Đến nay, sau 14 năm thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Thủ đô của chúng ta đã có bước phát triển mạnh mẽ, thay đổi diện mạo một cách đáng kể, phúc lợi xã hội cho người dân được nâng cao, giảm tỷ lệ đói nghèo, giáo dục được cải thiện, tốc độ đô thị hóa nhanh, phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng… Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, nỗ lực của Đảng bộ và nhân dân Thành phố, dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, kinh tế – xã hội nhanh chóng được phục hồi, kéo theo “đoàn tàu” kinh tế của Thủ đô phát triển.
Những vùng quê khởi sắc
Về những vùng ven của Thủ đô, dễ dàng cảm nhận được sự khác biệt giữa Hà Nội trước thời điểm chưa mở rộng và Hà Nội hôm nay. Sự phát triển mang tính bứt phá đã xoá nhoà dần đi những hình ảnh khó khăn của những vùng nông thôn, miền núi trong những ngày đầu hợp nhất.
Thủ đô có bước phát triển mạnh mẽ, thay đổi diện mạo một cách đáng kể. |
Trước khi “về Hà Nội” năm 2008, các xã: Đông Xuân, Tiến Xuân, Yên Bình, Yên Trung là 4 xã miền núi thuộc huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình điều kiện kinh tế – xã hội hết sức khó khăn, cơ sở vật chất gần như không có gì, hệ thống giao thông trên 90% là đường đất, mùa mưa lầy lội, giao thông bị chia cắt. Tuy nhiên, 14 năm qua, diện mạo của 4 xã đã đang đổi thay từng ngày.
Những ngày cuối tháng 7, đến Tiến Xuân, chúng tôi thấy bức tranh đổi mới miền quê này có nhiều mảng màu tươi sáng. Xã được đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng cơ sở thiết yếu phục vụ đời sống, phát triển sản xuất. Không chỉ riêng đường quốc lộ, đường liên huyện, liên xã mà ngay cả đường thôn, ngõ xóm cũng được thảm bê tông sạch đẹp.
Ô tô, xe máy chạy bon bon qua những tuyến đường nội thôn, nội đồng. Dọc bên đường và thấp thoáng giữa những tán cây là những ngôi nhà cao tầng, khang trang, hiện đại. Ðiện sinh hoạt được kéo về từng nhà. Tối đến, ánh đèn sáng trưng đường làng ngõ xóm, tiếng ti vi, tiếng đài loa rộn ràng…
Sinh ra và gắn bó với mảnh đất Tiến Xuân, bà Bùi Thị Bích Thìn (thôn 3, xã Tiến Xuân) cho biết: “Xã Tiến Xuân có 70% là người Mường từ lâu đã quen với cây lúa, cây ngô, cây sắn. Từ ngày sáp nhập với Hà Nội, vùng quê của chúng tôi có nhiều đổi mới. Rõ thấy nhất là hạ tầng giao thông, y tế, trường trạm được xây dựng. Từ làm nông đơn thuần, người dân nơi đây đã biết làm du lịch, dịch vụ; văn hóa cồng chiêng được bảo tồn và phát huy. Điều tôi thích nhất là các cơ sở trường học trong xã được đầu tư, các cháu có nơi học tập khang trang. Không còn cảnh đường đất ngày mưa thì lầy lội, nắng thì bụi mù, đám trẻ đi học xa vất vả ”, bà Thìn nói.
Với sự đầu tư tập trung, tương đối đồng bộ, hợp lý, Tiến Xuân là xã đầu tiên trong số các xã vùng đồng bào dân tộc miền núi của thành phố Hà Nội đạt chuẩn nông thôn mới. Hiện nay, với khoảng 7.800 dân, toàn xã chỉ còn 4 hộ nghèo, chiếm 0,23% (giảm 02 hộ so với năm 2020); hộ cận nghèo 19 hộ, chiếm 1,09%. Dù là xã dân tộc miền núi nhưng thu nhập bình quân đầu người năm 2021 của Tiến Xuân đã đạt 70 triệu đồng/người/năm. Bên cạnh phát triển nông, lâm nghiệp, xã Tiến Xuân còn tập trung hướng nghiệp, dạy nghề cho người dân. Trong đó, đến nay, trên địa bàn xã có 39 công ty, doanh nghiệp đang hoạt động có hiệu quả.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) xã Tiến Xuân Nguyễn Văn Nghĩa cho biết, chính nhờ sự quan tâm phát triển cơ sở hạ tầng cùng với những giải pháp đồng bộ là động lực giúp thúc đẩy các lĩnh vực tăng tốc, tốc độ tăng trưởng kinh tế trên địa bàn xã năm sau cao hơn năm trước. Năm 2022, xã phấn đấu thu nhập bình quân đầu người đạt 76 triệu đồng/người/năm. Xã cũng sẽ tiếp tục quan tâm đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng có hiệu quả, áp dụng biện pháp kỹ thuật công nghệ cao vào sản xuất. Cùng với diện mạo kinh tế mới, xã tiếp tục có kế hoạch gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống bản sắc dân tộc Mường.
Mô hình phát triển kinh tế của người dân xã miền núi huyện Thạch Thất. |
Không chỉ riêng với xã Tiến Xuân, sau 14 năm hợp nhất, Thành phố đã có nhiều giải pháp thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn và đô thị để luôn xứng đáng với vị trí, vai trò và trách nhiệm là động lực phát triển của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước. Diện mạo Thủ đô không chỉ tập trung phát triển ở các quận trung tâm mà sự thay đổi đáng kể cũng được ghi nhận tại các xã, địa bàn thuộc tỉnh Hà Tây cũ.
Xã Hồng Dương (huyện Thanh Oai) là điểm sáng trong xây dựng nông thôn mới nâng cao trong thời gian qua. Hiện xã đang xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu vào cuối năm 2022. Từ khi sáp nhập về Hà Nội, miền quê này có một sức sống mới. Thu nhập bình quân đầu người đạt 63,9 triệuđồng/người/năm. Phát huy thế mạnh tuyến đường 21B, đường Hồng Dương – Liên Châu, hoạt động buôn bán giao dịch của xã đẩy mạnh đem lại thu nhập cho hàng nghìn lao động.
Trên địa bàn xã Hồng Dương đã hình thành các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, chất lượng cao như: Vùng chăn nuôi xa khu dân cư (gần 50ha); vùng nuôi trồng thủy sản tập trung (hơn 40,9ha); vùng trồng rau an toàn, công nghệ cao (hơn 51,67ha). Theo Chủ tịch UBND xã Hồng Dương Nguyễn Duy Hùng, hiện nay xã Hồng Dương đang tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, hiệu quả và phát triển bền vững; đồng thời tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân phát triển sản xuất, kinh doanh và nâng cao thu nhập.
Đánh giá về 14 năm sau khi hợp nhất về Thủ đô tại huyện Thanh Oai, Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Bùi Văn Sáng nhận định: Việc hợp nhất về Thủ đô đã tạo điều kiện, cơ hội, bổ sung nguồn lực, sức mạnh cho huyện Thanh Oai phát triển. Trong đó đặc biệt là huyện được Thành phố đầu tư xây dựng về hạ tầng, giao thông; kết cấu hạ tầng kỹ thuật – xã hội được đầu tư đồng bộ.
Trong xây dựng nông thôn mới, đến nay, 20/20 xã của huyện đã đạt chuẩn nông thôn mới, 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Sau hơn 10 năm xây dựng nông thôn mới, huyện Thanh Oai được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn huyện nông thôn mới năm 2020. Nhiều nhóm tiêu chí xây dựng nông thôn mới đạt kết quả cao như: 100% đường trục chính nội đồng được cứng hóa, đường liên thôn được bê tông, dải nhựa apphal… Việc thực hiện quy hoạch vùng cũng đang được huyện gấp rút triển khai, theo hướng xây dựng huyện Thanh Oai thành đô thị xanh, hiện đại, văn minh của thành phố Hà Nội.
Phát triển tương xứng với tầm vóc mới
Nhìn lại 14 mở rộng địa giới hành chính, Hà Nội đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách để phát triển ngày càng tương xứng với tầm vóc mới. Đúng với tinh thần ưu tiên thúc đẩy, hạ tầng “phải đi trước một bước”, hệ thống quy hoạch của Thủ đô đã cơ bản được hoàn thiện. Trong đó, các đồ án quy hoạch chung đô thị đã được UBND Thành phố phê duyệt bảo đảm phủ kín 100%.
Diện mạo nông thôn xã Hồng Dương ngày càng khang trang, sạch đẹp. |
Trong 38 đồ án quy hoạch phân khu đô thị khu vực đô thị trung tâm, hiện UBND Thành phố đã phê duyệt đầy đủ 38/38 đồ án quy hoạch phân khu đô thị. Kết quả từ sau khi thực hiện Chương trình số 05-CTr/TU, UBND thành phố phê duyệt thêm 8 đồ án Quy hoạch phân khu nội đô, Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, Quy hoạch phân khu sông Đuống; các đồ án đã được công bố rộng rãi theo quy định. Sau Quy hoạch chung, Hà Nội cũng đã tiến hành triển khai hàng loạt quy hoạch ngành, lĩnh vực, quy hoạch phân khu trên địa bàn… Từ đó, bộ mặt đô thị chuyển biến không ngừng với hàng loạt công trình, dự án lớn; chất lượng đô thị không ngừng được nâng lên. Hà Nội không chỉ rộng mà thực sự ngày càng lớn mạnh và hiện đại.
Riêng trong 6 tháng đầu năm 2022, Thành phố đã thực hiện các giải pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội một cách mạnh mẽ. Các hoạt động sản xuất, kinh doanh phục hồi nhanh, kinh tế Thủ đô đạt kết quả tích cực. GRDP quý II ước tăng 9,49% – cao hơn 1,4 lần kịch bản đưa ra đầu năm (6,4-6,9%). Lũy kế 6 tháng GRDP tăng 7,79% – gấp 1,29 lần mức tăng cùng kỳ năm 2021 (6,02%) và 1,08 lần mức tăng cùng kỳ năm 2019 (7,21% – thời điểm chưa xảy ra dịch Covid-19). Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước thực hiện 177.464 tỷ đồng, đạt 56,9% dự toán, bằng 122,4% so với cùng kỳ năm 2021.
Kim ngạch xuất khẩu quý II ước đạt 4,42 tỷ USD, tăng 19% so với cùng kỳ. Ngành Du lịch Thành phố cũng có bước khôi phục “thần tốc”. Cùng với việc tổ chức SEA Games 31, khách du lịch quốc tế đến Hà Nội quý II tăng 374% và lũy kế 6 tháng đầu năm đạt 234 nghìn lượt, tăng 232% (cùng kỳ giảm 86,2%). Khách du lịch trong nước quý II tăng 188% và lũy kế 6 tháng đầu năm tăng 142% (cùng kỳ giảm 17,7%)…
Có thể thấy, sự phát triển vượt bậc của Thủ đô trong 14 năm qua đã khẳng định tính đng đắn, tầm nhìn chiến lược, ý nghĩa lịch sử, thực tiễn lâu dài của chủ trương mở rộng địa giới hành chính đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô trong thời kỳ công nghiệp hóa – hiện đại hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Những thành công đó đã khẳng định những nỗ lực vượt bậc, minh chứng sinh động và thuyết phục cho tinh thần đoàn kết, hợp tác và trách nhiệm, chủ động, sáng tạo của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân thành phố Hà Nội trong quá trình xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại.
Hà Nội đã biến những khó khăn, thách thức trở thành động lực để hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế – xã hội. |
Phát huy kết quả, thời gian tới, Thành phố Hà Nội đặt mục tiêu tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả Chương trình phòng chống dịch Covid-19 (2022-2023) của Chính phủ; thực hiện thành công 22 chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội năm 2022, trong đó hoàn thành mục tiêu tăng trưởng GRDP 7-7,5%.
Xác định nhiệm vụ chính trị hàng đầu, Thành phố sẽ tổ chức thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và đẩy nhanh công tác quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050…
Thực hiện hiệu quả chủ đề năm 2022 “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”, không chỉ triển khai nhiệm vụ đồng bộ toàn diện trên các lĩnh vực, Thành phố đặt mục tiêu thúc đẩy sự phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội; đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án đầu tư; hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án Đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội; tiếp tục cơ cấu lại các ngành kinh tế, phát triển các mô hình kinh tế mới…
Đồng thời phát triển các lĩnh vực văn hóa, thông tin; triển khai thực hiện Nghị quyết chuyên đề của Thành ủy về phát triển công nghiệp văn hóa; tổ chức thành công Đại hội Thể dục thể thao Thủ đô lần thứ X; thực hiện Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước. Đảm bảo an sinh xã hội; thực hiện giảm nghèo bền vững theo chuẩn mới ban hành của Thành phố…