Không để lãng phí những khoảng xanh vô giá

Hà Nội đang tích cực triển khai thực hiện Chương trình 03 của Thành ủy với nhiệm vụ trọng tâm là chỉnh trang đô thị. Với kế hoạch cải tạo, xây mới công viên, vườn hoa trong giai đoạn 2021 – 2025, nhất là việc cải tạo, nâng cấp 3 công viên lớn Bách Thảo, Thủ Lệ, Thống Nhất, nhiều ý kiến kỳ vọng đây không chỉ là việc tạo diện mạo mới cho cảnh quan đô thị mà quan trọng hơn còn góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân Thủ đô.

Những mảng xanh dần chuyển xám

Trong nhiều thập kỷ trước, các công viên lớn nằm giữa lòng TP như Thống Nhất, Thủ Lệ, Bách Thảo đã thật sự là những “lá phổi” xanh, khoảng thở vô giá của đô thị; điểm đến vui chơi, giải trí thân thuộc với nhiều thế hệ người
Hà Nội và các tỉnh lân cận.

Người dân Hà Nội tản bộ dưới bóng cây xanh tại Công viên Thống Nhất, quận Hai Bà Trưng. Ảnh: Phạm Hùng
Người dân Hà Nội tản bộ dưới bóng cây xanh tại Công viên Thống Nhất, quận Hai Bà Trưng. Ảnh: Phạm Hùng

Tuy nhiên, trong những năm gần đây do không được đầu tư nâng cấp cải tạo thường xuyên, các công viên này đang ngày càng xuống cấp, không đáp ứng được nhu cầu của người dân và gây lãng phí lớn.

Tại Công viên Thống Nhất rất nhiều hạng mục đã xuống cấp, có những công trình hiện không còn sử dụng để hoang. Khu vui chơi ở phía Bắc công viên được cải tạo hoặc xây dựng mới song bố trí rải rác không theo từng cụm, khu vực. Phần lớn các công trình vui chơi này chủ yếu phục vụ trẻ em với quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu không tạo được sự hấp dẫn với người chơi.

Một số khu đã được cải tạo như khu vực cổng chính, khu đài phun nước, khu vực cổng đường Lê Duẩn và đường Đại Cồ Việt nhưng manh mún không theo quy hoạch tổng thể và không có chủ đề nhất định. Còn lại ở các khu vực khác hiện chỉ có đường dạo nhiều đoạn hỏng hóc, gồ ghề, không có bồn hoa tiểu cảnh, cây xanh chủ yếu là cây bóng mát.

Tương tự, tình trạng xuống cấp nặng nề cũng xảy ra ở Công viên Bách Thảo. Hệ thống đường nội bộ bị nứt gẫy, bong tróc, diện tích lát gạch Terazo, đá thẻ bị vỡ nát hư hỏng, các hạng mục công trình đã xây dựng lâu bị ẩm mốc xuống cấp.

Bên cạnh đó diện tích mặt nước bị bùn cặn lắng nhiều ảnh hưởng tới môi trường sinh thái, cổng chào xuống cấp không tạo được điểm nhấn cảnh quan cũng như chào đón du khách…

Sau một thời gian dài đưa vào sử dụng, Công viên Thủ Lệ hay còn gọi là Vườn thú Hà Nội hiện đang bị xuống cấp trầm trọng. Hệ thống chuồng trại và các khu nuôi nhốt bị hư hỏng, nhiều vị trí bị han rỉ, bong rộp nặng gây mất vệ sinh và mỹ quan, không tận dụng được công năng để các con thú vận động, ảnh hưởng tới việc chăm sóc nuôi nhốt cũng như phục vụ khách tham quan…

Không để lãng phí những khoảng xanh vô giá - Ảnh 1

Theo Kế hoạch số 332/KH-UBND ban hành vào cuối tháng 12/2021, từ nay đến năm 2025 TP Hà Nội sẽ nâng cấp, cải tạo 45 công viên, vườn hoa hiện có theo hai cấp độ tùy vào vị trí, quy mô công trình và mức độ xuống cấp. Trong đó, 3 Công viên Bách Thảo, Thủ Lệ, Thống Nhất được ưu tiên thực hiện cải tạo, nâng cấp theo mức độ 1.

Các công viên này sẽ được cải tạo đồng bộ các khu vực chính và khu vực xuống cấp, tạo điểm nhấn kiến trúc cảnh quan; thiết kế tổ chức mặt bằng, đường dạo, tiểu cảnh, cơ sở vật chất đồng bộ; kế thừa các hạng mục mới được đầu tư sửa chữa; trồng bổ sung cây hoa, cây cảnh; nâng cấp, sửa chữa, bổ sung hệ thống chiếu sáng, nhà vệ sinh, ghế ngồi, thùng rác, hệ thống cấp thoát nước, bể phun…

Đáng chú ý, TP định hướng nâng cấp Công viên Thống Nhất chuyển từ công viên “đóng” sang công viên mở, không còn hàng rào và mở cả về quản lý, cơ chế, nghĩa là không thu vé người vào để Nhân dân dễ tiếp cận. Đồng thời với đó là việc tạo lập không gian đi bộ dọc phố Trần Nhân Tông, từ đó sẽ nâng tầm giá trị không gian cảnh quan, tăng thêm khai thác các giá trị của Công viên Thống Nhất.

Cần sự phối hợp tích cực

Để triển khai kế hoạch hiệu quả và sớm hoàn thành, UBND TP đã thực việc phân cấp triệt để, giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành TP Hà Nội làm chủ đầu tư các công viên: Bách Thảo, Thủ Lệ, Thống Nhất, Hòa Bình bằng nguồn vốn ngân sách TP, còn lại giao UBND các quận làm chủ đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách quận. Các công viên, vườn hoa sau khi được các chủ đầu tư hoàn thành cải tạo, nâng cấp sẽ thực hiện bàn giao cho đơn vị quản lý, duy tu, duy trì theo phân cấp.

Không để lãng phí những khoảng xanh vô giá - Ảnh 2

Thông tin về tiến độ triển khai dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp chỉnh trang 3 Công viên Thủ Lệ, Bách Thảo, Thống Nhất, Phó Giám đốc Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình dân dụng TP Đỗ Việt Hưng cho hay, nhằm triển khai theo Chương trình 03 của Thành ủy Hà Nội, Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình văn hóa – xã hội (nay sáp nhập vào Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình dân dụng TP) đã chủ động phối hợp với các đơn vị quản lý sử dụng công viên và có hai văn bản gửi cơ quan chuyên môn của TP, đề nghị xem xét có tờ trình UBND TP giao nhiệm vụ lập chủ trương đầu tư cải tạo, nâng cấp 3 công viên.

Tuy nhiên đến nay, do vẫn còn phải rà soát, đánh giá về tài sản công trong các công viên theo quy định nên các cơ quan chuyên môn chưa có tờ trình gửi UBND TP. “Việc cải tạo, nâng cấp các công viên trong nội đô Hà Nội theo như chủ trương của TP là rất cấp thiết. Vấn đề là chúng ta cần đẩy nhanh tiến độ, do đó cần sự phối hợp tích cực của các đơn vị liên quan thì mới đạt được kế hoạch theo yêu cầu của TP” – ông Đỗ Việt Hưng nêu.

Không để lãng phí những khoảng xanh vô giá - Ảnh 3

Về chủ trương của TP thì Công viên Thống Nhất sẽ là công viên mở không có hàng rào, theo ông Đỗ Việt Hưng đây là chủ trương hoàn toàn đúng, và đơn vị lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư cũng đã có yêu cầu về giải pháp thiết kế chỉnh trang. Đó là các điểm đấu nối công viên với bên ngoài cần được thiết kế hài hòa với giao thông hè đường…

Cổng chỉ mang tính biểu tượng để tạo điểm nhấn không chỉ cho công viên, mà còn cho cả các tuyến đường đô thị bao quanh, không có tính đóng ngắt để kiểm soát các hoạt động sinh hoạt văn hóa, thể dục, giải trí… thường ngày trong công viên.

Các hoạt động công cộng cơ bản trong công viên sẽ gồm: Các khu tiểu cảnh, cây xanh vườn hoa, khu giao lưu văn hóa, các sân vui chơi giải trí, sân tập thể dục dưỡng sinh, các chòi nghỉ, trường lang thư giãn ngắm cảnh, các tiểu cảnh sinh động để có thể làm nơi chụp ảnh kỷ yếu, bố trí 2 – 3 khu vệ sinh công cộng kết hợp chỗ phục vụ giải lao, giải khát.

Các hạng mục này được bố trí rải rác và phân bổ đều theo đường dạo quanh công viên. Giao thông kết nối trong công viên chủ yếu là đường đi bộ, độ rộng từ 2 – 5m kết hợp với các sân chơi, thể dục thể thao, chỗ nghỉ… tạo thành một hệ thống khép kiến liên hoàn, và có thể tiếp cận từ ngoài và trên cả 4 mặt đường công viên.

“Hà Nội thay đổi cách quản lý hệ thống công viên hiện nay theo hướng công viên mở để mọi người dân đều có quyền tiếp cận mà không phải trả tiền phí vào cổng là hoàn toàn hợp lý, đây là xu hướng nhiều nước trên thế giới đã thực hiện.

Tuy nhiên, khi thực hiện phải đánh giá đầy đủ, xây dựng lộ trình, kịch bản rõ ràng. Nếu bỏ hàng rào mà không có sự phối hợp đồng bộ thì khó có thể quản lý về mặt quy hoạch đô thị. Sự đồng bộ phải đảm bảo ở nhiều khía cạnh từ cơ chế quản lý, vận hành công viên, tuyên truyền nâng cao ý thức người dân cho đến biện pháp về thiết kế, nếu không sẽ ảnh hưởng đến giao thông, trật tự an ninh, an sinh xã hội, đặt biệt tệ nạn xã hội rất dễ phát sinh.” – TS Đào Ngọc Nghiêm – Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam

Theo Vũ Lê/kinhtedothi.vn