Khi hai bộ Quy tắc ứng xử đi vào cuộc sống

Sau hơn 6 năm triển khai thực hiện, hai bộ Quy tắc ứng xử do thành phố Hà Nội ban hành đã từng bước đi vào cuộc sống. Qua đó, xây dựng, hình thành những chuẩn mực văn hóa nhằm điều chỉnh lời nói, thái độ, hành vi của cá nhân, tổ chức trên địa bàn Thành phố; góp phần giữ gìn và phát triển truyền thống văn hóa tốt đẹp của Thủ đô và đất nước.

Năm 2018, Ủy ban nhân dân huyện Hoài Đức đã phát động phong trào tổ chức ký cam kết triển khai thực hiện nghiêm hai bộ Quy tắc ứng xử. Kể từ đó đến nay, công tác thông tin tuyên truyền được đẩy mạnh bằng nhiều hình thức như: Tuyên truyền trên Cổng thông tin điện tử huyện, trên các trang Fanpage, trên Zalo chính quyền điện tử huyện, các nhóm Zalo của các thôn để mọi người dân cùng tham gia góp ý, phản ánh thông tin về trật tự đô thị, vệ sinh môi trường, về việc thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn.
Khi hai bộ Quy tắc ứng xử đi vào cuộc sống
Cán bộ bộ phận Một cửa Ủy ban nhân dân huyện Hoài Đức đang giải quyết thủ tục hành chính cho người dân.

Bên cạnh đó, huyện Hoài Đức cũng đã đưa việc thực hiện Quy tắc ứng xử vào tiêu chí bình xét các danh hiệu gia đình văn hóa, tổ dân phố văn hóa, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa trên địa bàn huyện hàng năm. Đến nay, 54/54 làng cổ đã lồng ghép quy tắc ứng xử trong sửa đổi bổ sung quy ước. Cùng với đó, huyện đã niêm yết nội dung Quy tắc ứng xử nơi công cộng tại các cơ quan, đơn vị, trường học; các khu vực đông dân cư, các di tích lịch sử văn hóa, công viên, vườn hoa, khu vui chơi, trung tâm văn hóa – thể thao các xã, nhà văn hóa thôn, nhà sinh hoạt cộng đồng trên địa bàn huyện. Đến nay, đã thực hiện niêm yết tại 100% các cơ quan, đơn vị, trường học, 169 di tích lịch sử và 136/136 thôn, làng, tổ dân phố.

Tháng 7/2023, huyện Hoài Đức đã thành lập Đoàn kiểm tra và tiến hành kiểm tra 4 xã trên địa bàn huyện. Qua kiểm tra cho thấy công tác tuyên truyền được thực hiện đa dạng. Đặc biệt các xã đã thiết kế Quy tắc ứng xử trên giấy A4 phát đến từng cán bộ công chức, viên chức, người lao động. Đặc biệt, nhằm đẩy mạnh việc thực hiện hai bộ Quy tắc ứng xử, Ủy ban nhân dân huyện Hoài Đức và các xã, thị trấn đã xây dựng hai mô hình: Mô hình Bộ phận Một cửa giải quyết thủ tục hành chính văn minh, thân thiện, chuyên nghiệp và Mô hình di tích lịch sử văn hóa – điểm đến an toàn, hấp dẫn. Năm 2023, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện triển khai mô hình điểm “Danh lam, thắng cảnh/Di tích lịch sử kiểu mẫu” tại chùa Lũng Kênh (xã Đức Giang) và mô hình điểm “Tổ dân phố văn hóa kiểu mẫu” tại Tổ dân phố 1 (xã Kim Chung). Trong thời gian tới, hai mô hình này sẽ được nhân rộng trên toàn huyện.

Tương tự tại huyện Ba Vì, ngay khi hai bộ Quy tắc ứng xử được ban hành, Ủy ban nhân dân huyện đã ban hành các kế hoạch, văn bản triển khai kịp thời, hiệu quả. Công tác tuyên truyền hai bộ Quy tắc ứng xử được thực hiện với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, thiết thực, đảm bảo 100% cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc huyện tham gia hưởng ứng và thực hiện phong trào thi đua “Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thi đua thực hiện văn hóa công sở và nơi công cộng”. Qua đó, nhận thức của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động trong các cơ quan, đơn vị hành chính được nâng lên rõ rệt.

Bên cạnh đó, 100% các cơ quan, đơn vị xây dựng quy định, nội quy, quy chế làm việc của cơ quan gắn với nội dung thực hiện Quy tắc ứng xử và yêu cầu của Đề án Văn hóa công vụ. Việc đánh giá hàng tháng đối với cán bộ, công chức, viên chức gắn với việc thực hiện hai bộ Quy tắc ứng xử được thực hiện nghiêm túc, đúng quy định. Các phòng, ban, cơ quan, đơn vị đã được bố trí phòng làm việc, không gian cảnh quan môi trường đảm bảo văn minh, thân thiện, sáng, xanh, sạch, đẹp. Phong trào tổng vệ sinh cơ quan được duy trì, phong trào trồng, trang trí cây xanh cũng được triển khai.

Đối với việc triển khai Quy tắc ứng xử nơi công cộng, việc ký cam kết thực hiện được tổ chức lồng ghép cùng cam kết thực hiện Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, đơn vị thuộc huyện. Đồng thời Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn tổ chức thực hiện ký cam kết với huyện trong việc triển khai thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng tới 136/136 thôn, làng, dân phố và từng hộ gia đình thuộc địa bàn quản lý. Thực hiện niêm yết nội dung Quy tắc ứng xử nơi công cộng tại các cơ quan, đơn vị, trường học; các khu vực đông dân cư, các di tích lịch sử văn hóa, công viên, vườn hoa, khu vui chơi, trung tâm văn hóa – thể thao các xã, nhà văn hóa thôn, nhà sinh hoạt cộng đồng. Đến nay, đã thực hiện niêm yết tại 100% các cơ quan, đơn vị, trường học, 169 di tích lịch sử và 136/136 thôn, làng, tổ dân phố.

Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) Bùi Minh Hoàng cho biết, thời gian vừa qua, Đoàn kiểm tra do Sở Văn hóa và Thể thao tổ chức thực hiện đợt cao điểm kiểm tra việc chấp hành hai bộ Quy tắc trên. Qua việc triển khai thực hiện hai bộ Quy tắc ứng xử, nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong thực thi công vụ, tại cơ quan đã được nâng lên một bước. Tại nơi công cộng, các tầng lớp nhân dân cũng tích cực thực hiện nếp sống văn minh đô thị, giữ gìn gìn vệ sinh môi trường, cảnh quan đô thị, đổ rác đúng giờ, đúng nơi quy định…

Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn những hạn chế nhất định như một số cán bộ, công chức, viên chức, người lao động chưa thực sự thấm nhuần đầy đủ và thực hiện nghiêm túc các Quy tắc ứng xử. Việc giao tiếp ứng xử của một số người dân nơi công cộng vẫn chưa được lịch sự, nói thiếu chủ ngữ, nói trống không hoặc xưng hô thiếu tôn trọng đối với người khác…

Thời gian tới, bên cạnh công tác tuyên truyền, Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình Bùi Minh Hoàng đề nghị các địa phương cần nhân rộng mô hình điểm, đồng thời động viên kịp thời những cá nhân, tập thể thực hiện tốt hai Bộ Quy tắc ứng xử để từ đó lan tỏa đến cộng đồng.

Phương Bùi

https://laodongthudo.vn/khi-hai-bo-quy-tac-ung-xu-di-vao-cuoc-song-160251.html