, thợ thủ công tới từ các làng nghề lân cận Hà Nội, như lời nhắn nhủ, gửi gắm mong muốn của cha ông với thế hệ trẻ về tinh thần hiếu học, khuyến khích sự học, sự sáng tạo.
Chuỗi hoạt động văn hóa Tết Trung thu truyền thống – 2022 không chỉ giúp thúc đẩy phát triển du lịch, quảng bá hình ảnh khu phố cổ Hà Nội nói riêng và Thủ đô Hà Nội nói chung, mà còn góp phần đẩy mạnh hoạt động giáo dục di sản trên địa bàn, hướng tới giáo dục thế hệ trẻ có ý thức bảo tồn, quảng bá các giá trị văn hóa truyền thống, phát triển hệ sinh thái giáo dục sáng tạo trong cộng đồng, hình thành thế hệ công dân hiểu biết về văn hóa di sản và có sức sáng tạo.
Chuỗi hoạt động sẽ kéo dài đến hết ngày 10-9.
Miên Hạo