Chương trình giáo dục di sản Phố cổ giới thiệu cho các bạn trẻ về ý nghĩa của ngày Tết Trung thu; các phong tục được duy trì trong dịp lễ đặc biệt này, như: Chuẩn bị mâm cỗ cúng ông bà tổ tiên, mâm hoa quả bánh kẹo trông trăng; làm đèn tham gia đám rước; múa lân sư rồng…, cũng như nhiều trò chơi dân gian hấp dẫn khác.
Cùng với các hướng dẫn viên, các thầy, cô giáo, Chương trình giáo dục di sản Phố cổ còn có sự tham gia của nhiều nghệ nhân làm đồ chơi trung thu, như: Nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyến, Đặng Văn Hậu… tham gia hướng dẫn các bạn trẻ cách làm đèn ông sao, nặn con giống bột, diều sáo…; giới thiệu ý nghĩa của từng món đồ chơi chỉ xuất hiện trong dịp Tết trông trăng truyền thống.
Nhân dịp này, di tích đình Kim Ngân tái hiện không gian đón Tết Trung thu Phố cổ với mâm cỗ trông trăng được tạo hình từ các loại hoa trái mùa thu, các loại đèn trung thu độc đáo, đã vắng bóng từ nhiều thập kỷ trước, như: Đèn cá chép, đèn con cua, đèn đầu thỏ…, mang đến không gian vui chơi bổ ích và cơ hội tìm hiểu về các giá trị văn hóa truyền thống cho trẻ.
Tết Trung thu là dịp các gia đình cùng quây quần vui vẻ sau một thời gian lao động vất vả, cùng chuẩn bị mâm cỗ đêm rằm, làm đồ chơi cho trẻ, thể hiện sự quan tâm chăm sóc, giáo dục trẻ em một cách cụ thể, sinh động và tinh tế. Bởi lẽ đó, Tết Trung thu còn là tết dành cho trẻ em, là dịp các em được vui chơi thỏa thích, được thỏa trí tưởng tượng và sáng tạo của bản thân trong các món đồ chơi đa dạng và giàu ý nghĩa.
Chương trình giáo dục di sản tại Phố cổ là hoạt động mở đầu cho chuỗi sự kiện vui đón Trung thu kéo dài từ nay đến hết ngày 16-9 tại nhiều không gian di sản, điểm giao lưu văn hóa của Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội.
Miên Hạo