Nhiều HTX đã nêu cao tinh thần tự chủ, chủ động khắc phục khó khăn, mở rộng sản xuất kinh doanh, ứng dụng khoa học kỹ thuật, áp dụng các tiêu chuẩn chất lượng, an toàn vào sản xuất; năng suất và hiệu quả được nâng lên.
Hợp tác xã rau Văn Đức, huyện Gia Lâm. |
HTX Dương Liễu (huyện Hoài Đức) là HTX kinh doanh tổng hợp quy mô lớn với 2.459 thành viên. Hoạt động dịch vụ của HTX gồm 7 nhóm ngành chính trong đó có nhiều dịch vụ nông nghiệp không thu phí như dịch vụ tu sửa giao thông thủy lợi nội đồng, công tác bảo vệ thực vật, dịch vụ tưới tiêu… Bên cạnh đó, HTX còn các dịch vụ cung cấp giống, vật tư nông nghiệp, sản xuất và kinh doanh thương mại, kinh doanh điện nông thôn, quản lý chợ…
Trên lĩnh vực kinh doanh thương mại, HTX luôn tăng cường công tác giới thiệu sản phẩm làng nghề, chủ động tham gia các hội chợ, tuyên truyền thu hút nguồn tiêu thụ sản phẩm nông sản của địa phương.
HTX coi trọng việc mở rộng sản xuất kinh doanh, tạo thêm nhiều ngành nghề để giải quyết việc làm cho người lao động, phát triển kinh doanh tổng hợp, đầu tư trang thiết bị để nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh, bảo đảm kinh doanh có lãi, để từ đó đóng góp được một phần không nhỏ cho ngân sách Nhà nước.
Một trong những hoạt động hiệu quả của HTX Dương Liễu là công tác quản lý điện nông thôn. Là một địa bàn đông dân cư, với sự phát triển đa dạng các nghành nghề, nhu cầu về nguồn điện phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất kinh doanh ở địa phương là rất lớn. HTX đã đặc biệt quan tâm đầu tư cho công tác cải tạo lưới điện hạ thế, từng bước xây dựng thêm các trạm biến áp mới.
Đến nay, HTX Dương Liễu đã có 26 trạm biến áp với tổng công suất gần 18.000 KW, đáp ứng được nhu cầu về nguồn điện phục vụ nhân dân trên địa bàn. Công tác quản lý điện và phát triển hệ thống điện nông thôn của HTX Dương Liễu đã được các cơ quan cấp trên ghi nhận và đánh giá cao. Hiện nay, HTX Dương Liễu là một trong số rất ít HTX của thành phố Hà Nội được tin tưởng giao trách nhiệm quản lý hệ thống điện nông thôn.
HTX Hoàng Long (xã Tân Ước, huyện Thanh Oai) với chuỗi chuồng trại nuôi lợn sinh học là một trong những HTX ứng dụng công nghệ cao vào chăn nuôi của Hà Nội. HTX có 4.180 đầu con lợn, 100% đàn lợn là giống gen của Pháp, giống tốt có năng suất, chất lượng cao. Trên diện tích hơn 22.000m2, có hơn 9.000m2 được xây dựng chuồng trại.
Các dãy chuồng nuôi được xây từ 1 đến 3 tầng để tiết kiệm tối đa diện tích chăn nuôi, với đầy đủ hệ thống làm ấm về mùa đông và làm mát mùa hè. Lợn ở đây được nuôi theo quy trình chăn nuôi sinh học, trong các chuồng đều đã có hệ thống xử lý mùi hôi. Mặc dù chăn nuôi vài nghìn con lợn nhưng khu vực chăn nuôi vẫn sạch sẽ, thoáng mát. HTX đã đem lại công việc thường xuyên cho 10 thành viên với mức lương bình quân là 7,5 triệu đồng/tháng.
Ngoài ra trên địa bàn Thành phố còn nhiều HTX ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, kinh doanh như HTX rau Văn Đức, HTX Đa Tốn (Gia Lâm), HTX Đông Cao (Mê Linh), HTX nông nghiệp xã Tam Hưng (Thanh Oai), HTX nông lâm xã Bắc Sơn với chuỗi chè an toàn Bắc Sơn, HTX nông nghiệp Vân Nam với chuỗi chuối VietGap…
Đa số các HTX đã đăng ký nhãn hiệu tập thể, tích cực tham gia các hội chợ, giới thiệu, quảng bá sản phẩm của địa phương. Các HTX đã liên kết các khâu tham gia chuỗi giá trị, hỗ trợ thành viên trong tiêu thụ sản phẩm, tạo điều kiện thuận lợi cho thành viên yên tâm sản xuất.
Đối với lĩnh vực HTX phi nông nghiệp như HTX công nghiệp Nhật Quang (quận Hoàng Mai) là HTX chuyên sản xuất các thiết bị, sản phẩm bảo hộ lao động, duy trì tạo công ăn việc làm cho 30-40 lao động thường xuyên với mức thu nhập bình quân từ 5-6 triệu đồng/lao động; HTX Thống nhất, HTX Mỹ Đình (quận Nam Từ Liêm), HTX công nghiệp Hoàng Anh (quận Hoàng Mai) với sản phẩm giấy vở học sinh; HTX Trái tim Hồng (huyện Sóc Sơn) với sản phẩm hạt gỗ hương… đều có những quy trình sản xuất khoa học, đưa công nghệ vào sản xuất kinh doanh một cách hiệu quả.
Tạo việc làm cho nhiều lao động
Theo đánh giá của ông Nguyễn Tiến Phong – Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã thành phố Hà Nội tại tọa đàm “Phát huy vai trò của các cấp Hội phụ nữ trong xây dựng mô hình Hợp tác xã/Tổ hợp tác liên kết theo chuỗi giá trị trên địa bàn thành phố Hà Nội”, thì kinh tế tập thể của Thành phố đang dần ổn định, tiếp tục phát triển theo nguyên tắc tự nguyện, dân chủ. Các mô hình HTX kiểu mới, gắn sản xuất với chuỗi giá trị sản phẩm ngày càng nhiều.
Các HTX đã quan tâm tới các hoạt động liên kết thông qua việc: Tăng cường trao đổi kinh nghiệm về quản lý điều hành, xúc tiến thương mại; tham gia hội chợ, hội nghị giao thương, tham gia các hoạt động của câu lạc bộ theo ngành, lĩnh vực; thông qua chương trình liên kết hợp tác giữa Liên minh HTX các tỉnh/thành phố… nhiều HTX đã mở rộng thị trường tiêu thụ, đặc biệt là liên kết trong tiêu thụ sản phẩm giữa các HTX nhằm đa dạng hóa sản phẩm hàng hóa cung cấp ra thị trường
Mô hình kinh tế tập thể đã tạo việc làm và tạo thu nhập ổn định cho thành viên, góp phần từng bước cải thiện nâng cao đời sống cho nhân dân, người lao động. Hoạt động của mô hình cũng góp phần phát triển văn hóa cộng đồng dân cư, đề cao tinh thần đoàn kết, đóng góp tích cực vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn, góp phần xóa đói giảm nghèo và đóng góp quan trọng trong quá trình xây dựng nông thôn mới.
Đặc biệt, trong 6 tháng đầu năm 2022, tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn kéo dài, thành phố Hà Nội điều chỉnh sang “mô hình sống chung an toàn”, vừa kiểm soát dịch bệnh, vừa mở cửa trở lại nền kinh tế và khôi phục cuộc sống bình thường; Thành phố cũng đã triển khai một số chính sách kích cầu nền kinh tế, là những yếu tố thuận lợi giúp gia tăng khả năng huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển kinh tế tập thể.
Hoạt động của mô hình liên kết “4 nhà” trong sản xuất nông nghiệp phần nào đã giúp cho các HTX nông nghiệp trên địa bàn Thành phố vượt qua những khó khăn trong sản xuất, thực hiện tốt việc chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật và tiêu thụ sản phẩm.
Một số HTX đã mạnh dạn đầu tư trang thiết bị, hệ thống chuồng trại tiên tiến để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, từng bước mở rộng sản xuất kinh doanh, tăng thu nhập cho cán bộ, người lao động; tham gia, xây dựng chuỗi giá trị khép kín từ sản xuất, chế biến, lưu thông và phân phối; xây dựng các mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả theo chuỗi. Nhiều HTX áp dụng các tiêu chuẩn sản xuất Vietgap, hữu cơ, đã đăng ký nhãn hiệu, thương hiệu tập thể.
Có HTX nông nghiệp đã tổ chức trên 10 khâu dịch vụ, làm tốt công tác chỉ đạo sản xuất nông nghiệp, bảo đảm về thời vụ, bố trí cây trồng hợp lý, đưa giống cây trồng, vật nuôi năng suất, chất lượng, giá trị cao vào sản xuất; tổ chức tập huấn, hội thảo đầu bờ về quy trình kỹ thuật thâm canh cây trồng, phòng trừ dịch bệnh tổng hợp, bảo vệ đồng ruộng, tu sửa kênh mương nội đồng, đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp… duy trì ổn định sản xuất nông nghiệp kịp thời vụ, đảm bảo diện tích gieo trồng.
Đến nay, Hà Nội đã hình thành nhiều HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, liên kết trong sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, chú trọng xây dựng tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm. Hiện có 106 HTX nông nghiệp có sản phẩm OCOP với 427 sản phẩm tham gia đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP./.