Kinh nghiệm xây dựng Thỏa ước lao động tập thể

Thời gian qua, Công đoàn Công ty cổ phần Dược phẩm Thiết bị Y tế Hà Nội (trực thuộc Công đoàn ngành Y tế Hà Nội) đã chú trọng thương lượng, ký kết và nâng cao chất lượng Thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT). Nhiều bản Thỏa ước có nội dung phúc lợi cao hơn so với luật định, giúp người lao động (NLĐ) cải thiện thu nhập, ổn định việc làm và nâng cao đời sống.

Hiện nay, Công đoàn Công ty cổ phần Dược phẩm Thiết bị Y tế Hà Nội đang quản lý 260 đoàn viên, trong đó có 9 tổ Công đoàn tại các phòng ban, chi nhánh, đơn vị trực thuộc công ty. Thời gian qua, Ban Chấp hành Công đoàn Công ty đã cố gắng triển khai có hiệu quả các hoạt động chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, NLĐ, đặc biệt, trong việc xây dựng và đưa vào thực hiện có hiệu quả TƯLĐTT.

Kinh nghiệm xây dựng Thỏa ước lao động tập thể
Phó Chủ tịch Công đoàn Công ty cổ phẩn Dược phẩm Thiết bị y tế Hà Nội Nguyễn Quỳnh Diệp

Theo đồng chí Nguyễn Quỳnh Diệp, Phó Chủ tịch Công đoàn Công ty cổ phần Dược phẩm Thiết bị Y tế Hà Nội: Xác định, trong nền kinh tế thị trường nhiều thành phần, tranh chấp lao động xảy ra ngày càng nhiều, làm tổn hại đến lợi ích của các bên, nên TƯLĐTT là văn bản pháp lý quan trọng, là “Luật Lao động đặc định riêng” của doanh nghiệp nhằm đảm bảo lợi ích của cả NLĐ và người sử dụng lao động, tạo ra những ràng buộc cả hai bên đều có trách nhiệm, nghĩa vụ thực hiện các cam kết. Từ đó, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, tiến bộ trong doanh nghiệp; phòng ngừa và hạn chế những tranh chấp lao động, xung đột lao động.

Công đoàn với chức năng đại diện, chăm lo cho quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ; là người đại diện cho tiếng nói, tâm tư, nguyện vọng của NLĐ trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp. Công đoàn cần phải coi TƯLĐTT là phương tiện hữu hiệu nhất để đảm bảo quyền và lợi ích của NLĐ. Vì vậy, Ban Chấp hành Công đoàn Công ty đã thể hiện đầy đủ trách nhiệm của mình khi được tập thể NLĐ giao phó trong quá trình thương lượng, ký kết và thực hiện TƯLĐTT tại doanh nghiệp.

Theo đó, để xây dựng và đưa vào thực hiện có hiệu quả TƯLĐTT, Công đoàn Công ty đã làm tốt công tác chuẩn bị như thu thập và xử lý các loại thông tin về tình hình sản xuất kinh doanh, đời sống vật chất và tinh thần NLĐ; nắm vững các quy định của pháp luật lao động… Đồng thời, tiến hành thương lượng với người sử dụng lao động. Trong đó, cần xác minh mục tiêu, yêu cầu của thương lượng và thống nhất ý kiến trong Ban đại diện xây dựng, thương lượng và ký kết TƯLĐTT.

Đặc biệt, trước khi ký kết, dự thảo TƯLĐTT được các bên đàm phán lấy ý kiến của toàn bộ NLĐ trong doanh nghiệp. TƯLĐTT doanh nghiệp chỉ được ký kết khi có trên 50% NLĐ của doanh nghiệp biểu quyết tán thành. “Riêng trong thời gian diễn ra đại dịch Covid-19, việc tổ chức đối thoại tại nơi làm việc trong doanh nghiệp bị gián đoạn, chỉ được diễn ra chủ yếu dưới hình thức kết nối online. Việc lấy ý kiến của NLĐ về TƯLĐTT tại công ty được thực hiện thông qua cả trực tiếp gặp mặt và tiếp nhận thông tin qua email, tin nhắn qua các mạng xã hội như zalo, facebook trong các nhóm công đoàn”- Phó Chủ tịch Công đoàn Công ty cổ phần Dược phẩm Thiết bị Y tế Hà Nội cho biết.

Cũng theo đồng chí Quỳnh Diệp, đối với việc tổ chức thực hiện Thỏa ước cần tuyên truyền, phổ biến TƯLĐTT đến NLĐ; kiến nghị người sử dụng lao động điều chỉnh các hợp đồng lao động đã được ký có lợi ích thấp hơn, các qui định về lao động trong doanh nghiệp cho phù hợp với TƯLĐTT mới; phối hợp với người sử dụng lao động kiểm tra định kỳ việc thực hiện Thoả ước của các bên; xây dựng cơ chế phòng ngừa và giải quyết tranh chấp lao động…, nhằm chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên công đoàn, hướng tới lợi ích thiết thực cho đoàn viên, NLĐ.

Minh Khuê
https://laodongthudo.vn/kinh-nghiem-xay-dung-thoa-uoc-lao-dong-tap-the-157815.html