Khai thác hiệu quả lễ hội gắn với phát triển kinh tế Thủ đô

Lễ hội rất quan trọng với Hà Nội vì chứng minh bề dày lịch sử, chứng minh Hà Nội thực sự là Thủ đô ngàn năm văn hiến và là một thành phố sáng tạo. Việc phục hưng lễ hội truyền thống hiệu quả sẽ mang giá trị về mặt kinh tế – xã hội.

Tiềm năng lớn cần được khai thác

Hà Nội là thành phố của sự đa dạng, có lịch sử ngàn năm văn hiến, nguồn tài nguyên dồi dào, đa dạng về loại hình và có giá trị cao về lịch sử, văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật với 5.922 di tích lịch sử văn hóa, trong đó có 2.396 di tích đã được xếp hạng, 1.182 di tích quốc gia, 1.202 di tích cấp thành phố. Về di sản văn hóa phi vật thể, Hà Nội có 1.793 di sản, trong đó có 1.206 lễ hội.

Là một sản phẩm của du lịch văn hóa và thuộc một trong 12 ngành công nghiệp văn hóa, lễ hội có vai trò quan trọng trong việc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa với những yếu tố đặc sắc, thu hút du khách đến với Hà Nội và các địa điểm diễn ra sự kiện.

Khai thác hiệu quả lễ hội gắn với phát triển kinh tế Thủ đô
Sau 70 năm gián đoạn việc thực hành, lễ hội truyền thống tại Chùa Láng đã đưa trở lại đời sống toàn bộ nghi thức dân gian có trong hồ sơ di sản…

Sở Du lịch Hà Nội thông tin, trong tháng 6/2023 ngành du lịch Thủ đô đã đón 2,21 triệu lượt khách trong nước và quốc tế, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2022, tăng 10% so với tháng 5/2023. Trong đó, khách du lịch quốc tế đến Hà Nội đạt 2,03 triệu lượt, tăng 7 lần so với cùng kỳ năm 2022. Khách du lịch nội địa đạt 10,3 triệu lượt, tăng 22,6% so với cùng kỳ năm 2022. Lượng khách du lịch tăng mạnh kéo theo tổng thu từ khách du lịch ước đạt 44,9 nghìn tỷ đồng, tăng 74,4% với cùng kỳ năm trước.

Thời gian tới, Sở Du lịch Hà Nội sẽ thực hiện nhiều kế hoạch, chương trình để kích cầu và phát triển du lịch bền vững. Trong đó, trọng tâm Sở sẽ ban hành và triển khai kế hoạch xây dựng thí điểm mô hình du lịch cộng đồng với trải nghiệm thực tế tại các làng nghề và các điểm du lịch gắn với các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số.

Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn – Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, lễ hội mang lại nhiều lợi ích, không chỉ là phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội mà còn quảng bá hình ảnh cộng đồng… Phải coi lễ hội là một sản phẩm văn hóa, để từ đó biết cách quảng bá. Cụ thể, lễ hội có giá trị đặc sắc, mang tính truyền thống và kể được nhiều câu chuyện văn hóa của địa phương. Để duy trì sức hấp dẫn của lễ hội thì phải hiểu các giá trị và bản sắc riêng của lễ hội, giữ gìn giá trị của lễ hội một cách phù hợp với bối cảnh công nghệ số, kỹ thuật số, công dân số.

Bên cạnh đó, giữ gìn và tổ chức lễ hội một cách văn minh cũng là yêu cầu đặc biệt quan trọng, từ đó tăng niềm tin với du khách. Cuối cùng, phải biết cách khai thác lễ hội vì lễ hội không chỉ liên quan đến việc tổ chức các nghi lễ mà còn có cả các sự kiện liên quan như hội chợ trưng bày sản phẩm địa phương hay một loạt yếu tố khác mà nếu biết cách xử lý hài hòa thì lễ hội sẽ giúp địa phương phát triển kinh tế – xã hội một cách tốt hơn.

“Lễ hội rất quan trọng với Hà Nội vì chứng minh bề dày lịch sử của Hà Nội, chứng minh Hà Nội thực sự là Thủ đô ngàn năm văn hiến và là một thành phố sáng tạo. Các lễ hội chính là chất liệu để chúng ta tạo ra sức sống, sự sáng tạo. Hà Nội có thể khai thác các lễ hội bằng cách tôn vinh các lĩnh vực có liên quan, từ đó tạo tác động lan tỏa để sức sáng tạo và văn hóa của Thủ đô có thêm “chất truyền dẫn”, để chúng ta thêm tự hào và tạo điều kiện cho các lĩnh vực có thể cùng phát triển”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn nói.

Phục hưng lễ hội sẽ là “mỏ vàng” cho văn hóa, kinh tế

Sau thời gian dài chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nửa đầu năm 2023 ghi nhận sự trở lại mạnh mẽ của các hoạt động văn hóa – xã hội với nhiều khởi sắc, trong đó phải kể đến sự phục hưng của lễ hội truyền thống trên địa bàn Hà Nội. Từ xu hướng tích cực này, nhiều lễ hội trăm năm, nghìn năm tuổi trên đất Thăng Long đã được hồi sinh, khoe sắc rực rỡ.

Khai thác hiệu quả lễ hội gắn với phát triển kinh tế Thủ đô
Huyện Mê Linh khai mạc Lễ hội Đền Hai Bà Trưng năm 2023.

Điển hình mới đây, sau 70 năm gián đoạn việc thực hành, lễ hội truyền thống tại Chùa Láng (phường Láng Thượng, quận Đống Đa) đã đưa trở lại đời sống toàn bộ nghi thức dân gian có trong hồ sơ di sản, từ đám rước lâu đời, tục “độ hà” thể hiện đạo hiếu… đến nghi thức “đấu thần” – hội trận độc nhất vô nhị trong kho tàng lễ hội Việt Nam, tạo nên một không gian lễ hội đậm đà bản sắc văn hóa và giá trị lịch sử lâu đời.

Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) phường Láng Thượng Phạm Thị Hồng Hải, lễ hội Chùa Láng năm nay khôi phục lại đầy đủ các nghi thức cổ truyền, làm nên nét hấp dẫn của “hội trận” độc nhất vô nhị trong kho tàng lễ hội cổ truyền Việt Nam.

Ông Nguyễn Hoàng Giáp – Phó Chủ tịch UBND quận Đống Đa cho hay, về lâu dài, để di sản trường tồn theo thời gian, quận sẽ phối hợp với các sở, ngành liên quan xây dựng Chương trình hành động nhằm bảo vệ và phát huy giá trị lễ hội Chùa Láng; đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của đơn vị quản lý, cộng đồng thực hành nghi lễ di sản và nhân dân tham gia lễ hội, tránh những hiểu biết sai lệch dẫn đến làm biến đổi các giá trị truyền thống.

Trước đó, tại huyện Ba Vì, lễ hội Tản Viên Sơn Thánh với trung tâm là cụm di tích đền Thượng, đền Trung, đền Hạ đã được mở ra cùng nhiều nghi thức dân gian độc đáo mang đậm bản sắc văn hóa của đồng bào Kinh, Mường, Dao. Một trong những hoạt động phục hưng lễ hội ở Hà Nội nổi bật trong thời gian qua phải kể đến việc huyện Đông Anh triển khai đề án xây dựng Đền thờ Ngô Quyền trong khu vực Di tích Cổ Loa, nơi ngài đã làm lễ xưng vương lập quốc sau 1.000 năm Bắc thuộc… Tất cả điều đó như một động lực thúc đẩy sự phục hưng của lễ hội truyền thống trên địa bàn Hà Nội.

GS.TS Lê Hồng Lý – Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam chia sẻ, lý do của việc “phục hưng” lễ hội do chính quyền thành phố Hà Nội coi trọng vai trò của văn hóa trong sự phát triển kinh tế của đất nước, nên đã tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của văn hoá, trong đó là lễ hội truyền thống.

Nhận định phục hưng lễ hội sẽ là “mỏ vàng” cho văn hóa, kinh tế, GS.TS Lê Hồng Lý nhấn mạnh, điều quan trọng nhất để phục hưng lễ hội là cần phải nhận diện được nhiều mặt. Trong đó, quan tâm nhất là nhận diện những gì đặc trưng, đặc thù của lễ hội ở khu vực đó. Nhận diện để mô tả lại lễ hội, tìm ra câu trả lời cái gì có thể phát huy được và có thể mang giá trị về mặt kinh tế – xã hội.

Muốn nhận diện được thì phải tham vấn ý kiến của những người làm nghiên cứu chuyên sâu. Tiếp đó là phải có sự kết hợp với các bên liên quan trong tổ chức, truyền thông về lễ hội để thu hút người dân, khách du lịch.

Ngân Phương
https://laodongthudo.vn/khai-thac-hieu-qua-le-hoi-gan-voi-phat-trien-kinh-te-thu-do-157601.html