Khi Thành phố được phân quyền quyết định chủ trương đầu tư các dự án quy mô đến 20.000 tỷ đồng

Ngoài thẩm quyền đầu tư theo quy định của pháp luật, Điều 43 Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đẩy mạnh phân quyền cho Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội. Trong đó, phân quyền cho Hà Nội quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án sử dụng vốn đầu tư công tối đa 20 nghìn tỷ đồng.

Quy định về thẩm quyền đầu tư tại Điều 43, Chương IV Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) thể hiện rõ: Dự án trọng điểm của Thủ đô là dự án có quy mô lớn, có vai trò tạo động lực, sức lan tỏa, kết nối để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế – xã hội của Thủ đô, có ý nghĩa lớn đối với phát triển kinh tế – xã hội của Thủ đô, vùng Thủ đô và cả nước. Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội quy định Danh mục dự án trọng điểm của Thủ đô.

Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án thuộc thẩm quyền theo quy định của pháp luật về đầu tư công và quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án: đường sắt đô thị; dự án sử dụng vốn đầu tư công tối đa 20 nghìn tỷ đồng (trừ dự án đường sắt đô thị); dự án sử dụng ngân sách trung ương, nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi của nước ngoài giao thành phố Hà Nội làm chủ đầu tư; dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước kết hợp với nguồn vốn ngoài ngân sách; dự án đầu tư công liên tỉnh nằm trong vùng Thủ đô. Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội quy định trình tự, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án trên.

Cùng với đó, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội chấp thuận chủ trương đầu tư đối với các dự án theo quy định của Luật Đầu tư, Luật Công nghệ cao và các dự án: đầu tư xây dựng nhà ở để bán, cho thuê, cho thuê mua, khu đô thị có quy mô sử dụng đất dưới 500ha hoặc quy mô dân số từ 50 nghìn người trở lên; dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao. Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội quy định trình tự, thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư đối với các dự án này.

Khi Thành phố được phân quyền quyết định chủ trương đầu tư các dự án quy mô đến 20.000 tỷ đồng
Dự án trọng điểm của Thủ đô là dự án có quy mô lớn, có vai trò tạo động lực, sức lan tỏa, kết nối để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế – xã hội của Thủ đô. (Ảnh minh họa)

Dự thảo cũng quy định, Hội đồng nhân dân thành phố thuộc thành phố Hà Nội quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án thuộc thẩm quyền của Hội đồng nhân dân cấp huyện theo quy định của Luật Đầu tư công và dự án đầu tư công nhóm A sử dụng vốn ngân sách địa phương, bao gồm cả vốn bổ sung có mục tiêu từ ngân sách cấp trên, các nguồn vốn hợp pháp của địa phương thuộc cấp mình quản lý, trừ các dự án: dự án thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh không sử dụng nguồn ngân sách địa phương; dự án sản xuất chất độc hại, chất nổ; dự án hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao.

Ủy ban nhân dân thành phố thuộc thành phố Hà Nội chấp thuận chủ trương đầu tư đối với các dự án đầu tư trên địa bàn thành phố thuộc thành phố Hà Nội, bao gồm: Dự án đầu tư có đề nghị Nhà nước giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá, đấu thầu hoặc nhận chuyển nhượng; Dự án đầu tư xây dựng nhà ở để bán, cho thuê, cho thuê mua, khu đô thị có quy mô sử dụng đất dưới 300 ha và quy mô dân số dưới 50 nghìn gười; Dự án đầu tư của nhà đầu tư trong nước sử dụng vốn ngoài ngân sách trên địa bàn thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội. Hội đồng nhân dân thành phố thuộc thành phố Hà Nội quy định trình tự, thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư đối với các dự án quy định tại khoản này.

Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội quyết định việc áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc tế và quy định tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kinh tế – kỹ thuật, định mức chi phí, đơn giá trong các lĩnh vực, phương thức thanh toán khác quy định trong văn bản quy phạm pháp luật do cơ quan nhà nước ở Trung ương ban hành, phù hợp với tình hình thực tế, đặc điểm và nhu cầu xây dựng, phát triển Thủ đô.

Góp ý về nội dung tăng thẩm quyền cho Hà Nội trong lĩnh vực đầu tư tại Điều 43 của Dự thảo Luật, ông Dương Khắc Mai (Đoàn đại biểu Đắk Nông) nhận định, các quy định tại Điều này đã tăng thẩm quyền mạnh mẽ cho Hà Nội về đầu tư công và đầu tư tư nhân so với quy định của Luật Đầu tư công và Luật Đầu tư.

Đặc biệt, việc giao thẩm quyền cho Hà Nội quyết định chủ trương đầu tư dự án trên 10 nghìn tỷ đồng thuộc thẩm quyền của Quốc hội theo Luật Đầu tư công; trong đó dự án đường sắt đô thị không bị giới hạn mức vốn, còn đối với các loại dự án khác là không vượt quá 20 nghìn tỷ đồng.

Theo ông Dương Khắc Mai, đây là quy định rất cần thiết, trao quyền chủ động tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho Hà Nội. Tuy nhiên, đại biểu cũng cho rằng, việc giới hạn 20 nghìn tỷ đồng đối với các dự án khác là chưa rõ về cơ sở lựa chọn mức này.

“Tôi cũng mong sau khi sửa đổi Luật này thì Hà Nội sẽ có một bước tiến mới bứt phá để thực sự xứng đáng là Thủ đô của cả nước, Thủ đô hòa bình của cả thế giới được bạn bè yêu chuộng hòa bình trên thế giới ngưỡng mộ”, đại biểu Dương Khắc Mai nói.

Bảo Thoa

Khi Thành phố được phân quyền quyết định chủ trương đầu tư các dự án quy mô đến 20.000 tỷ đồng (laodongthudo.vn)