Kiến nghị rút ngắn thời gian cấp lý lịch tư pháp

Nhân dịp tổng kết công tác tư pháp năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023, Bộ Tư pháp đã ban hành bộ tài liệu trả lời kiến nghị của các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân (UBND) các tỉnh, thành với công tác chỉ đạo, điều hành của Bộ Tư pháp năm 2022. Đáng quan tâm, thành phố Hà Nội đã kiến nghị Bộ Tư pháp nhiều vấn đề nhằm đẩy mạnh cải cách hành chính, rút ngắn thời gian đăng ký hộ tịch, cấp phiếu lý lịch tư pháp (LLTP) cho công dân.

Ủy quyền ký chứng thực cho công chức tư pháp hộ tịch xã,thị trấn

Từ kết quả khả quan của việc ủy quyền cho công chức tư pháp hộ tịch các phường trực tiếp ký chứng thực, UBND thành phố Hà Nội đề nghị Bộ Tư pháp kiến nghị với Chính phủ cho phép thực hiện chính thức từ quy định trong Nghị định (thực hiện thí điểm) thành quy định trong Luật (Luật Thủ đô, Nghị quyết của Quốc hội) để tạo cơ sở pháp lý quan trọng, ổn định, lâu dài cho việc ủy quyền ký chứng thực.

Kiến nghị rút ngắn thời gian cấp lý lịch tư pháp
Người dân làm thủ tục cấp phiếu lý lịch tư pháp tại Sở Tư pháp Hà Nội.

Đồng thời, cho phép mở rộng phạm vi được ủy quyền ký chứng thực đến UBND các xã, thị trấn để tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp được hưởng lợi ích từ việc ủy quyền ký chứng thực, giúp lãnh đạo UBND các xã, thị trấn có thêm thời gian giải quyết các công việc khác của địa phương, vì tiêu chuẩn, trình độ, kinh nghiệm của công chức Tư pháp – Hộ tịch phường và công chức Tư pháp – Hộ tịch xã, thị trấn tương đương.

Bộ Tư pháp cho biết, theo Nghị định số 32/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và biện pháp thi hành Nghị quyết số 97/2019/QH14 thì Bộ Nội vụ có trách nhiệm: hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra việc thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội; chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội trình Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội sơ kết việc thực hiện thí điểm. Do đó, Bộ Tư pháp ghi nhận kiến nghị liên quan đến lĩnh vực quản lý của ngành Tư pháp để trao đổi với Bộ Nội vụ khi thực hiện sơ kết việc thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội.

Từ thực tiễn quản lý, thành phố Hà Nội cũng đề xuất Bộ Tư pháp kiến nghị các Bộ, ngành có liên quan quan tâm chỉ đạo hệ thống cơ quan ngành dọc của mình tại địa phương triển khai có hiệu quả việc thi hành Luật LLTP và các văn bản có liên quan để góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, thúc đẩy cải cách hành chính, cải cách tư pháp. Đồng thời, đề nghị tăng cường tập huấn, đào tạo kỹ năng làm công tác LLTP cho công chức Sở Tư pháp và các cơ quan, đơn vị có liên quan; bổ sung thêm các quy định về chính sách đãi ngộ đối với cán bộ, công chức làm công tác LLTP.

UBND thành phố Hà Nội cũng đề nghị Chính phủ sớm triển khai sửa đổi, bổ sung Luật LLTP và Nghị định số 111/2010/NĐ-CP theo hướng quy định đương nhiên xóa án tích là một thủ tục hành chính, cần tách biệt với thủ tục cấp phiếu LLTP. Trong đó, thời hạn đương nhiên xóa án tích cần quy định phù hợp với tình hình giải quyết thực tế tại các Sở Tư pháp.

Nghiên cứu hoàn thiện pháp luật về LLTP

Theo Bộ Tư pháp, hiện nay, Luật LLTP năm 2009 và các văn bản hướng dẫn thi hành đã quy định cơ bản đầy đủ về cơ chế phối hợp, làm rõ trách nhiệm, thẩm quyền, thời hạn trao đổi, cung cấp, tra cứu và xác minh thông tin LLTP giữa cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu LLTP và các cơ quan có liên quan như Tòa án, Viện kiểm sát, cơ quan Công an, thi hành án dân sự, cơ quan có liên quan thuộc Bộ Quốc phòng… để xây dựng cơ sở dữ liệu và cấp Phiếu LLTP.

Theo Bộ Tư pháp, pháp luật về LLTP đã quy định cụ thể về trình tự, thủ tục và thời hạn cấp Phiếu LLTP nói chung và trong trường hợp phải xác minh điều kiện đương nhiên được xóa án tích nói riêng. Đặc biệt, tại Nghị định số 111/2010/NĐ-CP và Thông tư liên tịch số 04/2010/TTLTP-BTP-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP đã quy định cụ thể về cơ chế phối hợp và trách nhiệm của mỗi ngành (tư pháp, công an, tòa án, viện kiểm sát) ở Trung ương và địa phương trong phối hợp tra cứu, xác minh thông tin để cấp Phiếu LLTP.

“Theo quy định của pháp luật LLTP, để chứng minh cá nhân có hay không có án tích, bị cấm hay không bị cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị Tòa án tuyên bố phá sản hay không thì cá nhân này phải thực hiện thủ tục yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp tại cơ quan có thẩm quyền cấp Phiếu. Việc quy định thêm về thủ tục cấp Phiếu LLTP cho những trường hợp đương nhiên được xóa án tích sẽ làm phát sinh thêm thủ tục hành chính, đồng thời đẩy trách nhiệm chứng minh việc có án tích hay không có án tích cho người dân”, Bộ Tư pháp cho biết.

Thời gian qua, các Bộ, ngành đã có sự phối hợp hiệu quả, cung cấp thông tin theo Luật LLTP và các văn bản hướng dẫn thi hành để xây dựng cơ sở dữ liệu LLTP và cấp Phiếu LLTP. Tuy nhiên trong thực tiễn triển khai các quy định nêu trên vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc, xuất phát từ nhiều nguyên nhân như: đương sự đã cư trú tại nhiều nơi; do sự chia tách, sát nhập của các cơ quan đã từng lưu trữ, quản lý thông tin; do án tích có trước ngày 1/7/2010 (ngày Luật LLTP có hiệu lực); đặc biệt nhiều trường hợp bị kết án từ rất lâu (có án tích từ 20, 30 năm), nhận thức của một số ít cơ quan về công tác này chưa đúng mức… Do đó, công tác phối hợp tra cứu, xác minh, cung cấp thông tin còn chậm trễ, chất lượng chưa bảo đảm, kéo dài thời hạn cấp Phiếu LLTP, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích của công dân cũng như chưa đáp ứng được yêu cầu về cải cách hành chính.

Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện cơ chế phối hợp trao đổi, cung cấp thông tin về án tích như các kiến nghị nêu trên, trong thời gian tới, Bộ Tư pháp cho biết sẽ tổ chức cuộc họp liên ngành để tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng để chỉ đạo các cơ quan liên quan thuộc Bộ, ngành mình triển khai nghiêm túc, hiệu quả các quy định của pháp luật về LLTP, đồng thời cũng nghiên cứu hoàn thiện pháp luật về LLTP thời gian tới.

Bộ Tư pháp cũng đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tiếp tục quan tâm, chỉ đạo đối với cơ quan Công an và đề nghị cơ quan Tòa án, Viện kiểm sát tại địa phương thực hiện tốt hơn nữa các quy định của pháp luật về LLTP, bảo đảm cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời cho Sở Tư pháp để phục vụ xây dựng cơ sở dữ liệu và cấp Phiếu LLTP.

Từ khi Luật LLTP được ban hành đến nay, Bộ Tư pháp đã tổ chức nhiều lớp tập huấn cho đội ngũ cán bộ làm công tác LLTP tại Trung tâm LLTP quốc gia và các Sở Tư pháp về nghiệp vụ xây dựng cơ sở dữ liệu LLTP, cách sử dụng Phần mềm Quản lý LLTP trong công tác xây dựng cơ sở dữ liệu và cấp Phiếu LLTP, qua đó kịp thời tháo gỡ được nhiều khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn công tác LLTP nói chung và việc cấp Phiếu LLTP cho những trường hợp đương nhiên được xóa án tích nói riêng.

Theo nghiên cứu, tổng hợp các báo cáo các địa phương trên toàn quốc của Trung tâm LLTP quốc gia thì những khó khăn, vướng mắc trong công tác tra cứu, xác minh thông tin để cấp Phiếu LLTP cho các đối tượng này chủ yếu phát sinh từ sự phối hợp của các cơ quan cung cấp thông tin, không xuất phát từ lỗi người yêu cầu cấp Phiếu LLTP. Nhiều cơ quan nhận được đề nghị của Trung tâm LLTP quốc gia hoặc của Sở Tư pháp yêu cầu tra cứu, xác minh thông tin để cấp Phiếu LLTP đã chậm trả lời hoặc không trả lời dẫn đến khó khăn trong việc xác định tình trạng án tích của cá nhân yêu cầu cấp Phiếu LLTP.

Để giải quyết những hạn chế, vướng mắc trong công tác phối hợp tra cứu, xác minh nêu trên, Bộ Tư pháp đã phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương xây dựng trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 111/2010/NĐ-CP, trong đó, đã bổ sung quy định về Xác nhận tình trạng án tích trong trường hợp quá thời hạn tra cứu, xác minh thông tin LLTP. /.

Phương Thảo
https://laodongthudo.vn/kien-nghi-rut-ngan-thoi-gian-cap-ly-lich-tu-phap-150328.html