Khẳng định vai trò của tổ chức Công đoàn Việt Nam

Trong nhiệm kỳ 2018 – 2023, tổ chức Công đoàn Việt Nam đã tập trung triển khai hiệu quả phong trào công nhân, viên chức, lao động và hoạt động công đoàn với nhiều cách làm đổi mới, sáng tạo, được đoàn viên, người lao động (NLĐ), cấp ủy, chính quyền và người sử dụng lao động ghi nhận. Qua đó, tiếp tục khẳng định vai trò của tổ chức Công đoàn Việt Nam trong đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, NLĐ, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp phát triển và đổi mới đất nước.

Xứng đáng là chỗ dựa tin cậy của NLĐ

Với chức năng, nhiệm vụ của mình, thời gian qua, các cấp Công đoàn, nhất là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (Tổng Liên đoàn) đã chủ động, tích cực đổi mới và nâng cao chất lượng tham gia xây dựng chính sách, pháp luật liên quan đến người lao động và hoạt động công đoàn; phát hiện, đề xuất nhiều kiến nghị, góp ý xây dựng pháp luật để chăm lo, bảo vệ tốt hơn quyền lợi của NLĐ như quyền lựa chọn việc làm, đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, tiền lương, vấn đề nhà ở, điều kiện làm việc của NLĐ… Đặc biệt, trong 5 năm qua, Công đoàn đã đề xuất nâng mức lương tối thiểu tăng 25,34%, góp phần cải thiện đời sống đoàn viên, NLĐ, thu hẹp khoảng cách giữa tiền lương tối thiểu và mức sống tối thiểu.

Khẳng định vai trò của tổ chức Công đoàn Việt Nam
Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang tặng quà cho đoàn viên, NLĐ.

Công đoàn cơ sở các loại hình đã chủ động và thể hiện rõ vai trò trong tham gia xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Minh chứng rõ nét nhất là hoạt động thương lượng, ký kết Thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT) trong các doanh nghiệp, đơn vị được chú trọng, có nhiều đổi mới. Trong nhiệm kỳ, đã ký mới 15.832 bản TƯLĐTT doanh nghiệp, nâng tổng số TƯLĐTT đã ký kết lên 42.550 bản, đạt tỷ lệ 72,12% tổng số doanh nghiệp đã thành lập Công đoàn cơ sở. Công tác tham gia kiểm tra, thanh tra, giám sát tiếp tục được các cấp Công đoàn tăng cường, trong nhiệm kỳ, đã kiểm tra hơn 890 nghìn cuộc, giám sát hơn 166 nghìn cuộc, hơn 27 nghìn người được giải quyết về các chế độ, chính sách với tổng số tiền bồi thường, hỗ trợ là hơn 113 tỷ đồng.

Các mô hình chăm lo cho đoàn viên, NLĐ tiếp tục được phát triển, hoàn thiện, mang đậm dấu ấn của tổ chức Công đoàn. Giai đoạn 2018 – 2023, có hơn 30 triệu lượt đoàn viên, NLĐ được chăm lo với tổng số tiền gần 28 nghìn tỷ đồng thông qua chương trình “Tết Sum vầy”; hơn 3,8 triệu lượt đoàn viên, NLĐ được chăm lo với tổng số tiền hàng nghìn tỷ đồng nhân dịp Tháng Công nhân; gần 14 nghìn NLĐ được xây dựng, sửa chữa nhà ở với tổng số tiền hỗ trợ hơn 500 tỷ đồng thông qua chương trình “Mái ấm Công đoàn”; hàng triệu lượt đoàn viên, NLĐ đã được vay vốn để phát triển kinh tế thông qua 13 Quỹ trợ vốn cho NLĐ, tổ chức tài chính vi mô (CE), Quỹ quốc gia giải quyết việc làm. Trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát, Tổng Liên đoàn đã ban hành và tổ chức triển khai các gói hỗ trợ với quy mô lớn dành cho đoàn viên, NLĐ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh với tổng số tiền hỗ trợ gần 6 nghìn tỷ đồng, có hơn 10 triệu lượt người thụ hưởng.

Bên cạnh các giá trị, lợi ích vật chất, tổ chức Công đoàn cũng chú trọng chăm lo đời sống văn hóa tinh thần cho đoàn viên, NLĐ. Các cấp Công đoàn tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, giải trí, kết hợp với tuyên truyền chính sách, pháp luật, thu hút đông đảo đoàn viên, NLĐ tham gia; các thiết chế văn hóa cơ sở được phát huy tối đa; nhiều mô hình, sân chơi lành mạnh, phục vụ NLĐ được triển khai như: Chương trình gameshow “Giờ thứ 9+”, Cuộc thi sáng tác văn học về đề tài Công nhân – Công đoàn, Giải Vô địch bóng đá công nhân toàn quốc năm 2023… Qua đó đã tạo sân chơi lành mạnh, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần và sức khỏe cho NLĐ.

Xây dựng tổ chức ngày càng lớn mạnh

Trong nhiệm kỳ 2018 – 2023, Tổng Liên đoàn đã tham mưu Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 12/6/2021 về “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới”. Nghị quyết ra đời cùng với thời điểm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII là cơ sở quan trọng định hướng phát triển tổ chức Công đoàn Việt Nam đến năm 2025, 2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 02 gắn với thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng với 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp. Đến nay, nhiều đề án, kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết đã được ban hành và tổ chức thực hiện, bước đầu đạt kết quả.

Từ ngày 1 – 3/12/2023, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia sẽ diễn ra Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, nhiệm kỳ 2023 – 2028. Đây là sự kiện chính trị quan trọng của giai cấp công nhân, tổ chức Công đoàn Việt Nam, là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong cán bộ, đoàn viên, NLĐ cả nước. Đại hội có nhiệm vụ đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XII Công đoàn Việt Nam; xác định mục tiêu, nhiệm vụ nhiệm kỳ 2023 – 2028; kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam khóa XII, bầu Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam khóa XIII; đánh giá việc thi hành và thông qua Điều lệ Công đoàn Việt Nam (sửa đổi, bổ sung).

Công tác phát triển đoàn viên, thành lập Công đoàn cơ sở được các cấp Công đoàn tập trung, triển khai bằng nhiều giải pháp mới, đạt kết quả quan trọng. Trong 5 năm qua, đã kết nạp mới 4.460.933 đoàn viên; thành lập 24.320 Công đoàn cơ sở. Công tác đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ Công đoàn các cấp được triển khai đồng bộ, thường xuyên. Trong nhiệm kỳ, các cấp Công đoàn đã cử đi đào tạo hơn 4.000 lượt cán bộ, có hơn 2,2 triệu lượt cán bộ được tập huấn, bồi dưỡng về lý luận nghiệp vụ công tác Công đoàn (gấp 1,6 lần so với nhiệm kỳ trước), trong đó cán bộ Công đoàn cơ sở chiếm hơn 75%.

Song song với việc triển khai các nhiệm vụ trên, tổ chức Công đoàn Việt Nam cũng đã triển khai sâu rộng và thường xuyên đổi mới về nội dung, hình thức các phong trào thi đua, thu hút đông đảo cán bộ, đoàn viên, NLĐ tham gia, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn và phát triển kinh tế – xã hội đất nước. Trong đó, phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt trong các phong trào thi đua của tổ chức Công đoàn, được các cấp Công đoàn cụ thể hóa sát với thực tiễn trong tình hình mới. Giai đoạn 2018- 2023, đã có 2.889.318 sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, giải pháp mới mang lại giá trị làm lợi 163.724 tỷ đồng, Tổng Liên đoàn đã tặng thưởng 5.233 Bằng Lao động sáng tạo.

Hưởng ứng lời kêu gọi của đồng chí Tổng Bí thư và phong trào thi đua “Cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch Covid-19” do Thủ tướng Chính phủ phát động, tổ chức Công đoàn triển khai phong trào “Công nhân, viên chức, lao động nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19”, cụ thể hóa bằng Chương trình “75 nghìn sáng kiến vượt khó, phát triển” và Chương trình “1 triệu sáng kiến, nỗ lực vượt khó, sáng tạo quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19” với nhiều đổi mới về cách thức, biện pháp thực hiện, nhất là việc ứng dụng công nghệ thông tin, thu hút đông đảo đoàn viên, NLĐ trực tiếp tham gia, đã thể hiện vai trò của tổ chức Công đoàn, đóng góp tích cực trong việc phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội.

Tin tưởng rằng, với những cách làm đổi mới, sáng tạo và những kết quả tích cực đã đạt được trong giai đoạn 2018 – 2023, trong nhiệm kỳ mới, tổ chức Công đoàn Việt Nam sẽ tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ trong tình hình mới; tiếp tục là chỗ dựa tin cậy của NLĐ, là cơ sở chính trị – xã hội vững chắc của Đảng, Nhà nước.

Mai Quý