Khơi mạch nguồn sáng tạo

Với tư cách là thành viên Thành phố Sáng tạo lĩnh vực Thiết kế, năm 2024, Hà Nội bước sang năm thứ 5 kể từ khi gia nhập Mạng lưới Thành phố Sáng tạo UNESCO. Những công trình nghệ thuật xuất hiện trong những năm trở lại đây đã đem lại sức sống mới rực rỡ hơn cho đô thị nghìn năm tuổi này.

Trong khuôn viên của Nhà máy Xe lửa Gia Lâm, nơi gần 60 năm về trước, năm 1955, Bác Hồ đã đến thăm, động viên công nhân nhà máy hăng say lao động, sản xuất, không ai có thể ngờ, trên nền những phân xưởng sản xuất – nơi ghi dấu ấn của sự phát triển công nghiệp hàng trăm năm qua, như được “lột xác” với những triển lãm, những màn trình diễn nghệ thuật, những cuộc hội thảo, toạ đàm vô cùng hấp dẫn.

Mặc dù đây là những hoạt động được tổ chức trong khuôn khổ Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2023, nhưng những hoạt động này chắc chắn là gợi ý hay, để di sản của Nhà máy có thể sẽ được tiếp nối, được tái sinh, trở thành không gian văn hoá – sáng tạo mới của Thành phố.

Khơi mạch nguồn sáng tạo
Trình diễn thời trang bên trong khuôn viên Nhà máy Xe lửa Gia Lâm.

Nếu như thời điểm nộp hồ sơ ứng cử Thành phố Sáng tạo UNESCO năm 2019, Hà Nội mới chỉ có 2 không gian tuyến phố đi bộ là hồ Hoàn Kiếm và Trịnh Công Sơn, thì đến nay đã phát triển thêm 4 không gian khác gồm: Phố đi bộ và đường hoa trong không gian khu đô thị Bắc An Khánh, Phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây, Phố ẩm thực đêm và đi bộ đảo Ngọc – Ngũ Xã, Phố đi bộ Trần Nhân Tông – Công viên Thống Nhất.

Năm 2019, Hà Nội là thành phố đầu tiên của Việt Nam và là một trong 3 Thủ đô của các nước Đông Nam Á được vinh dự trở thành thành viên của Mạng lưới Thành phố Sáng tạo của UNESCO (UCCN) trong lĩnh vực Thiết kế. Từ đó đến nay, mặc dù có 2 năm chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 khiến nhiều hoạt động bị đình trệ, Thành phố đã có nhiều hoạt động để cụ thể hoá những cam kết xây dựng Thành phố sáng tạo.

Đáng chú ý, lần đầu tiên các Nghị quyết, cơ chế, chính sách, kế hoạch đã được Thành ủy, Thành phố ban hành để thúc đẩy xây dựng Thành phố Sáng tạo. Ví như, Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 22/2/2022 của Thành ủy về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” – một trong hai Nghị quyết chuyên đề được xác định trong cả nhiệm kỳ. Đây được coi là bước đột phá trong phát triển văn hóa Thủ đô, nhằm đảm bảo hài hòa giữa bảo tồn và phát triển văn hóa, góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, gia tăng tỷ trọng đóng góp vào GRDP của Thành phố.

Hay Kế hoạch số 102/KH-UBND ngày 1/4/2022 về Triển khai các sáng kiến tham gia Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo của UNESCO đến năm 2025; Nghị quyết số 23/2022/NQ-HĐND ngày 8/12/2022 của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội quy định chế độ đãi ngộ, hỗ trợ đối với “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú”; các nghệ nhân, câu lạc bộ tiêu biểu trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể của thành phố Hà Nội.

Thành phố cũng duy trì, phát triển quan hệ hợp tác quốc tế ngày càng thiết thực, hiệu quả, tăng cường, mở rộng quan hệ đối ngoại, ngoại giao văn hóa, giao lưu hợp tác với các thành phố, thủ đô các nước, các thành phố là thành viên Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo của UNESCO… và là thành viên tích cực trong liên kết, hợp tác với các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Khơi mạch nguồn sáng tạo
Không gian sáng tạo bên trong tháp nước Hàng Đậu.

Một trong những điểm nổi bật của xây dựng Thành phố Sáng tạo là Hà Nội đã tổ chức Lễ hội Thiết kế Sáng tạo liên tục trong 3 năm qua. Lần đầu tiên một Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2023 diễn ra ở xa trung tâm nội đô, nhưng sự độc đáo, mới lạ của không gian tổ chức cùng các hoạt động, sự kiện xung quanh đã hấp dẫn đông đảo người dân Thủ đô cùng du khách trong và ngoài nước. Sau 12 ngày tổ chức, Lễ hội đã mang lại thành công ngoài mong đợi, tạo dấu ấn lớn trong cộng đồng, lan tỏa tinh thần sáng tạo đến các tổ chức và các tầng lớp nhân dân.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Hoài Sơn – Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đánh giá: “Khi chúng ta coi sự sáng tạo là yếu tố then chốt, là hạt nhân của sự phát triển của Hà Nội thì sự sáng tạo này nó không chỉ nằm trong lĩnh vực văn hóa nữa, mà sáng tạo còn phải nằm ở tất cả các khâu, các lĩnh vực, các yếu tố, các thành phần, sáng tạo trở thành định hướng cho sự phát triển, trong tất cả các lĩnh vực của Thành phố. Chúng ta xây dựng một cây cầu không chỉ để phục vụ giao thông mà nó cần trở thành biểu tượng mới của Thủ đô; xây dựng một ngôi nhà hay kể cả một cột đèn đường còn để thể hiện sức sáng tạo và vẻ đẹp cho Thành phố…

Lúc đó, sáng tạo đã thực sự kích thích chúng ta về một xã hội đáng sống. Khi chúng ta hướng về nó và nhận thức đầy đủ về nó thì sẽ tạo ra một sức bật mới cho Thủ đô. Sự phát triển hướng về sáng tạo và văn hóa sẽ giúp Thủ đô phát triển bền vững hơn, xanh – sạch – đẹp, thanh lịch, văn minh hơn. Nếu thực hiện tốt thì tôi tin chắc mục tiêu đến năm 2045, Hà Nội trở thành “Thành phố Sáng tạo” của khu vực châu Á sẽ đạt được”.

Hà Nội nghìn năm văn hiến, nơi lắng đọng hào khí Thăng Long, Thành phố vì hòa bình với kho tàng di sản văn hóa với 5.922 di tích, 1.793 di sản văn hóa phi vật thể và 1.350 làng nghề, vẫn đang ngày đêm vận động, chuyển mình khơi thông mạch nguồn sáng tạo vô tận, cùng tinh thần đổi mới, năng động và hội nhập.

Phương Bùi