Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh: Thay đổi từ nhận thức

Chi cục trưởng Chi cục Dân số – Kế hoạch hóa gia đình (Dân số – KHHGĐ) Hà Nội Tạ Quang Huy cho biết, việc coi trọng con trai đã ăn sâu bám rễ ở nhiều nơi, vì thế để thực hiện cải thiện tỷ lệ chênh lệch giới tính khi sinh cần có thời gian, lộ trình và sự vào cuộc, chung tay của các cấp, ngành, địa phương cùng thay đổi nhận thức của chính bản thân người dân.

Tỷ số giới tính khi sinh còn ở mức cao 113 trẻ trai/100 trẻ gái

Báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện công tác dân số kế hoạch hóa gia đình, Phó Chi cục trưởng Chi cục Dân số-KHHGĐ Hà Nội Nguyễn Minh Xuân cho biết, trong 6 tháng đầu năm năm 2022, tỷ lệ giảm sinh con thứ 3 trở lên trên địa bàn Thành phố đạt 7,2 % (giảm 321 trẻ tương đương giảm 0,4 % trẻ so với cùng kỳ năm 2021).

Tỷ số giới tính khi sinh còn ở mức cao 113 trẻ trai/100 trẻ gái, tăng so với cùng kỳ năm 2021 (112,7 trẻ trai/100 trẻ gái).

Tỷ lệ sàng lọc trước sinh 6 tháng đầu năm 2022 đạt 84,24%, tăng so với cùng kỳ năm 2021 (83,93%). Tỷ lệ sàng lọc sơ sinh đạt 86%. Tỷ lệ nam, nữ được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn: 30%. Số người áp dụng biện pháp tránh thai mới là 385.240 người.

Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh: Thay đổi từ nhận thức
Thời gian qua, Hà Nội đã triển khai nhiều hoạt động nâng cao chất lượng dân số.

Bà Nguyễn Minh Xuân cũng chia sẻ, Chi cục đã triển khai, duy trì các mô hình nâng cao chất lượng dân số ngày càng hoạt động có hiệu quả, nâng cao nhận thức của người dân, ổn định quy mô, cơ cấu dân số…

Ủy ban nhân dân (UBND) các quận, huyện, thị xã cũng đã hoàn thành công tác giao chỉ tiêu kế hoạch giảm sinh, giảm sinh con thứ 3 trở lên, chỉ tiêu sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh, chỉ tiêu sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại, chỉ tiêu khám sức khỏe người cao tuổi năm 2022 cho các xã, phường, thị trấn; 100% xã, phường, thị trấn đã triển khai kế hoạch công tác Dân số và giao chỉ tiêu đến các thôn, tổ dân phố.

Chiến dịch tăng cường tuyên truyền vận động cung cấp dịch về dân số năm 2022 triển khai trong bối cảnh Hà Nội đã đạt mức sinh thay thế, hệ thống Y tế cơ sở hầu hết đã cung cấp dịch vụ KHHGĐ/chăm sóc sức khoẻ sinh sản được thường xuyên, vì thế tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại duy trì ở mức 76% số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ.

Bên cạnh những kết quả đạt được trong công tác dân số, mức sinh, sinh con thứ 3 trở lên ở một số huyện trên địa bàn Thành phố còn cao, mật độ dân số phân bố không đồng đều, chất lượng dân số vẫn còn nhiều hạn chế.

Nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022, Chi cục Dân số – KHHGĐ Hà Nội tiếp tục đặt mục tiêu thực hiện có hiệu quả các hoạt động nâng cao chất lượng dân số. Trong đó, tập trung các giải pháp để thực hiện hoàn thành chỉ tiêu giảm sinh con thứ 3 trở lên; tỷ lệ sàng lọc trước sinh đạt 82%; tỷ lệ sàng lọc sơ sinh đạt 86%; tỷ số giới tính khi sinh đạt 112,5 trẻ trai/100 trẻ gái.

Tuyên truyền “mưa dầm thấm lâu” về bình đẳng giới

Trước những kết quả trên, nhiều ý kiến cho rằng, những năm qua Hà Nội đã có nhiều biện pháp và hoạt động nhằm cải thiện tỷ số giới tính khi sinh, tuy nhiên đây vẫn là vấn đề đáng chú ý trong thực hiện chỉ tiêu hằng năm. Vậy những nguyên nhân, khó khăn nào khiến tỷ lệ chênh lệch giới tính khi sinh chưa có nhiều cải thiện lớn? Cũng có ý kiến băn khoăn, tỷ lệ sinh con thứ ba và có tỷ lệ chênh lệch giới tính khi sinh cao thường rơi vào các huyện ngoại thành như Mỹ Đức, Chương Mỹ, Ứng Hòa, Mê Linh…? Nguyên nhân của thực trạng này có phải do khoảng cách về trình độ, nhận thức giữa nội thành và ngoại thành? Ngành dân số Thủ đô đã triển khai công tác thanh tra, kiểm tra như thế nào để hạn chế tình trạng lựa chọn giới tính thai nhi?

Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh: Thay đổi từ nhận thức
Ông Tạ Quang Huy, Chi cục trưởng Chi cục Dân số – KHHGĐ cho biết khó khăn nhất của công tác dân số chính là hạ thấp tỷ lệ chênh lệch giới tính khi sinh.

Đề cập về vấn đề này, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Thanh Oai Nguyễn Đình Túc khẳng định việc giảm tỷ lệ chênh lệch giới tính khi sinh những năm gần đây chưa được như mong muốn là vấn đề các cơ sở luôn trăn trở. Ông Túc cho biết, cách đây 3 năm, huyện Thanh Oai có tỷ số giới tính khi sinh là 114 trẻ trai/100 trẻ gái; 6 tháng đầu năm 2022 mục tiêu tỷ số này ở ngưỡng 112 trẻ trai/100 trẻ gái và phấn đấu 111,8 trẻ trai/100 trẻ gái.

Phó Giám đốc TTYT huyện Thanh Oai cho rằng, mỗi năm giảm từ 0,2 – 0,3 điểm tỷ số giới tính khi sinh là sự thay đổi đáng kể với nỗ lực lớn. Thực tế, nhiều gia đình ở vùng ngoại thành vẫn giữ tục lệ, tâm lý mong muốn có con trai. Cùng với việc có điều kiện kinh tế, các gia đình càng có xu hướng lựa chọn con trai nhiều hơn.

“Biện pháp cải thiện tỷ lệ chênh lệch giới tính khi sinh hiện nay chủ yếu vẫn là qua hình thức tuyên truyền, “mưa dầm thấm lâu” để người dân nhận thức rõ sự bình đằng giữa trẻ em trái và trẻ em gái. Cùng với đó là cần có chế tài và khung xử phạt, biện pháp răn đe mạnh mẽ hơn nữa đối với các cơ sở lựa chọn giới tính thai nhi”, ông Túc nói.

Làm rõ hơn vấn đề này, ông Tạ Quang Huy, Chi cục trưởng Chi cục Dân số – KHHGĐ cho biết khó khăn nhất của công tác dân số chính là hạ thấp tỷ lệ chênh lệch giới tính khi sinh. “Khó khăn nhất của công tác dân số chính là hạ thấp tỷ lệ chênh lệch giới tính khi sinh. Cách đây 10 năm, tỷ số giới tính khi sinh của Hà Nội là 117 trẻ trai/100 trẻ gái. Qua nhiều năm kiên trì, năm 2021, tỷ số này giảm xuống còn 113 trẻ trai /100 trẻ gái.

Năm 2022 phấn đấu không quá 112,5 trẻ trai/100 trẻ gái. Do xuất phát điểm của Hà Nội cao so với cả nước và vấn đề văn hóa coi trọng con trai đã ăn sâu bám rễ, vì thế để thực hiện cải thiện tỷ lệ chênh lệch giới tính khi sinh cần có thời gian, lộ trình và sự vào cuộc, chung tay của các cấp, ngành, địa phương cùng chính bản thân của người dân”, Chi cục trưởng Chi cục Dân số – KHHGĐ Hà Nội Tạ Quang Huy cho hay.

Thông tin về công tác thanh tra, kiểm tra phòng khám tư nhân lựa chọn giới tính thai nhi của các cơ quan chức năng, Chi cục trưởng Chi cục Dân số – KHHGĐ chia sẻ, UBND Thành phố đã phân cấp cho UBND các quận, huyện phối hợp với phòng y tế thường xuyên kiểm tra. Đến khoảng tháng 8 – 9/2022, 30 quận, huyện sẽ có báo cáo rõ về vấn đề này.

Trần Vũ
https://laodongthudo.vn/kiem-soat-mat-can-bang-gioi-tinh-khi-sinh-thay-doi-tu-nhan-thuc-141799.html