Kiểm tra, kiểm soát thủ tục hành chính: Để hoạt động công vụ hiệu quả

Một trong những hoạt động nhằm kiểm soát thủ tục hành chính (TTHC), thực hiện tốt cơ chế một cửa, một cửa liên thông được thành phố Hà Nội thực hiện trong thời gian qua là tăng cường công tác kiểm tra, giám sát. Ngay từ đầu năm, Ủy ban nhân dân (UBND) Thành phố đã ban hành kế hoạch kiểm tra hoạt động kiểm soát TTHC, làm cơ sở cho các cơ quan, đơn vị trực thuộc xây dựng kế hoạch kiểm tra tại đơn vị mình.

Nâng cao mức độ hài lòng của người dân

Tại huyện Hoài Đức, công tác kiểm tra công vụ, kiểm tra công tác cải cách hành chính, việc thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TU ngày 7/8/2023 của Ban Thường vụ Thành ủy, Chỉ thị số 22/CT-UBND ngày 22/12/2022 của Chủ tịch UBND Thành phố, văn bản số 1259/UBND-TH ngày 27/4/2023 của UBND Thành phố được huyện thực hiện nghiêm túc. Trong năm 2023, Hội đồng nhân dân huyện đã giám sát việc thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính năm 2023 đối với UBND huyện và 6 xã, thị trấn (Trạm Trôi, Đức Thượng, An Khánh, Dương Liễu, Vân Côn, Song Phương).

Kiểm tra, kiểm soát thủ tục hành chính: Để hoạt động công vụ hiệu quả
Bộ phận một cửa phường Phú Lãm, quận Hà Đông giải quyết TTHC cho người dân.

Bà Đồng Thị Nga, Chánh Văn phòng UBND huyện cho biết, UBND huyện đã tiến hành 80 lượt kiểm tra công vụ, kiểm tra cải cách hành chính, kiểm tra chuyên đề đối với các đơn vị thuộc huyện. Trong đó kiểm tra đột xuất 7 lượt; kiểm tra có báo trước 41 lượt (gồm kiểm tra cải cách hành chính, việc thực hiện Đề án 06, Quy tắc ứng xử, việc thực hiện công tác PAPI…) và kiểm tra cải cách hành chính qua báo cáo với 32 đơn vị.

Kết quả kiểm tra cho thấy, cán bộ, công chức các cơ quan, đơn vị luôn chấp hành nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính, chấp hành nội quy, quy định về thời gian làm việc; cán bộ, công chức, viên chức có trang phục, tác phong văn minh, lịch sự, ứng xử đúng mực, niềm nở phục vụ nhân dân, giải quyết hồ sơ TTHC đúng và trước hạn.

Qua kiểm tra, huyện đã nhắc nhở, chấn chỉnh các đơn vị khắc phục ngay các hạn chế, thiếu sót, góp phần nâng cao mức độ hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cán bộ, công chức cũng như các cơ quan, đơn vị trực thuộc.

Năm 2023, quận Hà Đông đề ra 29 nhiệm vụ trong công tác cải cách hành chính cần thực hiện. Tính đến hết tháng 9/2023, 100% các nhiệm vụ quận đã hoàn thành, trong đó có nhiều nhiệm vụ hoàn thành đạt kết quả cao, như công tác sơ kết Chương trình 01-CTr/TU của Thành ủy giai đoạn 2021-2025; sơ kết thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị; ủy quyền giải quyết TTHC; xây dựng quy trình nội bộ ngoài TTHC; công tác kiểm tra công vụ…

Quận Hà Đông cũng đã kiểm tra công vụ đột xuất 12 phòng chuyên môn, 17 UBND phường; kiểm tra công tác kiểm soát TTHC và thực hiện quy trình nội bộ ngoài TTHC với 1 phòng chuyên môn và 2 UBND phường; kiểm tra kiểm soát TTHC kết hợp kiểm tra quy trình nội bộ 2 phòng, 5 phường. Đồng thời, tổ chức lấy phiếu đánh giá mức độ hài lòng của người dân đối với sự phục vụ hành chính năm 2023 của UBND quận và các phường thông qua quét mã QR-code. Việc tiếp nhận, giải quyết TTHC theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông được tổ chức hoạt động hiệu quả.

Bên cạnh đó, quận đã thực hiện rà soát, ban hành 38 Quyết định ủy quyền trong giải quyết TTHC theo các phương án ủy quyền được phê duyệt tại Quyết định số 4610/QĐ-UBND của UBND Thành phố. Rà soát, xây dựng quy trình giải quyết TTHC theo tiêu chuẩn ISO 9001:2015 đối với 87 thủ tục được ủy quyền từ UBND Thành phố và các sở về UBND quận…

Chú trọng kiểm tra đột xuất, tái kiểm tra

Tại huyện Thường Tín, thời gian qua, lãnh đạo huyện đã quyết liệt chỉ đạo các đơn vị, địa phương thực hiện công tác kiểm soát TTHC trên địa bàn. Theo Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Nguyễn Xuân Minh, tính đến giữa tháng 11/2023, UBND huyện đã kiểm tra đột xuất hoạt động kiểm soát TTHC với 14/29 xã, thị trấn và cơ quan trên địa bàn kết hợp với kiểm tra thực thi công vụ.

Qua đó, kịp thời chấn chỉnh việc thực hiện các quy định liên quan đến một số nội dung giúp tăng cường trách nhiệm và nâng cao hiệu quả công tác cải cách TTHC, kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho người dân và doanh nghiệp. Việc kiểm tra đột xuất đã giúp hoạt động ở Bộ phận “Một cửa”, đội ngũ cán bộ đầu mối, cán bộ tham gia thực hiện kiểm soát TTHC của huyện và 29 xã, thị trấn từng bước nâng cao năng lực trình độ. Đồng thời, UBND huyện cũng đã chỉ đạo Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả huyện, các cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện và 29 xã, thị trấn thường xuyên tiến hành rà soát, kịp thời cập nhật các bộ TTHC mới ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung.

Trong thời gian tới, huyện Thường Tín xác định sẽ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, địa phương nâng cao hơn nữa vai trò người đứng đầu đơn vị trong thực hiện kiểm soát TTHC, lấy đây là chỉ số điểm đánh giá thi đua hằng tháng của cán bộ, địa phương; tăng cường hướng dẫn, kiểm tra các cơ quan, đơn vị, UBND xã, thị trấn trong việc thực hiện, triển khai công tác kiểm soát TTHC; ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết TTHC; đẩy mạnh hoạt động truyền thông để người dân, tổ chức kịp thời nắm bắt và giám sát việc giải quyết TTHC của cơ quan Nhà nước…

Thực tiễn quản lý của các cơ quan, đơn vị cho thấy, thông qua công tác kiểm tra, đã kịp thời phát hiện các vi phạm, thiếu sót trong hoạt động kiểm soát TTHC, đồng thời kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cũng như biểu dương, nhân rộng các cách làm hay, có hiệu quả.

Báo cáo Hội đồng nhân dân Thành phố tại Kỳ họp thứ 14 đang diễn ra, UBND Thành phố cho biết, một trong các nhiệm vụ trọng tâm của công tác cải cách hành chính năm 2024 là tăng cường công tác kiểm tra, tự kiểm tra việc thực hiện cải cách hành chính, chú trọng kiểm tra đột xuất, tái kiểm tra việc khắc phục tồn tại, hạn chế được chỉ ra từ đợt kiểm tra trước đây. Đồng thời, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu các cấp, các ngành; xử lý kịp thời, nghiêm minh đối với cán bộ, công chức, viên chức vi phạm kỷ luật và trách nhiệm thực thi công vụ, gây khó khăn, phiền hà cho cá nhân, tổ chức gắn với việc thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TU của Thành ủy.

UBND Thành phố vừa ban hành Quyết định số 5758/QĐ-UBND về việc phê duyệt các quy trình nội bộ giải quyết TTHC lĩnh vực Luật sư, Công chứng, Hộ tịch, Lý lịch tư pháp thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của cơ quan, đơn vị thuộc thành phố Hà Nội.

Theo đó, phê duyệt kèm theo Quyết định quy trình giải quyết 44 thủ tục, gồm 7 thủ tục thuộc thẩm quyền cấp Thành phố; 17 thủ tục thuộc thẩm quyền của UBND cấp huyện; 17 thủ tục thuộc thẩm quyền của UBND cấp xã; 3 thủ tục liên thông. UBND Thành phố giao Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan, căn cứ Quyết định xây dựng quy trình điện tử giải quyết TTHC để phục vụ việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến theo quy định.

Phương Thảo

Kiểm tra, kiểm soát thủ tục hành chính: Để hoạt động công vụ hiệu quả (laodongthudo.vn)