Khai thác “mùa vàng” của du lịch Thủ đô

Sau 2 năm chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, ngành Du lịch Thủ đô Hà Nội đang phục hồi mạnh mẽ bởi cách làm bài bản, hiệu quả. Đặc biệt, tiết trời đang bước vào mùa Thu – Đông, được xem là “mùa vàng” của du lịch Thủ đô, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu cho biết, ngành Du lịch đã chủ động xây dựng chiến lược và kế hoạch quảng bá, tuyên truyền, đưa ra các sản phẩm mới, độc đáo, hấp dẫn hơn nữa, để đón đầu lượng khách quốc tế đến lưu trú dài ngày.

Phóng viên: Trong kế hoạch năm 2022, Hà Nội đặt mục tiêu đón và phục vụ từ 9 đến 10 triệu lượt khách. Xin ông cho biết kết quả thực hiện mục tiêu đó?

Ông Trần Trung Hiếu: Hoạt động du lịch cả nước, trong đó có Thủ đô Hà Nội chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19. Do đó, ngành Du lịch Hà Nội luôn xác định phục hồi và phát triển sau khi kiểm soát được dịch bệnh là nhiệm vụ hết sức nặng nề; thực tế đã chủ động xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện rất nhiều giải pháp. Bởi vậy, kể từ khi Chính phủ cho phép hoạt động du lịch mở cửa hoàn toàn (từ ngày 15/3/2022), cùng với cả nước, Du lịch Thủ đô đã có sự bứt tốc mạnh mẽ.

Khai thác “mùa vàng” của du lịch Thủ đô
Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu

Hà Nội luôn nằm trong tốp đầu các địa phương phục hồi nhanh chóng và chỉ trong 8 tháng của năm 2022, lượng khách nội địa ước đạt 12,38 triệu lượt khách, tăng 4,6 lần so với cùng kỳ năm trước, vượt chỉ tiêu đề ra. Trong nhiều thời điểm, như đợt nghỉ lễ 30/4 và 1/5, nghỉ lễ Quốc khánh 2/9… du lịch Hà Nội “bùng nổ”, nhiều điểm du lịch nội thành và ngoại thành kín khách. Nhiều doanh nghiệp du lịch đã dần phục hồi, bắt đầu lấy lại đà phát triển, dần hồi sinh sau khủng hoảng.

Tuy nhiên việc đón khách quốc tế vẫn còn khá… “chật vật”. Đây là tình trạng chung của ngành Du lịch cả nước. Do đó, lượng khách quốc tế đến Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng chưa đạt kế hoạch đề ra. Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đặt mục tiêu, cả năm 2022 sẽ đón 5 triệu lượt khách, nhưng đến hết tháng 8 mới đạt được hơn 1,2 triệu lượt khách. Riêng Hà Nội, Thành phố cũng đã đặt mục tiêu, đến hết năm 2022 đón khoảng 1-1,2 triệu lượt khách quốc tế. Nhưng tính đến tháng 8/2022, lượng khách này mới đạt được 582.000 lượt người. Điều này cho thấy ngành Du lịch vẫn còn đối diện nhiều khó khăn, thách thức.

Phóng Viên: Vì sao du khách quốc tế vẫn chưa đến nhiều và Sở Du lịch Hà Nội có giải pháp gì để tăng tốc khách du lịch quốc tế, góp phần đạt được mục tiêu đề ra, thưa ông?

Ông Trần Trung Hiếu: Có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan khiến thị trường quốc tế chậm phục hồi.

Về yếu tố khách quan, hiện nhiều quốc gia vẫn áp dụng biện pháp hạn chế đi lại do dịch Covid-19, nên lượng khách du lịch ít. Một số thị trường trọng yếu của Việt Nam, là: Trung Quốc, Nga… vẫn chưa khai thác được. Bên cạnh đó, mùa đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, nhất là thành phố Hà Nội thường bắt đầu từ tháng 9, vì thế, thời điểm trước đó, lượng khách đến Việt Nam chưa cao.

Còn về các yếu tố chủ quan, vấn đề visa vẫn đang là điểm nghẽn chính, các quốc gia được miễn thị thực còn ít, việc đăng ký visa điện tử (E-visa) còn phức tạp. Công tác tuyên truyền, thông tin về tình hình dịch bệnh, thủ tục xuất nhập cảnh của chúng ta còn thiếu, chưa được quan tâm đầy đủ. Các sản phẩm, gói combo ưu đãi du lịch chưa đủ sức cạnh tranh với các quốc gia khác trong khu vực.

Khai thác “mùa vàng” của du lịch Thủ đô
Hà Nội đặt mục tiêu, đến hết năm 2022 đón khoảng 1-1,2 triệu lượt khách quốc tế. (Ảnh: Hữu Duyên)

Để đạt được mục tiêu thu hút khách du lịch quốc tế, ngành du lịch Hà Nội đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Trước hết, ngành du lịch Hà Nội sẽ kiến nghị, đề xuất với các cơ quan có thẩm quyền về việc tăng số lượng các quốc gia được miễn thị thực đơn phương nhập cảnh vào Việt Nam, đặc biệt là các quốc gia, thị trường tiềm năng thu hút khách du lịch của Việt Nam, tăng thời gian lưu trú cho du khách quốc tế, triển khai quy trình đăng ký visa điện tử thuận tiện, dễ dàng hơn.

Với tư cách là đơn vị tham mưu, quản lý hoạt động du lịch, Sở Du lịch Hà Nội đã phối hợp với các đơn vị liên quan thường xuyên tổ chức hoạt động xúc tiến, quảng bá chuyên nghiệp, hấp dẫn.

Chúng tôi đã thực hiện sản xuất phim tuyên truyền, phóng sự đăng tải trên các kênh truyền thông lớn trong nước và quốc tế; sản xuất các clip, poster card với nhiều ngôn ngữ về du lịch Hà Nội để đăng tải, phát hành tại sân bay quốc tế Nội Bài, trên các màn hình led, quầy hỗ trợ thông tin du lịch, khách sạn, doanh nghiệp lữ hành… Sở cũng yêu cầu các đơn vị kinh doanh du lịch, như: Lưu trú, lữ hành, điểm đến, nâng cao chất lượng dịch vụ, sớm bổ sung, đào tạo nhân lực để phục vụ tốt nhất cho du khách.

Phóng viên: Ông nhận định về tiềm năng đón khách quốc tế đến Hà Nội trong thời điểm này thế nào và cần làm gì để giữ chân du khách lưu trú dài ngày, trải nghiệm nhiều, chi trả cao để tăng nguồn thu?

Ông Trần Trung Hiếu: Theo thống kê của Google Destination Insights, Việt Nam liên tục nằm trong nhóm các điểm đến có tăng trưởng cao nhất thế giới, với mức từ 50% đến 75%. Lượng tìm kiếm về cơ sở lưu trú, hàng không quốc tế đến Việt Nam tăng khoảng 60-75% và Việt Nam là một trong 4 quốc gia có mức tăng trưởng tìm kiếm du lịch cao nhất. Đây là cơ sở để chúng ta tin rằng, lượng khách quốc tế sẽ đến Việt Nam đông hơn. Chưa kể, việc phục hồi nhanh của thị trường du lịch nội địa sẽ là “đòn bẩy” để thúc đẩy thị trường du lịch quốc tế.

Còn với Hà Nội, thời gian này đang bước vào mùa thu – đông, được xem là “mùa vàng” đón khách quốc tế. Hiện tại, du khách quốc tế đến Hà Nội đang đông dần. Bên cạnh những thị trường truyền thống, như: Hàn Quốc, Nhật Bản, dòng khách quốc tế từ thị trường châu Âu, Mỹ, Ấn Độ… bắt đầu sôi động. Tôi cho rằng, lượng khách quốc tế đến Hà Nội sẽ sớm được cải thiện, tăng cao từ nay đến cuối năm và hoàn toàn có thể đạt mục tiêu đón khoảng 1,5 triệu lượt khách quốc tế trong năm nay.

Khai thác “mùa vàng” của du lịch Thủ đô
Các sự kiện văn hóa nghệ thuật lớn góp phần quảng bá, thu hút du khách đến với Hà Nội. (Ảnh: Hữu Duyên)

Sở Du lịch đang cùng các địa phương, đơn vị kinh doanh du lịch xây dựng thêm nhiều sản phẩm hấp dẫn. Hiện tại, Hà Nội đã có một số sản phẩm độc đáo tạo sức hút lớn, như: Tour đêm tại Hoàng thành Thăng Long, di tích Nhà tù Hỏa Lò; tour khám phá phố cổ trên xe điện, trải nghiệm xe buýt hai tầng “Hanoi City Tour”; hoạt động vui chơi tại các tuyến phố đi bộ…

Sở Du lịch Hà Nội cũng khuyến khích, phát triển sản phẩm du lịch mới, độc đáo, tập trung phát triển sản phẩm theo từng vùng và thế mạnh của địa phương, như bay khinh khí cầu ở Ba Vì; bay dù lượn ở Chương Mỹ; du lịch trải nghiệm, du lịch thể thao, nghỉ dưỡng kết hợp chăm sóc sức khỏe tại khu vực Ba Vì, Sơn Tây, Sóc Sơn; sản phẩm du lịch mua sắm ở khu vực Đông Anh, Sóc Sơn… Từ nay đến cuối năm, Sở Du lịch sẽ tổ chức các sự kiện lớn để quảng bá, thu hút du khách, như: Festival áo dài Hà Nội, trao giải cuộc thi ảnh du lịch Hà Nội và cuộc thi thiết kế sản phẩm quà tặng du lịch Hà Nội năm 2022…

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!

Hoàng Phúc – Phương Ngân