Khơi thông điểm nghẽn để du lịch Hà Nội bứt phá

Những giải pháp hiệu quả và kinh nghiệm thực tế quý báu trong việc phát triển du lịch Hà Nội đã được chia sẻ tại tọa đàm “Phục hồi và phát triển du lịch Thủ đô sau dịch Covid-19” diễn ra mới đây. Từ đó, giúp các đơn vị, doanh nghiệp và địa phương cùng nhau nâng cao giá trị điểm đến của du lịch Hà Nội, thu hút du khách đến và lưu trú tại Thủ đô nhiều hơn, đặc biệt là khách quốc tế.

Hỗ trợ tập huấn nhân lực du lịch địa phương

Tại Hà Nội, Thành phố đã đặt mục tiêu năm nay sẽ đón và phục vụ từ 9 đến 10 triệu lượt khách, trong đó có 1,2-2 triệu lượt khách quốc tế. Chỉ 7 tháng của năm 2022, tổng khách du lịch đến Hà Nội đã đạt 10,62 triệu lượt khách, tăng gấp 3,6 lần so với cùng kỳ năm trước, vượt chỉ tiêu đề ra. Thị trường khách du lịch nội địa đang cho thấy sự tăng trưởng mạnh mẽ và đã phục hồi hoàn toàn.

Khơi thông điểm nghẽn để du lịch Hà Nội bứt phá
Du lịch Thủ đô đang phục hồi và phát triển sau dịch Covid-19.

Tuy nhiên, vấn đề gặp khó khăn hiện nay của ngành Du lịch Hà Nội nói riêng và Du lịch Việt Nam nói chung là lượng khách du lịch quốc tế vẫn còn thấp, chưa đạt được mục tiêu đề ra. Đến nay, cả nước mới có khoảng 1,8 triệu lượt khách quốc tế (thấp hơn 85,4% so với cùng kỳ năm 2019 và mới đạt được 1/3 so với mục tiêu). Riêng Thủ đô Hà Nội, tính đến tháng 9, mới đón được khoảng 766 nghìn lượt khách quốc tế, còn cách xa với mục tiêu đề ra.

Ngoài tỉ lệ khách quốc tế còn thấp, hiện nay, du lịch Hà Nội cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức mà cần phải có những biện pháp cụ thể và lâu dài để cải thiện. Theo bà Phạm Diễm Hảo, Phó Trưởng phòng Quy hoạch, phát triển tài nguyên du lịch (Sở Du lịch Hà Nội), đối với sản phẩm du lịch của Thủ đô đang được xây dựng và khai thác dựa trên các giá trị văn hóa tự nhiên chưa tương xứng các tiềm năng và lợi thế vốn có. Đặc biệt, Hà Nội hiện nay là chưa xây dựng được nhiều sản phẩm du lịch mang thương hiệu của Thủ đô. Bên cạnh đó, hệ thống cơ sở vật chất tại một số điểm du lịch tự do sau một thời gian dài không hoạt động đã xuống cấp và cần phải có sự đầu tư để có thể đáp ứng được chất lượng phục vụ du lịch.

Tương tự, nêu ý kiến tại diễn đàn, ông Lê Hồng Thái, Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist (Tổng công ty Du lịch Hà Nội) cho biết: “Giai đoạn này dịch vụ du lịch giống như lò xo kìm nén lâu ngày được bung ra, đặc biệt là từ dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5, 2/9 lượng khách du lịch nội địa tăng mạnh, chiếm 80% tổng lượng khách. Hầu hết các điểm du lịch đều quá tải, không chỉ vào thời điểm cuối tuần hay ngày lễ, mà vào ngày thường cũng đông. Điều này đặt ra vấn đề lớn đối với các đơn vị, doanh nghiệp du lịch nếu chưa chuẩn bị sẵn sàng sẽ có nguy cơ ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ phục vụ du khách”.

Trước những thách thức trên, ngành Du lịch nói chung và Hà Nội nói riêng đang nỗ lực nhiều giải pháp để đẩy mạnh hơn nữa việc phát triển du lịch nội địa, thu hút khách quốc tế. Với mục tiêu trong năm 2022, Hà Nội đón 1,2 triệu khách du lịch quốc tế và tăng thêm nữa trong thời gian tới, theo bà Phạm Diễm Hảo, Sở Du lịch Hà Nội sẽ đồng hành với các đơn vị, doanh nghiệp, địa phương để khắc phục những khó khăn, tổ chức tốt nhất cho việc đón khách du lịch. Cụ thể, việc xây dựng sản phẩm du lịch rất quan trọng, do đó, Sở Du lịch Hà Nội sẽ cùng các đơn vị, doanh nghiệp phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa, di sản, ẩm thực, làng nghề có sẵn, như tour du lịch Hoàng thành Thăng Long, Di tích Nhà tù Hỏa Lò, làng cổ Đường Lâm.

Trong đó, tăng cường những sản phẩm mới như tour đêm, tour du lịch mùa lúa chín, du lịch khinh khí cầu, du lịch thể thao. Sở Du lịch Hà Nội cũng sẽ mở lớp tập huấn cho nhân lực du lịch địa phương để nâng cao chất lượng phục vụ khách du lịch, đặc biệt là khách quốc tế. Sở sẽ rà soát các cơ sở lưu trú hiện tại bị xuống cấp để hỗ trợ các đơn vị có động lực tiếp tục nâng cao chất lượng và xây dựng sản phẩm mới.

Chú trọng xây dựng sản phẩm du lịch mới

Dưới góc nhìn của ngành Nông nghiệp, theo ông Trần Sỹ Tiến, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội (Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội), Hà Nội có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch nông nghiệp. Thông qua chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, Hà Nội đã công nhận được hơn 1.000 sản phẩm, trong đó có nhiều sản phẩm được đạt tiêu chuẩn 3 sao, 4 sao, 5 sao.

“Để mô hình du lịch nông nghiệp, du lịch làng nghề phát triển hơn, tôi cho rằng, trước hết, các cơ quan chức năng phải xây dựng quy hoạch du lịch tiềm năng trong xây dựng nông thôn mới. Cùng với đó là tiếp tục nhân rộng một số mô hình điểm, tương tự như mô hình tại làng nghề Bát Tràng, Vạn Phúc đang triển khai. Quá trình xây dựng mô hình du lịch kết hợp với nông nghiệp, làng nghề, cần có sự hỗ trợ của Nhà nước về cơ chế, chính sách; đồng thời cần sự vào cuộc đồng bộ của nhiều ngành”, ông Trần Sỹ Tiến nói.

Chia sẻ kinh nghiệm của địa phương để hút khách du lịch sau dịch Covid-19, ông Nguyễn Đăng Thạo, Trưởng ban Quản lý di tích Làng cổ Đường Lâm cho biết, với đặc thù của Làng cổ Đường Lâm, địa phương đã định hướng xây dựng một số sản phẩm phù hợp với mô hình du lịch cộng đồng và đã chú trọng việc kết nối điểm đến với các khu nghỉ dưỡng ở Ba Vì để tạo điều kiện cho khách lưu trú.

Ngoài ra, địa phương cũng tập trung xây dựng một số sản phẩm du lịch mới như: Du lịch trải nghiệm, du lịch làng nghề, “photo tour” (du lịch chụp ảnh), tổ chức tuyến phố đi bộ… Cùng với đó là thực hiện công tác xúc tiến, quảng bá du lịch qua các kênh thông tin báo chí, mạng xã hội. Bước đầu, những giải pháp này đã cho kết quả khả quan, khi 6 tháng qua, địa phương đã đón 25.000 lượt khách, lượng đặt phòng tăng 30% lượng khách đang dần đi vào ổn định./.

Phương Bùi