Khai thác ký ức nơi chốn cho nghệ thuật đương đại

Nằm trong các hoạt động của Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023, chiều 20-11, tọa đàm “Thực hành nghệ thuật dựa trên đặc thù nơi chốn: Một số nghiên cứu trường hợp” đã diễn ra tại Nhà máy Xe lửa Gia Lâm, chia sẻ nhiều kinh nghiệm với những người thực hành nghệ thuật và công chúng.

Tọa đàm do Á Space (hay Á) – một không gian nghệ thuật thể nghiệm phi lợi nhuận tại Hà Nội, đã hỗ trợ và phát triển thực hành nghệ thuật của các nghệ sĩ trẻ tiềm năng ở nhiều phương tiện thực hành khác nhau, thực hiện.

img_6054.jpg
Các diễn giả đưa ra góc nhìn từ những người thực hành nghệ thuật về phương pháp làm việc, tiếp cận với nơi chốn và không gian.

Nghệ sĩ đương đại Phạm Minh Hiếu cho biết, trên thế giới, có rất nhiều hoạt động thực hành nghệ thuật đương đại được diễn ra tại nhiều địa điểm khác nhau. Các nghệ sĩ đã khai đào những ký ức, không gian có sẵn để kiến tạo giá trị, câu chuyện mới kể cho công chúng. Lấy ví dụ về các dự án như vậy tại các quốc gia khác nhau, nghệ sĩ Phạm Minh Hiếu cho rằng, việc làm này đã tạo nên hiệu ứng tốt, thúc đẩy phát triển du lịch, kinh tế… Tuy nhiên, nhiều tính chất đặc thù của nơi chốn như kiến trúc, lịch sử, chính trị, xã hội, văn hóa và mối quan hệ với địa bàn dân cư xung quanh… góp phần hình thành nên tác phẩm, dự án thực hành nghệ thuật, nên nghệ sĩ phải nghiên cứu, quan tâm.

Giám tuyển Lê Thuận Uyên – Giám đốc nghệ thuật tổ chức The Outpost, người đã tham gia nhiều dự án thực hành nghệ thuật tại các không gian khác nhau, đã phân tích, chia sẻ các dự án cụ thể như triển lãm “Gang of five: Lạc bước tân kỳ” tại Trường quay Hãng Phim truyện Việt Nam (4 Thụy Khuê, Hà Nội) năm 2017, vở “Hai nàng Nguyệt Cô” biểu diễn tại Xưởng phim của Hãng Phim truyện Việt Nam năm 2018, Nhà máy Xe lửa Gia Lâm, Tháp nước Hàng Đậu… Hai nơi này trở thành địa điểm thực hành nghệ thuật ra mắt tại Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023, nhận được sự hưởng ứng của đông đảo công chúng, cho thấy hoạt động này ở Việt Nam là hướng đi tốt trong phát triển nghệ thuật đương đại.

img_6073.jpg
Các nghệ sĩ thực hành tour tham quan triển lãm “Quá áp” tại Nhà máy Xe lửa Gia Lâm cho khán giả.

Theo giám tuyển Lê Thuận Uyên, khi thực hành nghệ thuật tại một không gian, nơi chốn nhất định, nghệ sĩ phải nghiên cứu thật kỹ mọi đặc điểm xung quanh địa điểm đó, như về kiến trúc, lịch sử, văn hóa và vị trí trong lòng cộng đồng. Việc thực hành nghệ thuật không can thiệp quá nhiều vào không gian, tôn trọng không gian, tương tác với chúng nhưng phải kể được câu chuyện mới, phù hợp với khán giả hiện nay.

Giám tuyển độc lập Vân Đỗ – Giám đốc nghệ thuật Á Space, đồng giám tuyển IN:ACT 2022 cũng phân tích một số dự án thực hành nghệ thuật đương đại tại nhiều địa điểm khác nhau và cho rằng, nghệ sĩ nên tận dụng và khai thác những ký ức của nơi chốn, tác động của nơi này với cộng đồng để xây dựng tác phẩm nghệ thuật trở thành phương tiện lưu giữ ký ức tập thể, trao đổi liên thế hệ với sự thấu hiểu về hiện tại, lịch sử và quá khứ…

 

Thụy Du

Khai thác ký ức nơi chốn cho nghệ thuật đương đại (hanoimoi.vn)