Kỳ 2: Phố cổ trong “cơn bão” dịch

Trong “cơn bão” dịch Covid-19, phố cổ Hà Nội trở nên “khác lạ”. Nhiều người dân Hà Nội ví phố cổ thời điểm này như thuở hàng chục năm về trước, khi khách du lịch, đặc biệt là khách Tây chưa có nhiều. Phố xá Hà Nội trong những ngày này thật bình yên, người ta có thể chầm chậm rảo bước ngắm phố phường chứ không đông đúc như trước khi dịch bệnh bùng phát. Người phố cổ lâu rồi mới được sống chậm, thu mình lại như những năm tháng xưa cũ…

Kỳ 2: Phố cổ trong cơn bão dịch
Dịch Covid-19 làm xáo trộn nhiều sinh hoạt, ảnh hưởng đến đời sống của người dân Khu phố cổ.

Nhịp sống phố thị thay đổi

Một buổi sáng ngày đầu tháng 7, như mọi ngày bà Nguyễn Thị Hiền (85 tuổi), chủ một cửa hàng bán dụng cụ âm nhạc dân tộc trên phố Hàng Gai (quận Hoàn Kiếm) đưa chiếc ghế nhỏ ra trước cửa nhà, bà đưa mắt lặng nhìn sự thay đổi hằng ngày của phố xá và ngẫm nghĩ về cuộc đời. Đây vốn là thói quen suốt nhiều năm nay của bà Hiền, đặc biệt, khi dịch Covid-19 “tràn về” khiến nhịp sống ở phố cổ thay đổi “chóng mặt”.

Bà Hiền cho biết mình gắn bó với phố cổ “cả một đời”, từ khi sinh ra đến khi lấy chồng, sinh con và ở tuổi “xưa nay hiếm”, bà chưa từng rời xa nơi đây lâu quá 3 ngày. Sống ở phố cổ Hà Nội, bà đã trải qua hầu hết các giai đoạn thay đổi của nơi đây, từ kinh tế, văn hóa cho đến con người.

“Trước kia, người Hà Nội thích yên bình, chính sự yên bình đó tạo nên phố xá, phố nghề Hà Nội. Mỗi nhà mỗi nghề, nhưng nhà ai có việc đều biết. Có khi một nhà có việc thì cả phố người ta đến giúp mọi người giao hoà với nhau như thể trong một làng. Rồi đến khi du lịch phát triển, phố cổ Hà Nội lại trở nên sôi động, đông đúc, náo nhiệt và giờ đây, khi Covid-19 xuất hiện, phố cổ lại trở lại vẻ tĩnh lặng”, bà Hiền chia sẻ.

Nói về sự thay đổi của phố cổ, bà Hiền khẳng định, dịch Covid-19 không chỉ làm xáo trộn nhiều sinh hoạt, ảnh hưởng đến đời sống của người dân mà còn khiến nhu cầu giao thương, buôn bán bị ảnh hưởng rất lớn. Nhiều cửa hàng, doanh nghiệp gặp khó khăn, phải dừng kinh doanh hoặc sang nhượng lại. Trên nhiều con phố ở Hà Nội, kể cả các khu phố cổ như Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Gai, Đinh Lễ… vốn “tấc đất tấc vàng”, giờ nhiều cửa hàng cũng phải chịu cảnh bỏ không.

Cửa hàng chuyên bán nhạc cụ dân tộc như đàn, sáo, trống… của gia đình bà Hiền trên phố Hàng Gai đã có từ 4 đời nay. Từ trước đến nay, đối tượng chủ yếu đến tham quan, mua hàng là khách nước ngoài. Theo chia sẻ của bà, nếu như trước thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, cửa hàng gần 30m2 này đã có thể nuôi sống cả gia đình, thế nhưng từ khi bệnh dịch tràn về, cửa hàng phải đóng cửa suốt thời gian dài.

Kỳ 2: Phố cổ trong
Bà Nguyễn Thị Hiền (85 tuổi), chủ một cửa hàng bán dụng cụ âm nhạc dân tộc trên phố Hàng Gai kể về sự thay đổi của phố cổ.

“Trước đây, đa phần những người dân phố cổ chúng tôi sống dựa vào du lịch. Thế nhưng, gần 2 năm trở lại đây, gần như “chết hẳn”, chúng tôi thậm chí không bán được mặt hàng nào. Vì là cửa hàng truyền thống lâu đời của gia đình nên chúng tôi muốn duy trì chứ không có ý định chuyển sang ngành nghề khác. Trước khi dịch Covid-19 xảy ra, rất nhiều người hỏi thuê địa điểm với mức giá “đáng mơ ước” nhưng tôi không đồng ý, bởi cả gia đình tôi đã sống ở đây, gắn bó không thể tách rời. Đó là ký ức, là kỉ niệm và là thứ “báu vật” vô giá”, bà Hiền tâm sự.

Tương tự, bà Nguyễn Thị Huê, bán hàng ăn sáng trên phố Hàng Bạc (quận Hoàn Kiếm) thì cho biết, trước đây, trên phố này đông vui lắm, người mua kẻ bán nhộn nhịp. Thế nhưng từ ngày Covid-19 tràn về, cuộc sống khó khăn hẳn đi. Vào những đợt không thực hiện giãn cách, Thành phố cho phép, bà chủ yếu bán cho khách quen mang về để kiếm tiền chi tiêu qua ngày, tự giải quyết cuộc sống của mình. “Những ngày này, phố cổ lạ mà quen, lạ là bởi rất nhiều năm nay tôi mới lại chứng kiến sự chậm dãi, nhẹ nhàng, tĩnh lặng của phố cổ như bây giờ”, bà Huê bày tỏ.

Tự làm mới mình để thích ứng

Nhiều năm dựa vào du lịch để làm ăn, buôn bán, cửa hàng bán đồ ăn vặt của gia đình anh Nguyễn Thanh Tùng (phố Tạ Hiện, quận Hoàn Kiếm) cũng chịu ảnh hưởng nặng nề trước “cơn bão” dịch Covid-19. Anh Tùng cho biết, vào những thời điểm được phép bán hàng, anh chủ động thực hiện các biện pháp phòng dịch đầy đủ. Ví dụ, cửa hàng của anh đã thực hiện nghiêm túc việc đeo khẩu trang, bán hàng mang về, giãn cách đầy đủ. Thậm chí, để tránh tiếp xúc giữa người bán và người mua, anh còn bố trí bàn mang về, khách chỉ cần đến để tiền và lấy đồ tại đây…

Chị Nguyễn Hằng, chủ cửa hàng giày dép trên phố Hàng Dầu (quận Hoàn Kiếm) cũng đang đối mặt với rất nhiều khó khăn. Chị cho biết, cửa hàng nhà mình đến nay đã hoạt động được gần 20 năm nhưng chưa bao giờ tình hình kinh doanh lại khó khăn như thời điểm này. Chống chọi với đại dịch suốt gần 2 năm qua, chị Hằng rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm, trong đó có việc thay đổi hình thức kinh doanh, mở rộng kênh tiêu dùng online, tăng cường dịch vụ chăm sóc khách hàng…

Người ta vẫn hay thường nhắc đến phố cổ Hà Nội như một khu vực sầm uất buôn bán. Nó chính là một tính chất xã hội đặc trưng dần trở thành nét văn hóa. Khi nhắc đến sự thay đổi để thích ứng của người dân đang sinh sống, kinh doanh tại đây, bà Lương Thị Quyến (sinh năm 1940) được biết đến là một trong những địa chỉ còn lưu giữ nghề may áo dài truyền thống ở phố cổ Hà Nội (phố Lương Văn Can, quận Hoàn Kiếm) cho rằng đó chính là bản lĩnh của người dân phố cổ. Họ như những người bơi ngược dòng để vượt qua khó khăn…

Kỳ 2: Phố cổ trong cơn bão dịch
Khu phố cổ trở nên “khác lạ” những ngày dịch Covid-19 bùng phát.

Chia sẻ thêm về sự khác lạ của phố cổ Hà Nội những ngày dịch Covid-19 bùng phát, đặc biệt là trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, bà Quyến nói rằng: Phố cổ Hà Nội khác lạ đến ngỡ ngàng, như quay về nhịp sống chậm của mấy chục năm về trước. Đặc biệt khi Thành phố “lên đèn” và khiến ai nấy đều có cảm giác đêm đến sớm, Hà Nội đang chìm trong đêm bởi sự tĩnh lặng, quang đãng mà vốn dĩ chỉ có vào những sớm mùng 1 Tết. “Nó đặc biệt lắm, làm tôi thêm nhớ, thêm yêu quý và trân trọng nơi này hơn bao giờ hết”, bà Quyến bày tỏ.

Có lẽ, sự tĩnh lặng của phố cổ Hà Nội thời điểm này đều khiến bất kỳ ai đã sống và gắn bó với nơi này phải cảm thấy ngạc nhiên và lạ lẫm lắm, bởi nó khác hẳn với thời điểm trước dịch Covid-19. Chỉ mới đây thôi, phố cổ Hà Nội vẫn là điểm đến hấp dẫn vào những dịp cuối tuần. Những loại hình nghệ thuật truyền thống như xẩm, ca trù, chầu văn… được tái hiện ngay ngoài trời, trên đường phố, giúp du khách hình dung phần nào về một chốn kinh kì, đô thị xưa, cảm nhận bề dày văn hóa truyền thống của Thăng Long – Hà Nội. Đan xen giữa những khúc đàn ca hoài cổ còn có nét hiện đại của nhiều loại hình nghệ thuật đường phố khác…

Có thể thấy, những người gắn bó với phố cổ Hà Nội, kể được chuyện của phố cổ như bà Hiền hay bà Quyến hiện nay không nhiều. Nhưng len lỏi đâu đó trong tận ngóc ngách, những người Tràng An hiếm hoi còn lại vẫn cố giữ lấy một Hà Nội xưa trong cuộc sống xô bồ này. Họ chính là những người chứng kiến sự thay đổi và kể những câu chuyện về phố cổ.

Kim Tiến / laodongthudo.vn

(Kỳ 3: Giảm thiểu tác động để bảo tồn)